Du lịch xanh: thế mạnh tiềm ẩn của TP
Theo GS Đoàn Thị Hồng Vân, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, nếu chọn hình thức phát triển là du lịch thành phố, du lịch thương mại, TP. Hồ Chí Minh không thể cạnh tranh được với các TP trong khu vực như Singapore, Bangkok… Nếu chọn du lịch văn hóa, lịch sử, không thể so với Hà Nội, Huế hoặc các TP cổ kính của Trung Quốc. Còn xét ở khía cạnh TP đáng sống để phát triển du lịch nghỉ dưỡng, TP. Hồ Chí Minh cũng không có dư địa về tài nguyên đất đai, địa thế… đủ để có thể cạnh tranh với Đà Nẵng. Vậy loại hình du lịch nào là mũi nhọn mà TP. Hồ Chí Minh nên chọn? Nội dung đăng tải trên báo Sài Gòn Giải Phóng.
Đi tìm câu trả lời sẽ thấy một “thế mạnh tiềm ẩn” của TP bấy lâu bị lãng quên, là các huyện ngoại thành - vốn chiếm tới 3/4 diện tích của TP. Tại đây có Cần Giờ - khu rừng dự trữ sinh quyển của thế giới, rộng hơn 34.000ha; chưa kể, hàng loạt làng nghề ở Củ Chi, cũng như các làng nông nghiệp rất đặc sắc ở quận 9. Thành phố đã xây dựng và đưa vào hoạt động Khu Nông nghiệp công nghệ cao 88ha với những hoạt động nông nghiệp rất phong phú, có khả năng thu hút hàng trăm ngàn khách du lịch mỗi năm.
Chưa dừng lại đó, trong 3 năm lại đây, Sở Công thương TP đã đẩy mạnh phát triển, định hình dòng sản phẩm chủ lực; từng bước nâng thương hiệu sản phẩm TP ngang tầm khu vực.
Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP, cho biết việc nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch nông nghiệp (sản phẩm chủ lực của địa phương) đang được TP rất quan tâm. UBND TP đã chỉ đạo ngành du lịch cũng như các Sở - ngành và 5 huyện ngoại thành phát triển cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phụ trợ nhằm thu hút khách du lịch, kéo dài thời gian lưu trú, tăng mức chi tiêu của du khách.
Theo Công ty lữ hành Saigontourist, các tour nông nghiệp thường xuyên có khách, nhất là khách quốc tế (vào thời điểm trước dịch Covid-19) và công ty đang phục vụ số lượng đáng kể khách nội địa từ các tỉnh thành ghé thăm TP. Hồ Chí Minh.
Lợi thế đã được xác định nhưng theo bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc Tiếp thị và Truyền thông Lữ hành Fiditour, ngành du lịch TP còn những bất cập phải sớm được khắc phục. Đó là sự gắn kết lỏng lẻo giữa điểm đến (nhà vườn, trang trại…) với các hãng lữ hành, cơ quan chuyên trách. Điều này khiến những điểm đến thiếu tính ổn định và bền vững.
“Tour ở TPHCM nên quan tâm đến đối tượng khách nhà - khách tại TP. Hàng triệu người dân TP thích đi du lịch, nhưng vướng suy nghĩ thành phố không có sản phẩm mới lạ, hấp dẫn, nên không muốn chi tiền…” – bà Trần Thị Bảo Thu chia sẻ.
TP. Hồ Chí Minh sắp có chuỗi ngày mưa, bụi mịn giảm
Báo Người Lao Động đưa tin: Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ cho biết, trong tuần này (từ ngày 6 đến 11/7) thường xuyên xuất hiện mưa vào chiều và tối với vũ lượng không lớn. Nhiệt độ trung bình từ 25-35 độ C, không khí mát mẻ, dễ chịu. Tuy nhiên, trong các cơn mưa sẽ xuất hiện thêm hiện tượng sấm sét và giông lốc.
