Kéo dài thời gian cách ly, theo dõi đối với bệnh nhân sau công bố khỏi bệnh
Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh quyết định, đối với người bệnh đủ tiêu chuẩn xuất viện sẽ tiếp tục cách ly tại tại cơ sở y tế để theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo; trường hợp người bệnh không ở lại cơ sở y tế và có nơi cư trú, lưu trú tại TP sẽ tiếp tục được các Trung tâm Y tế quận, huyện giám sát, theo dõi tại nhà... Thông tin từ báo Sài Gòn Giải Phóng.
Quyết định đó được đưa ra trước tình hình có một số trường hợp người bệnh Covid-19 đã xuất viện nhưng khi xét nghiệm giám sát sau xuất viện ghi nhận dương tính trở lại với virus SARS-CoV-2, trong đó có trường hợp dương tính lại khi đã xuất viện 30 ngày.
Đối với người bệnh là người dân của TP. Hồ Chí Minh đang điều trị tại các tỉnh, thành phố khác, sau khi được công bố khỏi bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP chủ động tiếp nhận và đưa vào quản lý, giám sát ngay khi người bệnh được xuất viện, trở về TP.
Sở Y tế TP cũng thực hiện xét nghiệm kiểm tra bệnh nhân mắc Covid-19 mỗi ngày cho đến khi đủ 30 ngày kể từ ngày xuất viện. Đối với các trường hợp phát hiện xét nghiệm dương tính lại sau khi xuất viện, ngành y tế sẽ thực hiện cách ly, điều trị như một ca bệnh Covid-19 mới. Đồng thời tổ chức cách ly, giám sát dịch tễ đối với những người có tiếp xúc gần với bệnh nhân.
Trường tiểu học, mầm non lên phương án đảm bảo an toàn cho học sinh
Để đảm bảo an toàn cho học sinh mầm non, tiểu học đi học trở lại trong mùa dịch, các trường đã tất bật chuẩn bị phương án tối ưu để đón các em. Đó là nội dung bài viết trên báo Thanh Niên.
Theo lộ trình do Sở GD&ĐT TP đưa ra, ở bậc tiểu học, ngày 8/5 học sinh lớp 4,5 đến trường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19; ngày 11/5 bắt đầu đi học bình thường. Còn khối 1, 2 và 3 sẽ đến trường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch vào ngày 11/5 và bắt đầu đi học bình thường vào ngày 12/5. Ở bậc mầm non, lần lượt các ngày 18/5 với trẻ lớp lá, ngày 25/5 với trẻ lớp mầm, chồi và ngày 1/6 với các lớp nhà trẻ còn lại.
Để đảm bảo an toàn giãn cách, một số trường tổ chức tách mỗi lớp ra 2 - 3 lớp khác nhau, dao động từ 15 -17 em; thực hiện giăng dây trước cổng trường để phụ huynh không tập trung đông trước cổng vào giờ đưa đón; bố trí bảo vệ trực ở sân để xịt khuẩn bánh xe trước khi cho phụ huynh đi vào.
Để hạn chế nguy cơ lây bệnh, học sinh cũng được hạn chế dùng các đồ dùng chung, như chuyển sang dùng khăn ướt, khăn giấy khô loại dùng một lần. Tuy nhiên, theo ý kiến nhiều trường, việc tổ chức cho trẻ mầm non đeo khẩu trang trong suốt thời gian ở trường là khó thực hiện.
Sở GD&ĐT làm việc với phụ huynh các trường có phản ứng học phí
Cũng liên quan đến lĩnh vực giáo dục, báo Thanh Niên cho biết ngày 5/5, Sở GD&ĐT TP đã có một số cuộc gặp với phụ huynh các trường tư thục gửi đơn cầu cứu, kiến nghị đến Sở về vấn đề học phí trong thời gian qua.
