Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 06/3/2020

10:01 06/03/2020

Trung tâm Báo chí tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TP. Hồ Chí Minh trên các báo ra ngày 06/3/2020:

Kiện toàn đội ngũ tiếp dân

Sáng 5/3, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Ngô Minh Châu chủ trì hội nghị tổng kết công tác tiếp công dân, xử lý đơn trên địa bàn năm 2019.

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Ngô Minh Châu phát biểu chỉ đạo hội nghị - Ảnh: báo Người Lao Động
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Ngô Minh Châu phát biểu chỉ đạo hội nghị - Ảnh: báo Người Lao Động

Tại hội nghị, Phó trưởng Ban Tiếp công dân Thành phố Phan Thanh Tuấn cho biết trong năm 2019, Thành phố đã tiếp hơn 32.000 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; nhận 46.426 đơn, đã xử lý 35.011 đơn, đạt gần 95%. Đáng chú ý, UBND Thành phố đã tập trung chỉ đạo giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài trên địa bàn. Điển hình như lãnh đạo Thành phố đã trực tiếp tiếp công dân để lắng nghe, chỉ đạo giải quyết liên quan đến các dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm ở quận 2, Khu Công nghệ cao ở quận 9, Thảo Cầm Viên mới ở huyện Củ Chi; khu nhà ở và văn phòng làm việc tại số 1 Bis -1 Kép Nguyễn Đình Chiểu ở quận 1.

Tuy có những chuyển biến tốt hơn nhưng ở một số đơn vị việc tiếp dân còn lúng túng, chưa đồng bộ. Lãnh đạo một số đơn vị chưa thật sự quan tâm, chưa sâu sát, quyết liệt trong việc chỉ đạo và kiểm tra việc thực hiện để tham mưu kịp thời UBND Thành phố giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của công dân theo quy định. Ngoài ra, việc thụ lý giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn chậm, quá thời gian quy định, có trường hợp tồn đọng, kéo dài.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Ngô Minh Châu cho rằng đơn khiếu nại, tố cáo trong năm 2019 có tăng nhẹ so với năm 2018, nội dung khiếu nại nhiều nhất vẫn là nhà đất, xây dựng chiếm từ 70%-80%. "Đây là nội dung mà các sở - ngành, quận - huyện cần tập trung trong thời gian tới" - Phó Chủ tịch UBND Thành phố chỉ đạo. Đối với các vụ khiếu nại kéo dài, cần rà soát, hệ thống lại và lãnh đạo đơn vị phải ngồi lại giải quyết đến nơi đến chốn và có lộ trình, quyết tâm trong 6 tháng đầu năm phải giải quyết dứt điểm. Khi giải quyết phải đúng luật nhưng cũng phải hợp tình hợp lý.

(Theo báo Người Lao Động).

Lượng khách quốc tế giảm mạnh trong tháng Hai

Theo Vietnamplus, chiều 5/3, Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh công bố lượng khách quốc tế đến thành phố trong tháng 2/2020 đạt 346.650 lượt khách (giảm 52% so với cùng kỳ năm trước). Tính chung hai tháng đầu năm, lượng khách đạt 1.186.750 lượt (giảm 21,71% so với cùng kỳ năm trước).

Mặt khác, doanh thu du lịch trong tháng 2 đạt 8.100 tỷ đồng và trong hai tháng đầu năm 2020 là 21.127 tỷ đồng (đạt 15% kế hoạch của năm 2020).

Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh, ngành du lịch thành phố đã, đang chủ động cung cấp bản đồ, ấn phẩm du lịch, thông tin du lịch, phương tiện di chuyển cho du khách.

Đặc biệt, Sở Du lịch TP nỗ lực tuyên truyền thông tin, phương pháp phòng, chống dịch COVID-19 đến người dân, du khách trong và ngoài nước...

Cầu đường sắt Bình Lợi cũ chưa được bàn giao để bảo tồn

Sở GTVT TP cho biết, về việc bảo tồn cầu đường sắt Bình Lợi cũ, Sở đề nghị UBND TP có văn bản gửi Bộ GTVT chỉ đạo Ban Quản lý dự án 7, Vụ Tài chính khẩn trương thực hiện, hoàn tất các hồ sơ, thủ tục chuyển giao tài sản các hạng mục bảo tồn cầu đường sắt Bình Lợi cũ cho UBND TP. Đây là cơ sở để Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ thực hiện các thủ tục tiếp nhận quản lý các hạng mục bảo tồn theo chỉ đạo của UBND TP.

