Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 07/5/2020

11:20 07/05/2020

Trung tâm Báo chí tổng hợp một số thông tin liên quan đến TP. Hồ Chí Minh đáng chú ý trên các báo ra ngày 06/5/2020:

Hình thành khu dịch vụ công nghệ cao 4.0 tại Nhà Bè

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, một trong những giải pháp để phát triển dịch vụ chất lượng cao tại huyện Nhà Bè là hình thành khu dịch vụ công nghệ cao 4.0. Bởi hiện nay dù dịch vụ chiếm tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu kinh tế nhưng chủ yếu là tự phát, chưa đồng bộ. Nội dung trên báo Sài Gòn Giải Phóng.

Ngày 6/5, Đảng bộ huyện Nhà Bè tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Nhà Bè lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025. 

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân dự Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Nhà Bè lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: Việt Dũng
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân dự Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Nhà Bè lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: Việt Dũng

Phát biểu chỉ đạo đại hội, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân ghi nhận và biểu dương thành tích của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Nhà Bè đạt được trong nhiệm kỳ qua. Những kết quả này sẽ góp phần tạo động lực mới, khí thế mới cho huyện bước vào nhiệm kỳ 2020-2025.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng trong cơ chế thị trường, vai trò lãnh đạo thể hiện ở định hướng phát triển dịch vụ công nghiệp; ở quy hoạch, chính sách phát triển công nghiệp, dịch vụ và hỗ trợ đào tạo nghề. Đồng chí cũng đề nghị huyện quan tâm hơn đến việc thống kê năng suất lao động - yếu tố “quan trọng nhất” và lưu ý hướng tới 4.0 trong phát triển dịch vụ.

Theo đồng chí, để trở thành quận với kinh tế công nghiệp - dịch vụ là chủ yếu thì phải quy hoạch lại sử dụng đất, quy hoạch lại hạ tầng. Khi quy hoạch được đồng bộ sẽ thu hút được dịch vụ công nghiệp theo đúng yêu cầu năng suất chất lượng cao. Vì vậy, huyện cần phát triển dịch vụ không chỉ phục vụ dân cư tại chỗ, mà còn dịch vụ 4.0 phục vụ nhu cầu của cả TP, cả nước, nước ngoài, tạo ra sản phẩm giá trị.

Dỡ bỏ giãn cách và giới hạn số khách tàu bay từ 0 giờ ngày 7/5

Theo báo Vietnamplus, Cục Hàng không Việt Nam vừa đưa ra thông báo về việc dỡ bỏ giới hạn về giãn cách ghế ngồi, giới hạn số khách chuyên chở 80% trên tàu bay sẽ được thực hiện từ 0 giờ ngày 7/5/2020.

Bên cạnh đó, cơ quan này cũng cho biết việc hạn chế số lượng chuyến bay trên các đường bay Hà Nội/TP. Hồ Chí Minh/Đà Nẵng cũng sẽ được dỡ bỏ theo thời hạn trên.

Hành khách trên chuyến bay của Vietnam Airlines thực hiện ngồi giãn cách ghế theo đúng quy định. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Hành khách trên chuyến bay của Vietnam Airlines thực hiện ngồi giãn cách ghế theo đúng quy định. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Trước đó, Cục Hàng không kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải cho phép dỡ bỏ toàn bộ quy định về giãn cách chỗ ngồi trên tàu bay (cho phép các hãng hàng không được vận chuyển hành khách theo cấu hình của tàu bay).

Bên cạnh đó, Cục Hàng không cũng đề nghị cho phép tăng tần suất trên các đường bay nội địa từ 0 giờ ngày 7/5/2020, đề xuất mỗi ngày sẽ có 52 chuyến bay (khứ hồi) đối với đường bay Hà Nội-TP. Hồ Chí Minh, 20 chuyến bay (khứ hồi) đối với đường bay Hà Nội-Đà Nẵng, 20 chuyến bay (khứ hồi) đối với đường bay TP. Hồ Chí Minh-Đà Nẵng.

Số chuyến bay của các đường bay khác được thay đổi theo nhu cầu của hãng hàng không.

6 quận có thể bị cúp nước trong 2 ngày

Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) cho biết do cô lập ngưng nước tuyến ống D1500mm trên các trục đường Nguyễn Bỉnh Khiêm - Lê Thánh Tôn - Trần Hưng Đạo, nên sẽ ảnh hưởng đến việc cung cấp nước tại một số khu vực trên địa bàn TP. Đồng thời, để hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng sinh hoạt của người dân, Sawaco đã có phương án điều tiết hỗ trợ từ mạng truyền tải, theo dõi chặt chẽ diễn biến trên mạng lưới để điều phối nguồn nước phù hợp tình hình thực tế.

