Người dân Thành phố chung tay "giải cứu" nông sản cho nông dân
Tác động của dịch bệnh do virus Corona khiến các mặt hàng nông sản ở các tỉnh thành gặp khó khăn về tiêu thụ. Vì vậy, người dân TP. Hồ Chí Minh đã tham gia thu mua "giải cứu" nông sản cho nông dân các tỉnh lân cận. Đó là nội dung trên báo Tin Tức.
Những ngày này, các ngả đường ngoại thành TP. Hồ Chí Minh xuất hiện nhiều điểm bán dưa hấu, thanh long… với tấm bảng “giải cứu” nông sản cho nông dân. Theo các hộ dân bán dưa hấu, những quả dưa hấu chính mọng đến ngày chở đi bán nhưng không thể xuất qua Trung Quốc nên bị ùn ứ hàng chục ngàn tấn vì ảnh hưởng của virus Corona đã buộc người dân các tỉnh phải vận chuyển đến Thành phố để người tiêu dùng thành phố “giải cứu”.
Trong hai ngày 5 - 6/2, tại đường Lê Văn Việt (quận 9), có một chiếc xe tải chở hàng trăm kg dưa hấu từ tỉnh Gia Lai đậu trên vỉa hè để bày bán dưa hấu cho người qua đường. Giá bán chỉ bằng 1/3 so với giá ngày thường, giá bán sỉ khoảng 3.000 đồng/kg, giá bán lẻ 5.000 đồng/kg bao gồm chi phí vận chuyển và chuyên chở tận nhà.
Tương tự, tại chung cư Chương Dương, chung cư Tam Phú (quận Thủ Đức), hai ngày nay mọi người chứng kiến cảnh nhà nhà tay xách nách mang dưa hấu về từ một điểm “giải cứu” trong khu chung cư.
Cùng cảnh ngộ với đang cần “giải cứu” như dưa hấu, mặt hàng trái cây thanh long, sầu riêng… nghịch mùa ở các tỉnh miền Tây cũng đang cầu cứu đầu ra vì đang bị bị ùn ứ hàng chục tấn không xuất khẩu được qua Trung Quốc vì ảnh hưởng của dịch bệnh do virus Corona. Đang bày bán một xe tải thanh long ở đường Quang Trung, quận Gò Vấp, anh Nguyễn Khải Hoàn, quê ở tỉnh Long An cho biết, các nhà vườn miền tây bình thường rất vất vả, nếu trồng thanh long mùa này là nghịch mùa lại càng vất vả hơn do phải chăm sóc kỹ lưỡng mới cho trái đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Tuy nhiên vì dịch bệnh corona mà hàng trăm hecta thanh long của Long An bị ngưng trệ, quá lứa. Bán cho thương lái thì bị họ ép giá hơn, nghĩ tiếc công sức trồng trọt nên đành thuê xe tải chở hàng lên Thành phố bán dạo để mong đủ vốn.
Theo bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương, trước mắt để “giải cứu” các loại nông sản đang ùn ùn đổ về thành phố tiêu thụ, hiện nay Sở Công thương Thành phố đã giới thiệu cho các địa phương những hệ thống siêu thị hiện đại như: Sài Gòn Co.op, Big C, Mega Market… Đây là những hệ thống siêu thị có nhiều chi nhánh ở các tỉnh khắp cả nước.
Thành phố phòng dịch nCoV theo phương châm 5 tại chỗ
Liên quan đến công tác phòng chống dịch nCoV, Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố xác định công tác phòng chống dịch là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách hiện nay.
Các cấp ủy phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ngành, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội Thành phố khẩn trương, quyết liệt thực hiện các biện pháp do Chính phủ, các bộ ngành đề ra và thực tiễn của Thành phố; huy động toàn hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang, toàn dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch; quyết tâm phòng ngừa kiểm soát, không để hình thành dịch và lây lan, bảo đảm phát triển kinh tế, trật tự an toàn xã hội, ổn định đời sống nhân dân và tổ chức Đại hội Đảng các cấp thành công. Người đứng đầu cấp ủy sẽ trực tiếp chịu trách nhiệm về chỉ đạo công tác phòng chống dịch; chỉ đạo các cấp ngành xây dựng kế hoạch và triển khai phòng chống dịch, chữa trị người nhiễm bệnh theo phương châm 5 tại chỗ: chỉ huy tại chỗ; xác định nhiệm vụ, phương án phòng chống dịch tại chỗ; đảm bảo cơ sở cách ly, chữa trị, trang thiết bị, thuốc điều trị tại chỗ; đảm bảo nhân lực tại chỗ; kinh phí tại chỗ.