Trong các đơn kiến nghị gửi đến Bộ GD&ĐT, UBND TP, Sở GD&ĐT, phụ huynh tiếp tục đề nghị trường giải quyết một số vấn đề sau khi nhận được thông báo về chính sách học phí mới năm học 2019 - 2020. Cụ thể, phụ huynh chỉ đồng ý đóng học phí cho con dựa trên ngày học thực tế tại trường như cam kết ban đầu, không đóng học phí trong thời điểm HS ở nhà mà không học trực tuyến.
Phụ huynh cũng không chấp nhận mức học phí 30% áp dụng khi học trực tuyến, không đóng bất kỳ khoản phí và học phí nào trước khi nhà trường làm rõ chi tiết phí...
Ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết trong thời gian dịch Covid-19, Sở đã có văn bản chỉ đạo các khoản thu của trường ngoài công lập trên tinh thần thỏa thuận với phụ huynh phục vụ công tác giảng dạy và được sự đồng thuận của phụ huynh. Hiện Sở đã nhận được phản ánh của phụ huynh về các khoản thu. Sở yêu cầu các trường báo cáo và gặp gỡ phụ huynh để giải quyết theo quy trình giải quyết khiếu nại. Sau đó, Sở sẽ có chỉ đạo theo tình hình thực tế.
Sẽ chấm dứt trễ hạn cấp sổ hồng
“Một trong những giải pháp được xem là then chốt, có thể giải quyết dứt điểm tình trạng trễ hạn là ủy quyền cho các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) tại 24 quận, huyện được ký cấp giấy và trả hồ sơ cho dân, thay vì dồn về VPĐKĐĐ TP như hiện nay”.
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP, khi trao đổi với Pháp Luật TP sau bài phản ánh“ TP.HCM: Hồ sơ nhà, đất vẫn điệp khúc trễ hẹn” (đăng ngày 4/5).
Cũng theo ông Nguyễn Toàn Thắng, khối lượng hồ sơ đăng ký biến động và cấp GCN tại TP.Hồ Chí Minh hiện nay rất lớn và tăng dần theo thời gian. Cụ thể, qua hơn 04 năm thành lập VPĐKĐĐ một cấp và chuyển thẩm quyền về cho Sở TN&MT, công tác đăng ký và cấp GCN đạt gần 2,5 triệu hồ sơ các loại.
Tuy hồ sơ tăng nhưng thời gian giải quyết theo quy định hiện hành là giảm khoảng 30% so với trước đây. Nếu như trước đây, cùng một việc ký GCN được thực hiện tại 24 đầu mối là 24 quận, huyện thì nay chỉ tập trung một đầu mối chỉ 1-2 người ký nên đã dẫn đến tình trạng trễ hạn hồ sơ như hiện nay.
Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các cơ quan có liên quan như cấp UBND xã, cơ quan thuế, cơ quan cấp phép xây dựng… chưa đúng thời gian; có sự mâu thuẫn, bất cập trong quy định của Luật Đất đai và các luật khác
Ngoài ra, hiện nay khối lượng công việc rất nhiều nhưng nhân sự ít. Toàn hệ thống VPĐKĐĐ có tổng cộng hơn 1.200 nhân sự. Tuy nhiên, hiện chỉ có 483 nhân sự viên chức được giao nhiệm vụ thụ lý hồ sơ, còn lại là nhân viên hợp đồng.
TP. Hồ Chí Minh tổ chức đoàn đi kiểm tra cải cách hành chính
Từ tháng 6 đến tháng 12/2020, UBND TP sẽ tổ chức đoàn đi kiểm tra, khảo sát tình hình thực hiện công tác cải cách hành chính (CCHC) năm 2020 tại các cơ quan, đơn vị, địa phương. Đó là nội dung được đăng tải trên báo Người Lao Động.
