Đại dịch Covid-19: Những tín hiệu đáng mừng tại Thành phố
Những tín hiệu đáng mừng đã xuất hiện tại TP. Hồ Chí Minh khi những ngày qua không phát hiện ca mắc mới và số lượng bệnh nhân mắc Covid-19 được chữa khỏi tăng lên từng ngày. Đó là nội dung được đăng tải trên báo Tiền Phong.
Trong 2 tuần cách ly toàn xã hội, Thành phố (TP) đã yêu cầu tập trung kiểm tra, giám sát tại khu vực nhiều nguy cơ xảy ra “ổ dịch” như: khu đông người làm việc, khu ký túc xá dành cho công nhân, nhà xưởng... 3 ổ dịch gồm: quán bar Buddha (phường Thảo Điền, quận 2), khu vực cộng đồng người Hồi giáo (phường 1, quận 8) và đám tang ở huyện Bình Chánh, về cơ bản đã được xử lý triệt để, đến nay TP không có thêm ổ dịch mới.
Bên cạnh đó, TP vẫn tiếp tục rà soát, xác minh người nhập cảnh từ 8/3 chưa cách ly tập trung.
Thành phố cũng đã xác minh điều tra có 20 trường hợp từng đến Bệnh viện Bạch Mai từ ngày 13/3 đang sinh sống tại TP. Những trường hợp này đã lấy mẫu xét nghiệm. Đối với trường hợp một người Hàn Quốc mắc Covid-19 khi về nước, TP đã rà soát, xác minh có 3 người sống tại TP đã từng tiếp xúc với bệnh nhân này. Hiện nay 3 gia đình này đã được đưa đi cách ly tập trung cũng như lấy mẫu xét nghiệm để tầm soát.
Tình hình dịch bệnh trong TP cơ bản được khống chế, TP quyết tâm không để lây lan dịch bệnh trong cộng đồng khi triển khai 62 chốt kiểm soát dịch Covid-19 ở các cửa ngõ, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm đối với người dân đến sân bay Tân Sơn Nhất cũng như ga Sài Gòn.
Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP, tính đến chiều 5/4, TP ghi nhận 53 ca mắc Covid-19, trong đó có 34 ca nhập cảnh (chiếm 64%), 19 ca phát hiện trong cộng đồng (chiếm 36%); đã có 22 ca khỏi bệnh và được xuất viện, còn lại 31 ca đang tiếp tục điều trị và có tiến triển tốt. Hiện nay, TP chỉ còn 6 trường hợp nghi ngờ đã được lấy mẫu và chờ kết quả xét nghiệm.
Mỗi chuyến bay đến TP. Hồ Chí Minh được chở tối đa 180 hành khách
Báo Sài Gòn Giải Phóng cho hay: Từ ngày 6 đến 15/4, các chuyến bay đến TP. Hồ Chí Minh được chở không quá 180 khách trên máy bay Boeing 787 hoặc Airbus A350 và không quá 120 khách trên máy bay Airbus A321.
Quy định được Cục Hàng không Việt Nam đưa ra nhằm đảm bảo số lượng hành khách đến sân bay Tân Sơn Nhất nằm trong khả năng tiếp nhận, lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 của TP. Hồ Chí Minh.
Hiện nay, tất cả hành khách trên các chuyến bay đến ga nội địa sân bay Tân Sơn Nhất đều được cơ quan chức năng lấy mẫu, xét nghiệm virus SARS-CoV-2.
Nếu số lượng hành khách vào Thành phố từ sân bay Tân Sơn Nhất gia tăng, nhà chức trách hàng không có thể sẽ triển khai việc cách ly tập trung người trước, sau đó mới thực hiện lấy mẫu xét nghiệm tầm soát dịch Covid-19.
Tập trung vốn đầu tư công cho dự án giao thông huyết mạch
Báo Sài Gòn Giải Phóng đưa tin: TP. Hồ Chí Minh cần gần 100.000 tỷ đồng để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vận tải trên địa bàn. Đây là số vốn mà UBND Thành phố vừa đề xuất với Bộ GTVT để bộ này xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025.