(Theo Sài Gòn Giải Phóng).
Nhiều chung cư chống dịch Corona
Trước diễn biến nghiêm trọng của bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra, hầu hết các chung cư trên địa bàn Thành phố đã có nhiều biện pháp chủ động phòng, chống bằng cách thông tin lẫn trang bị những vật dụng thiết yếu cho cư dân.
Tại chung cư Jamila Khang Điền (phường Phú Hữu, quận 9), ban quản lý (BQL) đã dán bảng khuyến cáo về dịch Corona ở khu vực cầu thang máy. Ở quầy lễ tân và nhà vệ sinh công cộng đã tiến hành trang bị nước rửa tay, cồn sát khuẩn phục vụ miễn phí cho cư dân và khách hàng. Khu vực sảnh thang máy chung cư luôn thực hiện việc lau chùi, diệt khuẩn thường xuyên. Tại các chốt bảo vệ ngay cổng ra vào các chung cư, nhân viên bảo vệ, kể cả nhân viên trên các xe tải giao nhận hàng đều đeo khẩu trang. Ghi nhận tại cổng này, nhân viên bảo vệ túc trực đo thân nhiệt cho cư dân và khách hàng ra vào chung cư. Còn khu vực vui chơi giải trí chung của trẻ em đã vắng vẻ trong những ngày gần đây vì nhiều cư dân e ngại đưa con cái đến đám đông.
Ngoài ra, tại chung cư The Art (quận 9) các bảng thông báo của chung cư đều khuyến cáo người dân có các biện pháp bảo vệ sức khỏe cụ thể: Tránh tiếp xúc với người bị sốt, ho, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, tránh chạm tay vào mắt, mũi, miệng; tránh đi lại, du lịch nếu đang có sốt, ho hoặc khó thở. Đến ngay cơ sở y tế khi có triệu chứng nghi ngờ, đồng thời chia sẻ lịch trình di chuyển của bạn với nhân viên;…
Để phòng tránh lây lan dịch do virus Corona, một số chung cư khác còn ra quy định chặt chẽ với cư dân, có nơi còn phạt tiền nếu chủ nhà cho người Trung Quốc (TQ) thuê căn hộ, có nơi thì trang bị nước rửa tay ngay tại thang máy cho cư dân.
Tại khu đô thị Vinhomes Golden River Sài Gòn (quận Bình Thạnh), BQL tòa nhà đưa ra thông báo không cho chủ sở hữu căn hộ cho khách TQ thuê. Việc rà soát, kiểm tra những căn hộ đang cho khách TQ thuê dài hạn cũng được BQL nơi đây thực hiện thường xuyên.
(Thông tin trên báo Pháp Luật TPHCM).
Xoay xở tìm nơi gửi con
Thành phố vừa cho phép kéo dài thời gian nghỉ học của học sinh, sinh viên, học viên các cơ sở giáo dục trên địa bàn đến hết ngày 16/2, nhằm phòng tránh bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona (nCoV) gây ra trong trường học. Thông tin này càng khiến phụ huynh có con nhỏ thêm… lo lắng.
Gần cả tuần nay, gia đình nhỏ của chị Thanh Hoa (ngụ chung cư Carina, quận Bình Tân) gần như đảo lộn. Lý do là con gái học lớp 1 của chị được trường cho nghỉ học do lo ngại dịch nCoV. “Vừa nghỉ Tết xong, cơ quan rất nhiều việc phải bắt tay làm ngay nhưng do con nghỉ học, 2 vợ chồng phải luân phiên xin nghỉ việc để ở nhà chăm con. Nghỉ một tuần thì chúng tôi có thể luân phiên xin nghỉ, giờ trường cho nghỉ thêm một tuần nữa thì không biết xoay sở thế nào” - chị Hoa lo lắng.
