Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 05/8/2020

10:29 05/08/2020

Trung tâm Báo chí tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TP. Hồ Chí Minh trên các báo ra ngày 05/8/2020:

Không đeo khẩu trang nơi công cộng bị phạt ra sao?

Báo Tuổi Trẻ đưa tin, theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 11 Nghị định số 176/2013, hành vi không đeo khẩu trang ở nơi công cộng là vi phạm: “Không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế”. Mức xử phạt cho hành vi này là từ 100.000 – 300.000 đồng.

Phải đeo khẩu trang khi ra đường - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Phải đeo khẩu trang khi ra đường - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo đó, nơi công cộng được hiểu là nơi phục vụ chung cho nhiều người. Đây là nơi không chỉ giới hạn ở khu vực ngoài trời mà còn là các địa điểm phục vụ văn hóa, giải trí, ăn uống. Một số địa điểm ngoài trời, địa điểm trong khuôn viên công cộng có thể kể đến như: đường đi, quảng trường, nhà ga, bệnh viện, trường học, rạp chiếu phim...

Chủ tịch UBND cấp xã - phường - thị trấn, công chức, viên chức ngành y tế, các cơ quan có thẩm quyền sẽ thực hiện việc kiểm tra, xử lý người không đeo khẩu trang khi ra đường.

Trước đó, trong giai đoạn cao điểm phòng chống dịch Covid-19 lần 1, tính từ ngày 28/3 (ngày đầu tiên tiến hành kiểm tra, xử phạt), các địa phương ở TP đã nhắc nhở hàng chục ngàn trường hợp, xử phạt gần 2.500 trường hợp không mang khẩu trang nơi công cộng với số tiền phạt gần 500 triệu đồng.

Triển khai các biện pháp “thi an toàn”

Thông tin từ Sở GĐ - ĐT TP, trong ngày 5/8, Sở sẽ tiến hành tập huấn từng đợt lãnh đạo các điểm thi tốt nghiệp THPT về các phương án phòng chống dịch Covid-19, đảm bảo an toàn cho thí sinh và cán bộ làm công tác thi.

Trước đó, Sở đã có văn bản gửi các đơn vị trực thuộc, yêu cầu thủ trưởng các trường được chọn làm điểm thi phối hợp với các cơ sở y tế địa phương thực hiện tổng vệ sinh, khử khuẩn toàn bộ điểm thi trước ngày thi và sau mỗi ngày thi. Báo Tuổi Trẻ đưa tin.

Phun thuốc khử trùng tại Trường THPT Hùng Vương (Q.5, TP.HCM). Ảnh: Báo Tuổi Trẻ
Phun thuốc khử trùng tại Trường THPT Hùng Vương (Q.5, TP.HCM). Ảnh: Báo Tuổi Trẻ

Cô Trần Thị Hồng Thủy, Phó Hiệu trưởng, Phó trưởng điểm thi Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa cho biết trường đã chuẩn bị gần 10 thùng khẩu trang, 30 máy đo thân nhiệt, 100 chai nước rửa tay khô, các bồn rửa tay cũng được trang bị xà phòng đầy đủ… Trong sáng 5/8, trường sẽ tiến hành phun xịt khử khuẩn tất cả các phòng thi và phòng làm việc của cán bộ coi thi. Đến ngày 6/8, nhân viên của trường sẽ lau lại tất cả bàn ghế, dụng cụ cần thiết phục vụ cho công tác thi bằng nước sát khuẩn.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD - ĐT thông tin, Sở sẽ yêu cầu các thí sinh có mặt tại điểm thi trước giờ tập trung ít nhất 30 phút để tiến hành đo thân nhiệt, rửa tay rồi mới lên phòng thi. Các điểm thi sẽ bố trí nhiều bàn đo thân nhiệt trong khuôn viên sân trường để làm công tác này. Ngoài ra, Sở cũng yêu cầu các thí sinh phải đeo khẩu trang khi di chuyển, có thể mở khẩu trang ra trong lúc làm bài.

5.400 sinh viên tình nguyện Tiếp sức mùa thi 2020

Theo báo Người Lao Động, TP. Hồ Chí Minh có 5.400 sinh viên tình nguyện sẽ tham gia hỗ trợ thí sinh Tiếp sức mùa thi năm 2020, chương trình do Trung tâm Hỗ trợ học sinh - sinh viên TP phối hợp với Tập đoàn Thiên Long tổ chức.

