Khai mạc Hội nghị Thành ủy TP. Hồ Chí Minh lần thứ 42
Theo báo Sài Gòn Giải Phóng, hôm nay 7/7, Hội nghị lần thứ 42 Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh khóa X mở rộng chính thức khai mạc. Dự kiến, tại hội nghị lần này các đại biểu tập trung thảo luận và cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng.
Trong đó, hội nghị sẽ thảo luận về báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội, ngân sách giai đoạn 2015-2020 và phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2021-2025.
Các đại biểu cũng đánh giá kết quả 5 năm thực hiện 7 chương trình đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ X và thảo luận về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2020, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2020.
Trong công tác xây dựng Đảng, các đại biểu thảo luận, cho ý kiến về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Đồng thời xem xét báo cáo chuyên đề về quy trình giải quyết thông tin phản ánh liên quan các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, giai đoạn 2018-2020; báo cáo công tác đảng viên trong nhiệm kỳ 2015-2020…
Theo kế hoạch, hội nghị sẽ diễn ra trong hai ngày 7 và 8/7/2020.
Chủ động đảm bảo an ninh kinh tế trước tác động của cuộc cách mạng 4.0
Báo Vietnamplus đưa tin, chiều 6/7, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề "Khoa học tư duy hệ thống trong lãnh đạo, quản lý, chủ động bảo đảm an ninh kinh tế trong bối cảnh tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư ở Việt Nam hiện nay."
Tại hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư thúc đẩy kinh tế thế giới chuyển sang kinh tế tri thức-sản xuất thông minh, làm "mờ dần" tính chất giữa công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp.
Trong đó, một làn sóng công nghệ mới, công nghệ cao sẽ làm gia tăng tội phạm công nghệ cao có tầm ảnh hưởng xuyên quốc gia nên đòi hỏi sự hỗ trợ đắc lực cho hệ thống điều hành nhà nước đủ linh hoạt để quản lý, hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp và các thành phần trong xã hội.
Cùng quan điểm, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đông Phong, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang mở ra nhiều cơ hội cũng như đặt ra không ít thách thức đối với mỗi quốc gia, tác động đến nhiều phương diện của đời sống kinh tế, xã hội.
Dự báo cuộc cách mạng này sẽ tạo động lực thúc đẩy tốc độ và chất lượng tăng trưởng cho kinh tế Việt Nam nhưng cũng có những rủi ro trong vấn đề đảm bảo an ninh kinh tế. Trong bối cảnh này, để đạt được những mục tiêu tăng trưởng bền vững, hệ thống điều hành nhà nước cần chủ động phòng ngừa, ứng phó những vấn đề an ninh, an toàn cho nền kinh tế.
Các chuyên gia nhấn mạnh, việc tiếp cận thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa là nhu cầu cấp thiết. Đặc biệt, ở cấp quản lý và nhà hoạch định chính sách, ý thức về áp dụng CNTT, mức độ hội nhập quốc tế cao về KHCN, thương mại, đầu tư... để Việt Nam có đầy đủ điều kiện thuận lợi tiếp cận sản xuất thông minh.
"Việt Nam cần tiếp tục xây dựng, triển khai mạnh mẽ cơ chế, chính sách, giải pháp đột phá để sớm hình thành những mô hình sản xuất thông minh trong doanh nghiệp. Qua đó, nền kinh tế Việt Nam từng bước chuyển đổi sang nền kinh tế số, hội nhập kinh tế quốc tế hiệu quả," một số chuyên gia chia sẻ thêm.
TP. Hồ Chí Minh đề xuất không tăng học phí trong năm học 2020 - 2021
Báo Đại đoàn kết cho hay, Sở GDĐT TP vừa có báo cáo gửi UBND TP về đề xuất giữ nguyên học phí năm học 2020-2021 như các năm học trước ở tất cả các bậc học. Thời gian thực hiện từ tháng 9/2020, áp dụng 9 tháng/năm học.
Hiện tại mức thu học phí (đối với giáo dục mầm non và phổ thông) đang áp dụng theo Nghị định 86 của Chính phủ đối với các bậc học trên địa bàn TP là phù hợp với tình hình thực tế đời sống xã hội.
Cụ thể, học phí quy định theo 2 nhóm như sau: Nhóm 1 bao gồm 19 quận: 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Thủ Đức và Bình Tân. Mức học phí mỗi tháng của nhà trẻ là 200.000 đồng; mẫu giáo 160.000 đồng; tiểu học không thu; THCS và bổ túc THCS 60.000 đồng; THPT và bổ túc THPT 120.000 đồng.
Nhóm 2 gồm 5 huyện: Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè và Cần Giờ. Mức học phí mỗi tháng của nhà trẻ là 120.000 đồng; mẫu giáo 100.000 đồng; tiểu học không thu; THCS và bổ túc THCS đều 30.000 đồng; THPT và bổ túc THPT 100.000 đồng.
