Thăm, chúc thọ các cụ 90 tuổi tiêu biểu tại quận 2 và quận 9
Báo Sài Gòn Giải Phóng đưa tin, chiều tối 4/6, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP, dẫn đầu đoàn lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh đến thăm, chúc thọ các cụ 90 tuổi tiêu biểu trên địa bàn quận 2 và quận 9, nhân kỷ niệm ngày Người cao tuổi Việt Nam (6/6).
Đồng chí Nguyễn Thành Phong thăm hỏi sức khỏe, chúc thọ các cụ :Lê Duyên (sinh năm 1930), đảng viên 70 năm tuổi Đảng, là cán bộ hưu trí, từng tham gia hoạt động kháng chiến, hiện đang sinh sống tại quận 2 cùng vợ - cũng là người hoạt động kháng chiến - và người thân; cụ Nguyễn Thị Ớt (ngụ quận 2) là Mẹ Việt Nam Anh hùng, có chồng và con là liệt sĩ, đều đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ; cụ Nguyễn Văn Song (ngụ quận 9) là cựu chiến binh, là con liệt sĩ chống Pháp, vợ là người có công với cách mạng.
Trong buổi trò chuyện thân tình, thay mặt đoàn, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, thông báo với các cụ về nỗ lực của TP. Hồ Chí Minh trong phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.
Đồng chí cũng khẳng định, lãnh đạo TP tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển TP một cách bền vững. Qua đó, đồng chí Nguyễn Thành Phong mong muốn các cụ cùng người thân, gia đình sống vui, sống khỏe và và luôn là tấm gương cho con cháu và thế hệ hôm nay học tập, noi theo.
Truy trách nhiệm dự án chậm tiến độ
Ngày 4/6, Đoàn Giám sát của Hội đồng Nhân dân TP có buổi làm việc với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP nhằm giám sát tiến độ và hiệu quả triển khai các dự án giao thông trọng điểm.
Theo đó, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Thị Lệ đã yêu cầu Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP giải trình nguyên nhân dẫn đến hàng loạt dự án chậm tiến độ, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng và đời sống, sinh hoạt của người dân. Thông tin được đăng tải trên báo Tiền Phong.
Chỉ ra công trình cầu Long Kiểng (huyện Nhà Bè) đã duyệt dự án gần 20 năm nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ cho biết, qua giám sát thực tế cho thấy nhiều nhà dân trước kia ở vị trí mặt tiền đường nay biến thành những căn nhà dưới gầm cầu, việc đi lại, sinh hoạt vô cùng khó khăn. Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ ngậm ngùi: “Dự án kéo dài hết 1/3 cuộc đời. Có cụ bà chia sẻ với tôi, chỉ mong sống đến ngày nhìn thấy cây cầu hoàn thành. Nghe câu này các đồng chí có thấy xót xa không?”.
Nói về dự án cầu Bưng (phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân), Chủ tịch HĐND Nguyễn Thị Lệ cho biết trong chuyến khảo sát thực tế ngày 28/5, phản ánh với đoàn giám sát, nhiều người dân khẳng định sẵn sàng chấp nhận hy sinh lợi ích riêng, bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án. Tuy nhiên, dự án này vẫn kéo dài tới 3 năm do vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng của 2 doanh nghiệp trên địa bàn quận Tân Phú.
Báo cáo với đoàn giám sát HĐND TP, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông (BQL DA) Lương Minh Phúc cho biết, BQL DA đang quản lý 252 dự án, trong đó có 75 dự án đang triển khai thi công, trong đó 43 dự án chậm tiến độ và hiện nay đã có 8 dự án ngừng thi công.
Nguyên nhân chậm tiến độ của các dự án là do công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật chậm, trong khi công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan chưa chặt chẽ… Để giải quyết vướng mắc của dự án cầu Long Kiểng, UBND huyện Nhà Bè đang đề xuất UBND TP ứng vốn từ quỹ đền bù mua sỉ một số nền đất để giải quyết tái định cư cho người dân.
Trước giải thích trên, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ lưu ý quy định hiện nay không cho phép tạm ứng để mua nền dự trữ như thời điểm trước. BQL DA cần nhìn nhận trách nhiệm trong việc để các dự án công trình trọng điểm chậm tiến độ.