Cụ thể, UBND Thành phố đề xuất 12 dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương, với tổng nhu cầu vốn dự kiến khoảng 45.161 tỷ đồng. Trong đó, có 4 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 5.536 tỷ đồng sử dụng nguồn vốn ODA cấp phát từ ngân sách trung ương do địa phương quản lý. Đó là dự án cải thiện môi trường nước Thành phố lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, kênh Đôi, kênh Tẻ (giai đoạn 2); dự án hỗ trợ kỹ thuật cho dự án phát triển giao thông xanh Thành phố (SECO); dự án giao thông đô thị bền vững cho tuyến tàu điện ngầm số 2 và dự án đầu tư xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2, tuyến Bến Thành – Tham Lương.
8 dự án còn lại có tổng số vốn 39.625 tỷ đồng từ ngân sách trung ương do Bộ GTVT quản lý. Đó là dự án cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành; đường Vành đai 3 với 4 dự án thành phần; 2 nút giao trên tuyến nối Tân Tạo – Chợ Đệm; dự án nạo vét luồng Soài Rạp (giai đoạn 3) và dự án phát triển cơ sở hạ tầng giao thông ĐBSCL.
Thành phố cũng dự kiến danh mục nhu cầu đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vận tải trên địa bàn sử dụng nguồn vốn ngân sách Thành phố và đầu tư theo hình thức PPP (đối tác công tư) có tính chất liên vùng, hoặc kết nối với các tỉnh lân cận. Danh mục này gồm 9 dự án với tổng nhu cầu vốn dự kiến 38.000 tỷ đồng, trong đó có dự án xây dựng đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Mộc Bài; dự án đường song song quốc lộ 50 (kết nối Thành phố với tỉnh Long An).
Bên cạnh đó là các dự án xây dựng đường nối từ cầu Phú Hữu trên đường vành đai phía Đông đến xa lộ Hà Nội, bao gồm nút giao thông Bình Thái; dự án xây dựng đường nối từ nút giao An Lập (quốc lộ 1) đến đường Nguyễn Văn Linh; dự án cải tạo mở rộng quốc lộ 1 (đoạn từ nút giao Tân Kiên đến giáp ranh tỉnh Long An); dự án mở rộng quốc lộ 22 (đoạn từ nút giao An Sương đến đường Nguyễn Văn Bứa); dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13 (đoạn từ ngã tư Bình Phước đến chân cầu Bình Triệu).
Khắc phục những hạn chế trong dạy học trực tuyến
Liên quan đến vấn đề dạy học trực tuyến sao cho hiệu quả, theo báo điện tử Vietnamplus, dạy học trực tuyến, học qua truyền hình, giao bài nhận bài qua mạng, e-learning... là giải pháp tình huống của ngành giáo dục và đào tạo trước diễn biến khó lường của dịch COVID-19. Hiện nay, các trường đang khắc phục hạn chế của hình thức dạy học này để dần hình thành xu hướng đào tạo mới trong thời gian tới.
Theo em Trần Thị Diễm, học sinh lớp 12, Trung tâm Giáo dục thường xuyên Lê Quý Đôn, Quận 1: Việc học online cũng có những hạn chế nhất định. Thầy cô rất sợ học sinh quên bài nên thường gửi bài tập cho cả lớp nhưng có người tập trung sẽ hoàn thành hết, nhiều bạn chỉ hỏi xin đáp án. Hơn nữa, học gián tiếp, giáo viên và học sinh khó tương tác bài giảng, nhiều học sinh có tâm lý nghỉ học nên đưa ra nhiều lý do không xem, không nhận được bài.
