Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 06/8/2020

10:59 06/08/2020

Trung tâm Báo chí tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TP. Hồ Chí Minh trên các báo ra ngày 06/8/2020:

Khai giảng năm học mới vào ngày 5/9

Báo Pháp Luật TP cho biết, ngày 5/8, UBND TP đã ban hành kế hoạch năm học 2020-2021 của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và thường xuyên.

Theo đó, bậc mầm non, trẻ tựu trường và khai giảng cùng ngày 5/9. Với bậc phổ thông, từ tiểu học đến THPT, giáo dục thường xuyên, ngày tựu trường là 1/9, khai giảng 5/9.

Học sinh trường Mầm non Măng non, quận 10 trong 1 tiết học ngoài trời. Ảnh: NQ
Học sinh trường Mầm non Măng non, quận 10 trong 1 tiết học ngoài trời. Ảnh: NQ

Ở tất cả bậc học, học kỳ I kéo dài từ ngày 7/9 đến 9/1/2021; học kỳ II từ 11/1 đến 22/5/2021. Học sinh bế giảng năm học cuối tháng 5. Thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu dự kiến từ ngày 8/2/2021 (27 tháng Chạp) đến hết ngày 16/2 (mùng 5 tháng Giêng).

Bậc Tiểu học và THCS và giáo dục thường xuyên (THCS) xét hoàn thành chương trình trước ngày 15/6. Còn bậc THPT, hoàn thành tuyển sinh vào lớp 10 trước 31/7/2021.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo được giao theo dõi các cấp học thực hiện nghiêm kế hoạch năm học nêu trên. Đồng thời quyết định cho học sinh nghỉ trong trường trường hợp thời tiết khắc nghiệt, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm.

Ưu tiên xét nghiệm Covid-19 với thí sinh có biểu hiện sốt, ho sau giờ thi

Thông tin từ báo Tiền Phong, tại buổi tổ chức tập huấn công tác coi thi tốt nghiệp THPT cho các trưởng điểm thi và phó điểm thi của 115 điểm thi tốt nghiệp THPT trên địa bàn TP diễn ra ngày 5/8, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP cho biết chậm nhất trong ngày 6/8, toàn bộ 115 điểm thi sẽ hoàn tất khử khuẩn.

Bên cạnh đó, tại mỗi điểm thi đã bố trí ít nhất 2 phòng thi dự phòng và phòng chăm sóc y tế cùng ít nhất 10 cán bộ coi thi dự phòng để kịp thời hỗ trợ thí sinh. Trong giờ làm bài, thí sinh có biểu hiện sốt, ho, khó thở sẽ được đưa xuống phòng y tế để chăm sóc, nếu đủ điều kiện sức khỏe tiếp tục làm bài sẽ được bố trí thi ở phòng riêng (phòng thi dự phòng) để không ảnh hưởng các thí sinh còn lại. Mỗi điểm thi đều có cán bộ y tế là nhân viên y tế của trường hay bác sĩ tại trạm xá tùy theo bố trí của mỗi địa phương.

Nhân viên khử khuẩn trường lớp tại điểm thi THPT Nguyễn Du, quận 10 chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT
Nhân viên khử khuẩn trường lớp tại điểm thi THPT Nguyễn Du, quận 10 chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT

Với những bài thi của các thí sinh có biểu hiện sốt, ho, khó thở, ông Hiếu cho biết sẽ được xử lý theo khuyến cáo của ngành y tế là bọc trong túi nilon. “Cán bộ coi thi được yêu cầu thay khẩu trang, rửa tay thường xuyên, đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Sau khi kết thúc quá trình làm bài, thí sinh được ưu tiên xét nghiệm Covid-19, nếu kết quả âm tính sẽ triển khai công tác chấm thi bình thường, nếu dương tính sẽ xin ý kiến chỉ đạo của ngành y tế để có biện pháp xử lý phù hợp”, ông Hiếu nói.

