Thành phố xây dựng 2 bệnh viện dã chiến quy mô 500 giường phòng dịch corona
Chiều 3/2, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân chủ trì buổi họp kiểm tra công tác phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra với lãnh đạo các sở ban ngành, lãnh đạo 24 quận huyện trên địa bàn Thành phố. Tại buổi họp, ông Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế cho biết, Thành phố đang tiến hành xây dựng 2 bệnh viện dã chiến nhằm phòng chống dịch viêm phổi cấp do virus corona gây ra.
Theo ông Bỉnh, trường hợp sử dụng 2 bệnh viện dã chiến khi số ca nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra vượt quá khả năng điều trị tại các khoa, bệnh viện có phòng cách ly. Hiện Bộ Tư lệnh và Sở Y tế TP.HCM đang phối hợp khẩn trương xây dựng hai bệnh viện dã chiến với quy mô 500 giường bệnh, trong đó có 30 giường bệnh hồi sức tích cực.
Cụ thể, bệnh viện cơ sở 1 được đặt tại xã Nhuận Đức, huyện Củ chi với quy mô 300 giường bệnh, có ít nhất 20 giường hồi sức tích cực. Cơ sở 2 được đặt tại xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè với quy mô 200 giường bệnh, có ít nhất 20 giường hồi sức tích cực. Dự kiến các bệnh viện này sẽ hoàn thành vào ngày 15/2.
(Theo báo Tuổi Trẻ).
Đủ kiểu dạy và học qua mạng
Cũng theo thông tin trên báo Tuổi Trẻ, ngày 3/2, nhiều giáo viên cũng như nhà trường chủ động dạy trực tuyến, từ xa qua mạng để học sinh, sinh viên không mất bài trong những ngày nghỉ để phòng dịch bệnh do virus corona chủng mới.
Trong đó, giáo viên một số trường ở TP.Hồ Chí Minh đã chủ động giao bài cho học sinh qua các phần mềm dạy học, thậm chí cả qua... Facebook và Zalo.
Các trường đại học cũng sôi động không kém. Ngay sau khi thông báo cho sinh viên nghỉ học thêm một tuần, khoa công nghệ thông tin Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) đã triển khai nhiều dạng flipped classroom (lớp học lật ngược).
Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh sáng 3/2 cũng đã phổ biến đến giảng viên và sinh viên tăng cường học theo hình thức online. ThS Nguyễn Minh Triết - phụ trách Trung tâm dạy học số nhà trường - cho hay hệ thống học trực tuyến LMS nhà trường đã "chạy" gần 2 năm qua. "Với hệ thống LMS, nhà trường đã cung cấp cho tất cả giảng viên và sinh viên tài khoản. Ngay sau khi đăng ký môn học, sinh viên có thể truy cập tài khoản của mình để tham gia các lớp học trực tuyến cùng giảng viên. Thông qua hệ thống này, giảng viên cung cấp clip bài giảng, tài liệu học tập để sinh viên tham khảo. Đến khi trở lại lớp học sau thời gian nghỉ, sinh viên không mất nhiều thời gian học bù", ông Triết cho biết thêm.
Trong khi đó, PGS.TS Trần Thị Mỹ Diệu - Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang - cho biết tất cả môn học đã lên lịch trong tuần nghỉ, giảng viên đưa bài giảng, bài tập lên trang học trực tuyến của trường. Sinh viên sử dụng tài khoản của mình để vào trang và tải bài về để học và làm bài tập để kịp tiến độ.
PGS.TS Hồ Thanh Phong - Hiệu trưởng Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng - cũng cho hay trường này yêu cầu các khoa, ngành giữ liên lạc với sinh viên, thực hiện đưa bài giảng và học tập từ xa để sinh viên có thể tìm hiểu và học tập trong những ngày nghỉ...
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD&ĐT, trong 1 tuần nghỉ học các trường không giảng dạy bài mới cho học sinh mà chỉ giao bài tập hoặc hướng dẫn học sinh ôn tập, củng cố kiến thức đã học.