Năm nay, các sinh viên tình nguyện vẫn hỗ trợ thí sinh với các nội dung tương tự các năm trước như: tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ thí sinh về thông tin tuyển sinh, hướng dẫn phòng thi, xử lý các tình huống khẩn cấp, bảo đảm an ninh trật tự tại các điểm thi… Sinh viên tình nguyện cũng sẽ hỗ trợ giới thiệu chỗ trọ, ký túc xá, bố trí chỗ ăn ở, nghỉ ngơi cho các thí sinh có nhu cầu và phát tặng các vật phẩm cần thiết.

Sinh viên tình nguyện Tiếp sức mùa thi của TP HCM Ảnh: Mỹ Anh
Sinh viên tình nguyện Tiếp sức mùa thi của TP HCM Ảnh: Mỹ Anh

Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Ban Tổ chức chương trình đã có phương án thành lập đội hình Hỗ trợ y tế thường trực tại các điểm thi, sẵn sàng tác chiến trong những trường hợp cần thiết; vận động khẩu trang và 5.520 chai nước rửa tay sát khuẩn khô cho 115 điểm thi.

Chương trình sẽ trao tặng 30 suất học bổng dành cho thí sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn TP, kịp thời hỗ trợ vật chất và tinh thần để các em an tâm thi cử.

Ngoài ra, chương trình làm mới và đẩy mạnh các giải pháp: xây dựng mạng lưới làm việc trực tuyến giữa các đội hình tình nguyện, giữa các điểm thi trong cùng đội hình. 5.400 sinh viên tình nguyện sẽ thành lập 21 đội hình tình nguyện thường trực tại 115 địa điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2020 (từ ngày 8 đến 10/8) và các điểm thi đánh giá năng lực, thi các môn năng khiếu (từ ngày 15 đến 30/8).

Hỗ trợ lao động nước ngoài, doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh

Doanh nghiệp có nhu cầu cấp phép nhập cảnh cho các chuyên gia nước ngoài vào làm việc tại TP. Hồ Chí Minh cần gửi đầy đủ hồ sơ và thông tin của người lao động đến Sở LĐ-TB&XH để được xét duyệt. Thông tin từ Vietnamplus.

Sở LĐ-TB&XH  cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, TP đã thẩm định và ban hành thông báo chấp thuận hơn 6.900 vị trí công việc được sử dụng 8.726 người lao động nước ngoài; cấp giấy phép lao động cho 5.370 trường hợp người lao động nước ngoài, trong đó cấp mới là 2.464 giấy phép, cấp lại là 2.906 giấy phép.

Sở này cũng đã ban hành thông báo xác nhận 433 trường hợp người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động và đề xuất UBND TP thành lập Tổ công tác xét duyệt danh sách lao động người nước ngoài là nhà đầu tư, chuyên gia kỹ thuật, lao động tay nghề cao, nhà quản lý (gọi chung là chuyên gia) nhập cảnh vào TP. Hồ Chí Minh làm việc.

Nguyên do trước đó Việt Nam đã dừng cấp thị thực với người nước ngoài từ 0 giờ ngày 18/3 để bảo đảm công tác phòng chống dịch Covid-19.

Nhân viên y tế hướng dẫn chuyên gia, lao động nước ngoài khai báo y tế và kiểm tra sức khỏe trước khi vào khách sạn cách ly. (Ảnh: TTXVN)
Nhân viên y tế hướng dẫn chuyên gia, lao động nước ngoài khai báo y tế và kiểm tra sức khỏe trước khi vào khách sạn cách ly. (Ảnh: TTXVN)

Theo ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH , việc làm này nhằm giúp doanh nghiệp củng cố, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh sau khi bị tác động bởi dịch Covid-19, góp phần khôi phục tình hình kinh tế-xã hội TP.

Danh sách người nhập cảnh được công bố công khai trên website của Sở (http://www.sldtbxh.hochiminhcity.gov.vn/web/guest/home) để doanh nghiệp nắm thông tin,” ông Nguyễn Văn Lâm chia sẻ.

Về quy trình, sau khi Cục Quản lý Xuất nhập cảnh có công văn cho phép các chuyên gia nhập cảnh vào TP để làm việc, các đơn vị, doanh nghiệp có liên quan triển khai các nội dung theo lĩnh vực quản lý.