Cũng theo ông Hiếu, TP. Hồ Chí Minh không bố trí điểm thi dự phòng mà bố trí các phòng thi dự phòng trong khuôn viên điểm thi. Hiện nay, tất cả điểm thi tốt nghiệp THPT trên địa bàn TP đều có các trường THCS, THPT trên địa bàn lân cận đủ điều kiện tiếp ứng trong trường hợp cần thiết.

Về quy định giãn cách trong phòng thi, theo quy định hiện nay mỗi phòng thi bố trí 24 thí sinh. Sở GD&ĐT TP đã yêu cầu các điểm thi bố trí sơ đồ chỗ ngồi cho thí sinh đảm bảo quy định giãn cách tối đa giữa hai thí sinh.

Thí điểm liên thông công chứng, đăng ký quyền sử dụng đất

Thông tin từ báo Sài Gòn Giải Phóng, theo dự thảo Nghị quyết về chính sách phát triển nghề công chứng vừa được Bộ Tư pháp công bố để xin ý kiến các đơn vị liên quan, các đối tượng chịu tác động, UBND TP. Hồ Chí Minh và UBND TP. Hà Nội trong năm 2021 sẽ tổ chức thực hiện thí điểm liên thông khi có yêu cầu của cá nhân, tổ chức đối với các thủ tục công chứng, đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và thuế... nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí trong việc thực hiện thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.

Việc liên thông cũng sẽ giúp cho việc phát hiện, ngăn ngừa các giao dịch giả tạo, che đậy bản chất, hoạt động tín dụng đen. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác cũng được khuyến khích thực hiện thủ tục liên thông này.

Phát hiện cơ sở sản xuất hàng triệu găng tay y tế giả

Thông tin từ Vietnamplus, ngày 5/8, Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP, cho biết đơn vị đã kiểm tra căn nhà tại địa chỉ 951/22 đường Hương Lộ 2, phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân và phát hiện 2.370 thùng găng tay y tế giả. Hiện Cơ quan Công an đang tạm giữ số tang vật để xử lý theo quy định.

Theo Cơ quan điều tra, cơ sở này do Thạch Thị Hoa, Giám đốc công ty TNHH Sản xuất Thương mại Thiết bị TTH (địa chỉ tại 71/2/21 Nguyễn Bặc, Phường 3, quận Tân Bình) tổ chức, chỉ đạo các đối tượng Nguyễn Đức Chương, Lê Ngọc Ngân, Nguyễn Thị Lynh Trang sản xuất hàng giả là mặt hàng găng tay y tế với số lượng lớn.

Ảnh minh họa. (Ảnh: TTXVN phát)
Ảnh minh họa. (Ảnh: TTXVN phát)

Thời điểm kiểm tra cơ sở trên (ngày 3/8), Công an phát hiện có 32 công nhân đang sàng lọc, đóng thùng găng tay từ những bao tải lớn thành từng hộp, thùng mang nhãn hiệu của một công ty khác.

Tại kho có 2.370 thùng găng tay đã đóng gói hoàn thiện, tương đương 2,3 triệu chiếc găng tay giả, ước tính trị giá trên 3 tỷ đồng (nếu đem đi tiêu thụ).

Mở rộng khám xét các địa điểm liên quan, Phòng Cảnh sát Kinh tế thu giữ thêm nhiều tài liệu, phương tiện, máy móc liên quan đến đường dây sản xuất găng tay giả nói trên.

Hiện Cơ quan điều tra đang mở rộng điều tra, làm rõ nguồn gốc số găng tay giả này và thủ đoạn "phù phép" của các đối tượng.

Kiểm tra, xử phạt người không mang khẩu trang

Từ sáng 5/8, theo chỉ đạo của UBND TP, nhiều phường trên địa bàn đã ra quân kiểm tra, xử phạt người không chấp hành quy định mang khẩu trang nơi công cộng để phòng dịch Covid-19.

Theo ghi nhận của PV báo Thanh Niên, sáng 5/8, tổ công tác của P.4 (Quận 10) tuần tra hàng loạt tuyến đường, trong đó tập trung vào các cửa hàng kinh doanh đồ uống và khu vực chợ Nhật Tảo. Cán bộ phường lập biên bản xử phạt một nhân viên của tiệm trà sữa không mang khẩu trang với mức phạt 200.000 đồng.

