Sẵn sàng trở lại trường học an toàn
Trước đó, công tác vệ sinh phòng học, lau dọn bàn ghế, bố trí phòng cách ly, chốt phương án chia lớp… đã được các trường trên địa bàn TP triển khai, để chuẩn bị đón học sinh khối 9, 12 trở lại trường vào sáng 4.5.2020.
Theo ghi nhận trên báo Pháp Luật TP, để đảm bảo khoảng cách an toàn trong lớp học, trường THPT Phú Nhuận tổ chức tách lớp làm đôi, một nhóm học buổi sáng, một nhóm học buổi chiều. Mỗi em sẽ ngồi một bàn và được bố trí theo hình zích zắc. Giờ học, giờ chơi cũng được bố trí lệch nhau để hạn chế tập trung đông người. Nhà trường đã tận dụng nhà thi đấu làm phòng cách ly, trong phòng có ghế bố, chuẩn bị sẵn nước sát khuẩn, khẩu trang và có nhà vệ sinh bên trong.
Tương tự, tại Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, trong tuần đầu tiên HS khối 9, 12 chỉ học một buổi. Từ ngày 11/5, các hoạt động dạy học hai buổi/ngày sẽ được khôi phục. Nhà trường cũng tạm ngưng các hoạt động diễn ra vào các ngày thứ Bảy, Chủ nhật. Hoạt động xe đưa rước sẽ được tổ chức từ ngày 4/5, hoạt động bán trú từ ngày 11/5 nhưng trường sẽ tính toán giảm số lượng để đảm bảo an toàn. Việc giảm số lượng HS đi xe đưa rước, bán trú thực hiện trên tinh thần ưu tiên HS có hộ khẩu thường trú ở các quận/huyện xa trường.
Ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng GD&ĐT quận Bình Tân, cho biết hiện chưa trường nào tổ chức bán trú. Thời điểm này, các trường mong phụ huynh phối hợp đưa đón con em để đảm bảo an toàn. Nếu có tổ chức bán trú thì sau hai tuần nữa, xem xét diễn biến tình hình mới quyết định.
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng phòng GD&ĐT quận 9, cũng cho hay theo báo cáo, đến thời điểm này chưa trường nào tổ chức bán trú. Sau khi sinh hoạt với HS trong ngày 4-5, các trường sẽ tham khảo ý kiến của phụ huynh xem nhu cầu như thế nào rồi mới quyết định. Nếu có tổ chức phải sau hai tuần khi mà các hoạt động đã bắt đầu đi vào ổn định, phụ huynh cũng yên tâm, các trường khi đó cũng đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.
Đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng dịch COVID-19
Thông tin từ báo điện tử Vietnamplus, tại nhiều xã, phường, dù đang trong kỳ nghỉ lễ song lực lượng chức năng vẫn tiến hành chi trả tiền hỗ trợ kịp thời cho các nhóm gia đình chính sách, người có công, người hưởng bảo trợ xã hội, người nghèo, cận nghèo gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Theo ông Trần Khánh Linh - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường 5, quận 3, do tính cấp thiết nên việc hỗ trợ cần làm ngay, có đến đâu chi đến đó. Đối với các trường hợp còn lại, phường phấn đấu hoàn thành trước ngày 5/5 tới.
Trước đó, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm đã ký Quyết định bổ sung dự toán kinh phí năm 2020 để hỗ trợ các đối tượng trên địa bàn TP gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 42 của Chính phủ (gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng).
Theo ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP, các gói hỗ trợ được giám sát, chuyển đến đúng người và đảm bảo trong thời gian sớm nhất.
Nhiều xã, phường đã chuyển trực tiếp qua ATM, qua tài khoản riêng hoặc đến tận nhà chi trả hỗ trợ các trường hợp chính sách; chi trả trực tiếp tại cơ quan hoặc tại nhà các trường hợp hưởng bảo trợ xã hội, người nghèo, cận nghèo gặp khó khăn. Nếu là công nhân bị ngừng việc, mất việc trong các doanh nghiệp tại các khu thì Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Khu Công nghiệp, Khu Công nghệ cao kiểm tra, giám sát và chi qua tài khoản riêng hoặc tài khoản ATM.
