Giáo viên vừa dạy vừa làm công tác y tế
Từ hôm qua (4/5), khi học sinh đi học trở lại trong mùa dịch, giáo viên vừa phải dạy trực tiếp, trực tuyến, tăng số tiết, lại phụ trách công tác y tế. Thế nhưng, hầu hết các giáo viên cho biết họ rất vui vẻ và sẵn lòng chịu cực vì học sinh.
Theo ghi nhận trên báo Thanh Niên, tại các trường học trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh (TP), các giáo viên chủ nhiệm đã trở thành những giáo viên “đa năng” trong mùa dịch này, khi vừa giảng dạy vừa kiêm nhiệm thêm các vai trò khác như đo thân nhiệt, phát khẩu trang, hướng dẫn học sinh rửa tay, nhắc nhở đeo khẩu trang, không tụ tập... Theo nhiều giáo viên, chương trình giảng dạy sẽ được tinh giản như hướng dẫn của Bộ GD&ĐT nên họ phải soạn lại bài giảng. Mặt khác, trong thời gian triển khai học trực tuyến, có những giới hạn nhất định, nên khi học sinh quay trở lại trường, ngoài chương trình học mới, với những học sinh chưa hiểu những bài học cũ trực tuyến, giáo viên sẵn sàng dành thêm thời gian giảng lại bài để các em nắm vững kiến thức và theo kịp chương trình.
Đặc biệt, nhiều trường thực hiện tách đôi số lớp, khiến công việc của giáo viên gần như tăng gấp đôi, chỉ tính riêng việc dạy, số tiết giáo viên thực hiện đã gấp 2 lần so với quy định.
Mặc dù khối lượng công việc tăng, dù vất vả, nhiều khi phải “vắt chân lên cổ” để chạy cho kịp nhưng các giáo viên đều tỏ ra sẵn lòng. Bởi học sinh đã nghỉ học quá lâu, các thầy cô đều mong mỏi ngày được đón các em đi học trở lại.
Du lịch “thấy ánh sáng” từ đợt nghỉ lễ
Theo thông tin trên báo Tuổi Trẻ, Sở Du lịch TP cho biết những điểm tham quan du lịch cửa mở và đón khách trong 4 ngày nghỉ lễ vừa qua đã ghi nhận lượng khách bắt đầu nhộn nhịp trở lại. Trong khi các khu vui chơi, giải trí chưa được mở cửa trong dịp lễ 30/4 và 1/5, những điểm tham quan di tích lịch sử của TP đã đón lượng du khách đáng kể, trong đó có hàng trăm lượt khách quốc tế.
Trong đó Bảo tàng Chứng tích chiến tranh với khoảng 600 khách nội và 100 khách quốc tế, khu du lịch Vàm Sát có 630 khách nội địa, 20 khách quốc tế. Tổng lượng khách đến tham quan địa đạo Củ Chi và Căn cứ Rừng Sác trong 4 ngày cũng đạt hơn 10.500 khách, với 258 khách quốc tế. Bảo tàng Mỹ thuật TP cũng đón hơn 520 khách, Bảo tàng Lịch sử khoảng 97 lượt khách...
Theo Sở Du lịch TP, đây là tín hiệu tốt cho ngành, dù lượt khách còn rất thấp so với kỳ năm ngoái. Số lượng khách trong kỳ nghỉ lễ năm nay giảm đáng kể do các công ty du lịch trên địa bàn chưa tổ chức bán tour trở lại sau thời gian giãn cách xã hội, mà chủ yếu cung cấp dịch vụ riêng lẻ như đặt phòng, cho thuê xe.
Ngành du lịch lữ hành TP đang nỗ lực khôi phục hoạt động từ tháng 5, sau thời gian chịu thiệt hại nặng nề bởi ảnh hưởng dịch Covid-19 do không phát sinh doanh thu, tour bị đóng băng.
Theo Cục Thống kê TP, trong tháng 4 vừa qua TP không có doanh thu từ dịch vụ lữ hành, trong khi dịch vụ lưu trú và ăn uống cũng giảm mạnh so với tháng trước và so với cùng kỳ năm ngoái tương ứng 47,7% và giảm 85,8%.
Xe buýt trở lại, vắng vẫn vui!
Sáng qua (4/5), đã có 72 tuyến xe buýt ở TP lăn bánh hoạt động trở lại, phục vụ người dân, học sinh – sinh viên sau những ngày dài tạm ngưng hoạt động.
Theo ghi nhận trên báo Tuổi Trẻ, mỗi xe chỉ chở không quá 20 người nhưng cả tài xế, tiếp viên, hành khách… đều vui.