Nhân viên nhà máy nước theo dõi chất lượng nước qua hệ thống quản lý - Ảnh: LÊ PHAN
Nhân viên nhà máy nước theo dõi chất lượng nước qua hệ thống quản lý - Ảnh: LÊ PHAN

Cụ thể, để khắc phục sự cố xì nước vị trí ngõ ra lấy nước tại giao lộ đường Pasteur - Lê Thánh Tôn, quận 1, Sawaco sẽ giảm áp lực bơm từ Nhà máy nước Thủ Đức và cô lập ngưng nước tuyến ống nêu trên. Thời gian thực hiện diễn ra từ 22h ngày 6/5 đến 5h ngày 7/5 và từ 22h ngày 7/5 đến 5h ngày 8/5 (dự phòng trong trường hợp công tác sửa chữa phải kéo dài).

Sẽ có 6 quận bị ảnh hưởng gồm quận 1 (phường Đa Kao, Bến Nghé, Bến Thành, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Thái Bình, Cầu Ông Lãnh, Cô Giang, Nguyễn Cư Trinh, Cầu Kho), quận 3 (Phường 2, 5, 6), quận 6 (Phường 1, 2, 3, 4, 5, 6), quận 8 ( phường 9, 10, 11, 12, 13) và toàn bộ quận 4, quận 5. 

Nới giãn cách, không nới nghị định 100

Theo ghi nhận của báo Tuổi Trẻ, tại TP. Hồ Chí Minh, những ngày sau cách ly xã hội, hàng quán bắt đầu mở cửa trở lại cũng là lúc nhiều người dân đổ ra các quán nhậu “xả hơi”. Việc nhậu xong lái xe có chiều hướng tăng lên.

Nhiều chủ quán nhậu chia sẻ, đầu năm khi bắt đầu áp dụng nghị định 100 thì doanh thu giảm mạnh, sau Tết lại tiếp tục giảm vì ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Nhưng khi hết cách ly xã hội, thì doanh thu tăng cao trở lại, đặc biệt lượng bia bán ra nhiều hơn lúc mới áp dụng nghị định 100.

Quán nhậu trên đường Phạm Văn Đồng, quận Bình Thạnh, TP.HCM tối 6-5 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Quán nhậu trên đường Phạm Văn Đồng, quận Bình Thạnh, TP.HCM tối 6-5 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tối 5/5, “con đường bia bọt” Phạm Văn Đồng (quận Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức) đông nghẹt người dù không phải là ngày cuối tuần. Điều đáng nói là khi ra về hầu hết đều trong trạng thái đã chếnh choáng men. Nhiều người vẫn tự lái xe máy, thậm chí lái ô tô về.

Trao đổi về việc nhiều người lơ là nghị định 100, ông Nguyễn Vũ Hạnh Phúc - Chánh Văn phòng Ban ATGT TP - cho biết trong những ngày lễ qua, tỉ lệ người vi phạm nồng độ cồn tại TP không cao như trước nhưng có tình trạng nhiều người có tâm lý chủ quan, nhậu “xả hơi” sau dịch bệnh rồi tự đi xe về.

Ban ATGT TP đã yêu cầu Phòng CSGT đường bộ - đường sắt không được lơ là việc tuần tra, kiểm soát. Đặc biệt tiếp tục lập chốt chặn có thể gần khu vực quán nhậu, yêu cầu người dân chấp hành, đã uống rượu bia không lái xe. 

Đối với việc các hàng quán không thực hiện cách ly chống dịch, chính quyền địa phương cũng cần khẩn trương rà soát, yêu cầu thực hiện nghiêm. "Chúng ta không vì tâm lý chủ quan mà lơ là quy định. Nghị định 100, công tác xử lý vi phạm nồng độ cồn phải tiếp tục thực hiện ráo riết", ông Phúc nói.

Công bố thông tin mới nhất đến trợ giá trong xe buýt

Báo Người Lao Động cho hay, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng - Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP vừa công bố thông tin 2 tuyến xe buýt số 13 (Bến xe buýt Sài Gòn - Bến xe Củ Chi) và số 94 (Bến xe buýt Chợ Lớn - Bến xe Củ Chi) sẽ chuyển từ buýt có trợ giá sang loại hình không trợ giá. Việc chuyển đổi của 2 tuyến xe nêu trên sẽ bắt đầu áp dụng từ ngày 15/5.

