Cảnh báo 35 vị trí sạt lở bờ sông đặc biệt nguy hiểm và nguy hiểm
Thông tin từ báo Lao Động, ngày 7/9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP cho biết, kết quả kiểm tra, rà soát mới đây cho thấy trên địa bàn TPHCM còn 35 vị trí sạt lở bờ sông, kênh - rạch, trong đó 14 vị trí đặc biệt nguy hiểm và 21 vị trí nguy hiểm.
35 vị trí sạt lở bờ sông, kênh - rạch nằm rải rác tại các huyện Nhà Bè (9 vị trí), huyện Cần Giờ (7 vị trí), quận 2 (6 vị trí), quận Bình Thạnh (4 vị trí), quận Thủ Đức (3 vị trí), huyện Bình Chánh (3 vị trí), huyện Hóc Môn (2 vị trí), quận 8 (1 vị trí).
Trong số 35 vị trí sạt lở vừa được công bố có 4 vị trí mới phát sinh trong năm 2020 nằm trên địa bàn huyện Cần Giờ (3 vị trí, làm ảnh hưởng khoảng hơn 100 hộ dân) và quận 2 (1 vị trí).
Được biết trong năm 2019, trên địa bàn TPHCM có 37 vị trí sạt lở bờ sông, kênh – rạch và đến nay có 6 vị trí sạt lở đã được khắc phục xử lý bằng việc hoàn tất xây dựng bờ kè chống sạt lở; còn 31 vị trí chưa được khắc phục do đang trong quá trình thi công hoặc chưa thể thi công do vướng mặt bằng...
Để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án bờ kè chống sạt lở nhằm bảo vệ người dân ở các khu dân cư, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP kiến nghị UBND TP giao Sở Tài nguyên - Môi trường chủ trì phối hợp với các quận - huyện có vị trí sạt lở đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án trong thời gian sớm nhất để phục vụ thi công hoàn thành các công trình.
Đồng thời, TP chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý kiên quyết đối với các phương tiện khai thác, vận chuyển cát, sỏi trái phép trên các tuyến sông để hạn chế tình trạng gây sạt lở bờ sông, kênh - rạch.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP cũng kiến nghị UBND TP yêu cầu các địa phương có các vị trí sạt lở được công bố khẩn trương khoanh vùng, rào chắn không cho người dân và phương tiện vào khu vực sạt lở.
Bên cạnh đó, các địa phương thường xuyên cử lực lượng theo dõi các vị trí sạt lở và xây dựng phương án ứng phó, xử lý cấp bách khu vực sạt lở nhằm đảo bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân.
Bến xe, nhà ga đồng loạt thông tuyến tới Đà Nẵng
Ngày 7/9, các bến xe, nhà ga, sân bay ở TP.HCM đã đồng loạt mở lại nhiều tuyến vận tải hành khách tới Đà Nẵng. Tuy nhiên, lượng khách từ TP.HCM tới Đà Nẵng và ngược lại rất ít. Trong khi đó, công tác phòng, chống dịch Covid-19 vẫn được các đơn vị đặc biệt chú trọng.
Ông Đỗ Phú Đạt, Phó Giám đốc Bến xe Miền Đông, cho biết những tuyến xe đi, đến Đà Nẵng đã hoạt động trở lại từ 0 giờ ngày 7/9. Hiện nay, dựa theo tình hình thực tế, các tuyến đi và đến Đà Nẵng chỉ mở lại bình quân khoảng 9 chuyến/ngày, chủ yếu từ ba đơn vị vận tải gồm xe khách Phi Hiệp, xe khách Phương Trang và xe khách An Thiên Phúc.
Trong khi đó, tại Ga Sài Gòn, theo khảo sát của PV báo Pháp Luật TP, ngày 7/9, lượng hành khách cũng không quá đông đúc. Chủ yếu hành khách đi du lịch tới các địa phương như Nha Trang, Phan Thiết, còn khách đi Đà Nẵng chủ yếu vì nhu cầu công việc.
Trao đổi với PV, ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc Chi nhánh Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn, cho biết: Hiện trên tuyến đường sắt Bắc-Nam, ngành đường sắt tổ chức chạy lại tàu SE22/SE21 nhằm phục vụ nhu cầu đi lại, giao thương, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Cụ thể, từ ngày 7/9, tàu SE22 xuất phát tại Ga Sài Gòn lúc 11 giờ 40, đến Ga Đà Nẵng lúc 6 giờ 28. Ở chiều ngược lại, tàu SE21 xuất phát tại Ga Đà Nẵng lúc 9 giờ 31, đến Ga Sài Gòn lúc 6 giờ 20.