Cửa ngõ đông nhưng không kẹt xe kéo dài sau nghỉ lễ
Cũng trên báo điện tử Vietnamplus, sau kỳ nghỉ lễ kéo dài, nhiều người dân đã quay trở lại TP. Hồ Chí Minh trong chiều 3/5 khiến tình hình giao thông tại một số cửa ngõ của TP gặp ách tắc. Các cửa ngõ miền Tây, bến phà Cát Lái, cao tốc TP. Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây... lượng phương tiện khá đông, tuy nhiên không xảy ra tắc đường kéo dài.
Tại phà Cát Lái nối huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) với Quận 2 (TP. Hồ Chí Minh), lượng phương tiện bắt đầu đông từ khoảng 16 giờ chiều kéo dài đến tối cùng ngày. Xe ôtô xếp hàng dài khoảng 500m để chờ đến lượt, trong khi xe máy nhích từng chút để lên phà.
Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Phó Giám đốc Xí nghiệp Quản lý phà Thanh niên xung phong cho biết, trong chiều 3/5, tất cả 6 phà tại bến phà Cát Lái đều phải hoạt động; trong đó có 1 chiếc được tăng cường thêm từ phà Bình Khánh, mới đáp ứng đủ nhu cầu của hành khách.
Tại Quốc lộ 1, đoạn từ cầu vượt Nguyễn Văn Linh tới cầu Bình Điền (huyện Bình Chánh), lượng phương tiện từ các tỉnh miền Tây dồn về khá đông, khiến khu vực này ùn ứ. Các phương tiện giao thông phải nhích từng đoạn kéo dài. Cảnh sát giao thông cùng lực lượng thanh niên xung phong thường xuyên túc trực tại các nút giao thông quan trọng để điều tiết, tránh xảy ra ùn tắc kéo dài.
Trong khi đó, tại bến xe miền Đông và bến xe miền Tây, lượng xe liên tục vào bến để trả khách nhưng không quá đông như các năm trước. Các tuyến đường quanh khu vực bến xe miền Đông, tình hình giao thông khá ổn định.
Trưa cùng ngày, trên cao tốc TP. Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây, lượng phương tiện về TP. Hồ Chí Minh đông, cùng với sự cố giao thông (xe chết máy) khiến lưu thông gặp khó khăn. Sau khi sự cố được giải quyết, tình hình giao thông trên cao tốc đã trở lại ổn định.
Giá thu gom rác mới cần căn cứ thực tế
Trong khi chờ UBND TP điều chỉnh Quyết định 38/2018/QĐ-UBND, nhiều quận huyện vẫn áp dụng đơn giá cũ, một số ít nơi ban hành giá dịch vụ thu gom mới và phát sinh nhiều bất cập. Đó là phản ánh trên báo Người Lao Động về giá thu gom rác hiện nay trên địa bàn TP.
Gần 10 năm thu gom rác (TGR) dân lập, bà Lê Thị Sương (hộ TGR trên địa bàn xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi) cho biết chưa bao giờ hộ TGR khó khăn như lúc này. Trước năm 2018, giá TGR trung bình khoảng 15.000 – 16.500 đồng/hộ/tháng. Do đặc thù ngoại thành, nhà dân cách xa nhau nên giá rác được người thu gom thỏa thuận với hộ dân tăng lên 16.000 – 20.000 đồng/hộ/ tháng tùy trường hợp, gom rác 2 lần/tuần, người gom rác trực tiếp thu tiền.
Mức giá trên đã thấp so với thực tế bởi tuy ký hợp đồng gom rác 2 lần/ tuần nhưng người TGR phải đi 4 lần/ tuần mới gom kịp. Chưa kể, từ 2 năm trước, hộ TGR phải vay tiền mua xe tải chuyển đổi phương tiện theo yêu cầu của UBND TP, đến nay vẫn còn nợ.
Bà Sương cho biết, khi nghe UBND huyện Củ Chi xây dựng giá rác mới, hộ TGR rất mừng. Thế nhưng, từ ngày 1/9/2019, toàn huyện áp dụng mức giá mới là 16.726 đồng/hộ/tháng, áp dụng 3 năm từ 2019 đến 2021. Chưa kể việc giao cho UBND xã thu hộ tiền rác đã phát sinh nhiều rắc rối. Dẫn chứng, khi trực tiếp đi thu tiền rác, hộ của bà thu được 2.200 hộ/ đường dây rác, khi giao về cho xã thu hộ, bà chỉ nhận được tiền rác của gần 1.600 hộ, mà theo đại diện các ấp cho biết là do nhiều hộ không chịu đóng tiền rác (?).