Sở Y tế sẽ tổ chức đón người lao động nước ngoài tại cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất, kiểm tra, sàng lọc trước khi đưa về khu cách ly tại cơ sở y tế tập trung theo quy định; chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật lấy mẫu xét nghiệm cho người cách ly. Công an TP bố trí lực lượng đảm bảo an ninh, trật tự tại khu cách ly tại cơ sở y tế tập trung.

Yêu cầu kiểm soát chặt khách thuê chung cư, cao ốc đề phòng Covid-19

Cũng trên báo Tuổi Trẻ, Sở Du lịch TP đã đưa ra các giải pháp nhằm kiểm soát và hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh đối với cư dân, khách lưu trú tại các khu chung cư, căn hộ cho thuê, các cơ sở lưu trú kinh doanh theo mô hình homestay/Airbnb và các mô hình tương tự (gọi tắt là căn hộ cho thuê).

Cụ thể, trong tình hình hiện nay, đối với các căn hộ cho thuê hiện đang có khách lưu trú thì vẫn tiếp tục phục vụ khách theo thời gian đã đăng ký. Tuy nhiên, chủ cơ sở lưu trú bắt buộc phải rà soát, nắm đầy đủ thông tin cá nhân của khách lưu trú (như tên, tuổi, địa chỉ, số điện thoại, tình trạng sức khỏe hiện tại, nơi đi, lịch trình di chuyển...).

Công an phường 3, quận Bình Thạnh, TP.HCM phát tờ rơi tuyên truyền phòng chống dịch cho cư dân tại chung cư Miếu Nổi - Ảnh: ĐAN THUẦN
Công an phường 3, quận Bình Thạnh, TP.HCM phát tờ rơi tuyên truyền phòng chống dịch cho cư dân tại chung cư Miếu Nổi - Ảnh: ĐAN THUẦN

Tất cả thông tin liên quan du khách đang lưu trú tại các cơ sở lưu trú du lịch/căn hộ cho thuê gửi về Sở Du lịch TP (thông qua Phòng quản lý cơ sở lưu trú du lịch, địa chỉ email: hoteldivision.tphcm@ginail.com).

Người thuê căn hộ phải cam kết thực hiện đúng các quy định, khuyến cáo về phòng chống dịch bệnh Covid-19 như đảm bảo khai báo đầy đủ, khi có triệu chứng nghi ngờ phải thông báo cho chủ cơ sở, cơ quan y tế để phối hợp giám sát, xử lý.

Các lực lượng như dân phố, ban quản lý chung cư, công an khu vực... được yêu cầu gắn kết chặt, trao đổi thông tin thường xuyên với Sở Du lịch TP cũng như chính quyền địa phương các vấn đề liên quan tới kiểm tra, giám sát phòng chống dịch bệnh tại khu vực có căn hộ cho thuê trên địa bàn. Đặc biệt, các đơn vị cơ sở phải duy trì chế độ báo cáo khẩn khi có trường hợp phát sinh đột xuất hoặc trong các trường hợp khẩn cấp để kịp thời có phương án xử lý.

Nhóm nguy cơ cao lây lan dịch bệnh

Khảo sát của Sở Du lịch TP cho thấy hiện nay tại TP.Hồ Chí Minh phổ biến nhiều loại hình kinh doanh dịch vụ cho khách lưu trú. Có thể kể đến như: mô hình homestay/Airbnb, kinh doanh phòng lưu trú qua mạng (OTAs) như agoda.com, booking.com... Những loại hình này đa số khai thác các căn hộ chung cư cao cấp, cao ốc để khách thuê phòng.

Các loại hình này bị đánh giá là nhóm có nguy cơ dễ lây dịch bệnh ra cộng đồng nếu không có biện pháp quản lý chặt chẽ. Tuy nhiên hành lang pháp lý để quản lý các mô hình như Airbnb và các mô hình tương tự vẫn chưa được ban hành.

Bệnh viện Chợ Rẫy dừng phòng khám chuyên gia để làm nơi khám sàng lọc Covid-19

Theo Báo Thanh Niên, ngày 4/8, Sở Y tế và Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP đã đến làm việc với Bệnh viện Chợ Rẫy về việc đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19 cho bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Bác sĩ Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết Bệnh viện đã cho dừng phòng khám chuyên gia. Bệnh viện tổ chức phân luồng nhóm bệnh nguy cơ như bệnh tai mũi họng, hô hấp có triệu chứng gần giống Covid-19 qua khu vực phòng khám chuyên gia để khám sàng lọc, đặc biệt là thực hiện khám sàng lọc cho bệnh nhân đến từ Đà Nẵng, nơi có yếu tố nguy cơ về dịch bệnh Covid-19.

