TP. Hồ Chí Minh chuẩn bị ứng phó khi có 50 người nhiễm
Theo báo Tuổi Trẻ, ngày 3/8, phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp về Covid-19, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, tình hình dịch bệnh tại TP vẫn có nguy cơ vượt ngưỡng an toàn. Vì vậy, cần phải ngăn chặn từ xa hai nguy cơ lớn là người dân từ tâm dịch Đà Nẵng về và người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào TP. Hồ Chí Minh. Do đó, cần rà soát, thu thập chứng cứ, khởi tố sớm nhất các trường hợp tổ chức nhập cảnh trái phép cũng như có giải pháp quyết liệt ngăn chặn tình trạng này.
Ngoài ra, người từ vùng dịch về phải tự cách ly, đồng thời giám sát chặt chẽ người nước ngoài vào TP nhưng không đăng kí tạm trú. Bí thư Thành ủy cũng lưu ý, nếu phát hiện có nguy cơ bùng phát dịch tại TP. Hồ Chí Minh, các Bộ tiêu chí an toàn trong các lĩnh vực cần được cập nhật và áp dụng. Đặc biệt, ngành y tế TP phải chuẩn bị tốt các phương án cách ly, xây dựng kịch bản sẵn sàng cho tình huống có 50 người nhiễm và 10.000 người cách ly.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cũng chỉ đạo cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, nhắc nhở và bắt đầu thực hiện xử phạt những người không đeo khẩu trang tại nơi công cộng từ ngày 5/8. Đồng thời, các sở - ngành, quận -huyện phải thông tin đến người dân những địa điểm bán khẩu trang , nước sát khuẩn bình ổn giá trên địa bàn.
Saigon Co.op tung ra hơn 12 triệu khẩu trang vải kháng khuẩn
Báo Sài Gòn Giải Phóng đưa tin, chiều 03/8, Liên hiệp HTX Thương mại TP. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) tung ra thị trường hơn 12 triệu khẩu trang vải kháng khuẩn phòng, chống dịch Covid-19 (giá trung bình 22.000 đồng/túi 3 cái); cùng hơn 100.000 chai nước rửa tay, gel rửa tay khô giá không đổi...
Người dân đeo khẩu trang tại khu công cộng ở TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Báo SGGP
Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết, Saigon Co.op đã có phương án tăng trữ lượng hàng thiết yếu cùng các mặt hàng cần thiết phòng dịch và sẵn sàng thực hiện bình ổn thị trường bằng tất cả khả năng của hệ thống.
Ghi nhận chung về sức mua các mặt hàng thiết yếu (lương thực, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, hóa mỹ phẩm...) trong ngày 03/8 tại TP cho thấy, lượng khách mua sắm tại các siêu thị không tăng đột biến. Hệ thống siêu thị MM Mega Market liên tục phát đi thông tin khuyến cáo người tiêu dùng không nên mua dự trữ hàng hóa quá nhiều vì nguồn cung rất dồi dào, phong phú, với giá bán ổn định. Tất cả siêu thị đều đo thân nhiệt, trang bị nước rửa tay sát khuẩn và đề nghị khách hàng đeo khẩu trang. Các quầy thu ngân được trang bị kính, đảm bảo khoảng cách an toàn giữa nhân viên và khách hàng khi thanh toán.
Tháo gỡ khó khăn khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã
Thông tin trên báo Pháp Luật TP, nhằm kịp thời hỗ trợ khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) nhanh chóng khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, UBND Thành phố vừa có văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành về các vấn đề liên quan.
Theo đó, Thành phố giao Cục Thuế chủ trì, phối hợp Liên minh HTX TP và các cơ quan liên quan hướng dẫn thực hiện các quy định về gia hạn thời gian nộp thuế trên địa bàn TP.
Gia hạn thời gian nộp thuế là một trong những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong tình hình ảnh hưởng dịch Covid-19. Ảnh: Báo PLO
Cục Hải quan chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Công Thương và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất giảm phí, lệ phí liên quan đến logistics, thủ tục hải quan để tạo điều kiện cho HTX giảm chi phí và nhập khẩu vật tư, nguyên liệu sản xuất và xuất khẩu hàng hóa.
Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. HCM chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất gói tín dụng ưu đãi cho các HTX vay để xây dựng kho bãi, nhà xưởng chế biến, bảo quản nông sản, tái cấu trúc sản xuất ngay sau khi hết dịch.
Đồng thời, khuyến khích các ngân hàng thương mại ưu tiên hỗ trợ, giúp các HTX tiếp cận nguồn vốn thuận lợi.
