Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 06/02/2020

11:26 06/02/2020

Trung tâm Báo chí tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TP. Hồ Chí Minh trên các báo ra ngày 06/02/2020:

Tháng 6, TP. Hồ Chí Minh mở cửa cho người dân tham quan tàu metro

Công trình nhà ga ngầm Bến Thành sáng 5/2 - Ảnh: báo Tuổi Trẻ
Công trình nhà ga ngầm Bến Thành sáng 5/2 - Ảnh: báo Tuổi Trẻ

Thông tin này được ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND Thành phố - cho biết tại buổi phát động thi đua đẩy nhanh tiến độ tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) trong năm 2020, sáng 5/2.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan, sau những khó khăn vướng mắc lớn đã được tháo gỡ, hiện Thành phố đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Thành phố xây dựng kế hoạch chi tiết, trong đó cam kết chặt chẽ giữa các đơn vị với nhau để đẩy nhanh tiến độ. "Khoảng tháng 6/2020, đầu máy và toa xe metro số 1 sẽ nhập về. Dĩ nhiên đã có cả một kế hoạch tổ chức đào tạo, vận hành. Thành phố cũng đã có kế hoạch tổ chức cho bà con đến tham quan dự án, khu vực đã hoàn thành để tăng cường công tác tuyên truyền", ông Hoan nói.

Tuyến metro 1 mang tính biểu tượng là công trình đánh dấu sự chuyển mình phát triển của Thành phố hôm nay và tương lai. Chính quyền và nhân dân TP rất kỳ vọng công trình này sớm hoàn thành. "Hiện chúng ta đã chậm rồi. Nên năm 2020 phải nói là năm của sự tăng tốc để hoàn thành công trình sớm hơn dự kiến", ông Hoan nói và cho biết Thành phố đã chuẩn bị mọi nguồn lực, trong đó có tài chính để dồn lực về đích.

Theo ông Bùi Xuân Cường - Trưởng ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Thành phố, đến nay khối lượng tuyến metro số 1 đạt trên 70% với hơn 35 triệu giờ lao động an toàn. Ban và các nhà thầu đặt ra kế hoạch hoàn thành 85% khối lượng dự án trong năm nay để đưa vào khai thác cuối năm 2021.

(Theo báo Tuổi Trẻ).

Cách ly hơn 1.000 người và tạm dừng cấp phép 15 lao động Trung Quốc

Báo Sài Gòn Giải Phóng đưa tin: Tối 5/2, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐTB-XH Thành phố cho biết, chiều tối cùng ngày, Sở này đã giao 24 quận, huyện cùng Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Thành phố (HEPZA), Ban quản lý Khu Công nghệ cao Thành phố chịu trách nhiệm phân loại, quản lý người lao động nước ngoài làm việc trên địa bàn.

Cụ thể, với 1.079/3.571 lao động người Trung Quốc đã quay trở lại Thành phố làm việc tại 187 doanh nghiệp sau Tết Nguyên đán, nếu người nào đến từ thành phố Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc thì quận, huyện và các ban quản lý sẽ đưa vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh để cách ly, điều trị bệnh viêm phổi cấp liên quan đến virus Corona.

Người lao động đến từ TP Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc Trung Quốc) sẽ được đưa tới Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM để cách ly, điều trị - Ảnh: báo Sài Gòn Giải Phóng
Người lao động đến từ TP Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc Trung Quốc) sẽ được đưa tới Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM để cách ly, điều trị - Ảnh: báo Sài Gòn Giải Phóng

Đối với những người từ các tỉnh, thành khác ở Trung Quốc lục địa và những người lao động nước ngoài đi qua các nơi có dịch, thì doanh nghiệp vận động người lao động làm việc từ xa (tại nơi ở, khách sạn, nhà nghỉ…) và tự cách ly 14 ngày tại chính nơi ở đó. Đồng thời, vận động, hướng dẫn lao động đi khám, trị bệnh để bảo vệ sức khỏe cho mình và cộng đồng. Nếu lao động không ở khách sạn, nhà ở mà sinh sống ngay tại nhà xưởng, xí nghiệp thì chủ doanh nghiệp phải bố trí khu vực ở riêng, cung cấp đồ ăn riêng và khẩu trang trong 14 ngày; nếu phát hiện trường hợp nào ho, khó thở, nóng sốt thì cần đưa ngay tới các trung tâm điều trị.

