TP. Hồ Chí Minh là nơi thu hút nhiều công ty, nhà đầu tư đến từ Ấn Độ
Tối 4/2, Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức Lễ kỷ niệm lần thứ 71 Ngày Cộng hòa Ấn Độ. Đến dự có Phó Chủ tịch UBND Thành phố Võ Văn Hoan; Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại Thành phố Srikar Reddy.
Phát biểu chúc mừng tại sự kiện, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Võ Văn Hoan khẳng định, trải qua các giai đoạn lịch sử khác nhau, quan hệ truyền thống hai nước Việt Nam - Ấn Độ vẫn được các thế hệ lãnh đạo, nhân dân hai nước quan tâm xây đắp và gặt hái nhiều thành quả thông qua những hoạt động trao đổi thường xuyên giữa lãnh đạo các cấp, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực quan trọng như an ninh, kinh tế, văn hóa, du lịch. Bày tỏ vui mừng về quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hai nước đã đạt nhiều kết quả ấn tượng, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Võ Văn Hoan hi vọng trong năm 2020, hai nước có thể nâng kim ngạch thương mại song phương lên 15 tỷ USD.
Ở cấp độ địa phương, quan hệ giữa TP. Hồ Chí Minh và Ấn Độ không ngừng phát triển trên nhiều lĩnh vực. Thành phố hiện có 132 dự án đầu tư của Ấn Độ với tổng vốn gần 800 triệu đô la Mỹ, đứng thứ 25 trên 108 quốc gia, vùng lãnh thổ. Năm 2019, kim ngạch thương mại giữa TP. Hồ Chí Minh và Ấn Độ đạt gần 1,9 tỷ đô la Mỹ, tăng 20% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, các hoạt động giao lưu, hợp tác văn hóa, du lịch đạt nhiều kết quả.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của Việt Nam đối với Ấn Độ, ông Srikar Reddy, Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại Thành phố, cho biết Ấn Độ hiện là 1 trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam; Hiệp hội doanh nghiệp Ấn Độ tại Việt Nam và các hiệp hội doanh nghiệp đã tổ chức nhiều hoạt động để thúc đẩy quan hệ hợp tác thương mại và đầu tư giữa hai nước. Hiện Ấn Độ có 255 dự án với số vốn đăng ký khoảng 922,34 triệu USD tại Việt Nam. Riêng Thành phố cũng là nơi thu hút nhiều công ty, nhà đầu tư, thương nhân đến từ Ấn Độ. Các doanh nghiệp Ấn Độ luôn mong muốn trở thành một phần của sự tăng trưởng của Thành phố nói riêng và Việt Nam nói chung.
(Theo Thanhuytphcm.vn).
Thành phố chú trọng tuyên truyền phòng chống dịch
Tại buổi họp trực tuyến với 24 quận huyện trên địa bàn Thành phố về công tác tuyên truyền vận động nhân dân phòng chống, ứng phó dịch nCoV diễn ra vào sáng 4/2, đồng chí Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch UBMTTQ Thành phố, yêu cầu các cơ quan đoàn thể như Hội Liên hiệp Phụ nữ, Liên đoàn Lao động, Đoàn Thanh niên... cần phát huy tốt vai trò của mình trong công tác tuyên truyền chống dịch nCoV tại các chợ, trung tâm mua sắm, thương mại, ký túc xá, trường học...
Ghi nhận ngày 4/2 tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ hành chính UBND quận Phú Nhuận, trước cửa vào khu vực làm thủ tục có kê một bàn nhỏ phía trên có rổ nhựa đựng 3 chai nước rửa tay và bảng hướng dẫn người dân rửa tay sát khuẩn...
Chiều cùng ngày, Sở Du lịch Thành phố phối hợp với Sở Y tế Thành phố tổ chức cuộc họp triển khai các giải pháp phòng chống dịch nCoV. Tại cuộc họp, Giám đốc Sở Du lịch Bùi Tá Hoàng Vũ nhắc nhở các doanh nghiệp lữ hành hủy các tour, gói du lịch, không tổ chức các đoàn thể khách du lịch tới các tỉnh, thành phố đang có dịch, có người mắc bệnh; không đón khách du lịch từ vùng có dịch đến Việt Nam cũng như TP. Hồ Chí Minh. Sở đang khảo sát và đề xuất lập một cơ sở lưu trú du lịch gần sân bay Tân Sơn Nhất, với mục đích làm địa điểm cách ly tạm thời đối với khách du lịch nghi nhiễm nCoV. Ông Đỗ Văn Dũng, Trưởng phòng Nghiệp vụ dược, Sở Y tế Thành phố, khẳng định, sở đã chỉ đạo thành lập 26 đội đáp ứng nhanh để tăng cường khả năng ứng phó với tình huống dịch bệnh có thể lây lan rộng tại cộng đồng.