Công tác quản lý tài sản cầu đường sắt Bình Lợi cũ tại thời điểm hiện nay được Bộ GTVT giao cho Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam quản lý, sử dụng và khai thác. 

Trước đó, các cơ quan chức năng của TP. Hồ Chí Minh và các bộ ngành liên quan đã thống nhất bàn giao nguyên trạng 2 nhịp cầu đường sắt và tháp canh phía quận Thủ Đức cho UBND TP để quản lý, bảo tồn theo quy định. 

(Theo Báo Sài Gòn Giải Phóng)

Đề nghị Tân Sơn Nhất khử trùng toàn bộ chuyến bay nội địa, quốc tế

Báo Tuổi Trẻ cho hay, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh vừa gửi văn bản đến Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất về việc thực hiện tiêu độc, khử trùng máy bay phòng chống lây nhiễm COVID-19.

Khóa hộc để hành lý là một trong những vị trí đượctập trung khử trùng - Ảnh: TTO
Khóa hộc để hành lý là một trong những vị trí đượctập trung khử trùng - Ảnh: TTO

Theo Sở Y tế, hiện tại dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp và lây lan ra nhiều nước trên thế giới, đến nay một số nước chưa công bố tình hình dịch COVID-19 và đang mở cửa du lịch, dẫn đến nguy cơ hành khách nhiễm bệnh nhập cảnh hoặc quá cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất và lây lan dịch bệnh. Vì vậy cần phải đảm bảo an toàn cho tất cả hành khách trên các chuyến bay quốc tế và nội địa.

Sở Y tế TP đề nghị thực hiện tiêu độc, khử trùng máy bay sau mỗi chuyến bay quốc tế. Đối với chuyến bay nội địa, thực hiện tiêu độc, khử trùng chuyến bay vào cuối mỗi ngày, trước khi sử dụng máy bay cho các chuyến bay vào ngày hôm sau.

Chở nước ngọt 'chi viện' cho bà con vùng mặn miền Tây

Cũng trên báo Tuổi Trẻ, Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) cho biết đang cho vận chuyển nước ngọt từ TP. Hồ Chí Minh đến xã Phú Khánh, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre để cung cấp cho bà con đang 'khát' nước ngọt vì hạn mặn, sau đó đến Cà Mau.

Xe ba gác chờ nhận nước chở về cho ngườidân vùng mặn - Ảnh: AN NGHI/TTO
Xe ba gác chờ nhận nước chở về cho ngườidân vùng mặn - Ảnh: AN NGHI/TTO

Theo đó, phía Công ty sẽ tặng 3.000m3 nước ngọt cho bà con nơi đây. Số nước ngọt này sẽ được bơm lên sà lan neo tại đường Trần Xuân Soạn, quận 7, sau đó chở đến cầu Rạch Miễu với quãng đường sông khoảng 240km.

Nước sau đó được tiếp tục vận chuyển từ cầu Rạch Miễu đến xã Phú Khánh với quãng đường khoảng 70km. Khi nước đến xã Phú Khánh sẽ được các xe ba gác chở theo bồn đến bơm lên và đưa về cho người dân sử dụng miễn phí.

Sau khi cứu mặn cho vùng mặn Bến Tre, phía công ty tiếp tục lên kế hoạch chở nước từ TP. Hồ Chí Minh về Cà Mau để ứng cứu cho bà con nơi đây.

Nếu như đợt xâm nhập mặn năm 2016 được xem là đợt mặn kỷ lục, 100 năm mới lặp lại, thì mùa khô năm 2020 đã phá vỡ mọi kỷ lục được xác lập trước đó.

Tại Bến Tre, dự kiến hơn 5.000ha lúa vụ 3 sẽ bị mất trắng. Khoảng 20.000ha cây ăn trái cũng được đặt trong tình huống "báo động đỏ" khi nguồn nước tưới bị thiếu hụt. 

Đến đầu tháng 3 đã có nhiều vườn sầu riêng bị chết nhánh, khô lá, rụng trái do lâu ngày không được tưới. Nhưng nan giải nhất hiện nay vẫn là nguồn nước ngọt sinh hoạt, tình trạng khan hiếm nước sinh hoạt diễn ra từ sau tết đến nay đã quá sức chịu đựng của người dân.