Chuyển 1 lao động Trung Quốc nghi nhiễm nCoV đến Bệnh viện Chợ Rẫy
Báo điện tử VietnamPlus đưa tin: Ngày 4/2, ông Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai cho biết đơn vị vừa chuyển một lao động Trung Quốc nghi nhiễm chủng mới của virus corona (nCoV) từ Đồng Nai đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) để tiếp tục theo dõi.
Bệnh nhân H.G. (50 tuổi, quê ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) làm việc trong khu công nghiệp ở Đồng Nai và sống tại phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa. Trước đó, trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý, ông H.G. trở về nhà ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc (nơi khởi phát dịch bệnh nCoV).
Sau khi ở nhà 16 ngày ông H.G. quay trở lại Việt Nam bằng đường hàng không. Trước khi đến Việt Nam, ông H.G. quá cảnh tại Thái Lan và lưu trú ở đó 5 ngày. Nhận được thông tin có lao động Trung Quốc trở về từ vùng dịch, chiều 3/2, ngành y tế Đồng Nai đã phối hợp cùng với lực lượng công an để tiếp cận ông H.G và kiểm tra thân nhiệt ngay khi ông này vừa từ sân bay vào đến thành phố. Kết quả cho thấy ông H.G. bị sốt 38,2 độ C, ho ít, có cảm giác mệt mỏi.
Lực lượng chức năng đã chuyển ngay ông H.G. đến Bệnh viện Chợ Rẫy để theo dõi tình trạng sức khỏe và thực hiện các phương án cách ly theo quy định.
Bệnh nhân thứ 10 tại Việt Nam nhiễm nCoV
Thông tin từ hệ thống giám sát dịch cho biết bệnh nhân nhiễm nCoV thứ 10 tại Việt Nam là người thân của bệnh nhân Nguyễn Thị D. (23 tuổi, ở huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc).
Bệnh nhân D. khởi phát bệnh ngày 25/1 tại nhà, được Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương lấy mẫu ngày 27/1, (kết quả nhiễm nCoV). Đây là 1 trong những người trở về từ Vũ Hán, Trung Quốc hôm 17/1, đã tiếp xúc với nhiều người trước khi nhập viện.
Trường hợp nhiễm nCoV thứ 10 ghi nhận tại Việt Nam cũng là ca đầu tiên lây trong cộng đồng, là ca nhiễm thứ phát từ người đi về từ vùng dịch tại Vũ Hán, Trung Quốc.
Như vậy, chỉ trong vòng hơn 2 ngày qua, Việt Nam đã công bố 3 ca nhiễm nCoV mới.
Trong 10 ca nhiễm nCoV tại Việt Nam (2 cha con người Trung Quốc, 8 người Việt Nam), đã có 3 người khỏi bệnh và xuất viện. Trong đó, con trai của người đàn ông Trung Quốc (điều trị tại TP. Hồ Chí Minh), 1 bệnh nhân nữ (tại TP. Nha Trang, Khánh Hòa) và 1 bệnh nhân (nữ) tại Thanh Hóa.
(Theo báo Thanh Niên).
Dồn lực cho các dự án giao thông trọng điểm
Nội dung trên báo Người Lao Động: Theo ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Thành phố, năm 2020 được xem là mốc thời gian quan trọng, mục tiêu hoàn thành nhiều công trình xóa điểm nghẽn trước mắt cũng như gấp rút thực hiện các thủ tục để kiến nghị đẩy nhanh nhiều dự án lớn mang tính chiến lược.
Cụ thể, ở khu vực sân bay sẽ mở rộng đường Hoàng Hoa Thám, tuyến Trường Chinh đoạn từ đường Cách Mạng Tháng Tám đến Phạm Văn Bạch, đặc biệt là sẽ đẩy nhanh các thủ tục sớm phê duyệt, triển khai việc giải phóng mặt bằng dự án song hành đường Cộng Hòa để phục vụ xây dựng nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất.