Cơ quan này cũng thông tin, hiện nay, việc dự báo mưa gặp nhiều khó khăn, chủ yếu dựa vào hệ thống radar phát hiện mây từ xa nên mọi người cần thường xuyên nắm bắt thông tin để chủ động việc đi lại.
Trong khi đó, ứng dụng đo chỉ số chất lượng không khí (AQI) như Air Visual, PAM Air đều cho thấy chất lượng không khí của TP. Hồ Chí Minh trong những ngày gần đây có chiều hướng tốt dần, chỉ số bụi mịn giảm đáng kể.
Ngành nhựa, cơ khí tìm cách vượt khó
Thông tin từ báo Người Lao Động, báo cáo mới nhất của Sở Công Thương TP cho thấy 6 tháng đầu năm 2020, ngành công thương đóng góp 1,74% trong mức tăng trưởng khoảng 2% của GRDP Thành phố (tổng sản phẩm trên địa bàn).
Lũy kế 6 tháng, quy mô sản xuất công nghiệp và thị trường (trong và ngoài nước) vẫn được mở rộng, mặc dù mức tăng trưởng không bằng so với cùng kỳ năm 2019. Đặc biệt, sản xuất - kinh doanh bắt đầu phục hồi từ tháng 5. Nhìn chung, các ngành công nghiệp trọng điểm đang phục hồi khá tích cực.
Theo các hội ngành nghề, có khoảng 80% doanh nghiệp (DN) ngành cao su, nhựa bị giảm doanh thu từ quý II/2020. Điểm đáng mừng là đà sụt giảm sản lượng đang chậm dần, có khoảng 20% DN giữ vững sản xuất hoặc tăng do sản xuất các mặt hàng găng tay gia dụng, y tế, bao bì thức ăn nhanh.
Hiện nguồn cung nguyên liệu sản xuất cao su, nhựa đang dư thừa, đồng thời giá giảm khoảng 60% nên các DN đã mua dự trữ cao su tổng hợp, hóa chất và nguyên phụ liệu để sản xuất cho các năm tiếp theo.
Các DN cơ khí cũng đang gặp khó khăn do nhiều đơn hàng từ châu Âu, Mỹ trong quý II đã tạm ngưng. Tính chung 6 tháng, chỉ số sản xuất ngành cơ khí ước giảm 12,1%. Hội DN Cơ khí - Điện TP đang xây dựng dự án "Made by Việt Nam" nhằm phát triển DN, hỗ trợ tìm đầu ra cho DN bằng các hoạt động liên kết với các ngành như lương thực, thực phẩm, dây cáp điện, gỗ…, đồng thời gia tăng các hoạt động kết nối trực tuyến, sàn thương mại điện tử cho các DN trong ngành.
Hai kịch bản cho nhu cầu nhân lực 6 tháng cuối năm 2020
Báo Người Lao Động cho hay, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh (FALMI) vừa đưa ra dự báo nhu cầu nhân lực 6 tháng cuối năm 2020 tại TP.
FALMI dự báo nhu cầu nhân lực trong các tháng còn lại của năm với 2 kịch bản. Thứ nhất, tình hình dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng tiêu cực, tác động đến tăng trưởng kinh tế - xã hội. Các lĩnh vực chịu tác động lớn là dịch vụ (ngành lưu trú, ăn uống, du lịch, vận tải…), công nghiệp - xây dựng (ngành dệt may, giày da, gỗ nội thất, chế biến, xây dựng…) sẽ có nhu cầu nhân lực khoảng 105.000 - 115.000 chỗ làm việc.
Thứ hai, tình hình dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng tích cực với việc kiểm soát tốt dịch tễ, doanh nghiệp sẽ khởi sắc trong những tháng cuối năm, đặc biệt là thời điểm gia tăng hoạt động sản xuất - kinh doanh phục vụ lễ, Tết, sẽ giúp hạn chế tình trạng lao động ngừng việc, mất việc và nhu cầu nhân lực cần khoảng 115.000 - 135.000 chỗ làm việc.