Bệnh viện Chợ Rẫy đã giảm bệnh nhân nội trú, hạn chế người thăm bệnh.
Bệnh viện Chợ Rẫy đã giảm bệnh nhân nội trú, hạn chế người thăm bệnh.

Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đã hạn chế thăm nuôi, giảm bệnh nhân nằm viện và phân luồng riêng cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo, tiếp tục nâng cao cảnh giác tại khoa cấp cứu nhằm phát hiện sớm người có nguy cơ nhiễm Covid-19.

Trước đó, 3 bệnh nhân sau khi đến Bệnh viện Chợ Rẫy trở về hoặc đi bệnh viện khác thì được phát hiện nhiễm Covid-19, gồm: bệnh nhân 449, 450, 517. Liên quan đến 3 bệnh nhân này, nhiều nhân viên y tế tại Bệnh viện Chợ Rẫy đã phải cách ly, hàng trăm người được lấy mẫu xét nghiệm. Tất cả khu vực liên quan đến 3 bệnh nhân này đều được khử khuẩn.

Bệnh viện điều trị Covid-19 Cần Giờ sẵn sàng tiếp nhận 500 ca bệnh

Chiều 4/8, ghi nhận tại Bệnh viện điều trị Covid-19 Cần Giờ, mọi công tác chuẩn bị nhân lực, vật lực đã được hoàn tất, sẵn sàng tiếp đón và điều trị người nhiễm bệnh. Báo Sài Gòn Giải Phóng cho hay.

Theo đó, Bệnh viện điều trị Covid-19 Cần Giờ được chia làm 3 khu vực: khu vực điều trị cho bệnh nhân đã có kết quả xét nghiệm dương tính; khu vực chăm sóc và theo dõi cho người bệnh nghi ngờ nhưng có kết quả âm tính và khu vực cho bệnh nhân đang chờ kết quả.

Ở mỗi khu vực, bệnh nhân được điều trị theo phác đồ riêng. Hiện có 6 bác sĩ, 8 điều dưỡng trực tiếp tham gia điều trị bệnh nhân. Đội ngũ y, bác sĩ thực hiện nghiêm theo quy tắc phòng chống nhiễm khuẩn.

Bệnh viện điều trị Covid-19 Cần Giờ sẵn sàng tái hoạt động trở lại. Ảnh: Sở Y tế TPHCM
Bệnh viện điều trị Covid-19 Cần Giờ sẵn sàng tái hoạt động trở lại. Ảnh: Sở Y tế TPHCM

Trước đó ngày 1/8, Sở Y tế TP chỉ đạo kích hoạt Bệnh viện điều trị Covid-19 Cần Giờ, từ đó đến nay bệnh viện đã chuẩn bị nhân sự, cơ sở vật chất, thuốc men, trang thiết bị đầy đủ để sẵn sàng tiếp đón 500 bệnh nhân. Hiện tại bệnh viện đã tiếp nhận 31 bệnh nhân được chuyển đến từ các bệnh viện tuyến thành phố và bệnh viện tuyến quận - huyện. Các bệnh nhân đều có tình trạng sức khỏe ổn định, không có triệu chứng nặng, chưa có ca dương tính với Covid-19.

Đề xuất 1 bản vẽ cho 2 thủ tục về nhà ở

Báo Pháp luật TP đưa tin, Sở Xây dựng TP vừa có văn bản báo cáo Bộ Xây dựng đề xuất chủ trương thực hiện mẫu bản vẽ dạng sơ đồ đề nghị cấp giấy phép xây dựng (GPXD) đối với nhà ở riêng lẻ trên địa bàn Thành phố.

Theo Sở Xây dựng, với mẫu bản vẽ này, người dân có thể sử dụng chung cho cả hai thủ tục cấp GPXD và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi tắt là giấy chứng nhận).