Bình Chánh vẫn là điểm nóng về xây dựng trái phép

Ngày 5/3, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố đã có buổi giám sát về việc thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính (VPHC) trên địa bàn Thành phố giai đoạn từ 1/7/2013 đến 31/12/2019 tại huyện Bình Chánh.

Ông Nguyễn Văn Tài, Phó Chủ tịch huyện Bình Chánh, báo cáo tại cuộc họp - Ảnh: báo Pháp Luật TPHCM
Ông Nguyễn Văn Tài, Phó Chủ tịch huyện Bình Chánh, báo cáo tại cuộc họp - Ảnh: báo Pháp Luật TPHCM

Tại buổi giám sát, ông Nguyễn Văn Tài, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, cho biết trong thời gian bảy năm, từ năm 2013 đến 2019, huyện Bình Chánh phát hiện hơn 33.000 vụ việc VPHC. Trong đó, đã ban hành quyết định xử phạt VPHC hơn 31.000 vụ việc, chủ yếu trong các lĩnh vực thương mại, đất đai, xây dựng, môi trường, trật tự an toàn xã hội… Tổng số tiền phạt thu được là hơn 51 tỉ đồng.

Bình Chánh là địa bàn nóng về tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, đặc biệt là xây dựng không phép. Báo cáo về vấn đề này, ông Tài cũng nêu lên nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này  và những vướng mắc của địa phương trong thời gian qua.

Cụ thể, Bình Chánh hiện có rất nhiều dự án treo như dự án khu E trong khu đô thị Nam Thành phố 24 năm chưa thực hiện, khu đô thị Sing Việt 19 năm, dự án hồ sinh thái hàng trăm hecta cũng 19 năm chưa triển khai. Chính điều này đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.

Ngoài ra, một bất cập khác đến nay cũng chưa được giải quyết là vấn đề quy hoạch. Bình Chánh là địa bàn có tốc độ đô thị hóa rất cao, bình quân mỗi năm dân số tăng khoảng 40.000 người. Bên cạnh đó, các điều kiện về kinh tế-xã hội của huyện đã có nhiều thay đổi nhưng từ khi chia tách địa giới hành chính (năm 2003) đến nay, huyện vẫn sử dụng bản đồ quy hoạch cũ từ năm 1998 (điều chỉnh năm 2012).

Trong các quyết định xử phạt VPHC nêu trên, có gần 5.000 quyết định chưa thi hành xong và gần 1.500 quyết định bị cưỡng chế thi hành. Nguyên nhân do người vi phạm đa số chỉ tạm trú, không phải là người địa phương. Khi cưỡng chế, kinh phí do người vi phạm chi trả nhưng họ đã chuyển đi chỗ khác nên khó tổ chức thực hiện.

(Theo báo Pháp Luật TPHCM).

Các trường quốc tế muốn học trở lại

Thông tin trên báo Tuổi Trẻ: Chiều 5/3, Sở GD-ĐT Thành phố tổ chức gặp đại diện nhiều trường phổ thông quốc tế trên địa bàn để trao đổi thêm về chuyện cho học sinh các trường này trở lại học. Sau cuộc gặp, Sở GD-ĐT sẽ tổng hợp và có đề xuất, kiến nghị lên UBND Thành phố.

TS Roderick Crouch - hiệu trưởng điều hành Trường quốc tế Úc – cho biết nhà trường hoàn toàn ủng hộ quyết định của Chính phủ ngăn ngừa dịch COVID-19. Tuy nhiên lo lắng lớn nhất của trường hiện tại là kỳ thi tú tài quốc tế IB vào tháng 5. "Thật sự rất khó cho học sinh. Chúng tôi vẫn đang hỗ trợ hết mình qua dạy trực tuyến. Nhưng sẽ tốt hơn nhiều nếu các em được quay lại trường. Chúng tôi hoàn toàn không thể dời được lịch thi vì phụ thuộc vào lịch thi quốc tế" - TS Roderick Crouch nói.

Trường quốc tế Nam Sài Gòn tại TP.HCM - Ảnh: báo Tuổi Trẻ
Trường quốc tế Nam Sài Gòn tại TP.HCM - Ảnh: báo Tuổi Trẻ

Tương tự, Trường quốc tế ABC cho biết cũng đang gặp một số khó khăn khi ôn tập cho học sinh tham gia dự thi A-Level và IGCSE sẽ diễn ra cuối tháng 4 đến đầu tháng 6. Theo nhà trường, ưu tiên hàng đầu vẫn là sức khỏe, nhưng trường vẫn đang đợi chỉ đạo tiếp theo của sở để có hướng đi có lợi nhất cho học sinh.

