Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 09/3/2020

10:31 09/03/2020

Trung tâm Báo chí tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TP. Hồ Chí Minh trên các báo ra ngày 09/3/2020:

Khoảng 20.000 người đã khai báo y tế điện tử khi vào sân bay Tân Sơn Nhất

Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế TP.Hồ Chí Minh cho biết kể từ 0 giờ ngày 7/3, thời điểm thực hiện khai báo y tế điện tử cho khách nhập cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất, đến trưa 8/3 đã có 20.000 hành khách thực hiện khai báo.

Hành khách buộc phải khai báo y tế điện tử trước khi nhập cảnh vào Việt Nam qua sân bay Tân Sơn Nhất - Ảnh: TTKDYTQT
Hành khách buộc phải khai báo y tế điện tử trước khi nhập cảnh vào Việt Nam qua sân bay Tân Sơn Nhất - Ảnh: TTKDYTQT

Theo đó, hành khách tự điền thông tin (hành trình, địa chỉ, số điện thoại, triệu chứng sức khỏe...) vào tờ khai trên phần mềm điện tử và được lưu vào cơ sở dữ liệu giúp cho cơ quan quản lý dễ dàng truy xuất khi cần thiết.

Báo Tuổi Trẻ cũng dẫn lời ông Nguyễn Hồng Tâm - Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế TP.Hồ Chí Minh cho biết, do mới áp dụng nên bước đầu có sự bỡ ngỡ với hành khách, các hãng hàng không nhưng sau đó đã dần đi vào ổn định.

Ông Tâm chia sẻ: "Tờ khai y tế này cực kỳ cần thiết và quan trọng. Chúng tôi rất mong hành khách hiểu được ý nghĩa của tờ khai này và thực hiện một cách nghiêm túc, có trách nhiệm. Cụ thể là khai báo trung thực nhân thân, lộ trình đi lại, các triệu chứng sức khỏe…",

Ông cũng cho biết thêm: "Với ga quốc nội, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế vẫn triển khai 1 chốt kiểm soát dịch để kịp thời phát hiện các hành khách có dấu hiệu của bệnh viêm hô hấp cũng như các yếu tố dịch tễ liên quan để kịp thời xử lý, đưa cách ly theo quy định".

Tặng 4.000 khẩu trang vải cho người dân và du khách

Chiều 8/3, chủ tiệm may Bonla Mode, đường Đỗ Quang Đẩu, quận 1 đã đem một thùng khẩu trang vải 5 lớp (khẩu trang vải 4 lớp và 1 lớp vải không dệt thay thế) để phát tặng cho người dân và khách du lịch.

Chị Huỳnh Thị Ngọc Diễm hướng dẫn người dân cách sử dụng khẩu trang - Ảnh: DUYÊN PHAN
Chị Huỳnh Thị Ngọc Diễm hướng dẫn người dân cách sử dụng khẩu trang - Ảnh: DUYÊN PHAN

Chị Huỳnh Thị Ngọc Diễm, 45 tuổi, chủ tiệm may, cho biết hiện nay rất khó tìm mua được khẩu trang y tế. Tiệm may của chị ngay gần phố đi bộ Bùi Viện. Nhiều khách nước ngoài đến đây nhưng họ không đeo khẩu trang vì không mua được khẩu trang y tế.

Trước tình hình khan hiếm khẩu trang y tế và các bác sĩ cũng khuyến cáo nên dùng khẩu trang vải để phòng chống dịch bệnh COVID-19, chị Diễm quyết định cho các nhân viên may khẩu trang để phát miễn phí cho người dân và khách du lịch.

Từ ngày 8/3 đến 9/3, chị sẽ phát trước 1.000 chiếc khẩu trang (bắt đầu từ 16h cho đến khi hết khẩu trang), sau đó tiếp tục may và phát tiếp 3.000 chiếc khẩu trang. Chị Diễm chia sẻ chị muốn đóng góp một chút công sức của mình để cùng với cộng đồng phòng ngừa dịch COVID-19.

(Theo báo Tuổi Trẻ)

Nghịch lý nhà tái định cư

Chuyên mục Thị trường nhà đất – báo Người Lao động cho hay: Từ nhiều năm qua, TP. Hồ Chí Minh đã thu hồi hàng vạn héc ta đất ở nông thôn và đô thị để quy hoạch, xây dựng và mở rộng Thành phố. Kéo theo đó là hàng vạn người dân phải rời nhà cửa, ruộng vườn để tìm nơi tái định cư.

Thành phố cũng đã xây dựng rất nhiều khu nhà tái định cư. Tuy nhiên, có một nghịch lý là nhiều gia đình phải sống nhếch nhác, tạm bợ do không được suất ở tái định cư hoặc được suất nhưng không chấp thuận.

