Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 08/7/2020

14:56 08/07/2020

Trung tâm Báo chí tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TP. Hồ Chí Minh trên các báo ra ngày 08/7/2020:

TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ ngăn doanh nghiệp phá sản

Báo Tuổi Trẻ cho hay, báo cáo tại Hội nghị Thành ủy TP. Hồ Chí Minh lần thứ 42, khóa X khai mạc ngày 7/7, UBND TP đã đưa ra nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất, kinh doanh, ngăn việc doanh nghiệp phá sản do khó khăn vì ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19.

Theo đó, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm cho biết, trong điều kiện tình hình kinh tế thế giới và khu vực còn rất nhiều khó khăn, dịch bệnh COVID-19 diễn biến khó lường, TP. Hồ Chí Minh tập trung thực hiện nhiệm vụ "kép", vừa ngăn chặn dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 như kế hoạch đề ra.

TP. Hồ Chí Minh sẽ hỗ trợ doanh nghiệp từ nay đến hết năm 2020 với nhiều giải pháp cụ thể.

Thứ nhất, hỗ trợ duy trì sản xuất kinh doanh, ngăn chặn sự phá sản của doanh nghiệp. Trong đó chú trọng hỗ trợ thu nhập cho người lao động để doanh nghiệp không mất lao động; đảm bảo tính thanh khoản của doanh nghiệp; phục hồi, sản xuất, dịch vụ nhằm vào nhu cầu thị trường nội địa 100 triệu dân.

Thứ hai, hỗ trợ giảm chi phí sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp; khuyến khích sản xuất thay thế hàng nhập khẩu, nhất là vật tư, thiết bị có lợi thế nguồn gốc địa phương và mở rộng chuỗi giá trị gia tăng trong nước, kể cả sản phẩm xuất khẩu.

Thứ ba, tiếp tục hỗ trợ đổi mới công nghệ phục vụ sản xuất, kinh doanh, đẩy nhanh quá trình số hóa quản trị doanh nghiệp và quản lý ngành.

Thứ tư, tiếp tục các chương trình khởi nghiệp sáng tạo.

Cuối cùng, kịp thời dự báo, phối hợp với các quốc gia đối tác chủ yếu về thương mại, đầu tư và du lịch để mở cửa hoạt động kinh tế, du lịch với từng nước vào thời điểm phù hợp.

Gấp rút giải quyết khó khăn về trợ giá xe buýt

Báo Người Lao Động đưa tin, trước thông tin một số doanh nghiệp kiến nghị sớm thanh toán tiền trợ giá xe buýt, nếu không sẽ khó duy trì hoạt động đến ngày 15/8, ngày 7/7, ông Võ Khánh hưng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP, khẳng định chưa nhận được văn bản kiến nghị này.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo lãnh đạo Sở GTVT, vấn đề khó khăn của các đơn vị vận tải xe buýt hiện nay xuất phát từ việc kinh phí trợ giá cấp phát năm 2019 không đủ. Hiện kinh phí xin bổ sung trợ giá xe buýt năm 2019 đang chờ UBND TP xem xét; sau khi được phê duyệt, Trung tâm Quản ký giao thông công cộng (Sở GTVT) sẽ cấp phát đầy đủ cho các doanh nghiệp để bảo đảm hoạt động ổn định.

Cũng theo ông Võ Khánh Hưng, với dự toán kinh phí trợ giá xe buýt năm 2020 đang đề xuất tăng thêm 161 tỷ đồng, hiện Sở GTVT và Sở Tài chính đã thống nhất nguyên tắc tính toán, đang làm các thủ tục liên quan, trình UBND TP. Trên cơ sở đó sẽ làm việc với các đơn vị vận tải, ký kết hợp đồng đặt hàng năm nay.

Trước đó, theo ông Nguyễn Văn Lèo, Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải TP. Hồ Chí Minh, đơn vị cùng nhiều doanh nghiệp vận tải xe buýt khác đang làm đơn kiến nghị lãnh đạo TP giải quyết khó khăn, thanh toán trợ giá xe buýt. Theo đó, từ đầu năm 2020 đến nay, Trung tâm Quản ký giao thông công cộng chưa ký hợp đồng đặt hàng với các đơn vị vận tải xe buýt, chỉ ký hợp đồng nguyên tắc để nhận tiền tạm ứng trợ giá, trong khi khoản tạm ứng không đủ trả lương cho nhân viên và chi phí nhiên liệu.

Đẩy nhanh tiến độ các tuyến metro

Ngày 7/7, Văn phòng UBND TP cho biết, để đảm bảo tiến độ tuyến đường sắt đô thị số 1 (metro Bến Thành - Suối Tiên), UBND TP yêu cầu thủ trưởng các sở ngành, chủ tịch UBND các quận thường xuyên rà soát tiến độ thực hiện với tinh thần khẩn trương, ưu tiên tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc theo kiến nghị của Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP. Báo Sài Gòn Giải Phóng đưa tin.

