Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 04/6/2020

10:37 04/06/2020

Trung tâm Báo chí tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TP. Hồ Chí Minh trên các báo ra ngày 04/6/2020:

Cảnh báo nguy cơ dịch bệnh sốt xuất huyết bùng phát

Thông tin từ Vietnamplus, chỉ trong tuần cuối của tháng 5/2020, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã phát hiện 8/117 trường học được kiểm tra có ổ lăng quăng, dù học sinh vẫn đang đi học bình thường.

Mặc dù so với cùng kỳ năm 2019, dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh giảm mạnh nhưng vẫn có nguy cơ bùng phát nhanh nếu người dân chủ quan. Đáng chú ý đã có nhiều ổ lăng quăng được phát hiện gần đây tại các trường học. Thông tin được đưa ra tại Hội nghị giao ban công tác y tế dự phòng do Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh tổ chức ngày 3/6.

Cán bộ y tế phường Tân Quý, quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra lăng quăng tại khu dân cư. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)
Cán bộ y tế phường Tân Quý, quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra lăng quăng tại khu dân cư. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Bác sỹ Lê Hồng Nga, Trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP cho biết, đến đầu tháng 6/2020, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn giảm 72% so với cùng kỳ năm 2019. Bên cạnh đó, các bệnh truyền nhiễm khác như tay chân miệng, sởi cũng giảm mạnh từ 70-90% so với năm ngoái.

Đánh giá nguyên nhân, bác sỹ Lê Hồng Nga cho rằng, các loại bệnh truyền nhiễm giảm phần lớn do hiệu quả từ các hoạt động tăng cường phòng chống dịch Covid-19, người dân thực hiện vệ sinh cá nhân và không tụ tập đông người. Bên cạnh đó, do giãn cách xã hội, cũng như tâm lý ngại đến bệnh viện trong và sau mùa dịch của người dân nên tỷ lệ bệnh nhân nhập viện được ghi nhận cũng giảm hẳn.

Tuy nhiên, thông qua hoạt động giám sát, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật ghi nhận có nhiều trường học trên địa bàn chưa thực sự chú trọng đến công tác phòng chống bệnh sốt xuất huyết; có nhiều trường học không thực hiện thu gom, dọn dẹp vật chứa nước khiến phát sinh các điểm nguy cơ mới.

Liên quan đến vấn đề này, bác sỹ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP cho biết, việc để các ổ lăng quăng phát sinh trong trường học là trách nhiệm của lãnh đạo nhà trường, nếu để tái diễn tình trạng này cần xử phạt nghiêm theo Nghị định 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Trong tuần này, Sở Y tế sẽ có công văn gửi Sở Giáo dục và Đào tạo về vấn đề này và yêu cầu các trường học phải tuân thủ các quy định về phòng chống dịch bệnh.

Tăng cường đảm bảo an toàn điện trong mùa mưa

Trước tình hình diễn biến phức tạp của thời tiết, đặc biệt là ảnh hưởng của mùa mưa sắp tới đến công tác an toàn điện trên địa bàn, Tổng Công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh (EVNHCMC) đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc, tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, tăng cường kiểm tra, chuẩn bị ứng phó khi có sự cố xảy ra bất ngờ. Đồng thời, đưa ra những cảnh báo về an toàn điện trong mùa mưa bão đến người dân TP.

Theo thông tin trên báo Pháp Luật TP, để ngăn ngừa và phòng tránh tai nạn thương tâm về điện có thể xảy ra khi trời mưa lớn, ngập úng cục bộ khi triều cường hoặc giông lốc, gió lớn, cây cối ngã đổ…, EVNHCMC liên tục phổ biến đến khách hàng sử dụng điện và người dân TP những nội dung cơ bản nhất để bảo vệ bản thân và gia đình.

EVNHCMC thực hiện sửa chữa Live - Line (sửa chữa trên đường dây đang mang điện) để đảm bảo cung cấp điện liên tục cho người dân. Ảnh: EVNHCMC
EVNHCMC thực hiện sửa chữa Live - Line (sửa chữa trên đường dây đang mang điện) để đảm bảo cung cấp điện liên tục cho người dân. Ảnh: EVNHCMC

Khi phát hiện có hiện tượng bất thường hoặc mất an toàn về điện, người dân cần gọi ngay đường dây nóng của Trung tâm chăm sóc khách hàng của EVNHCMC 1900545454, hoặc gọi 114 - cảnh sát phòng cháy chữa cháy - cứu nạn, cứu hộ TP.HCM để được xử lý, khắc phục kịp thời.