Bên trong căn hộ tại khu TĐC Vĩnh Lộc B bụi bẩn vì không có người ở.
Bên trong căn hộ tại khu TĐC Vĩnh Lộc B bụi bẩn vì không có người ở.

Khu tái định cư Bình Khánh thuộc Quận 2 nằm giữa trung tâm bán đảo Thủ Thiêm với diện tích đất rộng 38,4 ha và hàng chục khối nhà đồ sộ; khu tái định cư lớn nhất TP có tới 12.500 căn hộ và được xây dựng hoàn thành từ năm 2015. Thế nhưng, kể từ đó đến nay, nhiều khối nhà vẫn cửa đóng then cài và đang xuống cấp trầm trọng.

Là một trong số rất ít gia đình dọn về đây sinh sống sau khi TP thu hồi đất để xây khu đô thị mới Thủ Thiêm, ông Đặng Hữu Cường cho biết, tuy nằm ngay trục đường lớn Mai Chí Thọ rất đắc địa, nhưng vì giá bán nhà tái định cư ở đây khá đắt, nhiều người không đủ tiền mua, nên cuối cùng họ đành phải rao bán lại suất nhà của mình cho người khác.

Không riêng gì khu tái định cư Bình Khánh ở Quận 2, tại huyện Bình Chánh cũng đang có khu tái định cư Vĩnh Lộc B nằm phơi mưa nắng. 

Bà Dương Thu Trang sống tại đây hơn 1 năm nhận xét, hạ tầng giao thông tại đây không đảm bảo; nhà ở và các công trình phụ trợ đang ngày càng xuống cấp nghiêm trọng. Chính vì vậy, dù đã xây xong gần chục năm, nhưng cả khu chỉ có vài trăm hộ đến ở, số còn lại vẫn nằm chờ.

Vỉa hè bị tái chiếm

Cũng trên báo Người Lao Động, tại buổi làm việc về kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm 2020 ở lĩnh vực giao thông vừa qua, việc đầu tiên được Phó Chủ tịch UBND Thành phố Võ Văn Hoan nhấn mạnh là năm nay phải xem lại cách quản lý lòng đường, vỉa hè, tập trung chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm.

Động thái trên được đưa ra trước tình hình lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tại Thành phố vẫn phức tạp, dù nhiều năm qua đã thực hiện hàng loạt giải pháp.

Đoạn vỉa hè đường Phạm Văn Đồng gần giao lộ Nguyễn Xí (quận Bình Thạnh), một quán nhậu xếp kín bàn ghế và xe cho khách, không còn chỗ cho người đi bộ. Ảnh chụp lúc 19 giờ tối 5/3 - Ảnh: báo Người Lao Động
Đoạn vỉa hè đường Phạm Văn Đồng gần giao lộ Nguyễn Xí (quận Bình Thạnh), một quán nhậu xếp kín bàn ghế và xe cho khách, không còn chỗ cho người đi bộ. Ảnh chụp lúc 19 giờ tối 5/3 - Ảnh: báo Người Lao Động

Ghi nhận trên nhiều tuyến đường, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và sau khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định tăng mức phạt đối với người sử dụng rượu bia có hiệu lực, lượng khách giảm mạnh khiến nhiều quán, nhất là tại các khu vực tập trung quán nhậu đóng cửa. Đó là một nguyên nhân khiến việc buôn bán lấn chiếm vỉa hè tại Thành phố giảm. Thế nhưng, không ít khu vực vẫn lấn chiếm tràn lan.

Tại khu vực nội thành, trên hàng loạt tuyến đường, đủ loại hàng quán cơi nới mái hiên, che bạt, dựng bảng hiệu, kê bàn ghế, đậu xe kín vỉa hè. Thậm chí có những nơi chiếm vỉa hè và cả lòng đường phía dưới. Tủ điện, cây xanh dọc các tuyến đường cũng bị đóng định, căng dây, gắn đèn trang trí cùng đủ loại bảng hiệu mời chào khách. Như đường Ngô Gia Tự (quận 10), đường Trường Sa – Hoàng Sa (quận 1, 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận và Tân Bình), đường Phạm Văn Đồng (quận Bình Thạnh, Gò Vấp), đường Nguyễn Gia Trí (quận Bình Thạnh), đường Hòa Bình (quận Tân Phú), đường Nguyễn Kiệm (quận Gò Vấp).