Vợ chồng anh Đào Huy Lân (35 tuổi, ngụ quận 2) đều làm ở công ty nước ngoài, giờ giấc rất nghiêm ngặt, muốn xin nghỉ phép phải báo trước một tuần. Khi nhận được thông báo 2 con được nghỉ học, vợ chồng anh mệt mỏi tìm kiếm nơi trông trẻ tạm thời. Anh Lân bộc bạch: “Đi hỏi nhiều nơi nhưng không nơi nào dám nhận giữ trẻ; những điểm tư thục cũng từ chối vì nếu bị phát hiện sẽ bị phạt nặng. Bất khả kháng, tôi đành mua vé máy bay đưa 2 con về với ông bà ở Nam Định nhờ trông hộ…”.
Lúc mới biết tin Thành phố cho toàn bộ học sinh được nghỉ học 1 tuần để tránh nCoV, đa số phụ huynh đều cảm thấy bớt lo lắng và yên tâm hơn cho sức khỏe của con em mình. Thế nhưng, việc nghỉ học kéo dài thêm một tuần nữa khiến nhiều gia đình bắt đầu khủng hoảng thật sự. Công việc cơ quan trễ nãi; nhờ hàng xóm chỉ được vài ngày, không thể cả nửa tháng; trẻ em ở nhà chỉ biết chơi game đến hết ngày…
Chị Lan Anh (28 tuổi, nhân viên một công ty truyền thông ở quận 1) có 2 đứa con trai sinh đôi năm nay 7 tuổi, rất hiếu động. Do chồng đi công tác xa, chị xin làm việc tại nhà để có thể trông con. Chị cho biết: “Cuộc sống gần như xáo trộn khi mình vừa phải nấu ăn, vừa chăn đám trẻ, vừa phải làm việc qua mail. Nhà cửa lộn xộn, con cái uýnh nhau inh ỏi, không gặp được đối tác để trao đổi công việc khiến sếp quát tháo, tôi thực sự stress nặng. Giờ thêm một tuần nghỉ học nữa, không biết tôi xoay xở thế nào?”.
Đối với công nhân, dù con nghỉ học nhưng cha mẹ vẫn phải đi làm, tăng ca liên tục. Chị Thu (công nhân giày khu chế xuất Linh Trung, quận Thủ Đức) cho biết, do có 3 đứa con đều còn nhỏ nên chị làm đơn nghỉ phép, ở nhà chăm con và các con của đồng nghiệp chung xóm trọ.
(Theo báo Tiền Phong).
WHO khuyến cáo phòng lây nhiễm nCoV ở các chợ
Theo thông tin trên báo Thanh Niên, những ngày qua, không ít người đi chợ, siêu thị mua sẵn thức ăn và các nhu yếu phẩm cần thiết nhiều hơn hằng ngày để hạn chế số lần đi chợ, siêu thị. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng khuyến cáo các biện pháp phòng lây nhiễm vi rút nCoV ở các chợ dân sinh, đối với người mua lẫn người bán.
Vừa qua, các nhà khoa học Trung Quốc đã công bố phát hiện a xít nucleic của vi rút nCoV trên tay nắm cửa. Qua đó, các chuyên gia cảnh báo các bề mặt chúng ta tiếp xúc có thể chứa mầm bệnh góp phần làm lây lan bệnh viêm phổi Vũ Hán.
Nhiều người dân lo ngại những nơi mua bán, các chợ dân sinh là nơi hoạt động giao tiếp nhiều, người mua, người bán tiếp xúc trực tiếp với nhiều vật dụng, trong đó đặc biệt là tiền - vật lưu hành qua tay nhiều người, nhiều nơi nhất.
Theo khuyến cáo của WHO, để phòng ngừa lây nhiễm nCoV, quan trọng nhất là cần giữ tay và đường hô hấp sạch sẽ. Đặc biệt là ở nơi đông người, tiếp xúc trực tiếp qua cầm nắm nhiều.