Lúc trời mưa, người dân không đứng trú tại chân cột điện, dưới mái hiên trạm biến áp; không chạm trực tiếp vào cột điện, dây nối đất, dây chằng cột điện, đồng hồ điện, thùng cầu dao…; không lên sân thượng, mái nhà nơi có đường dây điện băng qua và không tự ý sửa chữa đường dây, thiết bị điện ngoài trời. Đồng thời, nên ngắt nguồn điện nếu khu vực trong nhà bị ngập nước hoặc bị mưa làm ướt sàn, ổ cắm điện và các thiết bị điện gia dụng hoặc khi trời mưa to, gió lớn.

Đặc biệt người dân cần tránh xa, cảnh báo cho mọi người xung quanh biết và lập rào chắn khi phát hiện cột điện ngã (đổ), dây điện đứt rơi xuống đường, ruộng, ao hồ...

EVNHCMC cũng đã tiến hành kiểm tra hành lang lưới điện cao áp, rà soát toàn bộ khu vực trũng thấp có nguy cơ ngập úng khi mưa to; Tiến hành duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa kịp thời những hư hỏng; bổ sung công suất điện cho các trạm bơm mới được nâng cấp, xây dựng kế hoạch đảm bảo đáp ứng điện cho yêu cầu bơm tiêu khi úng ngập xảy ra.

Bên cạnh đó, Tổng Công ty đang tiếp tục thực hiện chương trình hiện đại hóa và ngầm hóa lưới điện. Chương trình này sẽ góp phần nâng cao chất lượng an toàn điện, giảm tối đa tác động từ các yếu tố bên ngoài cũng như ảnh hưởng của thời tiết.

BN 91 phản xạ ho mạnh hơn, chức năng thận dần hồi phục

Cũng trên Vietnamplus,  hiện nay bệnh nhân (BN) 91 tỉnh, phản xạ ho mạnh hơn, sức cơ chi trên 3/5, chi dưới 1/5, cơ hoành phải hoạt động mạnh hơn; Mạch: 89 lần/ phút; huyết áp: 132/57 mmHg; chức năng thận đã dần hồi phục. Bệnh nhân dã ngưng sử dụng ECMO sáng ngày 3/6.

Bệnh nhân 91 sau khi được ngưng ECMO chiều 3/6. (Nguồn: TTXVN)
Bệnh nhân 91 sau khi được ngưng ECMO chiều 3/6. (Nguồn: TTXVN)

Tuy nhiên, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê - Phó trưởng Tiểu Ban điều trị phòng, chống dịch Covid-19 khẳng định mặc dù đã được ngưng sử dụng ECMO, nhưng tình trạng của BN 91 vẫn còn nặng, cần được chăm sóc, theo dõi sát các chỉ số và tình trạng nhiễm trùng nặng, kháng thuốc. BN còn cần nhiều tuần để cai máy thở và phục hồi chức năng vận động và các chức năng khác.

Tính đến nay, BN 91 đã trải qua 78 ngày điều trị, trong đó quá trình điều trị tại Bệnh viện bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh bắt đầu từ ngày 18/3- 22/5; tại Khoa Hồi sức tích cực – Bệnh viện Chợ Rẫy từ chiều muộn ngày 22/5 đến nay.

Dự kiến hôm nay 4/6, Tiểu ban Điều trị và Hội đồng chuyên môn sẽ tổ chức cuộc hội chẩn 3 miền lần thứ 4 để tiếp tục có phương án điều trị tốt nhất cho BN 91.

210 doanh nghiệp được xét tạm ngưng đóng BHXH

Theo BHXH TP. Hồ Chí Minh, đến nay đã có 210 doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn do dịch Covid-19 trên địa bàn TP được xét tạm ngưng đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất, với tổng số tiền khoảng 69 tỉ đồng - Báo Người Lao Động đưa tin.

Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 04/6/2020 - Ảnh 1

Ông Phan Văn Mến, Giám đốc BHXH TP, cho biết theo quy trình xét duyệt trước khi chuyển hồ sơ sang BHXH, DN có từ 50% số lao động thuộc diện tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc và bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản phải lập hồ sơ đề nghị gửi đến cơ quan chủ quản và Sở Tài chính TP để xác nhận. Mọi dữ liệu được cơ quan BHXH cập nhật trên hệ thống phần mềm, do vậy việc tiếp nhận và xét duyệt cho DN được tạm ngưng đóng BHXH chỉ mất 1 ngày, thay vì 5 ngày theo quy định.