Việc lấn chiếm buôn bán kinh doanh không chỉ diễn ra ở các tuyến đường lớn, mặt tiền “đẹp” mà cả ở xung quanh các bệnh viện, khu chợ. Trong đó phải kể đến khu vực trước cổng bệnh viện Ung Bướu, chợ Bà Chiểu, … tình trạng này cũng không ngoại lệ ở nhiều con hẻm của Thành phố.

Người dân đi siêu thị tăng cao nhưng không khan hiếm hàng hoá

Ngày 8;3, số lượng người dân đến siêu thị, cửa hàng tiện lợi để mua các mặt hàng nhu yếu phẩm và thực phẩm cho gia đình tăng cao. Sở Công Thương TP cho biết đã làm việc với đại diện các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi quy mô lớn trên địa bàn thành phố như Saigon Co.op, Satra, Vinmart, Lotte Mart, Big.C, AEON Mall… Các đơn vị này khẳng định, lượng hàng hóa rất dồi dào, đủ khả năng cung cấp liên tục và đầy đủ từ 2-3 tháng cho thị trường thành phố. Đó là nội dung được đăng tải trên báo Lao Động.

Tại Siêu thị Co.opmart trên đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3), các kệ hàng khăn giấy, đồ hộp, mì gói luôn đầy ắp.
Tại Siêu thị Co.opmart trên đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3), các kệ hàng khăn giấy, đồ hộp, mì gói luôn đầy ắp.

Chị Hoàng Ngọc Vy (quận 3) cho biết mình đi siêu thị cuối tuần chứ không phải là vì lo lắng về dịch. “Tôi thấy siêu thị nay đông hơn thường lệ, cũng hỏi chuyện qua lại mấy người quen. Họ cũng như tôi, không phải đi mua đồ tích trữ vì hàng hóa lúc nào cũng nhiều“.

Thông tin từ Liên hiệp HTX Thương mại TP. Hồ Chí Minh, tại các Co.opmart TP, sức mua tăng từ 30 – 40% so với ngày bình thường vì lý do 2 ngày cuối tuần nên người dân tập trung mua sắm cho cả tuần kế tiếp. Hàng hóa luôn đầy ắp, không trống quầy. Hệ thống cũng không ghi nhận tình trạng thu gom, đầu cơ.

Ghị nhận tài một siêu thị trên đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận), do người dân mua sắm đông nên có thời điểm các quầy kệ trống. Tuy nhiên, nhân viên nhanh chóng bổ sung hàng hóa lên kệ để người dân mua sắm.

Sở Công thương TP kêu gọi người dân không nên tích trữ hàng hóa trong thời điểm hiện nay, gây tâm lý hoang mang, xáo trộn thị trường.

Giả người lao động để trộm ở vùng ven

Báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh đưa tin: Gần đây, trên địa bàn quận 9, quận Thủ Đức có chuyện kẻ trộm giả làm tài xế xe ôm, bán vé số hoặc đến các cửa hàng mua hàng rồi lợi dụng sơ hở để trộm.

Anh LQH, ngụ tại một dãy trọ trên đường 182, phường Tăng Nhơn Phú A, kể: Sáng 5/3, bạn của anh ra khỏi phòng trọ đi làm và khép hờ cửa. Khi anh thức giấc thì không thấy chiếc điện thoại đâu. “Khi xem lại camera an ninh dãy trọ, tôi mới biết thời gian trên có một người đàn ông khoảng 35 đến 40 tuổi cầm cọc vé số đã vào phòng trọ rồi rời đi” - H. nói.

Camera ghi cảnh người đàn ông tay cầm vé số vào phòng trọ trộm điện thoại (ảnh lớn) và cảnh vờ mua hàng để lấy sữa (ảnh nhỏ). (Ảnh cắt từ clip người dân cung cấp)
Camera ghi cảnh người đàn ông tay cầm vé số vào phòng trọ trộm điện thoại (ảnh lớn) và cảnh vờ mua hàng để lấy sữa (ảnh nhỏ). (Ảnh cắt từ clip người dân cung cấp)

Trước đó, sáng 3/3, camera cũng ghi lại người đàn ông này cầm cọc vé số đến một phòng đang khép hờ cửa trong dãy trọ trên đường Tây Hòa (phường Phước Long A, quận 9). Sau một hồi quan sát, người này đã đi vào bên trong lấy trộm điện thoại rồi nhanh chóng rời khỏi khu vực.

Cũng với cách tương tự, sáng 20/2, người này đã vào một phòng trọ khép hờ cửa trên đường 147 (phường Phước Long B) trộm ví tiền và điện thoại của dân.