Thạc sĩ - bác sĩ Trần Thu Nguyệt, Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết, riêng tại chợ dân sinh, WHO khuyến cáo những người mua hàng có thể thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau để giữ sức khỏe: Rửa tay bằng xà phòng và nước sau khi chạm vào động vật và các sản phẩm từ động vật. Tránh sờ vào mắt, mũi, miệng. Tránh tiếp xúc với động vật bị bệnh và thịt hỏng. Tránh tiếp xúc với động vật thả rông, rác và dịch thải trong chợ.
Hơn 426 y- bác sĩ và điều dưỡng được tập huấn điều trị bệnh do nCoV
Báo Người Lao Động đưa tin: 426 bác sĩ và điều dưỡng vừa tham gia khoá tập huấn "Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh viêm phổi cấp do chủng virus corona mới (nCoV)" do Sở Y tế Thành phố tổ chức. Đây là các bác sĩ, điều dưỡng đang công tác khám, chữa bệnh và kiểm soát nhiễm khuẩn tại các bệnh viện trên địa bàn Thành phố.
TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM hướng dẫn viên chính cho khoá đào tạo chuyên đề này. Khóa học đã cập nhật kịp thời kiến thức về chẩn đoán, điều trị bệnh viêm phổi cấp do chủng virus nCoV theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế khi triển khai hoạt động sàng lọc, thu dung, cách ly điều trị tại đơn vị mình.
Theo GS-TS-BS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế, khoá tập huấn còn tiếp tục dành cho các đối tượng bác sĩ chăm sóc ban đầu tại các trạm y tế và phòng khám đa khoa (vào ngày 7/2); các bác sĩ chuyên khoa hồi sức của các bệnh viện trên địa bàn Thành phố, về phác đồ điều trị viêm hô hấp nặng nghi do nhiễm nCoV do Tổ chức Y tế thế giới ban hành (vào ngày 12/2).
Ngành giao thông Thành phố: Nộp hồ sơ trực tuyến để phòng chống dịch corona
Thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố về phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona, Sở GTVT đã triển khai kế hoạch cụ thể đến toàn ngành một cách nhanh chóng.
Cụ thể, Sở GTVT phối hợp với các cơ sở y tế, trung tâm y tế dự phòng tổ chức phun thuốc sát trùng khu vực tiếp công dân, nơi tập trung đông người, nhà ga, bến xe, cảng, bến thủy nội địa đưa rước hành khách, phương tiện… khi cần thiết và theo hướng dẫn chuyên môn của ngành y tế.
Đặc biệt là đối với lĩnh vực vận tải hành khách công cộng như taxi, xe buýt… các đơn vị cần tăng cường công tác tuyên truyền đến hành khách khi sử dụng dịch vụ, thường xuyên đảm bảo và giữ gìn vệ sinh phương tiện được sạch sẽ, lái xe phải vệ sinh phương tiện giao thông hàng ngày, bố trí dung dịch rửa tay và khẩu trang dự phòng trên phương tiện.
Tại các phòng tiếp công dân và bộ phận tiếp nhận, trả kết quả thủ tục hành chính tại Sở GTVT cần được trang bị khẩu trang y tế và nước rửa tay kháng khuẩn để phát miễn phí cho người dân và khách đến liên hệ công tác mà chưa trang bị các dụng cụ phòng chống dịch.
Tuy nhiên, để hạn chế tình trạng lây nhiễm virus corona ở mức thấp nhất, Sở GTVT khuyến khích các đơn vị hướng dẫn, vận động người dân, doanh nghiệp thực hiện nộp thủ tục hành chính trực tuyến qua hệ thống dịch vụ công tại http://sgtvt.hochiminhcity.gov.vn. Mục đích của động thái này nhằm thay cho việc nộp thủ tục hành chính trực tiếp, góp phần hạn chế tập trung đông người, loại bỏ nguy cơ lây nhiễm virus corona cho người dân cũng như đội ngũ nhân viên làm việc nơi đây.
(Theo báo Giáo Dục TPHCM).
Khó tuyển lao động sau Tết
Xu hướng thay đổi môi trường làm việc có thu nhập, phúc lợi ổn định của người lao động khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong khâu tuyển dụng sau Tết nguyên đán. Để phục vụ cho các kế hoạch sản xuất, kinh doanh trong năm 2020 và những năm tiếp theo, nhiều doanh nghiệp (DN) đã lên phương án tuyển dụng từ cuối năm 2019, đẩy mạnh tuyển dụng ngay sau Tết nguyên đán. Tuy nhiên, không phải DN nào cũng gặp thuận lợi.