Hiện nay, hai đôi tàu khách Thống nhất SE1/SE2 và SE7/SE8 giữa Hà Nội -TP.HCM và ngược lại có tác nghiệp tại Ga Đà Nẵng. Cụ thể, tàu SE1 đến Ga Đà Nẵng lúc 13 giờ 22, đi lúc 13 giờ 42. Tàu SE7 đến Ga Đà Nẵng lúc 22 giờ 27, đi lúc 22 giờ 42; tàu SE8 đến Ga Đà Nẵng lúc 23 giờ, đi lúc 23 giờ 23.
Bar, vũ trường ở Sài Gòn nhộn nhịp ‘sáng đèn, lên nhạc’ trở lại
Ngay sau khi UBND TP.HCM có văn bản cho phép hoạt động trở lại, tối 7/9, các quán bar, vũ trường trên địa bàn đã sáng đèn, xập xình nhạc đón khách trở lại. Báo Tuổi Trẻ đưa tin.
Tại đường Bùi Viện (Q.1), không khí sôi động của con đường giải trí nhộn nhịp bậc nhất Sài Gòn về đêm dần trở lại khi hàng quán lên đèn, nhân viên kê lại bàn ghế, chuẩn bị thức uống... đón thực khách. Tuy vậy, các chủ quán bar đều dự báo lượng khách quay lại chỉ cầm chừng bởi tâm lý người dân vẫn còn e ngại dịch bệnh và khách du lịch vẫn chưa trở lại Việt Nam.
Ông Tạ Quang Hùng, giám đốc marketing của Kingdom, cho biết 2 quán bar, pub của doanh nghiệp này tại Bùi Viện (Q.1) và Lê Văn Sỹ (Q.Tân Bình) đã hoạt động trở lại ngay trong tối 7/9. Theo ông Hùng, việc được mở lại là "niềm háo hức" của các doanh nghiệp bởi sẽ giải quyết được bài toán chi phí cho doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Tuy nhiên, mới huy động phân nửa nhân viên so với trước đây do lượng khách trở lại dự đoán vẫn chưa đông đúc.
Trong khi đó, "phố quán bar" trên đường Lê Thánh Tôn (Q.1) dù mở lại song không còn xôm tụ như trước. Rất nhiều quán bar đã đóng cửa, sang quán hoặc trả mặt bằng.
Bà Hoàng Thị Thùy Dung, chủ quán bar Peachy, cho biết ngay sau khi biết tin quán được mở lại, bà đã đăng tuyển nhân viên, sửa sang lại quán để ngay trong tối 7/9 có thể phục vụ khách hàng.
Tương tự, ông Hoàng Việt, chủ quán bar Carmen (đường Lý Tự Trọng), cũng cho biết ngay khi biết tin được mở cửa, quán đã nhắn tin, gọi điện cho khách hàng và huy động nhân viên ở quê trở lại làm việc. Theo ông Việt, hơn nửa năm qua ông đã rất khó khăn trong việc đảm bảo tài chính để trả tiền mặt bằng, lo các chi phí cũng như lương bổng cho nhân viên. Ông Việt cho biết dù mở lại quán nhưng doanh thu sẽ sụt giảm bởi nhiều khách hàng sẽ tiết giảm chi tiêu, không còn mạnh tay chi tiêu "phóng khoáng" như trước.
Trường ĐH tư thục đầu tiên công bố điểm sàn xét kỳ thi đánh giá năng lực
Báo Thanh Niên đưa tin, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM đã công bố thời gian và điểm sàn xét tuyển từ kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM. Đây là một trong những trường ĐH tư đầu tiên công bố điểm sàn từ kỳ thi này.
Ngày 7/9, theo thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung, Phó Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh - Truyền thông, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, Hội đồng tuyển sinh nhà trường đã chính thức công bố ngưỡng điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển đối với phương thức xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực năm 2020 của ĐH Quốc gia TP.HCM cho 45 ngành đào tạo trình độ ĐH chính quy.
Theo đó, ngưỡng điểm nhận hồ sơ xét tuyển với tất cả các ngành dao động từ 625 - 725. Trong đó, ngành dược có điểm xét tuyển cao nhất là 725 điểm. Tất cả các ngành còn lại có điểm xét tuyển là 625. Điểm xét tuyển là tổng điểm bài thi đánh giá năng lực năm 2020 của ĐH Quốc gia TP.HCM và cộng điểm ưu tiên đối tượng, khu vực theo quy định.