Ở khu vực cảng Cát Lái, sẽ tập trung triển khai nhiều dự án quanh cảng như mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh, đoạn từ đường Vành đai 2 (Võ Chí Công) đến nút giao đường 990. Đồng thời, tiếp tục giai đoạn 2 nút giao Mỹ Thủy cùng việc mở rộng đường Đồng Văn Cống.
Song song đó là sớm xây dựng nút giao An Phú, đoạn đầu từ đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây... Một dự án quan trọng khác cũng được khởi công là nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7), xóa điểm kẹt xe, tai nạn tại khu vực này.
Một trong nhiều công trình được kỳ vọng năm 2020 hoàn thành và đưa vào khai thác là cầu Thủ Thiêm 2 - bắc qua sông Sài Gòn - nối trung tâm Thành phố và khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2). Đây được xem là một trong những công trình giải tỏa ùn tắc cho khu Đông.
Một dự án đặc biệt quan trọng khác là Bến xe Miền Đông mới (quận 9), đây là bến xe lớn nhất nước khi có thể phục vụ hơn 7 triệu lượt hành khách mỗi năm. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 4.000 tỉ đồng, khởi công tháng 4-2017, ngoài việc tăng năng lực phục vụ hành khách, bến xe này cũng sẽ giải tỏa tình trạng kẹt xe ở khu trung tâm, nhất là xung quanh khu vực bến xe hiện hữu tại quận Bình Thạnh.
Một dự án khác cũng được kỳ vọng trong năm nay là hầm chui An Sương (nhánh N2, phía huyện Hóc Môn). Nhánh hầm này đưa vào khai thác sẽ tạo thành nút giao 3 tầng, xóa "điểm đen" kẹt xe và tai nạn ở cửa ngõ phía Tây Bắc Thành phố. Công trình này trước đó vướng nhiều khó khăn liên quan đến giải phóng mặt bằng, dẫn đến chậm tiến độ. Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị Thành phố, nhánh N2 dự án nút giao An Sương dự kiến hoàn thành tháng 6/2020, sẽ giúp giảm giao cắt, xung đột giữa các hướng lưu thông, đồng thời tạo diện mạo mới cho giao thông khu vực phía Bắc Thành phố.
Tòa phát khẩu trang miễn phí cho dân đến làm việc
Sáng 4/2, khi cả nước đang cùng nhau phòng chống dịch bệnh do virus Corona, ghi nhận tại TAND Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh, nhân viên bảo vệ nhắc nhở và phát khẩu trang miễn phí cho người dân đến làm việc. Đoàn cơ sở TAND cấp cao tại Thành phố cho biết đơn vị thực hiện nghiêm Công văn 31/TANDTC-VP về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do vi rút Corona gây ra của TAND Tối cao.
Theo đó, tòa đã phát khẩu trang cho cán bộ, viên chức, người lao động trong đơn vị và cho người dân, tổ chức đến làm việc, tham gia phiên toà...
Đối với những cá nhân không đeo khẩu trang trong khuôn viên toà án sẽ được bảo vệ nhắc nhở và phát khẩu trang mới yêu cầu đeo ngay. Theo đó, vì sức khoẻ cá nhân và cộng đồng, mỗi người nên dùng một khẩu trang mỗi ngày.
Đơn vị này cho biết, chương trình được đưa vào hoạt động từ thứ hai ngày 3/2. Ban đầu Đoàn cơ sở đã huy động chuẩn bị được hơn 500 khẩu trang từ nhiều nguồn chủ yếu từ các cá nhân trong cơ quan.
Hiện cơ quan đã phát hơn 110 khẩu trang cho người dân đến toà làm việc trong những ngày đầu năm. Đoàn đang tiếp tục huy động sự hỗ trợ từ các mạnh thường quân, chung tay chống dịch bệnh.
(Theo báo Pháp Luật TPHCM).