Tăng cường phát triển vận tải hành khách công cộng
Văn phòng UBND TP cho biết, Sở GTVT TP vừa trình UBND TP dự thảo “Đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP” (Đề án) giai đoạn từ năm 2021-2030. Thông tin từ báo Sài Gòn Giải Phóng.
Đề án nêu ra 17 nhóm giải pháp. Cụ thể, tập trung phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt, đến năm 2030 hình thành nên mạng lưới tuyến xe buýt hoạt động có hiệu quả. Phát triển nguồn lực đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ đưa vào khai thác tối thiểu 3 tuyến đường sắt đô thị số 1, 2, 5 và một tuyến xe buýt nhanh BRT.
Đầu tư và đưa vào khai thác tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành đồng bộ với tiến độ xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Nghiên cứu một số loại hình VTHKCC khối lượng lớn trong đô thị phù hợp với đặc thù hạ tầng giao thông và đặc điểm đi lại của người dân TP. Hồ Chí Minh như xe điện bánh hơi, tramway (tàu điện), đường sắt nhẹ LRT...
Bên cạnh đó, phát triển vận tải khách đường thủy nội địa và liên vùng kết hợp phát triển du lịch; Xây dựng và triển khai đề án quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi trong khu vực nội thành, kết hợp quy định về vị trí dừng, dừng đón trả khách; Phát triển hệ thống xe buýt nhỏ dưới 17 chỗ (minibus).
Đồng thời, quản lý phát triển, đầu tư theo hình thức xã hội hóa các phương tiện xe đạp công cộng, xe gắn máy điện công cộng, xe điện... phù hợp với hiện trạng giao thông để hỗ trợ kết nối các phương thức VTHKCC khác. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quản lý, khai thác, vận hành hệ thống VTHKCC bằng xe buýt. Hiện đại hóa công tác quản lý điều hành VTHKCC trên địa bàn TP.
Cũng theo Đề án, giai đoạn 2021-2025, mở rộng mạng lưới tuyến xe buýt, đảm bảo kết nối đến các khu đô thị mới, khu công nghiệp, đầu mối giao thông, các đô thị vệ tinh, các tuyến vận tải khách khối lượng lớn, các phương thức vận tải khác. Giai đoạn 2026-2030, ưu tiên phát triển, đầu tư các phương thức vận tải khối lượng lớn. Kinh phí thực hiện, dự kiến giai đoạn 2021-2030 là 393.792 tỷ đồng (bao gồm các dự án đang triển khai thực hiện hoặc đã có chủ trương đầu tư).
Theo Sở GTVT, sau khi HĐND TP thông qua chủ trương Đề án, trong quá trình triển khai UBND TP sẽ xác định kinh phí cụ thể từng giải pháp, xây dựng kế hoạch thực hiện và lập dự toán ngân sách, báo cáo HĐND TP xem xét.
Nhiều Hợp tác xã xe buýt kiến nghị về việc phân bổ tiền trợ giá
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động tối 6/7, ông Nguyễn Văn Lèo -Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải TP. Hồ Chí Minh cho biết các doanh nghiệp (DN) vận tải xe buýt đang gặp rất nhiều khó khăn. Hiện đơn vị cùng 11 hợp tác xã vận tải xe buýt khác tại TP đang kiến nghị về việc phân bổ tiền trợ giá xe buýt chưa đầy đủ, kéo dài trong nhiều tháng qua.
Theo ông Lèo, đến nay, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng - Sở Giao thông Vận tải TP, vẫn chưa ký hợp đồng đặt hàng với các DN để phân bổ tiền trợ giá năm 2020. Khoản chi phí trợ giá phân bổ về cho các DN những tháng qua chỉ nhỏ giọt ở mức khoảng 50% của đơn giá năm 2019. Số tiền này không đủ để các xã viên trả lãi ngân hàng tiền mua xe mới, trả lương nhân viên và nhiên liệu.
"Nếu các cơ quan chức năng không giải quyết sớm thì đến ngày 15/8, các hợp tác xã vận tải xe buýt sẽ không còn tiền trả lương, đổ dầu dẫn đến phải ngưng hoạt động" - ông Lèo nói.
Trong khi đó, mới đây, Sở GTVT TP cũng có văn bản gửi Sở Tài chính đề xuất bổ sung dự toán chi ngân sách trợ giá xe buýt năm 2020 tăng thêm 161 tỉ đồng, nâng lên tổng dự toán vào khoảng 1.311 tỉ đồng. Lãnh đạo Sở GTVT khẳng định việc đề xuất xin thêm 161 tỉ đồng đã được cân nhắc rất kỹ, gồm cả việc tránh trùng lắp các tuyến, chuyến xe, gây lãng phí.
