Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 05/3/2020

11:06 05/03/2020

Trung tâm Báo chí tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TP. Hồ Chí Minh trên các báo ra ngày 05/3/2020

Khởi động nhiều dự án giao thông mới

Đại diện Ban quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP (QLDA) cho biết trong tháng 3 này, TP. Hồ Chí Minh sẽ triển khai hàng loạt công trình giao thông trọng điểm. Các công trình này sau khi đi vào hoạt động sẽ góp phần giải quyết ùn tắc giao thông, góp phần phát triển kinh tế-xã hội.

Tình trạng kẹt xe thường xuyên xảy ra ở ngã tư Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (TP.HCM). Ảnh: THU TRINH
Tình trạng kẹt xe thường xuyên xảy ra ở ngã tư Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (TP.HCM). Ảnh: THU TRINH

Trong đó, Ban QLDA sẽ tiến hành khởi công dự án xây dựng hầm chui và vòng xoay tại nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ và dự kiến sẽ hoàn thành vào quý II-2020, đưa vào sử dụng hạng mục hai hầm chui phía đường Nguyễn Văn Linh.

Tuy nhiên, theo Ban QLDA, dự án có thể bị ảnh hưởng tới tiến độ do vừa thi công vừa phải đảm bảo giao thông và do hạ tầng kỹ thuật như điện, nước, cáp viễn thông vẫn đang trình duyệt phương án di dời. Tuy vậy, để đảm bảo tiến độ và tiết kiệm thời gian di dời hạ tầng kỹ thuật, Ban QLDA sẽ tiếp tục thi công hầm chui và thi công đường dẫn sau đó.

Cũng trong tháng 3 này, gói thầu xây lắp dự án xây dựng hệ thống thoát nước và cải tạo mặt đường Huỳnh Tấn Phát (đoạn từ cầu Phú Xuân đến phà Bình Khánh) được tiến hành khởi công. Tuyến đường này thường xuyên kẹt xe vào giờ cao điểm, lễ, tết và ngập nước khi có triều cường.

Ban QLDA cũng sẽ tiến hành khởi công dự án hầm chui, cầu vượt trước Bến xe Miền Đông (BXMĐ) mới. Hiện hai hầm chui đã khởi công gồm hầm chui trên phần đường song hành phải quốc lộ 1 cho xe hai bánh đi thẳng về hướng Đồng Nai và hầm chui trên phần đường song hành trái quốc lộ cho xe hai bánh đi thẳng về hướng TP. Hồ Chí Minh. Hạng mục cầu vượt hứa hẹn sẽ hoàn thiện vào tháng 12/2020.

Ngoài ra, tháng 3/2020, Ban QLDA sẽ tiến hành khởi công cầu Mỹ Thủy 3. Đây là một hạng mục trong giai đoạn hai của dự án nút giao thông Mỹ Thủy. Bên cạnh đó, đơn vị cũng tiến hành thực hiện dự án mở rộng đường Đồng Văn Cống có chiều dài khoảng 3 km, đoạn từ đường Mai Chí Thọ đến nút giao Mỹ Thủy. Sau khi mở rộng, mặt đường tăng thêm 7 m, tăng thêm hai làn xe lưu thông. Dự kiến công trình sẽ hoàn thành sau 9 tháng thi công. 

(Theo báo Pháp Luật TP)

Thúc đẩy tiến độ nhiều dự án trọng điểm

Báo Tuổi Trẻ cho hay, giữa bối cảnh tình hình sản xuất, kinh doanh, đầu tư, giao dịch có biểu hiện chững lại do ảnh hưởng dịch COVID-19, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong chỉ đạo thúc đẩy tiến độ nhiều dự án trọng điểm trên địa bàn TP.

Cụ thể, Chủ tịch UBND TP chấp thuận tiếp tục triển khai các dự án trọng điểm: đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong khu đô thị mới Thủ Thiêm, dự án quảng trường trung tâm và công viên bờ sông theo hình thức hợp đồng BT.

Công trường thi công cầu Thủ Thiêm 2 từ cuối năm 2018 đến nay vẫn còn vướng mắc ở khâu bàn giao mặt bằng thi công - Ảnh: TỰ TRUNG
Công trường thi công cầu Thủ Thiêm 2 từ cuối năm 2018 đến nay vẫn còn vướng mắc ở khâu bàn giao mặt bằng thi công - Ảnh: TỰ TRUNG

Thêm vào đó, TP sẽ tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án xây dựng khu lâm viên sinh thái thuộc vùng châu thổ phía Nam TP theo quy định hiện hành.

Ông Nguyễn Thành Phong cũng chấp thuận đề xuất tiếp tục triển khai dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía Bắc và hoàn thiện đường trục Bắc - Nam. Ngoài ra, xây dựng 4 cầu, công trình nạo vét rạch, đào hồ trung tâm và các kênh mới trong khu đô thị mới Thủ Thiêm theo hình thức hợp đồng BT.