Tối cùng ngày , bà Phạm Thị Thúy Hằng, Chánh Văn phòng UBND quận 3, cho biết, thực hiện yêu cầu của Thành phố là mỗi quận, huyện phải thiết lập cho mình một khu vực cách ly khi có những trường hợp nghi ngờ nhiễm nCoV, UBND quận 3 đã chọn mặt bằng trên đường Trần Quang Diệu, phường 14 để làm nơi cách ly khi có những trường hợp nghi nhiễm nCoV. Đây là khối nhà tạm của một số đơn vị Công an quận 3 di dời về đây khi xây dựng trụ sở mới.
(Thông tin trên báo Sài Gòn Giải Phóng).
Bệnh nhân nhiễm nCoV xuất viện và chuyện giờ mới kể
Phối hợp với Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy kịp thời phát hiện và điều trị hai ca đầu tiên nhiễm virus nCoV tại Việt Nam, GS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, đánh giá kíp trực của BV Chợ Rẫy đã nghi ngờ tình trạng của hai cha con rất nhạy bén.
Vào đêm 22/1, hai cha con người Trung Quốc, người cha tên Li Ding (66 tuổi), người con Li Zichao (28 tuổi) nhập BV Chợ Rẫy có những triệu chứng của bệnh viêm đường hô hấp cấp. Dù lúc này, về mặt lâm sàng, người con chưa nhất thiết phải nhập viện nhưng bác sĩ vẫn ngay lập tức vận động người bệnh ở lại. Ngay trong đêm, mẫu bệnh phẩm đã được chuyển sang Viện Pasteur để tiến hành xét nghiệm và hôm sau cho kết quả dương tính. BV cũng nhanh chóng báo cáo lên Bộ Y tế và Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đã vào chỉ đạo khẩn cấp.
Trực tiếp điều trị cho hai ca bệnh, TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, cho biết đây là một chủng virus mới nên chưa có kinh nghiệm trên thế giới để học tập điều trị. Do đó, các bác sĩ vừa phải vận dụng kinh nghiệm điều trị sẵn có và cập nhật kinh nghiệm điều trị trên thế giới mỗi ngày. Đồng thời, dựa trên chuyển biến mỗi ngày của bệnh nhân để điều chỉnh các loại thuốc cho phù hợp giai đoạn của bệnh. Ngay cả việc trực Tết của các nhân viên trong khoa cũng được sắp xếp chặt chẽ nhằm dự phòng lây nhiễm chéo.
Theo dõi diễn tiến bệnh của người cha, BS CK2 Nguyễn Tri Thức, Giám đốc BV, đánh giá sự hồi phục của người cha là sự phối hợp của nhiều chuyên khoa. Ngoài các bệnh lý nền tim mạch, nhiễm virus, người cha còn bị bội nhiễm hô hấp do vi trùng, diễn tiến hô hấp rất xấu nên các chuyên khoa tim mạch, hô hấp cũng phải vào cuộc liên tục hội chẩn xuyên suốt dịp tết. Từ chỗ bệnh nhân ban đầu không tự sinh hoạt được, phải cho thở ôxy liều cao, nguy cơ nhồi máu cơ tim rất cao, đến nay bệnh nhân có thể tự thở và các bệnh lý nền được kiểm soát tốt.