Dù đăng tuyển hàng trăm công nhân (CN) từ trước nhưng đến nay, Công ty TNHH Saigon Precision (KCX Linh Trung 1, quận Thủ Đức) vẫn chưa có đủ số lao động cần tuyển.
Đây cũng là tình hình chung của nhiều doanh nghiệp, dù nhiều nơi không yêu cầu kinh nghiệm, chỉ cần tốt nghiệp cấp 2, lương khởi điểm 7-8 triệu/ tháng chưa tính phụ cấp…đi kèm gói bảo hiểm sức khỏe cho người thân nhưng vẫn không tuyển đủ số lượng người cần thiết.
Bà Trần Lê Thanh Trúc, Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động Thành phố (FALMI), cho biết trong bối cảnh thị trường lao động mở, hội nhập, cơ hội việc làm nhiều hơn, người lao động có nhiều chọn lựa để tìm kiếm việc làm phù hợp cũng như tìm kiếm những DN có chế độ phúc lợi tốt. FALMI đưa ra dự kiến nhu cầu nhân lực tại Thành phố trong tháng 2/2020 là khoảng 30.000 chỗ làm việc, tập trung chủ yếu ở các ngành như: dệt may - giày da, cơ khí - tự động hóa, chế biến thực phẩm, kinh doanh - thương mại, kinh doanh bất động sản, công nghệ thông tin, hành chính văn phòng, dịch vụ thông tin tư vấn - chăm sóc khách hàng, tài chính - kế toán... Cũng theo bà Trúc, chu kỳ của thị trường lao động thì thời điểm sau Tết là lúc các DN sẽ tập trung tuyển một số lượng lớn lao động để phát triển nhu cầu sản xuất, kinh doanh trong năm 2020. Do đó việc thiếu hụt lao động là cơ hội cho người lao động, nhất là sinh viên, học viên tốt nghiệp tham gia vào thị trường lao động, tìm được việc làm và người lao động có nhu cầu chuyển dịch tìm được việc làm phù hợp.
(Theo báo Người Lao Động).
Cảnh vắng lặng khác lạ ở các trung tâm thương mại TP. Hồ Chí Minh
Đó là đề tài phóng sự ảnh được đăng tải trên báo điện tử Zing.vn. Theo đó, trái với sự nhộn nhịp thường thấy, những ngày gần đây, hầu hết trung tâm thương mại lớn tại Thành phố đều rơi vào cảnh đìu hiu, vắng lặng. Landmark 81 được xem là một trong những trung tâm thương mại lớn nhất tại Thành phố thu hút hàng nghìn người dân đến mua sắm và giải trí mỗi ngày. Tuy nhiên, nhiều ngày gần đây, trung tâm này lại khá vắng vẻ.
Khu vực sảnh trung tâm của tòa nhà vốn tấp nập người qua lại nay chỉ còn lác đác vài khách hàng, khó nhận ra không khí mua sắm nhộn nhịp như thường ngày. Thậm chí, các dãy ghế ngồi nghỉ chân cũng còn rất nhiều chỗ trống. Đa số khách hàng tại đây đều bịt kín khẩu trang để phòng ngừa lây lan virus corona.
Hầu hết nhà hàng, quán cà phê trong trung tâm thương mại này cũng rơi vào tình trạng ế ẩm. Tương tự, các gian hàng thời trang như giày dép, túi xách... hầu như không có khách hàng. Đáng chú ý, kể cả khi ngồi trong nhà hàng, quán cà phê, nhiều thực khách vẫn đeo khẩu trang. Những cuộc chuyện trò rôm rả trước đây trở nên thưa thớt dần.
Tương tự, lúc hơn 20h, trung tâm thương mại Vincom Đồng Khởi (quận 1, TP.HCM) cũng chỉ lác đác vài khách tham quan, mua sắm.
Đây vốn là một trong những địa điểm vui chơi, mua sắm đông đúc nhất ở trung tâm TP.HCM, nhưng hiện nay các hệ thống thang cuốn, thang máy đều không còn tình trạng quá tải.