Ngoài sự sụt giảm số hộ đóng tiền rác, giá rác không tăng, các hộ TGR còn phản ánh bị giảm thu nhập từ các hộ kinh doanh quán ăn, nhà trọ, trường học… bởi UBND xã vẫn tính các trường hợp này là hộ gia đình thay vì trước đó người thu gom tự thỏa thuận giá rác.
Ông Lê Đình Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, thừa nhận mức giá thu gom rác huyện vừa ban hành còn thấp so với thực tế và đang đề xuất Sở Tài nguyên và Môi trường tăng giá thu gom. Do mới triển khai việc thu hộ về UBND các xã nên một số đơn vị chưa ký hợp đồng kịp khiến số liệu hộ dân trồi sụt, các địa phương sẽ tiếp tục thống kê đầy đủ.
Ngoài huyện Củ Chi, quận Phú Nhuận cũng có thông báo về việc tạm thu giá dịch vụ TGR áp dụng trong thời gian chờ UBND TP điều chỉnh QĐ 38. Trong khi đó, các địa phương như huyện Bình Chánh, quận 12 cũng đợi TP điều chỉnh QĐ 38.
Gắn kết giao thông metro và xe buýt
Tiến độ thi công tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên (Metro số 1), đang đi vào giai đoạn cuối. Ngay từ bây giờ, việc gắn kết giao thông giữa metro và hệ thống xe buýt hiện hữu đã được chú ý. Nội dung được đăng tải trên báo Sài Gòn Giải Phóng.
Theo dự báo của Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.Hồ Chí Minh, số lượng hành khách lên xuống tại các nhà ga Metro số 1 sẽ rất lớn, vượt quá mức độ phát sinh nhu cầu tại khu vực lân cận các nhà ga, trong bán kính đi bộ 500m.
Song song đó, mức độ phân bổ và phát triển dân cư dàn trải hiện nay của TP cũng sẽ ảnh hưởng đến khả năng vận hành của Metro số 1, nếu khâu tổ chức, phối hợp và liên kết giao thông không đồng bộ.
Trong chiều hướng này, sự bổ trợ của xe buýt là một phương án khả thi và hiệu quả, giúp thu gom và giải tỏa khách từ các nhà ga Metro số 1 tới các khu vực khác và ngược lại.
Các chuyên gia nhận xét, việc tổ chức kết nối các tuyến xe buýt với các nhà ga Metro số 1 sẽ đem lại những hiệu quả tích cực về kinh tế - xã hội. Việc điều chỉnh mạng lưới tuyến xe buýt dọc hành lang xa lộ Hà Nội và xây dựng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật giúp hành khách tiếp cận an toàn, dễ dàng với các nhà ga Metro số 1 sẽ giúp khai thác hiệu quả tuyến metro đầu tiên của TP.
Không những thế, trên bình diện xã hội, việc kết nối đồng bộ, thuận tiện các loại hình vận tải hành khách công cộng, ở đây là metro và xe buýt, sẽ đem lại tác dụng khác là thu hút người dân chuyển sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng thay vì sử dụng phương tiện cá nhân. Đây chính là tiền đề quan trọng góp phần kéo giảm tai nạn và ùn tắc giao thông trên địa bàn TP.
Đẩy nhanh điều tra, khởi tố những vi phạm về hàng gian, hàng giả
Báo Người Lao Động cho hay, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến, Trưởng ban Ban chỉ đạo chống buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả TP (Ban Chỉ đạo 389), vừa ký ban hành kế hoạch triển khai công tác phòng, chống gian lận xuất xứ hàng hóa trên địa bàn TP năm 2020.
Kế hoạch trên nhằm tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ngành, lực lượng chức năng để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ và xử lý nghiêm các hành vi gian lận xuất xứ hàng hóa, lợi dụng xuất xứ Việt Nam; xuất khẩu sang nước thứ ba nhằm né tránh các biện pháp phòng vệ thương mại và bảo hộ kinh tế.