Trong thời gian tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất, các DN vẫn phải đóng đầy đủ quỹ BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn - bệnh nghề nghiệp để bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Kết thúc thời gian tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất, DN đóng bù quỹ hưu trí và tử tuất của thời gian tạm dừng trước đó và không bị tính lãi.

Ứng dụng Y tế trực tuyến, xử phạt quảng cáo bừa

Nhờ ứng dụng Y tế trực tuyến trên điện thoại thông minh, người dân TP dễ dàng phản ánh các sai phạm trong lĩnh vực y tế đến Thanh tra Sở Y tế. Đó là nội dung được đăng tải trên báo Pháp Luật TP.

Đầu tháng 6, Sở Y tế đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính một số cơ sở khám chữa bệnh và làm đẹp trên địa bàn do vi phạm pháp luật liên quan đến hành nghề trong lĩnh vực y tế như: Công ty cổ phần Khơ Thị Skincare & Clinic (222-224 Trần Hưng Đạo, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1), Công ty TNHH Đầu tư quốc tế Hasu Việt Nam (TP. Hà Nội) do có vi phạm tại Chi nhánh 2 Kiyomi Beauty (232/10+12 Cao Thắng, phường 12, quận 10)… Bên cạnh xử phạt hành chính, Sở Y tế buộc các công ty tháo gỡ, xóa quảng cáo mà nội dung chưa được cơ quan nhà nước xác nhận.

Thanh tra Sở Y tế TP.HCM kiểm tra một cơ sở làm đẹp sau khi nhận phản ánh thông qua ứng dụng Y tế trực tuyến. (Ảnh do Sở Y tế TP cung cấp)
Thanh tra Sở Y tế TP.HCM kiểm tra một cơ sở làm đẹp sau khi nhận phản ánh thông qua ứng dụng Y tế trực tuyến. (Ảnh do Sở Y tế TP cung cấp)

BS Nguyễn Mạnh Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế TP, cho biết từ đầu tháng 3/2020, Sở Y tế chính thức ban hành “Quy trình phản ứng nhanh trong tiếp nhận thông tin phản ánh và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hành nghề trong lĩnh vực y tế”. Công cụ sử dụng chính của quy trình này chính là ứng dụng Y tế trực tuyến trên điện thoại, cho phép tiếp nhận thông tin từ người dân về các vi phạm liên quan đến hành nghề trong lĩnh vực y tế trên địa bàn TP.

Ứng dụng này được cài đặt trên điện thoại thông minh (iOS và Android). Cài đặt xong, người dân sẽ dễ dàng gửi thông tin, hình ảnh, clip về các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế đến Thanh tra Sở Y tế. Sau khi tiếp nhận, Thanh tra Sở Y tế sẽ phân loại và chuyển thông tin đến bộ phận chức năng thuộc Sở hoặc Phòng Y tế quận, huyện để xử lý và công khai kết quả để người dân được biết.

Yên tâm với phẫu thuật xuất viện trong ngày

Liên quan đến lĩnh vực Y tế, thông tin trên báo Người Lao Động cho biết, một số bệnh viện ở TP đã triển khai mô hình phẫu thuật trong ngày nhằm giảm tải bệnh viện, giảm rủi ro nhiễm trùng ở bệnh nhân và giảm chi phí điều trị.

Phẫu thuật trong ngày là chỉ định khá phổ biến ở các quốc gia phát triển như Mỹ, châu Âu. Nhờ những tiến bộ trong kỹ thuật phẫu thuật và gây mê, mô hình điều trị này mang lại nhiều tiện ích.

Bệnh nhi phẫu thuật trong ngày tại Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố
Bệnh nhi phẫu thuật trong ngày tại Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố

Tại TP. Hồ Chí Minh, hiện nay, phẫu thuật trong ngày dành cho người lớn ngoài Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy còn có BV quận Thủ Đức, mới đây BV Vinmec Central Park cũng đã triển khai.

Bác sĩ Mai Hóa, Trưởng Khoa Ngoại tổng quát BV quận Thủ Đức, cho biết để phẫu thuật xuất viện trong ngày an toàn và hiệu quả, người bệnh sẽ được bác sĩ tư vấn và thăm khám trực tiếp. Dựa trên điều kiện sức khỏe của từng bệnh nhân, bác sĩ sẽ xác định những trường hợp nào được phẫu thuật và xuất viện trong ngày. Ngoài ra, đội ngũ bác sĩ thực hiện ca mổ phải là những phẫu thuật viên và gây mê giàu kinh nghiệm.