Nhiều bạn trẻ không đeo khẩu trang tại một quán cà phê trên đường C3, quận Tân Bình/ Ảnh: SGGP
Nhiều bạn trẻ không đeo khẩu trang tại một quán cà phê trên đường C3, quận Tân Bình/ Ảnh: SGGP

Cũng tại Quận 10, tổ công tác P.9 đã lập biên bản xử phạt 3 trường hợp trong buổi kiểm tra vào sáng cùng ngày. Trong suốt quá trình kiểm tra, nhiều tình huống xảy ra như người dân khi thấy lực lượng chức năng thì mới mang khẩu trang.

Lập biên bản xử phạt 1 trường hợp không đeo khẩu trang tại địa bàn phường 4, quận 10 . Ảnh: Bảo Tuổi Trẻ
Lập biên bản xử phạt 1 trường hợp không đeo khẩu trang tại địa bàn phường 4, quận 10 . Ảnh: Bảo Tuổi Trẻ

Tại Quận Phú Nhuận, tổ công tác của P.7 gồm cán bộ UBND phường, công an, nhân viên y tế kiểm tra dọc tuyến đường Phan Đăng Lưu, công viên văn hóa Phú Nhuận và đường Phan Xích Long để tuyên truyền, nhắc nhở nhiều người dân không mang khẩu trang, đồng thời phát khẩu trang cho những trường hợp này. Đối với 4 trường hợp không hợp tác, UBND P.7 lập biên bản xử phạt hành chính vì không mang khẩu trang nơi công cộng.

Tại Quận 1, UBND P.Bến Nghé tổ chức ra quân kiểm tra, dù phát hiện nhiều trường hợp người dân không mang khẩu trang, nhưng chủ yếu nhắc nhở chứ không xử phạt hành chính. Chiều cùng ngày, một tổ công tác khác của UBND P.Bến Nghé tiếp tục ra quân nhắc nhở, xử lý. Theo quan sát của PV, hầu hết các trường hợp vi phạm là những tài xế xe ôm, taxi; một số ít là dân văn phòng di chuyển ngoài đường và “bỏ lơ” chiếc khẩu trang y tế trong túi quần.

Tổ công tác của UBND P.Bến Nghé (Q.1) nhắc nhở thanh thiếu niên đeo khẩu trang ở phố đi bộ Nguyễn Huệ
Tổ công tác của UBND P.Bến Nghé (Q.1) nhắc nhở thanh thiếu niên đeo khẩu trang ở phố đi bộ Nguyễn Huệ

Tại khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ, nhiều khách du lịch mải mê… chụp ảnh nên cũng không mang khẩu trang, liền bị tổ công tác nhắc nhở, yêu cầu mang khẩu trang vào. Đáng chú ý, có khá nhiều trường hợp người dân mưu sinh ở vỉa hè đang sử dụng khẩu trang không đảm bảo vệ sinh.

Ông Lê Minh Đức, Phó trưởng ban Pháp chế HĐND TP, cho biết theo Điều 240 Bộ Luật Hình sự 2015, hành vi không mang khẩu trang mà làm lây lan Covid-19 có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người.

Cha đẻ “ATM gạo” chế tạo “ATM khẩu trang” phát miễn phí

Khi dịch Covid-19 đang bùng phát trở lại, anh Hoàng Tuấn Anh - “cha đẻ” của “ATM gạo”, đã tiếp tục chế tạo ra “ATM khẩu trang” miễn phí phát cho người nghèo để phòng bệnh Covid-19. Nội dung bài viết trên báo Người Lao Động.

Máy "ATM khẩu trang" miễn phí được đặt tại địa chỉ 204B Vườn Lài, quận Tân Phú, TP HCM. Đây cũng là địa chỉ quen thuộc của cây "ATM gạo" đầu tiên tại Việt Nam.