Theo Sở Xây dựng, mẫu bản vẽ mới sẽ đơn giản hóa thủ tục cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ trên địa bàn TP. Ảnh minh họa: VIỆT HOA
Theo Sở Xây dựng, mẫu bản vẽ mới sẽ đơn giản hóa thủ tục cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ trên địa bàn TP. Ảnh minh họa: VIỆT HOA

Với đề xuất này, dự thảo mẫu bản vẽ thiết kế đề nghị cấp GPXD đối với nhà ở riêng lẻ theo dạng sơ đồ. Bản vẽ mới sẽ giản lược được các chi tiết như hầm tự hoại, chi tiết móng, sơ đồ chỉ dẫn, mặt đứng... Với bản vẽ giản lược dạng sơ đồ, cơ quan chức năng chỉ quản lý theo các nội dung quy định tại GPXD và các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc như chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng, số tầng cao và chiều cao công trình, độ vươn ban công và việc che chắn ban công thành phòng trái quy chuẩn xây dựng.

Các nội dung khác chủ đầu tư được thực hiện mà không xem là hành vi xây dựng sai phép. Trong đó bao gồm việc xây dựng với quy mô, số tầng, chiều cao và ranh xây dựng công trình nhỏ hơn bản vẽ thiết kế được duyệt kèm theo GPXD đối với trường hợp xây dựng tại khu dân cư hiện hữu chưa có quy định chi tiết về thiết kế đô thị.

“Việc này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, các đơn vị tư vấn thiết kế trong việc xây dựng công trình. Các cơ quan quản lý trật tự xây dựng dễ dàng kiểm tra và cũng khắc phục được tình trạng tiêu cực trong quản lý trật tự xây dựng”- Sở Xây dựng đánh giá.

Ngoài ra, với mẫu bản vẽ mới, người dân cũng dễ dàng thao tác khi nộp hồ sơ xin phép xây dựng qua mạng. Sở Xây dựng kỳ vọng sẽ giảm được tỉ lệ hồ sơ đề nghị cấp GPXD phải trả về để người dân chỉnh sửa, bổ túc. Sự giản lược của mẫu bản vẽ mới sẽ hạn chế việc sai sót của các công ty đo vẽ.

Nỗ lực giải quyết thủ tục cho dân trong dịch Covid-19

Chiều 4/8, PV báo Pháp Luật TP đã có mặt tại một số trụ sở UBND quận trên địa bàn TP, ghi nhận về tình hình giải quyết thủ tục hành chính cho người dân trong thời điểm dịch Covid-19 bước sang giai đoạn mới.

Người dân vào khuôn viên của UBND quận Bình Tân từ cổng chính được đo thân nhiệt, để lại giấy tờ tùy thân mới được vào. Ảnh: LÊ THOA
Người dân vào khuôn viên của UBND quận Bình Tân từ cổng chính được đo thân nhiệt, để lại giấy tờ tùy thân mới được vào. Ảnh: LÊ THOA

Ở ngay cổng chính của UBND quận Bình Tân, người dân đến đây được đo nhiệt độ, để lại giấy tờ tùy thân mới được vào bên trong. Còn để vào làm thủ tục, nhận hồ sơ tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, người dân phải trải qua hai vòng kiểm tra nhiệt độ: Một là ở cổng gửi xe, hai là trước khi bước vào phòng tiếp nhận và trả kết quả.

Tại khu vực giao dịch, nhiều băng rôn tuyên truyền về phòng, chống dịch được treo lên. Nước rửa tay cũng được bố trí ở nhiều nơi. Màn hình camera đo thân nhiệt hiển thị nhiệt độ của những người trong phòng được một dân quân tự vệ quan sát liên tục.

Theo ghi nhận, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của quận Bình Tân vẫn đông người dân đến giao dịch, nhất là các quầy hồ sơ nhà đất, quầy thu phí và lệ phí. Tuy nhiên, chủ yếu là người dân đến hẹn nhận hồ sơ hoặc cần làm hồ sơ gấp.

Người dân và cán bộ đều đeo khẩu trang khi giao dịch tại UBND quận Thủ Đức. Ảnh: A SÁNG
Người dân và cán bộ đều đeo khẩu trang khi giao dịch tại UBND quận Thủ Đức. Ảnh: A SÁNG

Tại phòng tiếp nhận và trả kết quả, hồ sơ của UBND quận Thủ Đức, các cán bộ ở đây tập trung cao độ để làm hồ sơ nhanh nhất cho người dân. Theo quan sát, lượng người dân đến làm hồ sơ ở đây vẫn như mọi ngày. Mỗi người dân đều ý thức đeo khẩu trang, rửa tay trước khi vào làm thủ tục để đảm bảo an toàn cho mình.