Tuyến xe buýt số 13 - cùng với tuyến số 94 sẽ chuyển sang hoạt động không trợ giá từ ngày 15/5
Tuyến xe buýt số 13 - cùng với tuyến số 94 sẽ chuyển sang hoạt động không trợ giá từ ngày 15/5

Hai tuyến xe buýt số 13 và 94 cùng có cự ly hơn 35 km, từ khu nội đô TP. Hồ Chí Minh về huyện Củ Chi. Theo loại hình có trợ giá, 2 tuyến nêu trên áp dụng vé lượt là 10.000/vé và vé tập là 135.000 đồng.

Liên quan đến hoạt động của xe buýt tại TP. Hồ Chí Minh sau nới lỏng giãn cách xã hội, Sở GTVT công bố khôi phục lại 69 tuyến xe buýt có trợ giá từ ngày 4-5 và vẫn ngưng 27 tuyến có trợ giá còn lại. Trong khi với loại hình không trợ giá, hiện có 5 tuyến đã được khôi phục hoạt động, gồm các tuyến số 5, 123, 124, D2 và D3.

Vào cuộc kiểm soát khí thải xe máy tại TP. Hồ Chí Minh

Ngoại trừ thời gian giãn cách xã hội do Covid-19, còn lại trong vài năm gần đây, TP. Hồ Chí Minh thường rơi vào tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Theo thông tin trên báo Tuổi Trẻ, lượng khí độc hại tăng cao ở các khu vực Cát Lái (quận 2), Huỳnh Tấn Phát - Nguyễn Văn Linh (quận 7), quận Gò Vấp, An Sương (quận 12)…

Trung tâm Giám sát tài nguyên và môi trường (TNMT) của Sở TNMT cho biết, nguyên nhân gây ô nhiễm không khí chủ yếu từ 3 nguồn, bao gồm hoạt động giao thông, hoạt động công nghiệp, hoạt động xây dựng. Trong đó, ô nhiễm từ giao thông là lớn nhất bởi TP hiện có khoảng 10 triệu phương tiện với hơn 8,5 triệu xe máy; rất nhiều xe máy không bảo dưỡng định kỳ là nguyên nhân làm tăng lượng khí phát thải ngày càng lớn.

Lượng xe máy dày đặc, nhiều xe cũ nát vẫn tham gia giao thông khiến tình trạng ô nhiễm càng nghiêm trọng ở TP.HCM (ảnh chụp ngày 3-5 ở khu vực Bến xe Miền Đông) - Ảnh: GA
Lượng xe máy dày đặc, nhiều xe cũ nát vẫn tham gia giao thông khiến tình trạng ô nhiễm càng nghiêm trọng ở TP.HCM (ảnh chụp ngày 3-5 ở khu vực Bến xe Miền Đông) - Ảnh: GA

Ông Bùi Hòa An - Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT), chia sẻ chương trình hợp tác "Nghiên cứu thí điểm kiểm tra khí thải xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành, hướng tới thí điểm kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành trên địa bàn thành phố, góp phần cải thiện chất lượng môi trường không khí" sẽ thực hiện trên toàn địa bàn TP, chính thức bắt đầu từ tháng 5/2020 đến tháng 9/2020. Đối tượng là tất cả các loại xe máy sử dụng từ 5 năm trở lên.

Các loại xe máy khi đến trung tâm bảo dưỡng, sửa chữa sẽ được đo các thông số về khí CO, HC ở chế độ không tải. Sau khi kiểm định, các xe không đạt được mức phát thải tiêu chuẩn, khách hàng nhận gói bảo dưỡng. Lãnh đạo Sở GTVT TP cho biết sẽ nghiên cứu những chính sách hỗ trợ sửa chữa đối với những người đưa xe tới trung tâm bảo dưỡng, sửa chữa đánh giá mức độ ô nhiễm.

Kế hoạch phát triển nhà ở 10 năm tới

Theo báo Pháp Luật TP, Sở Xây dựng TP.  vừa có tờ trình gửi UBND TP phê duyệt đề án “Tổ chức thực hiện chương trình phát triển nhà ở cho người dân TP.Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2030”. Sở cũng dự báo nhu cầu về nhà ở của TP giai đoạn 2020-2030 là 149,4 triệu m2 sàn.