Chiều 5-8, máy "ATM khẩu trang" miễn phí đã chạy thử tại địa chỉ 204B Vườn Lài, quận Tân Phú, TP HCM và được nhiều người dân quan tâm.
Chiều 5-8, máy "ATM khẩu trang" miễn phí đã chạy thử tại địa chỉ 204B Vườn Lài, quận Tân Phú, TP HCM và được nhiều người dân quan tâm.

So với "ATM gạo" trước đây, "ATM khẩu trang" miễn phí đã có những cải tiến tốt hơn giúp người dân khi đến nhận khẩu trang ít tiếp xúc với những đồ vật xung quanh nhất. Khi đến nhận khẩu trang miễn phí, người nhận sẽ không cần phải bấm bất kì nút nào trên thân máy mà "ATM khẩu trang" sẽ nhận diện gương mặt thông qua hệ thống camera được lắp trên thân máy. Ngoài ra, cạnh chiếc "ATM khẩu trang" còn có 1 máy rửa tay sát khuẩn miễn phí, giúp cho mọi người khi đến nhận khẩu trang miễn phí có thể sát khuẩn phòng tránh dịch bệnh Covid-19.

"Do các thiết bị y tế như khẩu trang ngày càng khan hiếm và đắt đỏ nên dự kiến "ATM khẩu trang" miễn phí sẽ hoạt động  từ 10-16 giờ chiều vào các ngày thứ 5 trong tuần, liên tục đến khi hết khẩu trang. Khẩu trang mà mỗi người đến nhận là loại khẩu trang vải kháng khuẩn, có thể giặt và dùng được 30 lần" - anh Hoàng Tuấn Anh ATM chia sẻ.

Hiện anh Hoàng Tuấn Anh và các nhân viên đã chuẩn bị 8.000 cái khẩu trang vải đủ phát cho 2.600 người.
Hiện anh Hoàng Tuấn Anh và các nhân viên đã chuẩn bị 8.000 cái khẩu trang vải đủ phát cho 2.600 người.
Được biết, mỗi cá nhân sẽ được nhận 3 khẩu trang/1 lần, loại khẩu trang nhận được là khẩu trang vải kháng khuẩn, có thể giặt và tái sử dụng được 30 lần.
Được biết, mỗi cá nhân sẽ được nhận 3 khẩu trang/1 lần, loại khẩu trang nhận được là khẩu trang vải kháng khuẩn, có thể giặt và tái sử dụng được 30 lần.
Những chiếc khẩu trang mang nặng ân tình sẽ giúp người dân thêm ấm lòng giữa mùa đại dịch.
Những chiếc khẩu trang mang nặng ân tình sẽ giúp người dân thêm ấm lòng giữa mùa đại dịch.

BV Chợ Rẫy cách ly một số nhân viên y tế liên quan bác sĩ ở Đồng Nai mắc Covid-19

Báo Tiền Phong đưa tin, ngày 5/8, ngay khi có thông tin bác sĩ Bệnh viện (BV) Đồng Nai (BN 669) mắc Covid-19, BV Chợ Rẫy đã cách ly và xét nghiệm Covid-19 đối với những nhân viên y tế có tiếp xúc với BN.

Trước đó BN 669 có tham dự lớp học “Điều trị bệnh lý tuyến vú, các khối u bằng vi sóng, RFA Laser Echopluse dưới hướng dẫn siêu âm” do Trung tâm Đào tạo BV Chợ Rẫy tổ chức học tại Đơn vị tuyến vú, thời gian từ ngày 20/7/2020 đến 20/8/2020. Học viên của lớp học là các bác sĩ của các BV tuyến tỉnh, không có bác sĩ BV Chợ Rẫy.

Ngay khi nhận được thông tin thông tin từ Viện Pasteur TP cho biết BS BV Đồng Nai có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, BV Chợ Rẫy đã tiến hành truy vết, khoanh vùng và được biết, ngày khai giảng lớp học 20/7 bệnh nhân không tham dự. Ngày 21/7 (ngày đầu vào học), BN không vào lớp mà chỉ đến gặp để chào Giám đốc Trung tâm Ung bướu (mối quan hệ đồng nghiệp) và Trưởng Đơn vị Tuyến vú, xin không tham gia lớp học vì lý do cá nhân. Tại thời điểm này BN không tiếp xúc với nhân viên y tế tại Đơn vị tuyến vú và học viên của lớp học.