“Lắng nghe người dân hiến kế”- một cách làm để duy trì vai trò sáng tạo, đổi mới của người dân TPHCM
Ngày 4/6, báo Người Lao Động đã tổ chức Lễ trao giải cuộc thi “Lắng nghe người dân hiến kế”.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập báo cho biết, qua 4 tháng diễn ra, cuộc thi đã nhận được 71 tác phẩm dự thi và 115 ý kiến từ các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân gửi về. Qua nhiều vòng xét chọn, hội đồng chấm giải đã chọn ra 5 tác phẩm nổi bật nhất để trao giải với tổng số tiền thưởng 107 triệu đồng.
Cụ thể, tác phẩm “Đừng so đo khi đầu tư y tế” của tác giả Vân Thanh đoạt giải nhất; tác phẩm “Kinh tế sáng tạo dẫn dắt tăng trưởng” của tác giả Huỳnh Kim Tước đoạt giải nhì; tác phẩm “Sông Sài Gòn là tài sản vô giá” của tác giả Nguyễn Quốc Cường và tác phẩm “Phải có một nền công cụ tiên tiến” của tác giả Diệp Văn Sơn cùng đoạt giải ba; tác phẩm “Cầu đi bộ nhiều tầng hình thức BOT” của tác giả Phạm Sỹ Nhật đoạt giải khuyến khích.
Đây là những hiến kế có giải pháp cụ thể, thiết thực, gần gũi với đời sống; mới, sáng tạo, độc đáo; có khả năng triển khai ứng dụng vào thực tiễn.
Phát biểu tại lễ trao giải, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Anh Đức cho rằng, đây là một cách làm để duy trì vai trò sáng tạo, đổi mới cũng như là truyền thống của người dân Thành phố trong suốt những năm qua. Phó Chủ tịch Dương Anh Đức đánh giá cuộc thi hết sức thiết thực và có ý nghĩa, và bày tỏ mong muốn các ý kiến đóng góp này sẽ được các đơn vị chuyên môn nghiên cứu, sử dụng một cách phù hợp, phục vụ tốt nhất cho sự phát triển của Thành phố.
Ứng dụng công nghệ vào quản lý điều hành giao thông
Báo Sài Gòn Giải Phóng cho hay, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan đã giao Sở GTVT hoàn chỉnh dự thảo đề án “Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2020 - 2030” trình UBND TP trong tháng 6.
Theo đó, nội dung dự thảo cần bổ sung, làm rõ số liệu và đánh giá toàn diện các yếu tố ảnh hưởng đến hệ thống giao thông vận tải thành phố. Trong đó lưu ý đến việc gia tăng dân số, phát triển kinh tế - xã hội, các loại phương tiện giao thông, đặc trưng về giao thông đường thủy nội địa, khả năng đáp ứng của hệ thống giao thông hiện hữu, thực tế đầu tư cho hạ tầng giao thông trong những năm qua..., từ đó dự báo và định hướng phát triển hệ thống GTVT trong tương lai theo hướng hiện đại, đồng bộ và thông suốt.
Đồng thời, nghiên cứu nhiều hình thức, chính sách huy động nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, ưu tiên nguồn lực cho đầu tư khép kín các đường vành đai, các tuyến đuờng sắt đô thị, đường trên cao và hệ thống giao thông khu vục cửa ngõ Thành phố.
Về công tác quản lý kết cấu hạ tầng giao thông cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ quản lý điều hành giao thông; phân cấp quản lý hiệu quả, khoa học. Xây dựng cơ chế phối hợp với các tỉnh, các trung tâm lớn (cảng, logistics...) để quản lý hạ tầng giao thông.
Giảm giá sâu nhiều mặt hàng để tiếp sức Tiêu dùng xanh
Từ ngày 6 đến 30/6, hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smiles, Cheers… triển khai Tháng Tiêu dùng xanh với nhiều hoạt động thiết thực và tương tác cao để tiếp sức tiêu dùng xanh. Thông tin trên báo Người Lao Động.
Chương trình nhằm ủng hộ chiến dịch Tiêu dùng sản phẩm xanh lần thứ 11 năm 2020 do Báo Sài Gòn Giải Phóng cùng Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường TP và Liên hiệp HTX Thương mại TP. Hồ Chí Minh(Saigon Co.op) tổ chức.