Quá khó tiếp cận các gói hỗ trợ
Hiện nay, có rất ít doanh nghiệp tiếp cận được các gói hỗ trợ liên quan đến dịch Covid-19 của Chính phủ bởi một số quy định chưa sát với thực tế. Nội dung được phản ánh trên báo Người Lao Động.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP. HCM cho biết, các gói hỗ trợ của Chính phủ liên quan đến dịch Covid-19 có nhiều điều kiện rất ngặt nghèo như buộc số lao động thuộc diện tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc chiếm từ 50% tổng số lao động trước khi doanh nghiệp tạm dừng sản xuất, kinh doanh trở lên; hoặc doanh nghiệp bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do dịch bệnh gây ra (không kể giá trị tài sản là đất) theo các quy định hiện hành. Theo ông Hồng, thực tế doanh nghiệp không muốn cho 50% lao động nghỉ việc bởi trong ngành dệt may, nếu mất đi số lao động trên, có thể xem như doanh nghiệp đã giải tán, phá sản.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Khánh, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch TP. HCM, khẳng định chưa có doanh nghiệp nào trong ngành du lịch trên địa bàn tiếp cận được các gói hỗ trợ của nhà nước. Theo bà, khó khăn của doanh nghiệp du lịch trong việc tiếp cận vốn ưu đãi hoặc vay mới để bổ sung vốn lưu động, duy trì hoạt động kinh doanh có thể kể đến như ít tài sản thế chấp, dòng tiền, doanh thu bị tác động nặng của dịch bệnh nên suy giảm trầm trọng...
Cán bộ Phòng LĐ, TB và XH quận 3, TP Hồ Chí Minh tiếp nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ theo Nghị quyết 42 của Chính phủ và giải đáp thắc mắc cho doanh nghiệp. Ảnh: QUÝ HIỀN
Trong khi đó, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội DN TP, cho biết dịch Covid-19 đang trở lại với diễn biến phức tạp, tốc độ lây lan cộng đồng nhanh khiến nhiều DN "tụt huyết áp" vì chưa kịp hồi phục sau đợt dịch đầu tiên đã phải chịu thêm cú bồi lần này. Tình cảnh hiện tại, cộng đồng DN ý thức rõ là phải tự cứu trước khi được cứu. Quá trình tái cấu trúc phải được thực hiện thường xuyên, chủ động. Chính phủ đồng hành với DN vượt khó bằng cách hỗ trợ môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn chứ không thể trông chờ Chính phủ cho không, phát không tiền cho DN. Đặc biệt, trong lúc này, DN phải thực hiện tốt các chỉ thị của Chính phủ về phòng chống dịch để vừa bảo đảm phòng chống dịch, vừa liên kết với nhau cùng chia sẻ khó khăn, tăng tiêu thụ sản phẩm của nhau để giúp nhau tồn tại.
Sức khỏe 8 người nhiễm Covid-19 tại TP. Hồ Chí Minh đều ổn định
Báo Tuổi Trẻ đưa tin, chiều 3/8, bác sĩ Nguyễn Thành Phong - Trưởng Khoa nhiễm D Bệnh viện Nhiệt đới - cho biết sức khỏe 8 bệnh nhân nhiễm Covid-19 đang điều trị, cách ly tại bệnh viện này tạm ổn định.
Người dân khai báo y tế và xét nghiệm COVID-19 tại trạm y tế phường 25, quận Bình Thạnh (TP. Hồ Chí Minh) - Ảnh: TTYT quận Bình Thạnh cung cấp
Theo đó, bệnh nhân 449 (nam, người Mỹ) đã hết sốt, thở êm và hết ho. Bệnh nhân 450 (nữ, ngụ quận 8, từng đi nhiều nơi ở Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh) không sốt, không ho, không đau họng, không đau ngực, không khó thở, chảy nước mũi trong ít. Bệnh nhân 510 (nữ, ngụ Q.10) mệt, ho ít đàm, thở êm, phổi trong. Bệnh nhân 517 (nữ, ngụ TP Quảng Ngãi, chuyển từ Bệnh viện Đà Nẵng đến Bệnh viện Chợ Rẫy) không sốt, ho khan ít, không khó thở, không đau ngực. Các bệnh nhân 518 (nữ, ngụ Q. Tân Phú), 567 (nữ, ngụ Q.12) và 568 (nữ, ngụ Q.8), 589 (nam, ngụ Q. Tân Phú) đều không sốt, không ho, không khó thở.
Theo Sở Y tế , tính đến sáng 3/8, Thành phố có 32.070 người từng đến Đà Nẵng trong tháng 7 đã khai báo y tế. Trong đó, 21.260 người đã được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19, 4.264 người có kết quả âm tính, 6 trường hợp dương tính đã được công bố, các trường hợp còn lại đang chờ kết quả.