Việc điều trị phẫu thuật xuất viện trong ngày giúp tiết kiệm được thời gian, chi phí và giảm nguy cơ nhiễm trùng tại BV. Tuy nhiên, để an toàn, người bệnh phải bảo đảm cách chăm sóc vết thương, đến đúng ngày hẹn tái khám. Đối với các bệnh nhân ở gần khu vực BV nên lựa chọn cách điều trị này, vì thuận tiện khi đến BV chăm sóc vết thương hằng ngày hoặc khi có các biến chứng xảy ra tại nhà, người bệnh có thể đến tìm gặp ngay bác sĩ để xử lý.

2.000 tỉ đồng xây Bệnh viện ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh

Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Ngày 3/6, đại diện ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cho biết vừa đạt thỏa thuận chương trình hợp tác với Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TPHCM (HFIC), trong đó có việc hai bên cùng tham gia đầu tư dự án theo hình thức hợp tác công tư, xây dựng mới Bệnh viện ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh với quy mô 500 giường, tổng mức đầu tư 1.500 – 2.000 tỉ đồng.

Cụ thể, ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh và HFIC sẽ hợp tác trong quá trình xây dựng, triển khai các dự án đầu tư, phát triển cơ sở vật chất. ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh sẽ hỗ trợ HFIC trong công tác đào tạo – nghiên cứu khoa học và tư vấn, cùng phối hợp thực hiện các chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học; phối hợp, trao đổi các kết quả nghiên cứu và tạo điều kiện thuận lợi để 2 đơn vị ứng dụng kết quả nghiên cứu vào hoạt động của đơn vị mình.

HFIC cho vay hoặc hỗ trợ ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tiếp cận các nguồn vốn nhằm phát triển cơ sở vật chất của ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

Cây phượng mục mang chân kiềng ở Trường THCS Lê Văn Tám

Thay vì chặt bỏ cây phượng hơn 30 năm tuổi, Trường THCS Lê Văn Tám ( quận Bình Thạnh) mấy năm trước đã bỏ ra 6 triệu đồng làm bộ chân kiềng, vừa giữ được cây vừa có thêm chỗ cho thầy trò ngồi hóng mát. Nội dung đăng trên báo Tuổi Trẻ.

Bộ khung ở đây gồm 4 trụ đỡ 4 hướng, được cố định trên một bệ sắt kiên cố. Một vòng tròn thép bao quanh nhưng không bóp chặt thân, như một bộ chân kiềng cho phượng. Ngoài ra, trường cũng không xây bệ bêtông cho cây phượng này.

Bộ chân kiềng cho cây phượng - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Bộ chân kiềng cho cây phượng - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường THCS Lê Văn Tám - cho biết nếu xảy ra trường hợp không may ngã đổ, bộ khung này, đặc biệt là chiếc vòng thép, sẽ đỡ thân cây phượng, hoặc ít nhất có thể kéo dài thời gian, giúp người đang ở quanh gốc cây có thể lập tức tránh xa. Tuy nhiên, bộ khung này được tính toán không làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cây. Ngoài ra, trường làm thêm các bệ ngồi bằng đá hoa cương cho học sinh ngồi chơi bên dưới.

Theo ông Tuấn, cây đã 33 tuổi, được đem về trồng cách đây 4 năm. Bộ "chân kiềng" đã được Trường THCS Lê Văn Tám lắp cho cây phượng này từ mấy năm nay. Trường nhận thấy dù bề ngoài cây vẫn xanh tốt nhưng thân có dấu hiệu mục rỗng. Nhờ chuyên gia tư vấn, trường không chặt bỏ mà làm bộ khung này để đảm bảo an toàn.

Ngoài ra, hằng năm trường đều phối hợp với công ty có chuyên môn mé nhánh, tỉa cành cho cây. Ông Tuấn cho biết định kỳ mỗi tháng trường đều thuê nhân viên chuyên chăm sóc cây xanh thăm khám cho các cây trong khuôn viên. Đến nay, nhà trường chưa đốn hạ cây nào trong tổng số hơn 80 cây lớn nhỏ trong khuôn viên.

Vân Anh - Thanh Hà

Tin cùng chuyên mục