Nghỉ học đề phòng virus Corona: Nhà trường triển khai kế hoạch học trực tuyến

Hầu hết các trường đều triển khai kế hoạch cho học sinh học trực tuyến sau những ngày nghỉ đầu tiên đề phòng vi rút Corona. Các học sinh cũng bắt đầu ý thức ngồi vào bàn học để không lãng phí những ngày nghỉ thêm. Nội dung bài viết đăng tải trên báo Thanh Niên.

Tiến sĩ Phạm Đăng Khoa, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn (Quận 3), cho biết để giữ vững tinh thần, năng lực học tập của học sinh, nhà trường đã tiến hành yêu cầu các giáo viên bộ môn, thông qua hệ thống giáo viên chủ nhiệm các khối lớp giao bài đọc, bài tập cho học sinh ôn luyện ở nhà.

Cô Nguyễn Hoàng Minh Tâm, Tổ trưởng tổ toán Trường THCS Lê Quý Đôn, cho biết cũng như các môn học khác, giáo viên môn toán của các khối lớp sẽ đưa bài giảng dưới định dạng powerpoint lên trang thông tin của trường hoặc các nhóm trao đổi của lớp trên mạng xã hội để học sinh ở nhà có thể nắm sơ bộ bài học, tự nghiên cứu kiến thức mới. Đồng thời, giáo viên chuẩn bị hệ thống bài tập ở mức độ củng cố, nâng cao để học sinh có ý thức duy trì việc học cũng như có bước chuyển tiếp nhẹ nhàng sau khi quay trở lại trường học.

Học sinh ôn tập tại nhà theo đề cương trong một tuần nghỉ học phòng vi rút Corona - Ảnh: báo Thanh Niên
Học sinh ôn tập tại nhà theo đề cương trong một tuần nghỉ học phòng vi rút Corona - Ảnh: báo Thanh Niên

Cũng để học sinh có thể tự học trong thời dịch bệnh do virus Corona, ông Nguyễn Công Phúc Khánh, Hiệu phó Trường THCS Nguyễn Du (Quận 1), cho biết giáo viên của từng khối, lớp đưa bài tập, các nội dung kiến thức lên trang thông tin điện tử của trường, học sinh truy cập và nhận thông tin. Ngoài việc học và làm bài tập theo hướng dẫn trên mạng thì nếu có thắc mắc có thể liên hệ với giáo viên để giải đáp.

Ông Nguyễn Thanh Thống, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Trí Đức (Quận Tân Phú), cho biết trong thời gian học sinh nghỉ học một tuần, để các em không lơ là việc học và có nhiều thời gian đi chơi trong mùa dịch, giáo viên các bộ môn đều giao bài tập về nhà cho học sinh.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường THCS - THPT Duy Tân (Quận 10), cũng cho biết khi học sinh nghỉ học, trường đã yêu cầu giáo viên quản nhiệm của mỗi lớp soạn giáo án điện tử để hướng dẫn tất cả học sinh học tập trong thời gian được nghỉ.

Nhiều con rạch âm thầm “mất tích”

Nội dung trên báo Người Lao Động cho biết hàng chục con rạch đã lặng lẽ biến mất ở Thành phố khiến tình trạng ngập úng ở nhiều khu dân cư ngày càng trở nên trầm trọng.

Sau đợt triều cường đầu tháng 1/2020, ông Hồ Văn Bách (ngụ đường 53, phường Tân Quy, quận 7) bức xúc cho biết tình trạng ngập liên tục diễn ra ở khu vực nhà ông, tất cả là do con rạch phía sau nhà lặng lẽ mất dần theo thời gian. Trận ngập vừa rồi đã khiến nhiều cây mai trồng bán Tết trong vườn ông Bách chết vì úng. Theo ông Bách, trước đây nhà ông giáp với hồ nước và hồ nước thì thông với con rạch phía sau nhà. Mưa lớn đến đâu cũng không lo ngập úng. Nhưng con rạch thoát nước giờ không còn, thay vào đó là những dãy nhà trọ cùng nhiều căn nhà tạm bợ mọc lên.