Là một trong những bác sĩ trực tiếp điều trị cho bệnh nhân nhiễm Corona trong khu vực cách ly đặc biệt, BS Nguyễn Ngọc Sang, Khoa bệnh nhiệt đới, chia sẻ dù từng có kinh nghiệm phòng, chống dịch cúm A H1N1, H5N1, thậm chí theo dõi các ca nghi nhiễm virus Zika và Ebola nhưng đứng trước loại virus mới “giấu mặt”, bản thân vẫn không tránh khỏi e ngại và lo lắng. BS Sang dẫn chứng riêng việc mặc đồ phòng hộ khiến cơ thể mất nước rất nhanh, chỉ trong vòng 30 phút đến 1 giờ cơ thể có thể mất hơn 1 lít nước. Do đó, bác sĩ và điều dưỡng luôn đi thành một cặp để hỗ trợ nhau trong thao tác mặc đồ bảo hộ, cởi đồ, cũng như hỗ trợ các thao tác tiếp xúc, các kỹ thuật trên bệnh nhân.
Hiện tại người con đã hoàn toàn khỏe mạnh và sức khỏe người cha đang tiến triển tốt từng ngày là niềm động viên và khích lệ lớn đối với đội ngũ y bác sĩ quên tết để điều trị cho bệnh nhân nơi đây.
(Theo báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh).
Đào tạo nghề lao động nông thôn thời 4.0
UBND Thành phố vừa đặt mục tiêu đào tạo nghề cho hơn 6.400 lao động nông thôn trên địa bàn Thành phố năm 2020, tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề đạt trên 85%. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc ứng dụng công nghệ trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại các địa phương đang được lãnh đạo Thành phố quan tâm.
Điển hình như trên địa bàn huyện Cần Giờ, huyện đã vận động lao động nông thôn tham gia học nghề, tập trung vào các ngành nghề phục vụ du lịch và ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp như: nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao, nuôi cá dứa thương phẩm, kỹ thuật nuôi cua bằng con giống nhân tạo… Trong đó, mô hình nuôi tôm công nghệ cao được huyện chú trọng. Huyện đã liên kết với các cơ sở đào tạo mở nhiều lớp dạy nghề, tập trung đổi mới kỹ thuật nuôi tôm bằng cách trải bạt đáy ao; che lưới bên trên làm giảm nhiệt độ và hạn chế chim, cò lây lan mầm bệnh ao nuôi; nâng cấp hệ thống tạo oxy, sử dụng máy cung cấp thức ăn tự động, xi phông bùn hữu cơ để làm sạch đáy ao… Nhờ áp dụng công nghệ, nông dân Cần Giờ đã có thể nâng cao mật độ nuôi tôm lên trên 100 con/m2, kéo dài thời gian nuôi hơn 4 tháng, giúp kích cỡ tôm thu hoạch lớn hơn, năng suất trên 20 tấn/ha (gấp đôi năng suất so với các hộ không áp dụng công nghệ mới). Hiệu quả kinh tế mang lại ước tính lợi nhuận bình quân đạt gần 1,5 tỷ đồng/ha/vụ, tỷ suất lợi nhuận gần 90%.
Trên toàn địa bàn Thành phố, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH cho hay, 10 năm qua, Thành phố đã có hơn 717.000 lao động nông thôn đã qua đào tạo, trong tổng số hơn 847.700 lao động nông thôn đang làm việc (tỷ lệ gần 85%).
Tuy vậy, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn thời gian qua vẫn chưa đáp ứng kịp yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, dẫn tới phát triển manh mún, thiếu bền vững. Nhiều thanh niên nông thôn không thích làm nông nghiệp mà chuyển sang làm công nhân tại các khu công nghiệp, hoặc xuất khẩu lao động. Không ít lao động vì mưu sinh, chưa quan tâm đến học nghề. Do đó, nhu cầu học nghề nông nghiệp của lao động nông thôn ngày càng ít.
Theo TS. Đinh Công Tiến, Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp, khi ứng dụng công nghệ 4.0 trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn, cần gắn với thực tiễn và bắt đầu bằng nghiên cứu nhu cầu của nông dân. Từ nhu cầu nghề tương lai - hoặc họ tiếp tục là nông dân, hoặc họ trở thành người phục vụ cho công nghiệp nông nghiệp - mà cá biệt hóa chương trình đào tạo cho từng người, tăng cường đào tạo online.
(Theo báo Sài Gòn Giải Phóng).
Xịt hơi cay vào CSGT quận 12 khi bị truy đuổi
Báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh đưa tin: Ngày 4/2, Công an quận 12 đang tiếp tục truy bắt người đi xe biển số giả, tàng trữ nhiều hung khí, công cụ hỗ trợ.