Trong đó, tập trung chủ yếu ở các nhóm nghề như: Kinh doanh - thương mại (22,7%), dịch vụ phục vụ (7,63%), dệt may - giày da (6,25%), chế biến lương thực - thực phẩm (6,02%), tư vấn chăm sóc khách hàng (5,91%), marketing (5,79%), xây dựng (4,62%), công nghệ thông tin (4,23%), vận tải - kho bãi - dịch vụ cảng (3,62%), kinh doanh bất động sản (3,51%)…
Bên cạnh những yêu cầu về trình độ chuyên môn, nhà tuyển dụng còn đòi hỏi người lao động phải có kỹ năng nghề nghiệp, kỷ luật lao động, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và thông thạo ngoại ngữ. Đây là những kỹ năng mà người lao động có thể tự trau dồi trong quá trình học tập và làm việc nhằm tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường lao động.
Trường quốc tế thông báo “đuổi học” vì mâu thuẫn học phí: Học sinh bị tổn thương
Trường Dân lập Quốc tế Việt Úc (VAS) vừa gửi thông báo từ chối tiếp nhận 40 học sinh cho năm học 2020-2021 do cha mẹ mâu thuẫn về học phí với trường là tiêu cực, đi ngược lại các giá trị trong giáo dục.
Theo nội dung trên báo Người Lao Động, các chuyên gia giáo dục nhận định rằng cách hành xử của VAS đang làm tổn thương học sinh, trút giận lên học sinh là phản giáo dục. Các em bị buộc “thôi học” không được đối xử công bằng.
Thông báo này được VAS đưa ra sau khi phụ huynh phản đối về học phí học trực tuyến trong thời gian nghỉ dịch Covid-19.
Trả lời báo chí về việc không tiếp nhận học sinh cho năm học tới, đại diện của VAS đưa ra lý do chưa đạt được những thỏa thuận như mong muốn, nhóm phụ huynh này đã liên tục tổ chức các hoạt động biểu tình trước cổng trường, gây mất trật tự và ảnh hưởng đến môi trường học tập của các em học sinh. Đồng thời, họ liên tục truyển tải những thông tin không chính xác trên mạng xã hội nhằm hạ thấp uy tín và hình ảnh của nhà trường. Việc không tìm được tiếng nói chung giữa nhà trường và một nhóm nhỏ phụ huynh trong một thời gian dài đã ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường dạy và học tại VAS.
Nhằm duy trì trật tự và tiếp tục phát triển một môi trường học tập đáng mơ ước cho hơn 9.000 học sinh như trước đây, VAS buộc phải gửi thư thông báo đến phụ huynh về việc không thể tiếp tục tiếp nhận con em của họ trong năm học 2020 - 2021.
Nhà Trường sẽ tiếp tục đảm bảo việc học tập của các em học sinh này không bị ảnh hưởng và có thể kết thúc năm này một cách tốt đẹp. Nhà trường sẽ tạo điều kiện để phụ huynh hoàn thành việc rút hồ sơ theo đúng quy định của Nhà nước.
Trong thông báo gửi đến báo chí, VAS cũng cho biết sau khi đã lắng nghe và nhận được hướng dẫn của chính quyền cũng như cân nhắc xem xét đối với từng trường hợp đã đưa ra quyết định như trên.
Theo chuyên gia giáo dục Bùi Khánh Nguyên, chuyện đúng – sai, cả phụ huynh và nhà trường cần bình tĩnh, dù là trường công lập hay ngoài công lập thì cũng là một phần của giáo dục quốc dân nên các cơ quan quản lý cần lên tiếng, vì khi các em bị chính trường học của mình tẩy chay thì các em sẽ bị tổn thương rất lớn.