Trong quá trình giao dịch, cả cán bộ và người dân đều đeo khẩu trang, trường hợp không có khẩu trang thì quận sẽ tặng người dân. Người dân cũng được hướng dẫn ngồi giãn cách để đảm bảo an toàn, đồng thời cán bộ sẽ giải quyết hồ sơ nhanh nhất cho người dân để hạn chế tụ tập đông người. Cán bộ làm việc tại đây cũng luôn để sẵn nước rửa tay kế bên, sau mỗi lần làm hồ sơ cho một người dân thì sát khuẩn tay và lau chùi mặt bàn làm việc sạch sẽ để tiếp nhận những người đến sau.

Chiều cùng ngày, Phòng tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ của UBND quận 9 cũng rất đông người dân đến giao dịch. UBND quận 9 triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo của UBND TP và có nhân viên đo nhiệt độ, nhắc nhở người dân quên không đeo khẩu trang, phải rửa tay trước khi vào làm thủ tục.

Đẩy mạnh thanh toán học phí không dùng tiền mặt

Sở GD-ĐT TP vừa tổ chức sơ kết 06 năm thực hiện Đề án thẻ học đường - thanh toán không dùng tiền mặt tại các trường phổ thông trên địa bàn TP. Nội dung đăng tải trên báo Sài Gòn Giải Phóng.

Theo thống kê, TP.HCM hiện có khoảng 1,7 triệu học sinh các cấp. Số tiền học phí và các khoản thu khác tại các trường học mỗi tháng lên đến hàng chục tỷ đồng. Tuy nhiên một số trường vẫn còn thu học phí bằng hình thức thủ công gây khó khăn cho khâu quản lý, mất thời gian chờ đợi của phụ huynh học sinh.

Thực hiện văn bản số 3835/UBND-TM ngày 7/8/2014 của UBND TP về phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn TP, năm học 2017-2018 có 85 trường THPT vận hành hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt. Năm học 2018-2019, có trên 90% trường THPT sử dụng dịch vụ này, tuy nhiên tỷ lệ sử dụng dịch vụ ở các trường mầm non, Tiểu học và THCS còn khiêm tốn. Đến cuối tháng 7/2020, toàn TP có 9 quận, huyện ban hành kế hoạch triển khai phần mềm quản lý nguồn thu có tích hợp thanh toán không dùng tiền mặt là Bình Tân, Tân Bình, 6, 7, 9, 10 và 3 huyện Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè.

Năm học mới 2020-2021, TP sẽ áp dụng thu học phí không dùng tiền mặt tại 70% trường học trên địa bàn, hướng đến 100% trường học không dùng tiền mặt vào năm học 2021-2022. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt sẽ góp phần giải quyết khó khăn trên. Qua đó giúp các trường học tránh tụ tập đông người, đảm bảo tính minh bạch, thông suốt các hoạt động tài chính của nhà trường. Đồng thời, việc đóng học phí không cần phải đến trường đưa tiền mặt, rất tiện lợi cho phụ huynh, vừa tiết kiệm thời gian, góp phần thanh toán nhanh chóng, tránh được các rủi ro khi mang giấy báo và tiền mặt đi theo.

Tới đây, khi TP mở rộng phạm vi triển khai đề án, đại diện nhiều trường phổ thông cho biết, cần đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn và có hiệu quả việc phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và cách thức thanh toán tiêu dùng của người dân nói chung, cán bộ, giáo viên và phụ huynh nói riêng, góp phần nâng cao khả năng tiếp cận các tiện ích của dịch vụ trong cộng đồng.

Về phía quận, huyện, các phòng GD-ĐT cũng đề xuất Ban chỉ đạo đề án tăng số lượng ngân hàng tham gia thanh toán để có thêm nhiều lựa chọn cho phụ huynh, tổ chức quầy hướng dẫn tại trường cho phụ huynh. Song song đó, nhà trường cần triển khai thêm giải pháp mở là bộ phận tài vụ thu tiền trực tiếp của phụ huynh đối với trường hợp chưa có tài khoản ngân hàng hoặc gặp khó trong sử dụng dịch vụ.

Vân Anh - Khang Minh - Huyền Mai

Tin cùng chuyên mục