Ngoài ra, UBND TP cũng chấp thuận chủ trương tiếp tục thực hiện các dự án Trung tâm thể dục thể thao Phan Đình Phùng, Bệnh viện đa khoa Tân Bình, xây dựng đường kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa, quốc lộ 1, quận Thủ Đức theo hình thức BT.

Hoa tươi, quà tặng đều 'héo hắt' trước ngày 8/3

Thông tin trên báo Tin Tức cho biết, mặc dù đã cận ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, nhưng năm nay thị trường quà tặng, hoa tươi tại TP. Hồ Chí Minh khá ảm đạm, lượng khách mua sắm sụt giảm 50-70% so với cùng kỳ năm ngoái.

Những năm trước, khách hàng phải chen nhau trong các lối đi ở chợ hoa tươi Hồ Thị Kỷ. Còn mấy ngày gần đây, con đường vắng vẻ và im ắng đến lạ thường - Ảnh: báo Tin Tức
Những năm trước, khách hàng phải chen nhau trong các lối đi ở chợ hoa tươi Hồ Thị Kỷ. Còn mấy ngày gần đây, con đường vắng vẻ và im ắng đến lạ thường - Ảnh: báo Tin Tức

Ghi nhận ngày 4/3, các tuyến đường chuyên bán quà tặng và hoa tươi như Hai Bà Trưng (quận 1), Võ Văn Ngân (quận Thủ Đức), Lý Thái Tổ (quận 10), Nguyễn Trãi (quận 5)... rất vắng khách. Nguyên nhân một phần do việc hạn chế đi lại và đến các điểm đông người do dịch bệnh COVID-19, đã tác động lớn đến tâm lý người dân.

Chị Ngô Mỹ Trang, nhân viên cửa hàng quà lưu niệm Thanh Vân trên đường Hai Bà Trưng (quận 1) cho biết: Những năm trước, từ đầu tháng 3 là đã có nhiều khách hàng đến mua các loại quà tặng như: sô cô la, gấu bông… để tặng bạn gái, mẹ, bà. Trong 3 ngày cao điểm từ 6 - 8/3, cửa hàng phải tuyển thêm nhân viên và tăng ca để đáp ứng nhu cầu mua sắm. Năm nay, tình cảnh hoàn toàn trái ngược, lượng khách đến cửa hàng mua quà tặng khá thưa thớt, giảm đến 50%.

Tại chợ hoa tươi Hồ Thị Kỷ (quận 10), các tiểu thương đã chuẩn bị khá nhiều loại hoa để phục vụ đợt kinh doanh lớn nhất trong năm, như: hoa hồng, hoa ly, sa-lem, hoa bi, cát tường, hoa lan…. Đặc biệt nhiều loại hoa đẹp, lạ được nhập khẩu từ Pháp, Ecuador, Hà Lan như: thanh liễu, hồng sa mạc, phi yến, bi, hoa mùa hè, hoa bá tước... cũng được một số tiểu thương nhập về với số lượng nhiều để chuẩn bị bán trong ngày 8/3.

Tuy nhiên, do lượng người mua thưa thớt và ảm đạm, giá các loại hoa tươi đến thời điểm này không tăng, thậm chí còn giảm giá. Cụ thể, các loại hoa hồng Đà Lạt được bán với giá từ 150.000 - 200.000 đồng/bó/50 bông; hoa hướng dương dao động từ 50.000 - 60. 000 đồng/bó/10-20 bông; hoa lan các loại từ 90.000 đồng đến 120.000 đồng/bó….

Đầu tư hàng trăm tỉ cải tạo, kênh Ba Bò vẫn ô nhiễm

Bỏ ra hàng trăm tỉ đồng để cải tạo kênh Ba Bò (nối TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương) trong suốt 12 năm qua. Thế nhưng tại sao dòng kênh này vẫn ô nhiễm? – Đó là vấn đề được đặt ra trên báo Tuổi Trẻ.

Mới đây nhất, TP. Hồ Chí Minh đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải bằng công nghệ hồ sinh học trên dòng kênh Ba Bò, nhưng nguồn nước không cải thiện được vì mức độ ô nhiễm quá nặng. Những ngày cuối tháng 2/2020, dòng kênh vẫn bốc mùi hôi nồng nặc, đoạn kênh dưới dạ cầu tỉnh lộ 43 bọt trắng thành từng đám nổi trên mặt nước. Khu vực sát hồ xử lý nước thải, các loại rác nổi lềnh bềnh. Thậm chí có nơi người dân còn vứt cả tấm nệm cao su, thùng xốp xuống lòng kênh…