UBND TP yêu cầu không để xảy ra tình trạng xử lý chậm trễ, cũng như không nắm chắc, bám sát vấn đề khi tham mưu xử lý công việc theo chỉ đạo của UBND TP. 

Metro Bến Thành - Suối Tiên đoạn đi trên cao qua quận 9. Ảnh: CAO THĂNG
Metro Bến Thành - Suối Tiên đoạn đi trên cao qua quận 9. Ảnh: CAO THĂNG

Cụ thể, UBND TP giao Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP phối hợp với Sở KH-ĐT, Sở Tài chính và Kho bạc Nhà nước TP khẩn trương thực hiện các thủ tục pháp lý để đẩy nhanh kế hoạch giải ngân đầu tư công (như xác định giá trị vốn ODA cấp phát còn lại, ký kết hợp đồng cho vay lại của các hiệp định vay, hoàn ứng nguồn vốn tạm ứng từ ngân sách TP…). 

Đồng thời, phối hợp với Sở GTVT, Sở Tài chính và các cơ quan liên quan rà soát, hoàn thiện hồ sơ pháp lý của dự án, đảm bảo tuân thủ theo quy định; Phối hợp với Sở LĐTB-XH, Cục Quản lý Xuất nhập cảnh TP và các cơ quan, đơn vị có liên quan để tập trung, nỗ lực tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc cấp phép lao động, thủ tục xuất nhập cảnh cho các chuyên gia là người nước ngoài.

Đối với tuyến metro Bến Thành - Tham Lương, UBND TP giao UBND các quận 1, 3, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú khẩn trương phối hợp với Ban Chỉ đạo bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP để hoàn tất công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và bàn giao mặt bằng cho Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP trong thời gian sớm nhất để thực hiện dự án. 

ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh sẽ có Trường ĐH Khoa học Sức khỏe

Hội đồng ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh vừa tổ chức kì họp thứ 10, khóa IV. Tại cuộc họp này, Hội đồng đã nhất trí xin chủ trương phát triển Khoa Y thành Trường ĐH Khoa học Sức khỏe, là thành viên của ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

Theo thông tin được đưa trên báo Pháp Luật TP, sau hơn 10 năm hoạt động, Khoa Y có 89 giảng viên, 26 chuyên gia đầu ngành kiêm nhiệm và hơn 400 bác sĩ, dược sĩ thỉnh giảng thực hành. Khoa cũng đã đào tạo 1.064 sinh viên thuộc 3 ngành là Y khoa, Dược học, Răng hàm mặt. Khoa Y cũng đang thẩm định mở 2 ngành bậc thạc sĩ và 2 ngành bậc đại học.

Ảnh: Khoa Y - ĐH Quốc gia TP.HCM
Ảnh: Khoa Y - ĐH Quốc gia TP.HCM

GS.BS Đặng Vạn Phước, Trưởng Khoa Y cho biết Khoa Y đã có tên trong danh mục các trường Y thế giới trong chuyên trang WDOMs (World Directory of Medical School) và là thành viên của IPSF (International Pharmaceutical Students Federation – Liên đoàn sinh viên Dược phẩm quốc tế). Đến nay Khoa Y đã đầy đủ điều kiện để trở thành Trường ĐH thành viên của ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

Dự kiến, đến năm 2025 Khoa Y sẽ nâng quy mô đào tạo trên 2.600 sinh viên và đến năm 2030 sẽ đào tạo 8 ngành bậc đại học. Trong đó có ba ngành mới là Dinh dưỡng, Y học dự phòng, Kỹ thuật y sinh. Khoa cũng sẽ có 16 chuyên ngành bậc thạc sĩ gồm Nội khoa, Ngoại khoa, Sản phụ khoa, Tai - mũi - họng, Ung thư, Khoa học y sinh.

Triệt phá đường dây mua bán, vận chuyển ma túy với số lượng lớn

Thông tin từ Vietnamplus, ngày 7/7, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an cho biết đơn vị vừa phối hợp với các lực lượng chức năng, địa phương đấu tranh, triệt phá thành công 3 đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy với số lượng lớn.

Riêng tại TP. Hồ Chí Minh, ngày 20/6, Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy chủ trì, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an, Công an TP. Hồ Chí Minh, Cục Điều tra chống buôn lậu-Tổng cục Hải quan và Đoàn đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy số 3-Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển thực hiện kế hoạch đấu tranh chuyên án bắt giữ đối tượng Đỗ Tuấn Bảo (sinh năm 1984, trú tại quận 6, TP. Hồ Chí Minh). Vật chứng thu giữ là 10.000 viên ma túy tổng hợp.