BV Chợ Rẫy kiểm soát chặt người đến bệnh viện
BV Chợ Rẫy kiểm soát chặt người đến bệnh viện

BV Chợ Rẫy cũng thông tin, tối ngày 23/7, lớp học có tổ chức liên hoan và có sự tham dự của bệnh nhân 669, BS Trưởng đơn vị tuyến vú BV Chợ Rẫy và các học viên của lớp. Vì vậy, BV đã thực hiện xét nghiệm Covid-19 cho 2 nhân viên y tế là Giám đốc Trung tâm Ung bướu và Trưởng đơn vị Tuyến vú, cả 3 lần xét nghiệm đều cho kết quả âm tính. Hiện tại, BV đang tiếp tục thực hiện cách ly đối với Trưởng đơn vị tuyến vú là F1 của BN 669 cho đủ 14 ngày (kể từ ngày 23/7), Giám đốc Trung tâm Ung bướu đã kết thúc cách ly vì đã qua 14 ngày và có kết quả xét nghiệm âm tính (3 lần).

Cũng liên quan đến bác sĩ BV Đồng Nai, ngày 5/8, BS Diệp Bảo Tuấn – Phó giám đốc BV Ung Bướu TP cho biết có 5 bác sĩ và 1 kỹ thuật viên đang được cách ly tại nhà. Quãng thời gian lo lắng vì nghe tin BN 669 mắc COVID-19 đã tạm trôi qua vì Viện Pasteur TP xác định, khả năng các bác sĩ của thành phố bị lây nhiễm từ bác sĩ BV Đồng Nai là rất thấp.

Muốn thi sát hạch lái xe phải chờ tới năm 2021

Theo ghi nhận của PV báo Pháp Luật TP, tại các trung tâm, trường dạy lái xe trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh đều xảy ra tình trạng ùn ứ học viên. Học viên mới muốn đăng ký học để được sát hạch giấy phép lái xe (GPLX) đều phải chờ đến tháng 2, tháng 3 năm sau.

Một giáo viên dạy lái xe cho biết, dù lịch sát hạch lái xe đã quá tải và đẩy tới quý I/2021 nhưng danh sách học viên đăng ký học lái xe vẫn dày đặc. Giáo viên này cũng cho biết ngoài việc phải chờ đến năm sau thì học viên muốn đăng ký học để thi sát hạch GPLX hạng B2 phải đóng học phí với mức 13,8 triệu đồng (đối với học viên tự đến sân tập) và 14,5 triệu đồng (với học viên có nhu cầu đưa đón). Mức phí này đã bao gồm lệ phí thi.

Giáo viên Trường trung cấp giao thông Tiến Bộ (quận Tân Phú) đang hướng dẫn học viên học thực hành lái xe ô tô. Ảnh: LƯU ĐỨC
Giáo viên Trường trung cấp giao thông Tiến Bộ (quận Tân Phú) đang hướng dẫn học viên học thực hành lái xe ô tô. Ảnh: LƯU ĐỨC

Khảo sát tại một số trung tâm đào tạo lái xe như Trường dạy lái xe Thành Công, Trung tâm đào tạo lái xe quốc tế Á Châu và một số trung tâm khác, chúng tôi đều được tư vấn thời điểm thi sát hạch hạng B2 là vào tháng 3 và tháng 4/2021. Đối với hạng B1, thời gian thi là tháng 4 và tháng 5/2021.

Đại diện một trung tâm đào tạo, sát hạch tại TP cho biết có tình trạng ùn ứ là do thời điểm dịch Covid-19 trước đó đã ngưng sát hạch theo chỉ thị cách ly xã hội, do vậy số lượng hồ sơ của các học viên bị dồn lại. Ngay sau khi Sở GTVT cho phép sát hạch trở lại, ngoài số học viên cũ thì số lượng học viên mới của các trung tâm tăng đột biến khiến các trường phải đầu tư thêm xe, giáo viên để đào tạo cho học viên học đủ thời gian quy định.