Ồ ạt phát triển chung cư mini
Những năm gần đây, TP. Hồ Chí Minh xuất hiện ồ ạt tình trạng chung cư mini xây dựng sai phép, làm phá vỡ quy hoạch, gia tăng áp lực lên hệ thống hạ tầng đô thị, không đủ điều kiện để được cấp “sổ đỏ” cho người mua, phát sinh nhiều rủi ro tranh chấp…
Căn hộ mini ở ngã tư Hương Lộ 2 - Tây Lân (phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân) được người môi giới rao bán với giá 640 triệu đồng cho căn hộ 19m2 sàn và 7,5m2 gác lửng, tổng diện tích 26,5m2.
“Khách hàng ký hợp đồng, thanh toán trước 30% giá trị căn hộ. Trong 3 tháng tiếp theo, khách phải thanh toán đủ 100% giá trị căn hộ. Sau khi khách hàng thanh toán đợt cuối, chủ đầu tư (CĐT) sẽ mời khách đi công chứng và bàn giao căn hộ. Dự kiến quý III/2020, khách hàng có thể dọn vào ở” - người môi giới tên Quí cho biết.
Các căn hộ ở chung cư mini T.T ở đường Bến Lội (phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân) cũng được chào bán với giá từ 480-770 triệu đồng.
Ngoài các căn hộ trên, theo khảo sát của PV báo Lao Động, tại quận Thủ Đức, những người môi giới cũng đang rao bán căn hộ mini ở đường 36, phường Linh Đông với giá chỉ từ 300-600 triệu đồng/căn hộ có diện tích từ 14-26m2. Một chung cư mini khác đang được rao bán nằm trên đường số 8, phường Linh Chiểu với 30 căn hộ có diện tích khoảng 27m2, giá từ 500-700 triệu đồng/căn.
Thực tế, các công trình này là những công trình nhà ở riêng lẻ được UBND quận Thủ Đức cấp giấy phép cho những cá nhân đứng tên xây dựng. Tuy nhiên, những cá nhân này đã hợp tác với một Cty địa ốc để bán những căn hộ mini này ra thị trường.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP - cho rằng, bên cạnh công tác quản lý, còn có nguyên nhân do bất cập của các quy định pháp luật đã “bật đèn xanh” làm phát sinh tình trạng “nở rộ” nhiều công trình nhà ở riêng lẻ được thiết kế kiểu chung cư mini.
Cụ thể, Khoản 2 Điều 46 Luật Nhà ở quy định: “Trường hợp được phép xây dựng nhà ở có từ hai tầng trở lên mà tại mỗi tầng được thiết kế, xây dựng từ hai căn hộ trở lên theo kiểu khép kín, có đủ tiêu chuẩn diện tích sàn xây dựng tối thiểu mỗi căn hộ theo quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng và có phần diện tích thuộc sở hữu riêng, phần diện tích thuộc sở hữu chung của nhà chung cư theo quy định của luật này thì được Nhà nước công nhận quyền sở hữu đối với từng căn hộ trong nhà ở đó”. Điều này đã tạo cơ sở pháp lý để xảy ra tình trạng phát triển chung cư mini.
“Hiệp hội BĐS TP đã kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 46 Luật Nhà ở theo hướng dùng công cụ quy hoạch để hạn chế phát triển loại nhà ở đơn lẻ có nhiều phòng kiểu chung cư mini, “chung cư hộp diêm” tại khu vực nội thành. Loại căn hộ mini này nên khuyến khích dùng để cho thuê. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu xây dựng, cải tạo nhà ở nhằm bán, cho thuê thì phải lập dự án đầu tư xây dựng theo luật Nhà ở” - ông Lê Hoàng Châu thông tin.
Luật sư Nguyễn Tri Đức (Đoàn luật sư TPHCM) cho rằng: “Loại hình căn hộ núp bóng từ việc xây nhà ở riêng lẻ, tự ý nâng tầng sẽ không đủ tiêu chuẩn để cấp sổ đỏ. Do đó, khi mua căn hộ, người dân cần nghiên cứu kỹ vấn đề pháp lý để tránh thiệt thòi về sau”
Ngày hội văn hóa - gia đình hạnh phúc
Báo Sài Gòn Giải Phóng đưa tin: Ngày 5/7, tại Cung Văn hóa Lao động TP. Hồ Chí Minh, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP tổ chức Ngày hội văn hóa - gia đình hạnh phúc.