Đoàn sẽ kiểm tra, khảo sát định kỳ với các nội dung: Vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác chỉ đạo, điều hành và triển khai thực hiện Kế hoạch công tác CCHC của TP, cơ quan, đơn vị, địa phương; công tác phối hợp thực hiện 72 nhóm thủ tục hành chính liên thông giữa Văn phòng UBND TP với các sở - ban - ngành, UBND quận - huyện và các hoạt động công vụ liên quan đến lĩnh vực cấp giấy phép xây dựng tại UBND quận - huyện và các sở - ban - ngành có liên quan.
Bên cạnh đó, Đoàn cũng sẽ kiểm tra công tác triển khai các nhiệm vụ được giao; công tác khắc phục các nội dung bị trừ điểm chỉ số; việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương, thực hiện văn hóa công sở, văn hóa công vụ, ý thức thái độ phục vụ người dân, doanh nghiệp…
Điều chỉnh giao thông để phát triển kinh tế đêm
Theo báo Thanh niên, Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh vừa có thông báo tổ chức lưu thông 2 chiều cho xe ô tô trong khoảng thời gian 22 giờ - 6 giờ ngày hôm sau trên 9 tuyến đường.
Danh sách 9 tuyến đường được điều chỉnh từ 1 chiều thành 2 chiều vào ban đêm bao gồm: Đường Bùi Thị Xuân (đoạn từ đường Cách Mạng Tháng Tám đến hẻm 150 Nguyễn Trãi - quận 1); Đường Nguyễn Hữu Cầu (đoạn từ đường Trần Quang Khải đến Hai Bà Trưng - quận 1); Đường Nguyễn Huy Tự (đoạn từ đường Đinh Tiên Hoàng đến Nguyễn Văn Giai - quận 1); Đường Nguyễn Văn Giai (đoạn từ đường Đinh Tiên Hoàng đến cầu Bùi Hữu Nghĩa - quận 1); Đường Phạm Viết Chánh (đoạn từ đường Nguyễn Thị Minh Khai đến Cống Quỳnh - quận 1).
Sở GTVT cho biết việc thay đổi phương án lưu thông như trên nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia giao thông, góp phần hỗ trợ phát triển kinh tế đêm theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ và UBND TP.HCM.
Xây nhà trọ ở TP. Hồ Chí Minh phải theo chuẩn
Theo Sở Xây dựng TP, những năm gần đây, nhiều nhà ở riêng lẻ đã được “hô biến” thành khu nhà cho thuê chật hẹp, không bảo đảm an toàn, an ninh cũng như PCCC.
Ghi nhận của báo Người Lao Động tại những khu nhà trọ ở các quận, huyện như Bình Tân, Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Chánh… đặc điểm chung là chủ nhà xin giấy phép xây dựng nhà ở, sau đó ngăn vách, trổ cửa để chia nhỏ thành nhiều căn phòng cho thuê.
Trước thực trạng trên, sau thời gian nghiên cứu, Sở Xây dựng TP đã ban hành hướng dẫn làm nhà trọ đáp ứng nhu cầu tạm cư đối với người lao động không có điều kiện mua nhà.
Theo hướng dẫn này, nếu quy mô nhà trọ nhỏ, chủ nhà sẽ không cần thành lập công ty và đăng ký kế hoạch xử lý môi trường mà chỉ cần làm các bước như công trình nhà ở bình thường. Tuy nhiên, mỗi phòng phải đảm bảo diện tích trên 10m2, cao ít nhất 2,7m, có cửa đi, cửa sổ bảo đảm yếu tố thoáng gió và ánh sáng tự nhiên.
Nếu là nhà tập thể thì phải bảo đảm mỗi người có một ổ cắm điện; khi xây dựng nhà vệ sinh khép kín thì phải có tường ngăn cách với phòng ngủ. Trường hợp xây nhà liền kề thấp tầng để cho thuê có thể sử dụng khu vệ sinh chung cho nhiều phòng ở, nhưng phải bố trí khu vệ sinh riêng cho nam và nữ.