Hiện ngành giao thông vận tải TP đang xây dựng đề án tính trợ giá xe buýt tiết kiệm và đúng quy định, đồng thời nâng cao hiệu quả của công tác quản lý cũng như từ đơn vị khai thác tuyến. Đáng chú ý, sở GTVT cho biết nếu dự toán mới không được phê duyệt thì có thể xe buýt sẽ phải ngừng hoạt động hoặc giảm số tuyến do lượng hành khách ngày càng có xu hướng giảm mạnh, đặc biệt sau giai đoạn ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Nhiều doanh nghiệp dệt may cắt giảm lao động
Theo Hội Dệt may – Thêu đan TP. Hồ Chí Minh, trong 6 tháng đầu năm 2020, ngành dệt may TP chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19, thị trường đầu ra gặp khó khăn. Sau khi nguồn cung bị gián đoạn từ Trung Quốc, các đơn vị trong ngành tiếp tục gặp khó tại thị trường Hàn Quốc, châu Âu và Mỹ do ảnh hưởng bởi các biện pháp phong tỏa kinh tế.
Do nhu cầu sụt giảm cùng tình trạng đóng cửa của các thị trường lớn, làm cho số lượng đơn hàng xuất khẩu giảm khoảng 25% trong tháng 4 và hơn 30% trong tháng 5. Kéo theo toàn ngành sụt giảm tăng trưởng hơn 10%, trong đó ngành may trang phục giảm 16,6%. Thông tin trên báo Người lao động.
Có khoảng 20% doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động do ảnh hưởng của dịch bệnh. Hiện nay một số doanh nghiệp có dấu hiệu cắt giảm lao động và cơ cấu lại hoạt động sản xuất, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa có đơn hàng, chủ yếu sản xuất các đơn hàng và tiêu thị sản phẩm cũ.
Để khắc phục tình trạng trên, thời gian qua, ngành đệt may chuyển khó khăn thành cơ hội, tập trung sản xuất nhanh các đơn hàng thị trường đang cần như đồ bảo hộ phòng dịch, khẩu trang…
Khởi động mùa hè với chuỗi hoạt động thể thao học đường
Trong tháng 7/2020, Giải Bóng Rổ Festival Trường học TP. Hồ Chí Minh – Cúp Nestlé Milo 2020 và Vòng Chung Kết Festival Bóng đá học đường TP. Hồ Chí Minh năm học 2019-2020 lần lượt khai mạc vào ngày 5/7 và 9/7. Các giải thể thao học đường hứa hẹn mang đến khởi đầu một mùa hè thật năng động cho các em học sinh trên địa bàn TP, tạo sân chơi bổ ích giúp các em duy trì thói quen vận động và tập luyện thể thao trong thời gian nghỉ hè. Nội dung đăng tải trên báo Lao Động.
Lễ khai mạc Giải Bóng Rổ Festival Trường Học TP. Hồ Chí Minh – Cúp Nestlé Milo 2020, do Liên đoàn Bóng rổ TP và Nestlé Milo tổ chức, chào đón sự tranh tài của 136 đội từ các trường cấp 1-2-3 trên địa bàn TP. Giải đấu diễn ra từ ngày 5 – 25/7.
Vào ngày 9/7, Vòng Chung kết Festival Bóng đá học đường TP. Hồ Chí Minh năm học 2019 – 2020 sẽ khai mạc tại sân vận động bóng đá Phú Nhuận (Quận Phú Nhuận). Diễn ra từ ngày 6 – 11/7, vòng chung kết đón nhận sự tham gia của 180 đội bóng nhí xuất sắc nhất của 120 trường lọt vào vòng chung kết từ các trường tiểu học trong TP. Giải đấu năm nay ghi nhận số lượng học sinh tham gia cao hơn năm trước: 14.785 học sinh (trong đó có 13.135 nam và 1.650 nữ).
Ông Đoàn Minh Xương, Trưởng phòng Bóng đá Học đường Liên đoàn Bóng đá TP. Hồ Chí Minh, đại diện Ban tổ chức, chia sẻ: “Tuy có sự gián đoạn trong việc tổ chức giải trong năm học vừa qua, nhưng chúng tôi vẫn nhận được sự tham gia nhiệt tình và đông đảo của các em học sinh và nhà trường trong mùa giải năm nay. Điều này chứng tỏ, Festival Bóng đá học đường đã trở thành sân chơi bóng đá lành mạnh, được nhà trường, phụ huynh và các em học sinh yêu thích, tin tưởng và mong đợi hằng năm. Hy vọng giải đấu tiếp tục nuôi dưỡng và “tiếp lửa” niềm đam mê môn bóng đá trong học sinh, hướng các em đến lối sống năng động và khỏe mạnh.”.