Ngày hội thu hút hơn 350 gia đình công nhân, viên chức, lao động (CNVC-LĐ) tham gia. Tại ngày hội, các gia đình cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”; tham gia sân chơi “Gia đình là số 1”; trình diễn thời trang với chủ đề “Sắc màu hạnh phúc”; gameshow cả nhà cùng hát... Ngoài ra, các gia đình còn được mua sắm hàng giảm giá tại các gian hàng.
Dịp này, LĐLĐ TP tuyên dương 53 gia đình CNVC-LĐ văn hóa, hạnh phúc tiêu biểu. Tuy có hoàn cảnh, công việc khác nhau nhưng các gia đình được tuyên dương đều thể hiện tính gương mẫu, chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nội quy, quy chế cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và nơi cư trú; tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước, hoạt động xã hội do công đoàn và địa phương nơi cư trú, đơn vị, doanh nghiệp phát động...
Khi nào hoàn thành dự án cải thiện môi trường nước TP. Hồ Chí Minh?
Dự án cải thiện môi trường nước TP. Hồ Chí Minh, lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ được thực hiện từ nguồn vốn vay ODA của chính phủ Nhật Bản (JICA) và nguồn vốn đối ứng từ ngân sách TP. Hiện giai đoạn 1 đã hoàn thành, giai đoạn 2 đang thi công, giai đoạn 3 đang trong thời gian chuẩn bị đầu tư.
Trong đó, giai đoạn 2 của dự án được triển khai năm 2010, dự kiến hoàn thành năm 2014, tuy nhiên đến nay vẫn chưa thể hoàn thành. Dự án chậm tiến độ khiến cuộc sống của người dân ở khu vực này bị đảo lộn, đặc biệt là giao thông đi lại.
Ghi nhận của PV báo Pháp Luật TP, tại tuyến đường Mễ Cốc và đường Phú Định (quận 8), nhiều vị trí mặt đường bị thu nhỏ lại để thi công các gói thầu. Nhiều đoạn đường gồ ghề, đó là những gì còn sót lại khi thi công xong một gói thầu của dự án. Trong đó, một số đoạn chủ đầu tư đã trải nhựa sửa chữa những đoạn hư hỏng.
Liên quan đến việc thi công dự án gây hư hỏng mặt đường, Sở GTVT TP cho biết đã đề nghị chủ đầu tư khắc phục tạm thời tình trạng nứt mặt đường Mễ Cốc (đối diện số nhà 186A, quận 8) do quá trình thi công gói thầu F2. Đồng thời, Sở yêu cầu đơn vị thường xuyên theo dõi tình trạng mặt đường để kịp thời xử lý khi tiếp tục xảy ra tình trạng nứt mặt đường tại vị trí này. Việc khắc phục triệt để tình trạng nứt nền đường, mặt đường phải được thực hiện trong thời gian tối đa là hai tháng.
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP (QLDA) cho hay tháng 6/2022 sẽ hoàn thành toàn bộ công trình của gói thầu dự án cải thiện môi trường nước TP giai đoạn 2. Nói về nguyên nhân dự án chậm tiến độ, kéo dài, ông Phúc cho biết trong quá trình thực hiện giai đoạn 2 xảy ra nhiều phát sinh như cần có thời gian đúc kết kinh nghiệm từ giai đoạn 1 để nâng cao hiệu quả giai đoạn 2, thời gian rà soát thiết kế. Thêm vào đó, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và bàn giao mặt bằng thi công của các quận, huyện chậm trễ.