Riêng đối với các ngành có tổ hợp xét tuyển bao gồm môn năng khiếu vẽ (Thiết kế thời trang, Thiết kế đồ họa), thí sinh đạt từ ngưỡng điểm xét tuyển trên cần dự thi môn năng khiếu vẽ và đạt từ 5 điểm trở lên (theo thang điểm 10).
Thí sinh có thể dùng kết quả thi vẽ do nhà trường tổ chức hoặc lấy kết quả thi vẽ từ trường ĐH khác để tham gia xét tuyển. Thời gian nhận hồ sơ xét tuyển đối với phương thức này từ ngày 7 - 20/9.
Đề xuất hệ số điều chỉnh giá bồi thường đất ở các quận, huyện
Theo báo Tuổi Trẻ, Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM vừa có tờ trình UBND TP về hệ số điều chỉnh giá đất để lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư lấy ý kiến người dân có đất bị thu hồi (giá T1).
Theo đó, hệ số điều chỉnh cao nhất trên địa bàn các quận là 12 lần bảng giá đất (áp dụng cho các dự án ở quận 12). Các quận có hệ số cao như quận Gò Vấp (hệ số 8,5), quận 9 (hệ số 8), Tân Phú, Thủ Đức và quận 3 (hệ số 7,5) …
Hệ số điều chỉnh ở khu vực các huyện Củ Chi: hệ số 13, Hóc Môn: hệ số 11, Cần Giờ: hệ số 9, huyện Nhà Bè: hệ số 8, huyện Bình Chánh: hệ số 5,5…
Theo đề xuất trên, giá T1 sẽ được xây dựng theo nguyên tắc lấy bảng giá đất do UBND TP ban hành nhân với hệ số điều chỉnh. Giá T1 sẽ được niêm yết để lấy ý kiến của người dân có đất bị thu hồi. Nếu người dân đồng ý, giá này sẽ trở thành giá bồi thường. Đây là cách xây dựng giá T1 theo nghị quyết 27 ngày 9/3/2020 của Chính phủ về việc cho phép áp dụng thí điểm cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện quy trình bồi thường, hỗ trợ tái định cư… trên địa bàn TP.HCM.
Theo quy trình bình thường, thời gian xây dựng giá T1 để lấy ý kiến người dân có đất bị thu hồi trong dự án ít nhất 6 tháng. Áp dụng quy định này, thời gian xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư được rút ngắn hơn 6 tháng.
Nhiều mô hình bảo vệ môi trường phát huy hiệu quả
Báo Pháp Luật TP cho hay, để TP.HCM luôn có môi trường tốt hơn thì việc nghiên cứu và đưa vào áp dụng các mô hình bảo vệ môi trường với sự tham gia của cộng đồng được xem là hướng tiếp cận quan trọng, lâu dài và bền vững.
Thực tiễn ở Thành phố đã có nhiều mô hình bảo vệ môi trường dựa vào cộng đồng có sức lan tỏa và được duy trì. Những mô hình này đã ngày càng cho thấy có hiệu quả thực sự đối với việc quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, mang lại lợi ích cộng đồng to lớn.
Thành phố cũng đã ban hành các kế hoạch triển khai phong trào khác nhằm mục đích bảo vệ môi trường như: tuần lễ nạo vét, khơi thông cống rãnh, mương thoát nước…
Đơn cử như mùa hè vừa qua, TP.HCM đã tổ chức đợt ra quân hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn. Chương trình đã huy động đông đảo cộng đồng, người dân tham gia vào công tác bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng diện mạo đô thị, giải quyết các điểm nóng môi trường.
Mục đích của các chương trình này là tuyên truyền các chủ trương, kiến thức pháp luật về bảo vệ môi trường, vận động hội viên, nhân dân tham gia bảo vệ môi trường nơi cư trú; góp phần phòng ngừa và thay đổi các hành vi, phong tục, tập quán lạc hậu gây ô nhiễm môi trường và giải quyết nhiều vấn đề môi trường trong tuyến phố, khu dân cư…
Tiêu biểu phải kể đến các chương trình Trường học xanh, “Công trình xanh”, “Văn phòng xanh”, “Nhà xanh”, “Khu dân cư xanh”, “Chương trình 3T trong trường học”, Chi hội “Hiệp sĩ môi trường”, Cuộc thi “Sức sống mới từ phế thải”…
Nhiều mô hình như: “Phụ nữ chung tay bảo vệ môi trường”, “Phụ nữ nói không với rác thải nhựa”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”... đã góp phần thành công vào chiến lược xây dựng thành phố môi trường.