Theo thông tin ban đầu, tối 3/2, 4 Cảnh sát Giao thông – Trật tự (CSGT-TT) tuần tra, chốt chặn, xử lý vi phạm trên tuyến đường Tô Ký (phường Trung Mỹ Tây, quận 12) thì phát hiện hai người đi xe máy biển số Thành phố có biểu hiện nghi vấn. Khi hai người này vượt đèn đỏ, CSGT ra hiệu lệnh dừng xe, yêu cầu kiểm tra giấy tờ thì bất ngờ nam thanh niên cầm lái tăng ga bỏ chạy. Lực lượng chức năng lập tức lên xe đặc chủng đuổi theo, ép ngã xe. Tuy nhiên, người ngồi sau tên NVN (30 tuổi, ngụ Đắk Lắk) dùng bình hơi cay xịt làm một CSGT và một CSTT bị đau rát, mắt cay không nhìn rõ xung quanh.
Trong lúc này, thanh niên cầm lái đã lợi dụng bỏ trốn. Còn thanh niên tên N. xịt hơi cay vào CSGT thì bị khống chế bắt giữ, bàn giao cho công an phường.
Qua kiểm tra, cơ quan công an tạm giữ một xe máy và một túi xách. Bên trong tàng trữ rất nhiều hung khí, công cụ hỗ trợ gồm: Một dùi cui bằng kim loại, côn nhị khúc, hai cây ná bắn đạn bi, một cây súng bắn đạn bi, sáu vỏ đạn dùng để bỏ đạn bi, 143 viên đạn bi sắt… Trong túi xách còn chứa hai biển số xe máy và hai điện thoại di động.
Hai cảnh sát bị thương được đưa đến BV quận 12 cấp cứu, sau đó chuyển đến BV 115 tiếp tục điều trị. Hiện hai cảnh sát đã được xuất viện, sức khỏe cũng dần ổn định.
Đưa tin sai về virus corona, Đàm Vĩnh Hưng lại lùi ngày làm việc với Sở Thông tin - Truyền thông
Ngày 4/2 là ngày mà ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng và Cát Phượng phải có mặt ở Sở Thông tin - Truyền thông TP. Hồ Chí Minh để làm việc về vụ đưa tin sai về virus corona. Nhưng, cả hai đã không có mặt. Theo lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố, cả ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng và Cát Phượng đã xin dời ngày làm việc. Theo đó, cả hai sẽ lên làm việc với Sở vào ngày 11/2.
Thông tin từ Sở Thông tin và Truyền thông cho biết lý do mà hai nghệ sĩ này cùng xin dời lịch là do "bận việc riêng, chưa thể sắp xếp được lịch". Trong khi đó, diễn viên Ngô Thanh Vân vẫn sẽ lên làm việc với sở vào ngày 6/2 như lịch hẹn ban đầu.
Dù dời lịch, nhưng Sở Thông tin và Truyền thông cũng cho biết thêm, tinh thần cầu thị và thái độ hợp tác của các nghệ sĩ sau khi biết bản thân đã đưa thông tin sai lệch, chưa được kiểm chứng lên trang cá nhân, ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần, thậm chí gây hoang mang trong dư luận ở thời điểm dịch corona đang là nỗi lo chung của xã hội.
Thông qua sự việc này, Sở Thông tin và Truyền thông cũng nhắn nhủ đến giới nghệ sĩ, vốn là những người có ảnh hưởng lớn đến khán giả, đặc biệt là lượng người hâm mộ mà họ sở hữu, cần phải cẩn trọng trong mỗi phát ngôn, bài viết của mình. Trong tình hình dịch bệnh diễn biến khó lường, nghệ sĩ nếu đưa ra những phát ngôn không đúng sẽ khiến dư luận càng hoang mang hơn.
(Theo báo Người Lao Động).
Phòng virus corona, tiến sĩ tặng hàng ngàn chai dung dịch sát khuẩn tự làm
Từ công trình nghiên cứu của mình, tiến sĩ Phạm Văn Việt (33 tuổi), Phó trưởng Khoa Khoa học và Công nghệ vật liệu, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP. Hồ Chí Minh, đã sáng chế ra dung dịch sát khuẩn và tặng hàng ngàn chai cho người dân phòng virus corona.