Con rạch Bà Đen âm thầm mất tích đã khiến nhiều tuyến hẻm trên đường Cao Lỗ, quận 8, thường xuyên ngập khi có mưa và triều cường - Ảnh: báo Người Lao Động
Con rạch Bà Đen âm thầm mất tích đã khiến nhiều tuyến hẻm trên đường Cao Lỗ, quận 8, thường xuyên ngập khi có mưa và triều cường - Ảnh: báo Người Lao Động

Tương tự, các hộ dân sống tại khu Đồng Diều (phường 4, quận 8) dù tìm kiếm cả ngày vẫn không thể tìm được rạch Bà Đen. Đây là con rạch đấu nối từ rạch Sông Xáng vào cụm dân cư đường Cao Lỗ. Ông Võ Minh Tứ (73 tuổi) cho rằng những căn nhà kiên cố cấp 4 vừa xây dựng ở cuối con hẻm 37/75 Cao Lỗ là thủ phạm xóa sổ con rạch. "Năm ngoái, trước mùa mưa, chính quyền thường cho xe đến móc rác để khơi thông dòng chảy. Nhưng không hiểu sao giờ đây lấp lại, cho xây một căn nhà mới. Thật quá khó hiểu" - ông Tứ bức xúc nói.

Những bức xúc của ông Tứ là có cơ sở khi chúng tôi thu thập tư liệu bằng hệ thống hình ảnh vệ tinh từ Google Earth cho thấy năm 2015, nơi đây có một đoạn rạch nhỏ xung quanh cây xanh um tùm. Thế nhưng lúc này, hình ảnh mới nhất là những căn nhà mái tôn mọc kín, rạch đã "lìa đời".

Khi có mặt tại xã Long Thới (huyện Nhà Bè), hỏi người dân về con rạch đã lặng lẽ mất tích, cả xóm ai cũng tranh nhau kể. Người chỉ con rạch Thới cạnh chợ Bà Chồi biến mất hơn 10 năm. Người nói con rạch thoát nước sau bưu cục, khu dân cư Nguyễn Văn Tạo đã không còn…

Ở quận Bình Tân, con rạch Bà Tiếng nằm trên đường Hồ Học Lãm từng một thời chằng chịt những con rạch nhỏ cắt ngang, nay rạch nhỏ "chết", rạch chính thu hẹp đến cả nửa. Mỗi đợt triều cường hoặc mưa lớn thì trên ứng dụng cảnh báo ngập của đơn vị chống ngập "điểm mặt" ngay vị trí này.

Ngoài những con rạch biến mất, hiện còn rất nhiều con rạch đang dần bị bức tử. Điển hình như rạch Văn Thánh (quận Bình Thạnh) dài 2,4 km nhưng giờ hoàn toàn bị lấn chiếm suốt tuyến. Rạch Bà Láng (quận Bình Thạnh) bị thu hẹp một nửa và nhiều năm UBND quận Bình Thạnh vẫn chưa cưỡng chế; rạch Ba Tuy (quận Gò Vấp) bị nhà dân xây trên bờ rạch; rạch Tam Đệ, rạch Cây Me (quận 7) đang bị xóa sổ…

Đặc biệt, tại quận Thủ Đức, đến hôm nay cuộc chiến giành lại rạch Cầu Dừa của cư dân hẻm 55 đường Cây Keo (phường Tam Phú) vẫn chưa có hồi kết. Giữa năm 2017, một công ty bất động sản đã san lấp gần hết con rạch để triển khai khu dân cư mới. Từ đó, cứ triều cường là ngập lênh láng…

Hiến kế sử dụng hiệu quả điểm đón taxi cố định

Mô hình thí điểm điểm đón taxi cố định trên địa bàn Thành phố kỳ vọng sẽ xóa được nạn taxi “dù”, hạn chế tình trạng kẹt xe ở trung tâm Thành phố. Tuy nhiên, đến nay các điểm đón vẫn ế khách và vắng taxi. Nhiều chuyên gia cho rằng cần chọn lựa lại địa điểm đón taxi cho phù hợp và cần tạo ra những tiện ích cho hành khách sử dụng điểm đón.