Theo TS Roderick Crouch, khi học trở lại, nhà trường sẽ mở thêm lớp sau giờ học để đảm bảo học sinh sẽ được chuẩn bị thật kỹ càng cho các kỳ thi sắp tới. Bên cạnh đó, nhà trường vẫn sẽ luôn tuân thủ các quy định để có được môi trường an toàn nhất cho học sinh. Cụ thể, mỗi ngày, bất kỳ ai bước chân vào trường đều phải kiểm tra thân nhiệt. Phụ huynh không được vào trường, mà phải chờ bên ngoài cổng. Nếu bị ốm, bất kỳ ai cũng không được vào trường mà cần phải kiểm tra sức khỏe và chữa dứt bệnh.

Các trường quốc tế cũng kiểm tra lịch sử đi du lịch của tất cả phụ huynh học sinh. Bất kỳ học sinh hoặc thành viên trong gia đình từng đi qua vùng dịch: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ý, Iran, đều buộc cách ly tại nhà 14 ngày. Ngoài ra, luôn có nhân viên làm vệ sinh kỹ mọi ngóc ngách trong trường học. Tất cả  hoạt động với quy mô lớn, các cuộc cắm trại dã ngoại ngoài nhà trường cũng sẽ bị hủy.

Nâng cao công tác phòng dịch đón học sinh trở lại trường

Cũng trên lĩnh vực giáo dục, báo Giáo Dục TPHCM có bài viết liên quan công tác chuẩn bị đón học sinh 12 quay trở lại của các trường THPT trên địa bàn Thành phố.

Tại Trường THPT Giồng Ông Tố, mọi công tác đảm bảo an toàn cho 430 học sinh khối 12 đi học trở lại đang được nhà trường gấp rút hoàn thiện. Trong phòng y tế, hơn 500 chiếc khẩu trang được xếp gọn gàng, vitamin, thuốc hạ sốt cũng được mua thêm. Dọc khuôn viên trường, 11 bồn rửa tay linh động được bố trí cùng các bình nước rửa tay sát khuẩn. Trước cửa mỗi lớp học đều đặt một bình nước uống lớn. Các lớp học, hành lang, sân trường được dọn vệ sinh, lau chùi cẩn thận. Riêng khu nhà vệ sinh được sơn mới, chống thấm, chống mùi. Nhà trường cũng sẽ tiến hành ghi nhận thân nhiệt học sinh vào đầu và cuối buổi học khi các em tới trường.

Nhân viên y tế Trường THPT Giồng Ông Tố (bên trái) hướng dẫn cách đo thân nhiệt cho giáo viên - Ảnh: báo Giáo Dục TPHCM
Nhân viên y tế Trường THPT Giồng Ông Tố (bên trái) hướng dẫn cách đo thân nhiệt cho giáo viên - Ảnh: báo Giáo Dục TPHCM

Những ngày này, các công đoạn vệ sinh trường lớp, tạo môi trường học đường xanh, thông thoáng cũng đang được đội ngũ giáo viên, nhân viên Trường THPT Đào Sơn Tây khẩn trương thực hiện, sẵn sàng đón gần 550 học sinh cuối cấp đi học trở lại. Trong ngày đầu tiên học sinh đi học lại, trường sẽ dành 2 tiết đầu để sinh hoạt riêng với các em xoay quanh vấn đề dịch Covid-19. Bên cạnh 10 máy đo thân nhiệt do nhà trường quản lý, mỗi lớp 12 sẽ được trang bị riêng 1 máy để các em chủ động đo, nắm bắt thân nhiệt. Thông tin về thân nhiệt sẽ được cập nhật thường xuyên tại phòng y tế trường.

Ngày đi học đầu tiên sau Tết, dù khá muộn song giáo viên chủ nhiệm khối 12 Trường THCS- THPT Hồng Đức vẫn quyết định “lì xì” những chai nước rửa tay nhanh cho học sinh. Trường THCS-THPT Hoa Sen cũng sẽ “lì xì” cho mỗi học sinh một chai nước sát khuẩn nhanh do chính giáo viên của trường làm trong ngày đầu tiên đi học tới đây.

Vân Anh - Thanh Hà

Tin cùng chuyên mục