Tang vật một vụ buôn ma túy. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)
Tang vật một vụ buôn ma túy. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Cùng thời điểm, tổ công tác bắt giữ đối tượng Võ Quốc Hòa (sinh năm 1993, trú tại quận Ô Môn, Cần Thơ). Vật chứng thu giữ là 45kg ma túy tổng hợp dạng đá, 8.000 viên ma túy tổng hợp. Khám xét nơi ở của Võ Quốc Hòa, cơ quan chức năng thu giữ thêm 8kg ma túy tổng hợp.

Mở rộng điều tra vụ án, cảnh sát bắt giữ các đối tượng cầm đầu đường dây, đều ở TP. Hồ Chí Minh gồm Lê Quang Trường (sinh năm 1983), Nguyễn Công Nhật (sinh năm 1978), cùng trú tại Quận 10 và Nguyễn Văn Phương (sinh 1990, trú tại Bình Hưng Hòa A, Bình Tân).

Khám xét nơi ở của Nguyễn Văn Phương, cảnh sát thu giữ 300g ma túy dạng đá, 200 viên ma túy tổng hợp và 1 khẩu súng quân dụng CZ75, 5 viên đạn.

Như vậy, trong đường dây này, Ban Chuyên án đã bắt giữ 5 đối tượng, thu giữ 53,3kg ma túy tổng hợp dạng đá; 18.200 viên ma túy tổng hợp, 1 khẩu súng quân dụng CZ75, 5 viên đạn cùng nhiều vật chứng khác liên quan.

Tiến độ tiêm vắcxin bạch hầu ở TP.Hồ Chí Minh đang chậm

Ngày 7/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh cho biết tỉ lệ tiêm chủng bạch hầu cho trẻ tại TP hằng năm đều đạt trên 95%. Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tỉ lệ bao phủ đầy đủ các mũi vắcxin cơ bản cho trẻ sinh năm 2019 bị chậm khoảng 15% so với tiến độ cần đạt.

Theo báo Tuổi trẻ, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều phụ huynh ngại đến nơi đông người nên không đưa con đi tiêm chủng. Cha mẹ hoặc người chăm sóc bận rộn không đưa trẻ đi tiêm. Bên cạnh đó, một số cha mẹ trẻ trì hoãn tiêm chủng vì đợi tiêm vắcxin dịch vụ. Một tỉ lệ nhỏ các cơ sở tiêm chủng dịch vụ trên địa bàn cập nhật không đầy đủ mũi tiêm của trẻ trên hệ thống quản lý tiêm chủng quốc gia.

Tỉ lệ tiêm chủng vắcxin phòng bệnh bạch hầu của trẻ em TP.HCM đang chậm tiến độ - Ảnh: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cung cấp
Tỉ lệ tiêm chủng vắcxin phòng bệnh bạch hầu của trẻ em TP.HCM đang chậm tiến độ - Ảnh: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cung cấp

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP khuyến cáo việc tiêm chủng vắcxin bạch hầu không mang lại miễn dịch suốt đời, vì vậy việc tiêm nhắc cho trẻ lớn và người lớn là cần thiết.

Vắcxin của chương trình tiêm chủng mở rộng luôn được cung ứng đầy đủ. Do đó phụ huynh có con trong độ tuổi tiêm chủng an tâm đưa con đi tiêm đầy đủ các mũi vắcxin bắt buộc theo quy định.

Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, người lớn và trẻ nhỏ đều có nguy cơ mắc bệnh. Những năm gần đây, Việt Nam đã xảy ra một số ổ dịch bạch hầu rải rác tại một số địa phương. Nhiều ca bệnh là trẻ lớn ngoài độ tuổi tiêm chủng thường xuyên và người lớn. Do đó, biện pháp phòng bệnh bạch hầu hiệu quả nhất hiện nay là chủ động tiêm vắcxin phòng bệnh đầy đủ. Mũi tiêm nhắc cho trẻ lớn (trẻ chuẩn bị đi học) và người lớn sẽ giúp giảm nguồn lây cho trẻ nhỏ và giảm tỉ lệ mắc bệnh ở cộng đồng.

Hiện nay, vắcxin phòng bệnh bạch hầu đối với hình thức tiêm chủng miễn phí chỉ áp dụng cho trẻ dưới 4 tuổi. Do đó, đối với trẻ trên 4 tuổi và người lớn có thể đến các cơ sở tiêm chủng dịch vụ để được tư vấn, sử dụng vắcxin phối hợp phòng bệnh bạch hầu phù hợp với độ tuổi và tiền sử tiêm chủng.

 

Tin cùng chuyên mục