Ngoài ra còn nguyên nhân khiến việc sát hạch bị ùn ứ là theo lộ trình quy định tại Thông tư 38/2019, các cơ sở đào tạo phải ứng dụng công nghệ để nhận dạng và theo dõi thời gian học lý thuyết môn học pháp luật giao thông đường bộ đối với học viên học lái ô tô (trừ hạng B1) từ ngày 1/5. Đến thời điểm nói trên, một số cơ sở không đáp ứng điều kiện và không được phép khai giảng các khóa đào tạo lái xe mới.

Ngoài ra, vấn đề sát hạch cấp GPLX còn liên quan đến nguồn lực trang thiết bị và đặc biệt là nguồn nhân sự của ngành giao thông vận tải phục vụ công tác sát hạch lái xe còn nhiều hạn chế, phải kiêm nhiệm.

Sát hạch lái xe theo quy định mới

Từ ngày 1/5, các cơ sở đào tạo ứng dụng công nghệ để nhận dạng và theo dõi thời gian học lý thuyết môn học pháp luật giao thông đường bộ đối với học viên học lái ô tô (trừ hạng B1), qua đó đảm bảo giám sát chặt chẽ thời gian học lý thuyết của học viên tại các cơ sở đào tạo.

Từ ngày 1/8, áp dụng bộ đề thi 600 câu hỏi vào kỳ thi sát hạch GPLX. Trong thời gian tới, các cơ sở đào tạo đưa vào trang bị cabin điện tử học lái ô tô và thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học lái xe trên đường của học viên sau sáu tháng kể từ ngày Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia có hiệu lực thi hành.

Từ ngày 1/1/2021, các cơ sở đào tạo đưa vào sử dụng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông để đào tạo lái ô tô.

157.650 lít dung dịch sát khuẩn miễn phí hỗ trợ phòng chống Covid-19

Tin từ Trung tâm Phát triển Khoa học và công Nghệ Trẻ (Thành Đoàn TPHCM), tính đến ngày 1/8, Chương trình Trí thức Khoa học Trẻ tình nguyện do Trung tâm Phát triển Khoa học và công Nghệ Trẻ thực hiện đã cung cấp 157.650 lít dung dịch sát khuẩn cho 4.357 lượt đơn vị góp phần chung tay phòng chống COVID-19 trên địa bàn TP và các tỉnh thành. Báo Lao Động cho hay.

Tại TP, số dung dịch sát khuẩn Anolyte đã có mặt kịp thời tại: Sư đoàn 317, Quân khu 7; Bộ Tư lệnh TP, Cảnh sát giao thông TP; Chi cục Hải quan cửa khẩu Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất; Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh và Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an TP,...

157.650 lít dung dịch sát khuẩn được trao tặng cho các đơn vị hỗ trợ phòng chống dịch bệnh. Ảnh: Anh Nhàn
157.650 lít dung dịch sát khuẩn được trao tặng cho các đơn vị hỗ trợ phòng chống dịch bệnh. Ảnh: Anh Nhàn

Bên cạnh đó, chương trình cũng đã hỗ trợ cho các tỉnh thành như: TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, Bình Định, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Tây Ninh, Long An, Bình Dương, Đồng Nai....

Theo Trung tâm Phát triển Khoa học và công Nghệ Trẻ, dung dịch sát khuẩn Anolyte được tạo ra bằng cách điện phân dung dịch nước muối bao gồm thành phần chính là HOCl và một số chất có khả năng oxi hóa mạnh. 

Dung dịch có khả năng diệt 99,99% các loại vi khuẩn theo kết quả kiểm nghiệm của Viện Pasteur TP; Kết quả kiểm nghiệm của Trung tâm Khoa học Công nghệ Dược Sài Gòn (SAPHARCEN) - Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh.

Vân Anh - Khang Minh - Huyền Mai

Tin cùng chuyên mục