Không những vậy, trong quá trình thi công, chủ đầu tư cũng gặp nhiều vướng mắc trong việc tổ chức thi công, phân luồng giao thông, cấp phép thi công… trong điều kiện mặt cắt ngang đường hẹp, mật độ giao thông cao. Do đó cần phải có giải pháp điều tiết giao thông tổng thể cho cả một khu vực, chứ không chỉ riêng một tuyến đường.
Giai đoạn 2 dự án vệ sinh môi trường: Giải pháp nào đẩy nhanh tiến độ?
Dự án Vệ sinh môi trường - giai đoạn 2 của TP. Hồ Chí Minh đang lùi tiến độ về đích từ năm 2021 đến năm 2024 vì vướng mắc của nhiều gói thầu mới được giải quyết. Thành phố (TP) đang từng bước tháo gỡ để sớm đưa công trình vào vận hành.
Theo nội dung trên báo Tuổi Trẻ, giai đoạn 2 khởi công từ năm 2017 dự kiến hoàn thành vào giữa năm 2021 nhằm hoàn chỉnh hệ thống thu gom, xử lý nước thải cho toàn bộ lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Dự án hoàn thành sẽ cải thiện, nâng cao sức khỏe đời sống của người dân, cải tạo, chỉnh trang môi trường, thúc đẩy phát triển du lịch ở TP. Tổng vốn đầu tư 524 triệu USD, trong đó vốn vay Ngân hàng Thế giới là 450 triệu USD, còn lại là vốn đối ứng từ ngân sách TP.
Dự án có 8 gói thầu xây lắp làm tuyến cống bao, đấu nối hộ gia đình, xây dựng nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Đến nay nhiều gói thầu quan trọng đang chậm tiến độ. Cụ thể, đối với gói XL-02 - xây dựng nhà máy nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè (Q.2) có giá trị 307 triệu USD - là gói thầu quan trọng nhất được chủ đầu tư ký hợp đồng với liên danh Acciona - Vinci từ tháng 3/2019. Tuy nhiên sau đó các nhà thầu khác không trúng thầu đã khiếu nại.
Trước tình hình trên, TP đã cố gắng tháo gỡ bằng cách vừa giải quyết khiếu nại vừa tiếp tục thực hiện gói thầu để tiến độ dự án không chậm trễ thêm. Tới đầu năm 2020, đơn vị trúng thầu đã được tạm ứng vốn để hợp đồng chính thức có hiệu lực và thời gian thiết kế, thi công, vận hành thử trong 5 năm.
Theo ghi nhận, sau khi được tạm ứng vốn, nhà thầu thi công nhà máy nước đã bắt tay vào công tác khảo sát thiết kế, đồng thời tại khu vực xây nhà máy ở P.Thạnh Mỹ Lợi (Q.2) đang hối hả dựng "lô cốt", san lấp mặt bằng để thi công.
Trong khi đó, gói thầu XL-03 - xây dựng cống thoát nước cấp 2, cấp 3 (đường Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Thị Định, Q.2) mới đạt 50% dù thời gian thi công đã hết từ tháng 12/2019.
Còn đối với các gói thầu như gói XL-01 đạt 69% khối lượng hợp đồng, gói thầu XL-06 đạt 86% khối lượng công việc, XL-07 đạt khối lượng 32%. Cá biệt, gói XL-08 đấu nối hộ gia đình thời gian thực hiện hợp đồng 780 ngày từ tháng 11/2018, do vướng mặt bằng nên tính đến đầu tháng 6/2020 vẫn chưa thi công.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP, hiện Ngân hàng Thế giới đã có thư chấp thuận gia hạn thời gian thực hiện dự án thêm 36 tháng, tức đến 30/6/2024. Vì vậy, Ban này kiến nghị UBND TP trình nội dung về gia hạn thời gian thực hiện dự án cho HĐND TP xem xét và lấy ý kiến thống nhất tại kỳ họp tháng 7/2020. Tiếp đó, UBND TP sẽ có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư về thời gian thực hiện dự án tới năm 2024.
Vân Anh - Thanh Hà - Khang Minh