Theo đó, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến yêu cầu Cục Quản lý thị trường TP chủ trì, triển khai các đợt cao điểm trong công tác kiểm soát, đấu tranh, phòng chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận, giả mạo xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Công an TP chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, công an các cấp phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tăng cường công tác nắm tình hình, điều tra, phát hiện, ngăn chặn, triệt phá các đường dây, ổ nhóm sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam; đặc biệt là các đối tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng, nâng giá, sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Viện KSND TP, TAND TP điều tra khởi tố nhanh những vụ vi phạm có dấu hiệu hình sự do các cơ quan chức năng chuyển giao và do chính đơn vị bắt giữ.
Giá căn hộ chung cư giảm
Cụ thể, theo khảo sát của chuyên trang batdongsan.com.vn ghi nhận thị trường bất động sản tháng 4-2020 cho thấy tùy dự án và khu vực, thị trường chung cư thứ cấp TP.Hồ Chí Minh ghi nhận mức giá giảm 5%-10%. Báo Pháp Luật TP đưa tin.
Hiện tượng giảm giá của thị trường thứ cấp được nhận định sẽ tiếp tục gia tăng tại nhiều dự án đã triển khai trên thị trường do người mua thực, giới đầu tư không chịu được áp lực từ các kỳ hạn thanh toán trong bối cảnh thu nhập sụt giảm vì dịch bệnh.
Riêng với thị trường sơ cấp, giá bán vẫn tiếp tục tăng 8%-12% so với cùng kỳ 2019. Dòng nhà ở bình dân, giá chào bán đã tăng từ 28-29 triệu đồng/m2 thời điểm đầu năm 2019 lên mức trung bình 30-32 triệu đồng/m2 ở hiện tại. Phân khúc nhà ở trung cấp có giá bình quân lên đến 43 triệu đồng/m2 và loại hình chung cư cao cấp chạm mức 58-60 triệu đồng/m2.
Tại các thị trường giáp ranh TP. Hồ Chí Minh, dữ liệu trực tuyến của batdongsan.com.vn cho thấy nhu cầu tìm kiếm và giao dịch nhà, đất tại các thị trường tỉnh đang có xu hướng giảm mạnh.
Đi uống cà phê trả tiền bằng sách
Tới tiệm cà phê mang theo một cuốn sách cũ, được một phần đồ uống miễn phí. Chưa kể, bạn tha hồ được đọc hàng trăm cuốn sách tại tiệm, cũng như kết nối với những người bạn cùng sở thích. Đó là hoạt động “Uống cà phê trả tiền bằng sách”, diễn ra tại một tiệm cà phê ở số 50 Nguyễn Khắc Nhu, quận1, mỗi tuần có một buổi (cuối tuần). Nội dung này được đăng tải trên báo Thanh Niên.
Trên con phố yên ả của TP. Hồ Chí Minh sáng chủ nhật, tiệm cà phê sách cũ rất đông vui. Hai kệ sách để ngay trước tiệm, một kệ tặng bạn tới chơi, ai cũng có thể lấy một cuốn miễn phí. Kệ còn lại để đổi, bạn mang cuốn sách nào tới, sẽ được mang về một cuốn khác.
Đặc biệt, ghé tiệm uống cà phê, bạn không phải trả tiền đồ uống của mình, chỉ cần mang một cuốn sách cũ bất kỳ. Nhiều bạn trẻ chia sẻ, không chỉ được một phần cà phê uống tại quán, những cuốn sách cũ còn đổi được nhiều niềm vui trong một sáng cuối tuần đẹp trời.
Uống cà phê trả tiền bằng sách là ý tưởng của chủ tiệm - anh Lê Bá Tân (32 tuổi), từng có 4 năm làm giáo viên THPT tại TP, là một người rất mê sách.
Anh Tân cho biết, trong không gian nhỏ của tiệm cà phê, những cuốn sách cũ kết nối những tâm hồn người trẻ. Có những tinh thần tích cực được lan tỏa với nhau trong mùa dịch Covid-19, sau một sáng kể cho nhau nghe về sách. Đó cũng chính là giá trị trao đi mà anh Tân mong muốn.