8 giờ sáng, bến xe buýt tại công viên 23/9 đã trở lại không khí nhộn nhịp, tấp nập những chuyến xe buýt ra vào đón trả khách. Tài xế, tiếp viên tất bật lau dọn, nổ máy xe để chuẩn bị chở khách.
Gần đó, ở những dãy nhà chờ là hình ảnh những hành khách, cụ bà bán vé số, học sinh ngồi đợi chờ những chuyến xe đi qua như thường lệ. Tất cả cùng chung suy nghĩ xe buýt hoạt động lại, ai cũng có công việc để làm. Hành khách, người lao động có phương tiện công cộng đi lại thuận lợi, tiếp tục cuộc mưu sinh.
Nhiều người cho biết, trong những ngày xe buýt tạm nghỉ, họ phải đi lại bằng taxi hoặc xe máy. Trong khi đi xe máy thì không an toàn, đi taxi thì tốn kém nhưng vì công việc buộc phải đi. Nay xe buýt hoạt động trở lại, mọi người tỏ ra hào hứng, vì vừa tiết kiệm, mát mẻ, lại được ngắm cảnh thỏa thích…
Chiều cùng ngày (4/5), các tuyến xe buýt có lượng khách đi lại vẫn chưa đông, có chuyến chỉ có khoảng 6 hành khách trên xe. Dù vậy ai cũng hào hứng, vui vẻ.
Tính đến ngày 4/5, TP đã có 73 tuyến xe buýt hoạt động trong tổng số 132 tuyến trợ giá và không trợ giá trên địa bàn (trước đó, ngày 28/4, tuyến xe buýt không trợ giá tỉnh liền kề số 5, lộ trình bến xe Chợ Lớn – bến xe Biên Hòa đã hoạt động).
Nhà hàng, quán ăn chật vật tái khởi động
Hồ hởi mở cửa trở lại sau khi lệnh giãn cách xã hội được nới lỏng song ngành dịch vụ đang chật vật vì đối mặt với giảm cả về số lượng và "chất lượng" hóa đơn. Đó là nội dung được phản ánh trên báo Thanh Niên.
Khai trương trở lại vào ngày 24/4, ngay sau khi TP thông báo nới lỏng lệnh cách ly xã hội và cho phép các nhà hàng, quán ăn trở lại hoạt động bình thường tới nay chưa đầy nửa tháng nhưng chuỗi nhà hàng HD đang dự tính tiếp tục cắt giảm nhân sự vì không có khách. Theo ông chủ chuỗi nhà hàng này, cuối năm 2019, doanh thu của hầu hết các nhà hàng đều giảm đáng kể khi Nghị định 100 xử phạt vi phạm nồng độ cồn chính thức có hiệu lực. Ra tết, dịch Covid-19 ập đến, chuỗi nhà hàng phải tạm đóng cửa, khiến hơn 90% nhân viên phải tạm ngừng việc, tạm ngừng giao thương với 100% nhà cung cấp...
Chủ một chuỗi cửa hàng trà sữa cho biết từ trước Tết Nguyên đán đến nay phải tạm ngưng kinh doanh 3 cửa hàng vì dịch Covid-19. Mới đây, khi lệnh giãn cách được nới lỏng, chị đã khai trương trở lại 1 cửa hàng nhưng gần như không có khách.
Đột ngột mất dòng tiền trong khi vẫn phải chi trả toàn bộ các chi phí như tiền thuê mặt bằng, lương nhân viên, tiền điện, nước... khiến các chủ đầu tư dịch vụ ẩm thực nói chung đối mặt với bờ vực phá sản.
Theo một số cửa hàng, dịch bệnh đã được kiểm soát, các quy định cách ly được nới lỏng nhưng lượng khách vẫn rất ít. Ngày khai trương trở lại, nhiều nơi phục vụ được khoảng 60 - 70% số khách so với bình thường, nhưng sau đó lượng khách giảm dần và đến nay chỉ bằng khoảng 20% so với thông thường.
Chủ một hệ thống quán nướng nổi tiếng cho biết, không chỉ giảm số lượng khách, chất lượng bill (hóa đơn) cũng giảm trầm trọng, chỉ bằng 50% so với trước đây.
Dịch Covid-19 đi qua, thói quen của người tiêu dùng thay đổi rất nhiều. Không chỉ vẫn mang tâm lý ngại ra đường, tụ tập đông người, túi tiền bị ảnh hưởng nặng nề trong thời gian dịch bệnh hoành hành cũng là nguyên nhân chính khiến người dân chưa thể thoải mái vui chơi, ăn uống trở lại như trước.
