Đẩy mạnh đấu tranh với các loại tội phạm
Ngày 7/1, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong dự hội nghị Đảng ủy Bộ đội biên phòng TP phiên cuối năm.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đề nghị năm 2020, Bộ đội biên phòng TP tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh với các loại tội phạm, đặc biệt lưu ý tới tội phạm khai thác cát trái phép.
Đồng chí cho biết, thành phố sẵn sàng tạo điều kiện tốt nhất cho Bộ đội biên phòng TP làm tốt nhiệm vụ này; tiếp tục hoàn chỉnh, thực hiện tốt các quy chế phối hợp; tập trung giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ chiến sĩ, xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh gắn với xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện; chuẩn bị tốt cho việc tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp bộ đội biên phòng.
Được biết, năm 2019, công tác phòng chống tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, nhất là công tác phòng chống khai thác cát trái phép đạt kết quả tích cực.
Bộ đội biên phòng TP đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 212 vụ (cát tặc, buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển vũ khí quân dụng trái phép, ma túy…) với 328 đương sự và 224 phương tiện; ra quyết định khởi tố 3 vụ/3 đối tượng, xử phạt vi phạm hành chính 160 vụ/280 đương sự với tổng số tiền trên 2,8 tỷ đồng.
(Theo báo Sài Gòn Giải Phóng).
Phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 đạt từ 90% trở lên
UBND TP. Hồ Chí Minh vừa ban hành Chỉ thị 11/CT-UBND về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020.
Theo đó, UBND TP yêu cầu thủ trưởng các sở - ban - ngành, Chủ tịch UBND quận, huyện, các doanh nghiệp thuộc TP, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị được giao làm chủ đầu tư các dự án thực hiện đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.
Cụ thể, các cơ quan, đơn vị chủ đầu tư quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và các Nghị định có liên quan. Đồng thời, lập danh mục dự án trọng điểm; phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho từng dự án. Kết quả giải ngân của từng dự án được phân công theo dõi là một trong những căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2020.
Ngoài ra, rà soát tình hình thực hiện từng dự án, từ đó phân nhóm các dự án gặp vướng mắc về thủ tục đầu tư, xây dựng, đấu thầu, nhóm các dự án vướng mắc về thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng, nhóm các dự án gặp vướng mắc về kế hoạch vốn và thủ tục giải ngân để kịp thời giải quyết và tháo gỡ.
Mặt khác, thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện các dự án và báo cáo UBND TP có biện pháp xử lý đối với các nhà thầu không đáp ứng được yêu cầu, vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết, kiên quyết loại ra các nhà thầu không có năng lực đã vi phạm theo quy định của pháp luật.
(Theo Thanhuytphcm.vn)
Lắp đặt 13 trạm đo lường chất lượng không khí
Ngày 7/1, Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị này cùng một số tổ chức đã và đang thực hiện dự án lắp đặt trạm đo lường chất lượng không khí tại một số điểm ở Thành phố.
Theo đó, Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành phố tài trợ 10 trạm, dự án “Không khí sạch” của UNICEF tài trợ 3 trạm, đơn vị thực hiện dự án là Đại học RMIT Việt Nam. Những trạm này được lắp đặt tại các trường học, trung tâm bảo trợ xã hội… thuộc các quận huyện trên địa bàn Thành phố. Thông tin về mức độ ô nhiễm xung quanh khu vực lắp đặt sẽ được báo hàng ngày đến phụ huynh, học sinh và nhà trường, từ đó nâng cao nhận thức, hành động trong việc bảo vệ môi trường cũng như giúp người dân có thêm thông tin về môi trường.
(Theo báo Tiền Phong).
Kiểm tra cao điểm đảm bảo an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, qua kiểm tra, công tác kiểm soát thực phẩm về Chợ đầu mối Thủ Đức hàng đêm đã được thực hiện tốt. Tuy nhiên bà Lan cho rằng, Ban Quản lý chợ cần làm tốt hơn công tác kiểm soát vấn đề nguồn gốc, xuất xứ của các loại rau, củ quả nhập khẩu.
“Không thể để tình trạng trái cây có xuất xứ từ Trung Quốc mà tiểu thương lại để bảng giới thiệu là trái cây Việt Nam hay trái cây Mỹ. Đó là gian lận thương mại, lừa dối người tiêu dùng”, bà Lan yêu cầu. Ngoài ra, chợ tự phát ăn theo chợ đầu mối cũng cần được dẹp bỏ bởi nguy cơ mất an toàn thực phẩm rất cao do không thể kiểm soát.
Để tránh gian lận thương mại, Ban Quản lý chợ yêu cầu tiểu thương có sổ ghi chép và ghi rõ trên bảng hiệu để người mua hàng nắm được nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa.
Tuy nhiên, hiện nay vấn đề “đau đầu” nhất vẫn là tình trạng chợ tự phát "ăn theo" xung quanh chợ đầu mối. Dù đã nhiều lần phối hợp với chính quyền địa phương xử lý nhưng do chợ nằm giữa địa bàn giáp ranh của Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương nên vẫn chưa xử lý được triệt để. Ngoài ra, tình trạng sử dụng chất cấm, quá nồng độ trong quá trình sơ chế, chế biến thực phẩm xung quanh chợ vẫn còn diễn biến phức tạp.
Bà Phạm Khánh Phong Lan cũng cho biết thêm, riêng với các chợ đầu mối, Ban Quản lý an toàn thực phẩm đều có một đội quản lý an toàn thực phẩm túc trực thường xuyên hàng đêm nhằm hỗ trợ các chợ kiểm soát vấn đề an toàn thực phẩm.
Các đội quản lý an toàn thực phẩm này thường xuyên lấy mẫu kiểm nghiệm, kiểm tra nguồn gốc xuất xứ của thực phẩm và tịch thu, tiêu hủy ngay khi thực phẩm không đạt yêu cầu hoặc không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
(Theo VietnamPlus)
Bức tranh thị trường và bài toán kinh tế khi đầu tư vào đô thị sinh thái
Nếu như trước đây, giới đầu tư ưa chuộng các loại hình bất động sản tại trung tâm Thành phố nhờ tỷ suất sinh lời cao, thì nay, nhiều nhà đầu tư đã dịch chuyển về các thị trường liền kề thành phố. Đặc biệt các dự án đô thị sinh thái thông minh có vị trí đắc địa, được quy hoạch một cách bài bản tiện ích hoàn chỉnh hiện đại được ưa chuộng.
Báo cáo nghiên cứu của CBRE, trong năm 2020, sẽ có 4 xu hướng dẫn dắt thị trường, trong đó các đô thị vùng ngoại vi thành phố sẽ là nơi tạo nguồn cung chính. Thị trường nhà đất tại các vùng giáp ranh với Thành phố như Đồng Nai, Bình Dương sẽ tiếp tục diễn biến khá sôi động, nhất là khi chiến lược thu hút đầu tư và phát triển hàng loạt khu đô thị vệ tinh của Thành phố được triển khai trong thời gian tới.
Một trong những lý do khiến các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội ở thị trường ven đô, theo đại diện CBRE, là ách tắc thủ tục hành chính khiến cho nhiều dự án ở Thành phố không thể triển khai suốt hơn 2 năm qua. Bên cạnh đó, cơ hội từ các thị trường tiềm năng ở một số địa phương giáp ranh cũng hấp dẫn không kém. Nhất là khi các địa phương này đang xây dựng nhiều chính sách thu hút đầu tư, phối hợp cùng Thành phố phát triển mạng lưới giao thông liên kết vùng như các tuyến cao tốc, kéo dài tuyến metro số 1, xây mới tuyến đường sắt phục vụ dân sinh…
(Theo báo Thanh Niên).
Bị chủ xe nợ lương 2 tháng, nhiều tài xế xe buýt bỏ việc
Thông tin từ VTCnews, một số tài xế tuyến 19 (Bến Thành – Đại học Quốc gia TP.HCM) cho biết, gần 2 tháng qua, họ vẫn chưa được chủ xe trả tiền lương theo quy định nên họ ngừng làm việc .
Đại diện Hợp tác xã 19/5 - đơn vị quản lý tuyến xe buýt số 19 - thừa nhận, nguyên nhân một số tài xế, tiếp viên xe buýt tuyến 19 ngưng làm việc là do chủ xe chậm trả lương gần 2 tháng qua. Trước tình hình trên, hợp tác xã đã điều xe buýt tuyến 150, 33 sang hỗ trợ tuyến 19 nhằm đảm bảo việc đi lại của người dân.
Trả lời báo chí, lãnh đạo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM cho biết, đơn vị đã nắm thông tin về sự việc và sẽ phối hợp với Hợp tác xã 19/5 để giải quyết, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Bắt nhóm đối tượng cho vay nặng lãi
Theo thông tin trên báo Thanh Niên, qua công tác quản lý địa bàn, Đội CSĐT tội phạm về TTXH Công an quận 3 phát hiện quán phở gà Hàng Lược (182 Nguyễn Thiện Thuật, phường 3, quận 3) có dấu hiệu núp bóng hoạt động cho vay nặng lãi nên xác minh, điều tra. Trong 4 người đang trú ngụ tại quán phở là Đào Tuấn Huy (34 tuổi, quê quận Hoàng Mai, Hà Nội), Nguyễn Ngọc Giao (38 tuổi, quê Phú Thọ), Phạm Thế Anh (21 tuổi, quê Hà Nội) và Lê Hồng Việt (25 tuổi, Hà Nội), 3 người có tiền án, tiền sự về ma túy, cướp tài sản, tàng trữ vũ khí trái phép.
Ngày 2/1/2020, phát hiện ông N.H.H (43 tuổi, ngụ đường Dương Bá Trạc, phường 1, quận 8) đến để đóng tiền góp cho nhóm Huy, các trinh sát mời về làm việc. Ông H. cho biết ngày 14/11/2019 có vay của Huy 20 triệu đồng nhưng ghi giấy nợ 24 triệu đồng và trả góp trong 60 ngày, mỗi ngày 400.000 đồng (tiền gốc lẫn lãi suất). Tuy nhiên, Huy chỉ đưa cho ông H. 19 triệu đồng và nói phải trừ thêm 1 triệu đồng “tiền phí”. Hiện tại, ông H. đã góp được 50 ngày.
Từ lời khai của ông H., công an khám xét khẩn cấp địa chỉ tạm trú của nhóm Huy. Thời điểm này, tại quán chỉ có Huy và Giao, công an thu giữ nhiều hợp đồng, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, danh thiếp... liên quan đến hoạt động cho vay, đòi nợ. Đặc biệt còn có 1 thùng sơn đỏ loại 5 lít mà các nhóm đòi nợ thường dùng để tạt sơn “khủng bố” con nợ.
Đáng lưu ý, Huy và Giao khai số tiền cho vay nặng lãi do Hoàng Anh (46 tuổi, quê Hà Nội, ngụ tại một chung cư ở Q.11, TP.Hồ Chí Minh) cung cấp và “ông trùm” này chỉ đạo từ xa. Tiền thu từ con nợ, Huy và Giao sẽ chuyển khoản cho Hoàng Anh. Theo xác minh bước đầu, Hoàng Anh có 6 tiền án, tiền sự, khi hay tin nhóm Huy bị bắt, nghi phạm này đã trốn khỏi nơi trú ngụ.
Chiều 7/1, Cơ quan CSĐT Công an Q.3 đã quyết định tạm giữ hình sự Đào Tuấn Huy và Nguyễn Ngọc Giao để điều tra hành vi cho vay nặng lãi. Cơ quan công an cũng đang truy bắt Phạm Thế Anh, Lê Hồng Việt, Hoàng Anh để điều tra, mở rộng vụ án.
Cấm xe nhiều đường để tổ chức Lễ hội đường hoa
Thông tin trên báo Tuổi Trẻ: Sở Giao thông vận tải Thành phố vừa có thông báo điều chỉnh tổ chức giao thông đường Nguyễn Huệ, Mạc Thị Bưởi, Ngô Đức Kế (quận 1) nhằm phục vụ Lễ hội đường hoa, Lễ hội đường sách Tết Canh Tý sắp tới. Hai Lễ hội này sẽ diễn ra trên địa bàn quận 1 từ ngày 8 đến 29/1/2020 (tức 14 tháng Chạp đến mùng 5 Tết).
Trong quá trình thi công và tổ chức các hoạt động trên, tổ chức giao thông tại khu vực trung tâm Thành phố sẽ có nhiều thay đổi. Cụ thể, để phục vụ thi công Đường sách, từ 7h ngày 12/1/2020 (18 tháng Chạp) đến ngày 21/1/2020 (27 tháng Chạp), cấm các loại xe lưu thông trên đường Nguyễn Huệ theo hướng từ đường Tôn Đức Thắng đến đường Nguyễn Thiệp.
Đồng thời cấm các loại xe lưu thông trên đường Ngô Đức Kế và đường Mạc Thị Bưởi (đoạn từ đường Đồng Khởi đến đường Nguyễn Huệ). Người dân trong khu vực lưu thông theo hướng dẫn của lực lượng điều tiết.