Sáng 21/2, camera của một cửa hàng ghi lại cảnh hai phụ nữ dừng xe máy đối diện một quán nước trên đường Lê Văn Việt (phường Tăng Nhơn Phú B). Sau đó, người ngồi sau xuống xe, đi vào quán mua nước, vờ yêu cầu nhân viên rửa ly nhựa và nhanh tay lấy chiếc iPhone bỏ vào túi quần... Hành vi này đã bị camera an ninh ghi lại.

Còn ở quận Thủ Đức, camera cũng ghi cảnh một thanh niên mặc áo tài xế xe ôm công nghệ vờ hỏi đường nhân viên quán nước để đồng phạm trộm xe máy trên đường Lê Quý Đôn, phường Bình Thọ.

Theo người dân, những vụ trộm trên, dù hình ảnh camera ghi lại đầy đủ nhưng họ không trình báo cơ quan chức năng vì ngại phiền phức, giá trị tài sản không quá lớn. Vì điều này mà những kẻ trộm có cơ hội, cứ liên tục ra tay.

Công khai thông tin các dự án BĐS giúp người dân tránh bị lừa

Báo Lao Động đưa tin: Nhằm ngăn chặn tình trạng chuyển quyền sử dụng đất tại các dự án nhà ở sai phép, không phép trên địa bàn, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư công khai thông tin các quyết định pháp lý về đầu tư và sử dụng đất của các dự án kinh doanh nhà ở. 

Địa ốc Alibaba từng rao bán hàng loạt dự án “ma” khiến hàng nghìn người dân lao đao. Ảnh: LĐO.
Địa ốc Alibaba từng rao bán hàng loạt dự án “ma” khiến hàng nghìn người dân lao đao. Ảnh: LĐO.

Đồng thời các sở, ngành cần công khai thông tin ngay tại trụ sở cơ quan và trên Cổng thông tin điện tử về những dự án đủ điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bán nhà ở, dự án đủ điều kiện kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai.

Bên cạnh đó, các dự án nhà ở đã được phê duyệt nhưng có vi phạm về luật đất đai, không đủ điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhà ở cũng phải được nêu tên công khai.

Đối với các đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đã được phê duyệt, UBND thành phố giao Sở Quy hoạch-Kiến trúc và UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm công bố minh bạch rõ ràng. Trong đó, cần lưu ý thông tin cho người dân những dự án kinh doanh nhà ở đã duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng.

Từ đó, giúp người dân tránh được tình cảnh bị lừa khi mua nhà hoặc đất ở tại các dự án có pháp lý chưa rõ ràng dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện như trong thời gian gần đây.

Bác Ban, “máy thở” của phường!

Mỗi sáng, đạp xe vòng hết các ngóc ngách trong phố nhỏ, ông Vũ Kim Ban (75 tuổi, bác sĩ về hưu, ở phường Tân Thuận Đông, quận 7) đi “cập nhật” sức khỏe người dân nghèo hay bất cứ ai bị đau ốm.

Đến khi nắm được hết tình hình như ông Quân, bà Thi, cháu Lan đêm qua không sốt, ngủ được…, ông mới yên tâm quay xe ra về. Với tấm lòng chân thành, thầm lặng giúp đỡ, tận tụy với sức khỏe người nghèo ngay cả khi tuổi đã cao, hàng chục năm qua ông Ban được mọi người ví như một “máy thở” của phường.

Ông Ban từng là bác sĩ đa khoa của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định. Sau khi về hưu, ông cùng gia đình vào Nam sinh sống và dự định mở phòng mạch cho bận rộn tay chân khi về già. Nhưng kế hoạch dang dở, nhường lại cho câu chuyện mà đến giờ với ông, nó là “liều thuốc” cho cuộc sống.

“Khi về đây, gần Khu chế xuất Tân Thuận, tôi thấy lượng công nhân rất nhiều. Mà công nhân toàn các tỉnh xa đổ về, tha phương cầu thực. Lúc đó bà con khu phố còn nhiều người nghèo lắm, không có bảo hiểm y tế, trạm y tế thì xập xệ, đi khám bên ngoài thì tiền nhiều, chưa kể thuốc thang. Thế là tôi mở phòng khám kê đơn tại nhà, thời gian đầu lấy một nửa tiền, nhưng về sau là miễn phí” – ông Ban kể lại.

Chẳng mấy chốc tiếng lành đồn xa. Những công nhân nghèo, bà con nghèo trong khu phố, ở các nơi hễ có bệnh là tìm đến. Vì mỗi ngày một đông, ông Ban sáng lập câu lạc bộ thầy thuốc, tập hợp những người làm nghề y về hưu, tình nguyện chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân nghèo…

(Theo báo Tuổi Trẻ).

Vân Anh - Thanh Hà

Tin cùng chuyên mục