Ngoài ra, TP.HCM cũng đang triển khai, nhân rộng mô hình doanh nghiệp thân thiện môi trường. Xây dựng chuỗi mô hình doanh nghiệp sản xuất thân thiện với môi trường sẽ có ý nghĩa rất lớn bởi việc giảm phát thải khí nhà kính, tiết kiệm điện, tăng trưởng xanh đang là xu thế chung, cần thiết để xây dựng một xã hội văn minh và đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.
Chỉ số tia UV đạt mức cao, người dân cần làm gì?
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hai ngày 8/9 và 9/9 chỉ số UV tại TPHCM sẽ đạt đến mức 9 và 8. Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA), chỉ số UV dao động từ 0-2 được xem là thấp, từ 8-10 là rất cao, có thể gây bỏng da trong 25 phút tiếp xúc. Chỉ số UV từ 11 trở lên được xem là cực kỳ cao, rất nguy hiểm, nguy cơ làm tổn thương da, mắt bị bỏng nếu tiếp xúc ánh nắng mặt trời trong khoảng 15 phút mà không được bảo vệ.
BSCK2. Nguyễn Thị Thanh Thùy - Trưởng Khoa Điều trị bệnh da Phụ nữ và Trẻ em, Bệnh viện Da liễu Trung ương cảnh báo, những người tiếp xúc quá mức với ánh sáng mặt trời trong thời gian ngắn sẽ gây bỏng nắng, tổn thương mắt như đục thủy tinh thể, da bị bỏng, khô, sạm, tạo nếp nhăn, lão hóa nhanh. Nếu tiếp xúc kéo dài, tích lũy có thể gây ung thư da.
Vì vậy, người dân cần đảm bảo chế độ bù đủ nước, uống 2-2,5 lít nước mỗi ngày. Thời tiết nắng nóng, cơ thể ra mồ hôi nhiều, mệt mỏi, da không được cấp ẩm thường xuyên là nguyên nhân khiến da xấu đi.
"Một lưu ý khác là thời tiết oi bức, nhiệt độ cao khiến nhiều người khó chịu nên liên tục tắm. Điều này là không nên bởi tắm nhiều khiến da khô. Chỉ nên tắm 1-2 lần/ngày, hạn chế tắm nước quá lạnh hay nóng làm hại làn da" - BS. Thuỳ nói.
Ánh nắng mặt trời có thể gây kích thích các hắc tố melanin dưới da tăng cao, khiến da bị sạm đen và lão hóa trầm trọng. Tốt hơn hết, bạn nên dùng kem chống nắng đúng cách, kết hợp cùng việc đeo kính râm khi đi ra ngoài trời nắng để bảo vệ làn da.
Các bác sĩ khuyến cáo, người dân nên dùng kem chống nắng hàng ngày để bảo vệ làn da khỏi những tác hại xấu từ tia UV có trong ánh nắng mặt trời như lão hóa, đen sạm, rám, tàn nhang, ung thư da. Điều lưu ý là dùng kem chống nắng hàng ngày buộc phải tẩy trang đúng cách, nếu chỉ rửa mặt sẽ không làm sạch được da.
Trí thức trẻ hỗ trợ xây dựng nông thôn mới
Trong hai ngày cuối tuần vừa qua, một số chuyên đề hỗ trợ bà con nông thôn trong khuôn khổ chương trình Đoàn tham gia xây dựng nông thôn mới năm 2020 đã được Thành đoàn TP.HCM thực hiện tại 5 huyện ngoại thành TP. Báo Tuổi Trẻ đưa tin.
Các chuyên đề giúp các bạn trẻ nông thôn cùng bà con tìm hiểu về kỹ thuật trồng hoa lan, nấm bào ngư xám, rau thủy canh, rau ăn lá an toàn, chăn nuôi bò và quy trình sản xuất giống tôm càng xanh…
Chia sẻ trong từng chuyên đề là những nhà khoa học trẻ, trí thức trẻ, chuyên gia các lĩnh vực thuộc các viện, trường, trung tâm nghiên cứu, các sở ngành của TP tham gia chương trình Trí thức khoa học trẻ tình nguyện (thuộc Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ).
Cùng với chia sẻ thông tin khoa học, cập nhật tin tức về kỹ thuật công nghệ mới, việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, các bạn trẻ cùng người dân tham gia chương trình còn được mời tham quan, tìm hiểu trên các mô hình trồng trọt, sản xuất thực tế của người dân và được trao đổi, chia sẻ thông tin khi có thắc mắc về quá trình sản xuất trực tiếp.
Ngoài ra còn có các lớp tập huấn trực tuyến dành cho cán bộ phụ trách chương trình xây dựng nông thôn mới của các huyện ngoại thành TP.
Vân Anh - Khang Minh - Huyền Mai