Sân khấu sẵn sàng sáng đèn
Dù chưa biết ngày nào sẽ chính thức được mở cửa trở lại nhưng những người làm sân khấu tại Thành phố đã chuẩn bị sẵn sàng tâm thế đón khách với nhiều cơ hội mới.
Mấy tháng qua là khoảng thời gian “khủng hoảng” đối với những người làm sân khấu. Không được diễn, không được giao tiếp với khán giả, thu nhập giảm…do dịch bệnh. Thậm chí có sân khấu vừa mới khai trương mấy buổi phải đóng cửa. Tuy nhiên, theo ghi nhận của báo Tiền Phong, trong thời gian giãn cách, các sân khấu đã đầu tư cho nhiều vở diễn mới. Nhiều vở đã hoàn thiện và sẵn sàng diễn ngay khi sân khấu được mở cửa đón khán giả trở lại.
Bên cạnh đó, một số nhà hát tranh thủ thời gian giãn cách hoàn tất việc sửa chữa, làm mới sàn diễn. Nhiều diễn viên tập lại những vở diễn cũ đã từng ra mắt khán giả, để cống hiến hết mình cho khán giả trong thời gian tới. Một số nghệ sỹ có ý tưởng thực hiện chương trình tôn vinh những người trên tuyến đầu chống dịch… Các nhà hát, sân khấu cũng như các diễn viên đang trong trạng thái sẵn sàng để sân khấu sáng đèn trở lại.
Lực lượng 363 xuyên đêm giữ trị an
Thời gian qua, Tổ công tác 363 Công an TP và các quận, huyện đã liên tục tuần tra, kiểm soát hàng loạt tuyến đường để đảm bảo giữ gìn an ninh trật tự cho toàn TP, đặc biệt là trong thời điểm xảy ra dịch bệnh Covid-19. Phóng viên báo Pháp Luật TP đã có bài viết ghi nhận những khó khăn, nguy hiểm mà các chiến sĩ phải đối mặt trong quá trình làm việc.
1 giờ sáng, các chiến sĩ của tổ 363 quận 11, tay vít ga chiếc mô tô chuyên dụng len lỏi trong màn đêm trên nhiều tuyến đường ở khu vực. Khi đến khu vực vòng xoay Bình Thới, một nhóm thanh niên điều khiển nhiều xe máy với tốc độ cao có biểu hiện thay đổi kết cấu, nẹt pô ầm ĩ chạy hướng ngược lại. Tổ công tác lập tức quành xe đuổi theo. Tuy nhiên, nhóm thanh niên sau đó đã tản vào các con hẻm nhỏ, tẩu thoát. Cũng do chạy với tốc độ cao, một trong các xe của lực lượng chức năng loạng choạng, suýt ngã.
2 giờ sáng, trước trụ sở Đội CSGT đường Ba Tháng Hai, tổ công tác bất ngờ phát hiện nam thanh niên chạy xe nẹt pô ầm ĩ. Khi thấy lực lượng chức năng, người này rú ga tẩu thoát nhưng do gặp phải vũng sơn đổ giữa đường nên bị té. Tổ công tác sau đó đã đưa người này về trụ sở xử lý hành chính với các hành vi điều khiển xe không có bộ phận giảm thanh, không có gương chiếu hậu, nẹt pô trong khu dân cư…
Việc truy đuổi như vậy tiềm ẩn không ít nguy hiểm. Nhiều lúc do lực lượng mỏng, phương tiện hạn chế nên các chiến sĩ không thể vây bắt được. Trong thời điểm xảy ra dịch bệnh, các đối tượng có thể lợi dụng việc đường vắng để ra tay cướp giật tài sản của người dân. Do vậy, việc tuần tra của lực lượng 363 là nhằm vừa xử lý vừa kiểm soát, đánh động để tội phạm chùn tay, không dám xuất hiện gây án.
Theo ghi nhận, tại các quận huyện, tất cả khu vực vòng xoay, giao lộ lớn đều có lực lượng công an, bảo vệ dân phố, dân phòng cùng túc trực từ đêm cho đến rạng sáng. Các tổ 363 đã phát hiện, xử lý nhanh nhiều vụ việc và đối tượng nghi vấn, có dấu hiệu của tội phạm hình sự, ma túy, kinh tế, thu giữ nhiều tang vật liên quan hoạt động phạm tội. Ngoài ra, các tổ công tác còn phát hiện và xử lý nhiều trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông.