Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 08/6/2020

13:52 08/06/2020

Trung tâm Báo chí tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TP. Hồ Chí Minh trên các báo ra ngày 08/6/2020:

Nâng cao ý thức vì thành phố sạch, xanh

Cũng trên báo Sài Gòn Giải Phóng, Thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 19/10/2018 của Thành ủy TP. Hồ Chí Minh về thực hiện cuộc vận động “Người dân thành phố không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”, nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động người dân không thải bỏ rác ra đường, kênh rạch đã được các doanh nghiệp triển khai và bước đầu đạt những kết quả tích cực. 

Đại diện Khu công nghiệp (KCN) Vĩnh Lộc cho biết, để đảm bảo các tuyến đường trong khu và khu vực lân cận luôn xanh, sạch đẹp, công nhân các nhà máy sản xuất đã được tuyên truyền và hướng dẫn thực hiện phân loại rác tại nguồn. 

Thu gom rác trên kênh rạch tại TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Thu gom rác trên kênh rạch tại TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Thực tế cho thấy, để có thể duy trì chất lượng môi trường xanh, sạch, các DN không những làm gương trong công tác thu gom, chuyển giao và xử lý chất thải mà còn phải tổ chức nhiều hoạt động phong trào để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân cùng thực hiện.

Đại diện Công ty TNHH MTV Quản lý Khai thác Dịch vụ Thuỷ lợi cho biết, tổng chiều dài kênh mương các loại mà đơn vị quản lý lên đến 1.123km, đi qua nhiều khu dân cư đông đúc, chợ dân sinh, khu công nghiệp, nhà máy sản xuất. Do đặc điểm của công trình thủy lợi trải dài trên diện rộng nên việc kiểm tra, phát hiện các trường hợp xả chất thải, nhất là vào giờ nghỉ, ngày nghỉ, ban đêm thường gặp nhiều khó khăn. 

Từ thực trạng trên, thực hiện Chỉ thị 19, Công ty TNHH MTV Quản lý Khai thác Dịch vụ Thuỷ lợi đã phối hợp đơn vị liên quan thực hiện vận động 6.000 hộ dân ký cam kết không xả rác thải, nước thải vào công trình thủy lợi; riêng với các hộ chăn nuôi cam kết xây dựng hầm biogas, không vứt xác động vật, xả trực tiếp chất thải từ quá trình chăn nuôi xuống kênh rạch. 

Dư luận xã hội đánh giá Chỉ thị 19 được Thành ủy TP. Hồ Chí Minh ban hành là kịp thời và rất cần thiết, giúp cải thiện bộ mặt môi trường thành phố ngày càng xanh hơn, sạch hơn. Tuy nhiên, đi cùng với tuyên truyền, cần tăng cường thêm các chế tài xử lý mạnh hơn đối với hành vi vi phạm môi trường. 

Ở góc độ khác, ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP, cho biết, trung bình mỗi ngày trên địa bàn thành phố tiếp nhận khoảng 12.000 tấn rác thải sinh hoạt. Tốc độ gia tăng lượng rác thải hàng năm rất lớn (10%). Chưa kể, mỗi ngày phát sinh thêm gần 4.000 tấn rác thải các loại (công nghiệp, nguy hại, y tế, xây dựng…). Do đó, việc tham gia, chung sức từ cộng đồng để bảo vệ môi trường rất quan trọng.

Căng sức chạy đua vào lớp 10

Theo báo Pháp Luật TP, Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 sẽ diễn ra ngày 16 và 17/7. Năm học này có hơn 96.000 học sinh (HS) lớp 9 tốt nghiệp THCS, trong khi đó tổng chỉ tiêu vào lớp 10 công lập hơn 66.000 HS. Vì vậy, cuộc đua càng trở nên căng thẳng.

“Lịch học của em dày đặc từ sáng đến chiều. Hầu như ngày nào em cũng phải đi học” - Nguyễn Cao Nhật An, HS lớp 9/1, Trường THCS Lữ Gia, quận 11, nói về kế hoạch ôn thi tuyển sinh 10.

Học sinh lớp 9 Trường THCS Lữ Gia, quận 11 trong một tiết học. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Học sinh lớp 9 Trường THCS Lữ Gia, quận 11 trong một tiết học. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Thầy Nguyễn Kim Hùng, GV Trường THCS Lữ Gia, quận 11, chia sẻ năm học này quá cập rập. Do dịch Covid-19, HS nghỉ học quá nhiều. Mặc dù trong thời gian đó trường có triển khai dạy online nhưng chưa đạt hiệu quả cao. Chương trình đã được Bộ GD&ĐT giảm tải để phù hợp nhưng đi học lại GV vẫn phải dành thời gian để hệ thống hóa lại kiến thức. Sau đó, GV vừa dạy theo chương trình, vừa dành thời gian để ôn luyện cho các em.

Trong khi đó, tại Trường THCS An Lạc, quận Bình Tân, ngay khi HS trở lại trường, nhà trường đã quyết định tăng tiết đối với HS khối 9. Bà Huỳnh Thái Giang, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết với tình hình thời gian eo hẹp, nhà trường đã cắt bỏ các hoạt động câu lạc bộ đối với HS khối 9 vào ngày thứ 7. Thay vào đó, các em sẽ học tăng cường thêm năm tiết, trong đó toán hai tiết, văn hai tiết, tiếng Anh một tiết.

Tại Trường THCS Nguyễn Du, quận 1, nhà trường đã quyết định tăng tiết đối với ba môn thi bắt buộc của HS lớp 9 khi các em đi học trở lại. Hiện HS lớp 9 đã thi học kỳ 2, trường sẽ dành một tuần để các em hoàn thành điểm các môn. Đến giữa tháng 6, các em sẽ đổi thời khóa biểu, chuyển qua học tập trung vào ba môn thi. Mỗi lớp sẽ có chuyên đề và giáo án riêng. Đối với lớp khá, giỏi sẽ tăng cường bồi dưỡng đề nâng cao, còn lớp yếu tập trung hoàn thiện kiến thức, kỹ năng.

Thời dịch COVID-19 khó khăn, sao lại đi tăng học phí?

Nhiều ý kiến đặt vấn đề về chuyện hàng loạt trường Đại học tăng học phí ở thời điểm dịch Covid-19 còn gây nhiều khó khăn trong cuộc sống thì có phù hợp và mức tăng có tương xứng với chất lượng đào tạo của các trường.

Trong số các trường công bố mức học phí mới áp dụng cho khóa tuyển sinh 2020, Trường ĐH Y dược TP.Hồ Chí Minh khiến nhiều người bất ngờ với học phí "khủng". Trong đó có ngành tăng gấp 5 lần so với mức thu hiện tại, từ 13 triệu đồng lên 30-70 triệu đồng/năm tùy ngành.

Sinh viên Trường ĐH Y dược TP.HCM trong giờ học - Ảnh: NHƯ HÙNG
Sinh viên Trường ĐH Y dược TP.HCM trong giờ học - Ảnh: NHƯ HÙNG

Bạn Phạm Thị Hồng (Thừa Thiên Huế) năm nay tính xét tuyển vào ngành y Trường ĐH Y dược TP.Hồ Chí Minh. Nhưng nay bạn phải thay đổi ý định. "Nhiều người nói trường tăng học phí như vậy là hợp lý, còn tôi nghe xong tin này muốn khóc. 70 triệu đồng là trên mức thu nhập của cả gia đình tôi. " - Hồng tâm sự.

Trong khi đó, ông Trần Minh Khang (phụ huynh ở Q.Thủ Đức) chia sẻ: "Con gái tôi cho biết cháu và nhiều bạn cùng lớp dự tính thi vô ngành y khoa. Các cháu "sốc" khi Trường ĐH Y dược TP.Hồ Chí Minh công bố học phí 68 triệu đồng/năm. Tuy nhiên qua tìm hiểu, mức học phí của các trường tư có đào tạo ngành y ở nước ta rất cao. Trong khi các trường ĐH ở Mỹ, học phí ngành y lên đến 600-700 triệu đồng/năm. Vấn đề là học phí phải tăng và lộ trình như thế nào".

Còn ông Nguyễn Văn Trường (phụ huynh ở Quảng Trị) thắc mắc: "Từ mức học phí thấp theo quy định của Nhà nước nay đùng một cái trường tăng lên vài chục triệu. Sinh viên phải trả học phí cao như vậy thì điều kiện học tập có khác, chất lượng dạy học của trường có tốt hơn hay vẫn như cũ?".

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Diệp Tuấn - hiệu trưởng Trường ĐH Y dược TP.Hồ Chí Minh - khẳng định không phải tự dưng nhà trường đưa ra mức học phí mới mà có sự chuẩn bị từ lâu. Cách đây hai năm, trường đã xây dựng đề án tự chủ, tính toán kỹ dựa trên nhiều cơ sở và các cơ quan quản lý trực tiếp nhà trường đều biết việc này. Chất lượng đào tạo có tương xứng với học phí mới? Ông Tuấn khẳng định chắc chắn sẽ có sự khác biệt.

Ông Tuấn chia sẻ thêm: “Có người bảo vì dịch Covid-19 nên ai cũng khó khăn, trường còn tăng học phí. Nhà trường hoàn toàn chia sẻ việc này, nhưng từ ngày 1/1/2020 trường đã tự chủ nên không còn được nhận kinh phí nhà nước nữa. Nếu không tăng học phí thì trường không thể tổ chức các hoạt động đào tạo, không thể chi trả lương cho cán bộ giảng viên được”.

Cảnh giác với chiêu mua hàng thật, chuyển khoản ảo

Thời gian gần đây, nhiều bạn đọc phản ánh đến Pháp Luật TP.HCM về việc bị sập bẫy chiêu mua hàng rồi trả tiền bằng cách chuyển khoản ảo để chiếm đoạt tài sản của người khác.

Anh Nguyễn Quốc Thành ở đường Thống Nhất, phường 16, quận Gò Vấp vừa là nạn nhân của chiêu lừa trên. Anh Thành cho biết do anh có một chiếc iPad không dùng nên muốn bán lại và đã rao bán trên một trang mạng để tìm người mua. Vừa đăng xong thì có người liên hệ và hẹn đến nhà gặp để xem máy.

Hai người đến nhà anh Thành để mua hàng.
Hai người đến nhà anh Thành để mua hàng.
Camera nhà anh Thành ghi lại được biển số xe của hai người lừa mua hàng. (Ảnh chụp lại từ camera)
Camera nhà anh Thành ghi lại được biển số xe của hai người lừa mua hàng. (Ảnh chụp lại từ camera)

“Tối 23/5, có hai thanh niên đến xem máy và đồng ý mua iPad với giá 12,5 triệu đồng. Sau đó hai thanh niên nói hiện tại không có tiền mặt nên bảo tôi cho số tài khoản ngân hàng (NH) để họ chuyển vào.Tôi chờ họ chuyển hồi lâu nhưng không thấy tin nhắn NH báo đã nhận tiền. Để tạo lòng tin, họ còn bấm số gọi tổng đài hỏi, còn bật loa lớn cho tôi nghe. Đầu dây bên kia trả lời do cuối tuần NH không làm việc, thứ Hai tiền sẽ vào. Sau đó, hai người này còn chụp tin nhắn chuyển khoản của họ cho tôi xem. Tưởng thật nên tôi đã giao máy và cho hai người này về.

Tôi chờ đến ngày 26/5 vẫn chưa thấy tiền vào tài khoản của mình, gọi điện thoại lại hai người mua thì không liên lạc được. Lúc này tôi mới biết mình đã bị lừa nên trình báo Công an phường 16” - anh Thành nói.

Tương tự, anh Nguyễn Ti làm nghề cầm đồ ở quận 1 cũng bị dính vào chiêu lừa chuyển tiền ảo này.

Đại diện Công an phường 16, quận Gò Vấp xác nhận anh Nguyễn Quốc Thành có đến trình báo vụ việc anh bị hai người lừa mua hàng của anh rồi chuyển khoản ảo.

Tuy nhiên, anh chỉ cung cấp hình ảnh của hai người ngồi nói chuyện thông qua camera, không cung cấp được chứng từ chứng minh có giao dịch mua bán cũng như thông tin của hai người mà anh cho là lừa anh. Vì thế, công an phường chỉ ghi nhận vụ việc trình báo của anh. Anh Thành cần có thêm những chứng từ trên để công an phường xử lý theo quy định.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH, phân tích: Khi một khách hàng dùng tài khoản NH của mình chuyển khoản cho một tài khoản khác không cùng NH thì tất cả giao dịch đó đều thông qua cổng thanh toán. Cổng thanh toán này sẽ được liên kết với NH Nhà nước. Tất cả NH sẽ được thanh toán bù trừ cho nhau mà không cần phải có các giao dịch viên của các NH kiểm tra tại thời điểm thanh toán.

Thông thường, việc chuyển khoản giữa các NH được thực hiện ngay tức thì hoặc chỉ mất không quá một ngày. Để tránh các trường hợp bị lừa tương tự, người bán (tức người nhận tiền) nên chờ đến khi nhận được tin nhắn thông báo tài khoản của mình được cộng tiền vào thì mới giao hàng cho người mua.

 

 

Vân Anh

Tin cùng chuyên mục