Tiến sĩ Phạm Văn Việt cho biết: “Tôi nghiên cứu về sản phẩm nước rửa tay, dung dịch có tính sát khuẩn từ năm 2017 do môi trường sống có quá nhiều mối lo ngại. Chuyên môn của tôi là vật lý ứng dụng và khoa học vật liệu, nên tôi vận dụng các kiến thức mà mình đã học tập để nghiên cứu về việc sử dụng hạt nano kháng vi khuẩn, đồng thời cải tiến phương pháp tổng hợp. Công trình này được đăng tải trên tạp chí Journal of Photochemistry and Photobiology B. Biology, một tạp chí uy tín và có chỉ số IF cao, vào năm 2018”.
Sản phẩm nước rửa tay khô của tiến sĩ Việt có tên Ruta. Năm 2018, tiến sĩ Việt đã sản xuất thử nghiệm để dùng trong gia đình. Được sự hỗ trợ của một doanh nghiệp, sản phẩm này đã được hoàn chỉnh các thủ tục để xin cấp phép của Bộ Y tế. Trước đó, Ruta đã có 12 kiểm nghiệm của Viện Pasteur, trong đó, những vi khuẩn khó diệt như lao cũng bị ức chế.
Theo kế hoạch, ngày 7/2, các sinh viên tình nguyện của Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP. Hồ Chí Minh sẽ mang 1.000 chai dung dịch của tiến sĩ Phạm Văn Việt (loại 100 ml) phát miễn phí tại các vị trí có đông người qua lại như bến tàu, sân bay. Tại trường nơi mình công tác, tiến sĩ Việt cũng tặng 50 chai loại 500 ml để cán bộ, giảng viên, sinh viên có thể sử dụng trong thời điểm phòng chống dịch viêm phổi corona được đặt lên hàng đầu.
(Thông tin trên báo Thanh Niên).
Kiến nghị cho Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh được xét nghiệm virus corona
Sở Y tế Thành phố đã kiến nghị Bộ Y tế cho Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh xét nghiệm và công bố kết quả xét nghiệm liên quan đến virus corona, góp phần giảm tải cho Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh. Đó là thông tin trên báo Tuổi Trẻ.
Theo Sở Y tế, công tác thu dung, cách ly và điều trị, tất cả các mẫu bệnh phẩm nghi ngờ nhiễm virus corona hiện phải gửi về Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh (nơi được Bộ Y tế giao nhiệm vụ tiếp nhận cho toàn khu vực miền Nam).
Tuy nhiên hiện nay Viện Pasteur chỉ tiếp nhận các mẫu bệnh phẩm với những ca nghi ngờ và có yếu tố dịch tễ từ tỉnh Vũ Hán (Trung Quốc). Thực tế cho thấy việc xét nghiệm đòi hỏi thời gian khá lâu trong khi tại Thành phố, số ca cần xét nghiệm tìm virus corona có xu hướng tăng dần.
Sở Y tế kiến nghị Bộ Y tế xem xét, chấp thuận cho Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh xét nghiệm và công bố kết quả xét nghiệm liên quan đến virus corona chủng mới cho các bệnh viện trên địa bàn Thành phố. Việc này nhằm đảm bảo công tác thu dung, cách ly và điều trị kịp thời, giảm tải lượng mẫu xét nghiệm cho Viện Pasteur Thành phố.
Cơ sở của đề xuất này, theo Sở Y tế, là do Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Thành phố hiện là bệnh viện tuyến cuối và được Bộ Y tế giao nhiệm vụ tiếp nhận người bệnh diễn tiến nặng hoặc được xác định dương tính với virus corona chủng mới (bệnh nhân các tỉnh từ Khánh Hòa trở vào).
Về năng lực chuyên môn, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh được Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế chứng nhận là phòng xét nghiệm đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học cấp III và tái thẩm định hằng năm theo quy định.
Ngoài ra, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh là một trong những đơn vị hợp tác nghiên cứu quốc tế với đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Oxford (OUCRU) trong nhiều năm qua và hiện tại trụ sở của OUCRU TP. Hồ Chí Minh đang đặt tại khuôn viên của bệnh viện này, và đây là một địa chỉ của các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực truyền nhiễm, nghiên cứu về bệnh truyền nhiễm.