Ở góc độ giáo viên, cô N.H.Th, giáo viên một trường Trung học Cơ sở ở Quận 1 cho rằng, việc dạy học online là cần thiết, kịp thời trong mùa dịch kéo dài như hiện nay. Hình thức này giúp thầy cô và học trò tương tác trực tuyến, các em sẽ nắm kiến thức quan trọng của học kỳ 2. Tuy nhiên, dạy online, giáo viên cũng khó đánh giá và quản lý giờ dạy.
Để tổ chức dạy học trực tuyến hiệu quả, Sở Giáo dục và Đào tạo TP đã có văn bản hướng dẫn đến các trường trong việc tổ chức thực hiện. Đồng thời, giới thiệu phần mềm, đường truyền, hỗ trợ băng đĩa ghi hình cho các trường. Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đang phối hợp với Đài Truyền hình TP phát sóng các chương trình học trên HTV key.
Sinh viên ngành Y “xung trận” chống dịch COVID-19
Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, sinh viên các trường Y-Dược trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã liên tục lên đường tình nguyện tham gia công tác phòng, chống dịch. Đó là thông tin trên Vietnamplus.
Những ngày cuối tháng 3, Trần Duy Quân, sinh viên năm cuối Trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh cùng các bạn trong lớp được phân công đến một khu lưu trú công nhân trên địa bàn phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức để tuyên truyền cách phòng, chống dịch.
Các em chia sẻ nhiều thông tin bổ ích cho người dân như hướng dẫn đeo khẩu trang sao cho đúng cách, cách rửa tay với dung dịch sát khuẩn như thế nào đảm bảo diệt hết virus, xử lý vệ sinh không gian sống…
Cùng thời điểm đó, đội hình sinh viên tình nguyện khác do các bạn sinh viên Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cũng có mặt tại một khu dân cư trên địa bàn Quận 8 để hướng dẫn người dân cách phòng dịch hiệu quả.
Tại đây, các sinh viên hướng dẫn người dân điền thông tin khai báo y tế trên điện thoại thông minh, đeo khẩu trang khi đến nơi đông người… Những chai cồn y tế loại nhỏ do các bạn sinh viên pha chế đã được gửi tặng người dân tại đây.
Đây là hai trong những đội hình thầy thuốc trẻ và sinh viên tình nguyện tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch do Thành Đoàn TP. Hồ Chí Minh phát động. Bên cạnh các hoạt động tuyên truyền, tập huấn, các đội hình cũng triển khai việc phun xịt thuốc khử khuẩn tại các địa điểm tổ chức tập huấn.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thanh Hiệp, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết, hiện nay, Thành phố đang thực hiện cách ly số lượng lớn người nghi nhiễm, người trở về từ vùng dịch, người có tiếp xúc gần với người nhiễm; ngành Y tế và các lực lượng chức năng đang “căng mình” giám sát, theo dõi đối tượng này. Đây là lúc cần sự vào cuộc của lực lượng sinh viên y khoa - những người đã được đào tạo kiến thức chuyên môn bài bản, từng trải qua nhiều kỳ thực tập tại các bệnh viện.
Hỗ trợ người bán vé số 750.000 đồng/người
Thông tin từ báo Tuổi Trẻ: Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã chấp thuận đề xuất của Sở Lao động - thương binh và xã hội về việc hỗ trợ người bán vé số lưu động sống tại TP mức 750.000 đồng/người. Kinh phí chi từ quỹ phòng chống dịch COVID-19 của TP.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm phối hợp với các quận huyện rà soát, tổng hợp danh sách gửi Ban thường trực Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP để nhanh chóng triển khai, sớm đưa tiền hỗ trợ đến tay người bán vé số.
Thống kê của Sở Lao động - thương binh và xã hội trước đó cho thấy tính đến ngày 2-4, trên địa bàn TP có gần 12.000 người bán vé số gặp khó khăn do dịch COVID-19 tác động làm giảm thu nhập, ngưng việc làm.
Với mức hỗ trợ 50.000 đồng/người/ngày trong vòng 15 ngày, dự kiến TP.Hồ Chí Minh sẽ chi gần 9 tỉ đồng.