Hồ điều tiết sinh học nằm trong hệ thống xử lý nước thải kênh Ba Bò được đầu tư tới 440 tỉ đồng nhưng nay phải ngưng hoạt động - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Hồ điều tiết sinh học nằm trong hệ thống xử lý nước thải kênh Ba Bò được đầu tư tới 440 tỉ đồng nhưng nay phải ngưng hoạt động - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo người dân ở đây, trong hồ sinh học, máy móc đã được chuyển tới mấy năm nay nhưng không thấy hoạt động.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng - Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP - cho biết hồ sinh học nằm trong hệ thống xử lý nước thải kênh Ba Bò hiện nay tạm ngưng hoạt động. Nguyên nhân là các trạm bơm nước vào hồ sinh học không thể vận hành liên tục do rác thải không được kiểm soát từ thượng nguồn đổ về tích tụ tại các hố thu nước gây nghẹt guồng bơm. Dù các công nhân của đơn vị thi công đã liên tục vớt rác nhưng cũng không khắc phục được tình hình.

Ngoài ra, hồ sinh học hoạt động theo công nghệ hiếu khí. Do đó, hồ chỉ tiếp nhận và xử lý nguồn nước thải sinh hoạt từ các khu dân cư, nước thải công nghiệp đã được xử lý đạt chuẩn. Thế nhưng trong quá trình quản lý và vận hành tạm hệ thống xử lý nước thải, có thời điểm đơn vị vận hành nhận thấy nước thải xuất hiện màu nâu đỏ, sau 15 phút thì chuyển sang màu vàng, có ánh kim.

Sau khi kiểm tra, cho thấy các thành phần ô nhiễm trong nước kênh Ba Bò có hàm lượng không ổn định, còn chứa thành phần kim loại nặng và các hóa chất độc hại. Vì vậy, đơn vị vận hành cho rằng vẫn còn nguồn nước thải công nghiệp chưa được xử lý đạt chuẩn xả vào kênh, dẫn tới hồ sinh học phải tạm ngưng.

Sắp nâng cấp phố đi bộ Nguyễn Huệ

Thông tin trên báo Lao Động, UBND TP vừa yêu cầu Sở Quy hoạch - Kiến trúc đề xuất phương án thiết kế giai đoạn 2 phố đi bộ Nguyễn Huệ để triển khai các hạng mục chiếu sáng, thùng rác, ghế đá chặn xe vào khu vực quảng trường.

Đồng thời, Sở Quy hoạch - Kiến trúc phối hợp với đơn vị tư vấn triển khai thực hiện công tác chiếu sáng phố đi bộ Nguyễn Huệ và tượng Bác.

Phố đi bộ Nguyễn Huệ là điểm thu hút rất đông người dân và du khách đến vui chơi vào dịp cuối tuần, lễ, tết. Ảnh: Minh Quân
Phố đi bộ Nguyễn Huệ là điểm thu hút rất đông người dân và du khách đến vui chơi vào dịp cuối tuần, lễ, tết. Ảnh: Minh Quân

Theo đề xuất của Sở Văn hóa và Thể thao, UBND TP chấp thuận chủ trương xây dựng chuyên đề âm nhạc phục vụ cho hoạt động trình diễn nhạc nước tại đài phun nước phố đi bộ Nguyễn Huệ.

Từ khi khánh thành (tháng 4/2015), mỗi ngày có cả nghìn người đến vui chơi, chụp ảnh tại khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ. Nơi đây cũng trở thành nơi tổ chức các lễ hội đường phố, diễu hành, đường hoa hàng năm.

Cùng công nhân vượt qua Covid-19

Mong mỏi của công nhân lao động chính là lương tối thiểu có thể đáp ứng đủ mức sống tối thiểu cho bản thân và gia đình. Tuy nhiên, với nhiều Doanh nghiệp (DN), để điều chỉnh tăng lương cho một số lượng lớn người lao động là cả một bài toán khó.

Bữa ăn của công nhân Công ty cổ phần Sài Gòn được bổ sung thêm nước chanh sả để tăng sức đề kháng
Bữa ăn của công nhân Công ty cổ phần Sài Gòn được bổ sung thêm nước chanh sả để tăng sức đề kháng

Do thu nhập thấp, nhiều công nhân phải chấp nhận tăng ca để có đủ chi phí trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, trong tình hình dịch Covid-19 tác động xấu đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều DN, phần thu nhập tăng thêm từ việc tăng ca của công nhân lao động cũng đang bị ảnh hưởng.  

Xem người lao động là vốn quý của mình, nhiều DN trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã xây dựng chính sách đãi ngộ, chăm chút bữa ăn, hỗ trợ chi phí xăng xe, học hành cho con cái, đóng bảo hiểm cho gia đình người lao động. Đây là cách DN giúp người lao động giải bài toán phải chi tiêu tằn tiện và an tâm làm việc, cống hiến sức mình, cùng DN vượt qua khó khăn trong mùa Covid-19.