Trong chương trình năm nay, ngoài việc xây dựng những chính sách khuyến mãi, chính sách bán hàng với giá ưu đãi còn hỗ trợ trưng bày, trang trí, quảng bá và bố trí các khu vực trưng bày riêng biệt cho sản phẩm của doanh nghiệp (DN) xanh, Saigon Co.op tiếp tục vận động khách hàng không sử dụng túi ni-lông khi mua sắm, tổ chức nhiều chương trình hoạt náo để giúp khách hàng nhận diện sản phẩm của DN xanh.
Với những sản phẩm của các DN thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, có trách nhiệm với môi trường sống sẽ được nhận diện bằng biểu tượng khác biệt giúp người tiêu dùng dễ nhận biết khi tham gia tiêu dùng sản phẩm tại siêu thị.
Đặc biệt, từ ngày 6 đến ngày 17/6, các điểm bán thuộc Saigon Co.op giảm giá đến 50% cho hơn 10.000 sản phẩm thân thiện với môi trường, chủ đề "Tôi chọn sản phẩm xanh"; dự kiến tặng hơn 100.000 phiếu mua hàng cho khách hàng mua sản phẩm của DN xanh trong chương trình "Sống xanh - Sống khỏe"; giảm hơn một nửa giá cho hàng loạt sản phẩm nhu yếu vào các ngày cuối tuần.
Đẩy mạnh các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt
Theo báo Pháp Luật TP, UBND TP đã giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh (viết tắt là Ngân hàng) báo cáo tình hình triển khai thực hiện Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 26/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh các giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.
UBND TP đề nghị trước 15/12/2020, Ngân hàng phải hoàn thành việc xây dựng, phát triển hệ thống bù trừ điện tử tự động cho các giao dịch thanh toán bán lẻ (ACH) để chính thức đưa vào vận hành, triển khai dịch vụ.
TP.Hồ Chí Minh cũng đề nghị Ngân hàng nghiên cứu, triển khai các mô hình dịch vụ thanh toán mới để kịp thời đảm bảo công tác quản lý, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Bên cạnh đó, Ngân hàng cũng cần nghiên cứu ứng dụng các giải pháp xác thực, nhận biết khách hàng bằng phương thức điện tử để thúc đẩy tiếp cận và sử dụng các dịch vụ thanh toán.
Chỉ thị 22 nêu rõ, nhiệm vụ của Ngân hàng là phải hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử. Đồng thời, Ngân hàng có trách nhiệm ban hành các cơ chế, chính sách thích hợp về phí dịch vụ thanh toán để khuyến khích tổ chức, cá nhân thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt.
Cảnh sát giao thông vớt rác để đường thoát nước nhanh
Đó là hình ảnh đẹp được báo Pháp Luật TP ghi nhận. Chiều 4/6, cơn mưa lớn đổ xuống nhiều nơi trên địa bàn TP, gây ngập và ùn ứ giao thông. Điển hình, khu vực Phạm Văn Đồng – Tô Ngọc Vân (phường Linh Đông, quận Thủ Đức) ngập gần nửa bánh xe, các phương tiện di chuyển khó khăn, xuất hiện tình trạng ùn ứ.
Nhận thấy đây là khu vực thường xuyên ngập khi mưa lớn, lãnh đạo Đội CSGT Tuần tra - Dẫn đoàn (PC08, Công an TP) đã điều động tổ CSGT tại một chốt gần đó phối hợp với 2 tổ tuần tra khác, tổng cộng gần 10 người đến xử lý. Lãnh đạo đơn vị này cũng trực tiếp ra hiện trường để điều tiết.
Tại đây, CSGT dầm mưa để điều tiết, hướng dẫn người dân di chuyển an toàn qua các khu vực ngập sâu trên đường Phạm Văn Đồng, Tô Ngọc Vân, đường ray xe lửa.
Lãnh đạo Đội Tuần tra – Dẫn đoàn cũng báo cho tổ phản ứng nhanh phòng chống kẹt xe của Sở GTVT TP để phối hợp xử lý. Thậm chí, có một số CSGT không kịp mặc áo mưa nên ướt nhẹp, nhiều chiến sĩ tiến lại các cống thoát nước để vớt rác, giúp nước thoát mau hơn, giảm tình trạng ngập.