Điểm đón taxi cố định trước cổng BV Nhi đồng 2 - Ảnh: báo Pháp Luật TPHCM
Điểm đón taxi cố định trước cổng BV Nhi đồng 2 - Ảnh: báo Pháp Luật TPHCM

Thành phố có năm điểm đón taxi cố định ở quận 1 chính thức được đưa vào hoạt động từ ngày 8/8/2018. Đó là các điểm tại 16 Alexandre De Rodes, đối diện 139 Nguyễn Du, trước cổng chính BV Nhi đồng 2, trước 29 Lý Tự Trọng và trước số 3 Hàn Thuyên. Ghi nhận thực tế sáng 5/2 tại năm điểm đón trên. Qua đó cho thấy hầu hết các trụ tín hiệu taxi hư hỏng, taxi không đậu và vắng hành khách.

Đơn cử như điểm đón taxi trước cổng BV Nhi đồng 2 (đường Nguyễn Du), nơi tập trung đông đảo lực lượng taxi, lượng người ra vào luôn đông đúc. Tuy nhiên, cả hành khách lẫn taxi đều không sử dụng điểm đón này mà hành khách có nhu cầu đi từ đâu thì taxi tới đó đón. Bốn điểm còn lại cũng không có taxi nào dừng chờ, thay vào đó là rất nhiều ô tô con tấp vào đậu xe ngay trước trụ đèn hoặc dọc theo tuyến đường có điểm đón. Trong đó, trụ đèn tại 29 Lý Tự Trọng đã bám đầy mạng nhện và thành nơi bỏ rác của một số người dân.

Đại diện UBND quận 1 cho biết trong quá trình triển khai, quận đã cố gắng trong hoạt động tuyên truyền, chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất ở các địa điểm trên và bố trí không gian tương đối phù hợp. Tuy nhiên, việc rà soát, đánh giá hiệu quả của việc thí điểm chưa đạt như mong muốn, số lượng người dân đón đúng điểm như đã triển khai cũng chưa nhiều.

PGS-TS Phạm Xuân Mai, nguyên Trưởng Khoa kỹ thuật giao thông (ĐH Bách khoa TP.HCM), đánh giá nguyên nhân việc thí điểm điểm đón taxi hiện nay vắng khách lẫn taxi là do chưa khảo sát và nắm bắt được nhu cầu, tâm lý của người đi taxi. Trong khi taxi truyền thống và taxi công nghệ phục vụ đến tận vị trí người dân có nhu cầu.

Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa những điểm đón này và tổng đài của các hãng taxi là chưa thật sự được thiết lập. Vì thế, người dân không có lựa chọn nào khác ngoài bấm nút rất cổ điển. Trong khi hiện nay công nghệ số hóa đã cho phép giữa hãng taxi, người lái taxi, hành khách liên hệ với nhau rất chặt chẽ. Thành phố chỉ nên làm điểm đón taxi tại sân bay, bến xe, các điểm vui chơi công cộng, dịch vụ; những cao ốc, khách sạn năm sao; khu phố trung tâm, phố đi bộ… Còn việc đón khách trên các tuyến phố không nên tổ chức các điểm đón vì hoàn toàn không khả thi. Việc thí điểm các trạm đón taxi đã thất bại hoàn toàn từ phương pháp đến công nghệ gọi taxi. Mặc dù tại Thành phố nhu cầu có điểm đứng đón taxi của người dân là có thật và một số nước vẫn còn dùng hình thức trên.

Theo đó, ông Mai góp ý cần có sự kết hợp tốt giữa các hãng taxi và các điểm đón sao cho tại mỗi điểm có nhiều hình thức gọi taxi khác nhau. Cụ thể, các loại nút bấm dùng cho các hãng taxi khác nhau, công nghệ thông tin liên lạc kỹ thuật số thông qua điện thoại thông minh, màn hình tại điểm đón… Từ đó, hành khách và tài xế taxi có thể liên kết với nhau để nhanh chóng thực hiện cuộc di chuyển theo nhu cầu.

Về mặt quản lý, Thành phố cần theo hệ thống phối hợp giữa các hãng taxi và Sở GTVT để có người quản lý, sắp xếp chuyến, tránh tranh giành hành khách. Đồng thời, tại trạm đón taxi nên xây dựng khuôn viên để hành khách có thể thoải mái ngồi đợi. Khuôn viên này có thể do các hãng taxi và các đơn vị có cơ sở mặt bằng như sân bay, nhà ga xe lửa, bến xe khách, bệnh viện phối hợp cùng xây dựng, không nên để một đơn vị độc quyền.

(Nội dung trên báo Pháp Luật TPHCM).

Thanh Hà

Tin cùng chuyên mục