Theo ông Hồ Xuân Lâm, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP, bên cạnh linh động giải quyết phép năm, cho nữ công nhân nghỉ ở nhà trông con không bị cắt các khoản thưởng, phụ cấp, DN còn tăng chi phí bữa ăn giữa ca, trao tặng khẩu trang, nước rửa tay kháng khuẩn, khử khuẩn môi trường làm việc… để giúp người lao động tăng cường sức khỏe, chống lại bệnh tật và an tâm sản xuất. 

(Theo Báo Sài Gòn Giải Phóng)

Xung phong đi bệnh viện dã chiến

Báo Tuổi Trẻ số ra hôm nay đăng tải ghi chép của Bác sĩ Phan Minh Phương (30 tuổi, khoa nhiễm B - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Thành phố):

“Sau khi Bệnh viện dã chiến phòng, chống COVID-19 tại Củ Chi đi vào hoạt động được hai tuần, chúng tôi được lãnh đạo Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thông báo kế hoạch cắt cử mỗi ngày một bác sĩ của một khoa (bệnh viện chúng tôi có 14 khoa tham gia chống dịch) xuống làm việc tại đó. Dù bệnh viện bắt thăm ngẫu nhiên thứ tự đi công tác tại bệnh viện dã chiến, tôi đã chủ động đề nghị xin được đi trước.

Các bác sĩ làm việc tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi (TP.HCM) - Ảnh: NVCC
Các bác sĩ làm việc tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi (TP.HCM) - Ảnh: NVCC

Bước vào tuần công tác của chúng tôi, ổ dịch mới bắt đầu phát sinh tại Hàn Quốc và nhiều người Việt trở về Việt Nam, số người cần được cách ly y tế tăng cao. Một ngày bằng cả hai tuần đầu tiên. Lúc tôi bàn giao công tác ngày 1/3 đã có khoảng 220 người cách ly tại đó. Tổng số giường bệnh tại đây là 300. Với những người có triệu chứng nghi ngờ như ho, sốt sẽ được chuyển tới cách ly ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới. Những người không có biểu hiện triệu chứng nhưng về từ các vùng dịch lớn sẽ được đưa tới bệnh viện dã chiến.

Ngay từ ngày đầu tiên, chúng tôi đã căng mình với công việc thăm khám cho những người phải cách ly. Có người chỉ ngủ được vài tiếng trong đêm. Mỗi ngày làm việc, ngoài một bác sĩ của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, còn có hai bác sĩ ở các quận huyện khác. Ngoài ra, còn có các hộ lý, điều dưỡng và lực lượng y công. Chúng tôi lo giải quyết mọi việc, từ thăm khám tới hỗ trợ ăn uống, sinh hoạt cho người cách ly”.

Tiệm cắt tóc giá 2.000 đồng

Lớn lên trong hoàn cảnh gia đình khó khăn, từ năm 9 tuổi khi được nghỉ hè, anh Thanh đã từ Đồng Nai lên TP.Hồ Chí Minh làm thuê để phụ giúp gia đình. Về sau anh quyết định bỏ học, lập nghiệp với nghề cắt tóc.

"Được làm một điều gì đó có ích cho xã hội, đặc biệt là hỗ trợ các bạn sinh viên, thế hệ tương lai của đất nước là điều mà một người con xa xứ như mình muốn thực hiện" - anh Thanh bộc bạch - Ảnh: NHẬT THỊNH
"Được làm một điều gì đó có ích cho xã hội, đặc biệt là hỗ trợ các bạn sinh viên, thế hệ tương lai của đất nước là điều mà một người con xa xứ như mình muốn thực hiện" - anh Thanh bộc bạch - Ảnh: NHẬT THỊNH

Đến nay, khi đã là ông chủ của chuỗi 10 cửa tiệm cắt tóc tại TP.Hồ Chí Minh, anh Thanh quyết định bỏ tiền túi để mở một tiệm cắt tóc miễn phí cho các bạn sinh viên, nhưng vì sợ các bạn ngại nên anh đề giá là 2.000 đồng.

Với anh Thanh, đây không chỉ đơn thuần là tặng cho các bạn sinh viên một đầu tóc mới, mà anh mong các bạn có được niềm vui, truyền năng lượng tích cực từ sự thay đổi, giúp các bạn sinh viên có thể tự tin hơn trong học tập cũng như công việc hằng ngày. 

Điều anh muốn là dù mọi tầng lớp khác nhau, ngay cả đối với những người có thu nhập thấp thì anh vẫn muốn mang đến cho họ mái tóc được cắt tỉa chỉnh chu, gọn gàng và không kém phần "phong cách".

(Theo báo Tuổi Trẻ)

Vân Anh - Thanh Hà

Tin cùng chuyên mục