Trước mắt, trong 05 năm tới (đến năm 2025), dự thảo đề ra nhiều giải pháp với từng nhóm sản phẩm. Với nhà ở thương mại cần giải quyết các vướng mắc cho nhà đầu tư trong việc cung cấp chỉ tiêu quy hoạch, phê duyệt hoặc thỏa thuận tổng mặt bằng quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500.

Nhu cầu về nhà ở tại TP.HCM không ngừng gia tăng. Ảnh: KIÊN CƯỜNG
Nhu cầu về nhà ở tại TP.HCM không ngừng gia tăng. Ảnh: KIÊN CƯỜNG

Đối với nhà ở xã hội cần thực hiện đa dạng hóa các phương thức đầu tư xây dựng, chủ yếu sử dụng vốn ngoài ngân sách... Nhà ở riêng lẻ do dân tự xây phải đơn giản thủ tục để người dân thuận lợi trong việc đầu tư xây dựng mới, cải thiện nhà ở theo nhu cầu và khả năng. Thành phố cần xây dựng cơ chế đặc thù khuyến khích thu hút đầu tư các dự án di dời nhà ở trên và ven kênh rạch, cải tạo, đầu tư xây dựng mới thay thế chung cư cũ.

Khu vực trung tâm hiện hữu (quận 1 và quận 3) ưu tiên các dự án cải tạo, xây dựng mới thay thế chung cư cũ trước năm 1975, hạn chế phát triển các dự án mới đầu tư xây dựng nhà ở cao tầng đến năm 2025 nếu chưa có kế hoạch hạ tầng phù hợp.

Khu vực 11 quận nội thành (các quận 4, 5, 6, 8, 10, 11, Tân Bình, Tân Phú, Phú Nhuận, Gò Vấp và Bình Thạnh) tập trung chỉnh trang, nâng cấp đô thị theo hướng hiện đại. Đối với các quận 4, 5, 6, 11, quận Phú Nhuận (những quận có dân số giảm trong 10 năm trở lại đây) hạn chế chấp thuận chủ trương thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà ở mới, chung cư cao tầng nếu chưa có kế hoạch phù hợp. Các quận 8, 10, Bình Thạnh, Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp đẩy mạnh kêu gọi đầu tư dự án nhà ở.

Khu vực 6 quận nội thành phát triển (2, 7, 9, 12, Thủ Đức và Bình Tân) ưu tiên phát triển các dự án đầu tư xây dựng nhà ở mới, chung cư cao tầng dọc các trục giao thông công cộng lớn như tuyến metro số 1.

Khu vực năm huyện ngoại thành (Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ) ưu tiên phát triển nhà theo dự án tại các thị trấn, khu dân cư nông thôn, khu du lịch ở kết hợp sinh thái nghỉ dưỡng, khu đô thị mới, khu đô thị vệ tinh.

Giải xe đạp tranh cúp truyền hình TPHCM khai mạc vào ngày 19/5

Báo Người Lao Động đưa tin, theo tin mới nhất từ BTC cuộc đua xe đạp tranh cúp truyền hình TP. Hồ Chí Minh lần thứ 32-2020 "Non sông liền một dải", giải sẽ khai mạc vào ngày 19/5 tại TP Vinh, đúng dịp kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Giải đua Cúp truyền hình là cơ hội để các tay đua trẻ giới thiệu mình với ban tuyển trạch của ĐTQG
Giải đua Cúp truyền hình là cơ hội để các tay đua trẻ giới thiệu mình với ban tuyển trạch của ĐTQG

Với tổng lộ trình 2.183 km, cuộc đua sẽ có 18 chặng với lộ trình xuất phát từ TP Vinh, qua cố đô Huế để đến với các tỉnh và TP duyên hải miền Trung, vượt đèo An Khê đến các tỉnh Tây Nguyên: Gia Lai - Đắk Lắk, đổ đèo Phượng Hoàng để về lại TP Nha Trang trước khi trở ngược lên TP Đà Lạt và dự kiến về đích cuối cùng tại TP. Hồ Chí Minh vào ngày 7/6, đúng dịp kỷ niệm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước. 

Trước đó, BTC mời các đội tham dự giải với lịch trình xuyên Việt từ ngày 5/4 đến ngày 30/4, xuất phát từ Hà Nội và kết thúc tại TP. Hồ Chí Minh nhưng do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 nên cuộc đua đã tạm hoãn. 

Vân Anh - Thanh Hà

Tin cùng chuyên mục