Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 09/6/2020

10:45 09/06/2020

Trung tâm Báo chí tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TP. Hồ Chí Minh trên các báo ra ngày 09/6/2020:

Trường học có thể vận động quỹ chăm sóc cây xanh

Báo Sài Gòn Giải Phóng cho hay, báo này nhận được phản ánh của nhiều phụ huynh các trường tiểu học và THCS trên địa bàn TP về việc các trường in thư ngỏ, vận động phụ huynh đóng tiền thực hiện quỹ chăm sóc cây xanh trong nhà trường. Hoạt động tuy không mang tính chất bắt buộc, thực hiện dựa trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh, nhưng không tránh khỏi gây băn khoăn cho phụ huynh. 

Hình minh họa
Hình minh họa

Ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP. Hồ Chí Minh, cho biết, theo quy định, hiệu trưởng chịu trách nhiệm quản lý chung, toàn diện trong nhà trường, trong đó có vấn đề bảo quản và chăm sóc cây xanh trong trường học. Tùy vào điều kiện thực tế, từng trường có thể thuê nhân sự chuyên trách hoặc hợp đồng với các đơn vị có chức năng thực hiện việc chăm sóc cây xanh. Tất cả kinh phí được thực hiện từ nguồn khoán của mỗi đơn vị. Những nội dung này đã có trong các văn bản chỉ đạo cụ thể của Sở GD-ĐT TP.

Song trên thực tế, vào một số thời điểm, khoản kinh phí này có thể tăng cao. Do đó, các trường có thể vận động nguồn kinh phí tài trợ để thực hiện nhưng phải đảm bảo công khai và đúng quy định.

Ngoài ra, ông Lê Hoài Nam cũng cho biết, Sở GD-ĐT đã tiếp tục nhắc nhở các đơn vị, trường học cần lưu ý khi tỉa cành, hạ độ cao cây xanh, nhất là trong trường hợp phải đốn hạ cây phải có ý kiến của đơn vị chuyên trách thuộc Sở Xây dựng TP. 

Kiến nghị sớm triển khai dự án Vành đai 3, Vành đai 4

Thông tin từ báo Người Lao Động, UBND TP. Hồ Chí Minh vừa có công văn khẩn, kiến nghị Bộ Giao thông vận tải (GTVT) sớm triển khai dự án Vành đai 3, Vành đai 4 với tổng mức đầu tư hơn 154.000 tỉ đồng để giảm ùn tắc và phát triển kinh tế.

Theo nội dung công văn, UBND TP kiến nghị Bộ GTVT tập trung đẩy nhanh các thủ tục, tiến độ đầu tư hoàn thành các dự án khép kín Vành đai 3 trong giai đoạn 2020-2025. Cụ thể, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng dự án thành phần 1A sau khi Hiệp định vay được ký kết. Đối với dự án thành phần 1B được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT cần đẩy nhanh tiến độ lựa chọn nhà đầu tư, sớm triển khai khởi công dự án. 

Sơ đồ quy hoạch các tuyến vành đai của TP HCM (đường viền đỏ ngoài cùng là đường vành đai 4, tiếp đó là Vành đai 3).
Sơ đồ quy hoạch các tuyến vành đai của TP HCM (đường viền đỏ ngoài cùng là đường vành đai 4, tiếp đó là Vành đai 3).

Đối với các đoạn còn lại, Bộ GTVT báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm, sớm phê duyệt chủ trương thực hiện dự án sử dụng vốn ODA theo đề xuất của Tổng Công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án Hạ tầng giao thông Cửu Long đề có cơ sở triển khai các bước tiếp theo.

Ngoài ra, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ quan tâm, chỉ đạo các Bộ, ngành xem xét, đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác chuẩn bị đầu tư đối với các đoạn tuyến thuộc Vành đai 4. Trong giai đoạn 2020-2025, cần thông qua chủ trương đầu tư để có cơ sở xác định ranh giải phóng mặt bằng, xác định nguồn vốn đầu tư, kêu gọi đầu tư và triển khai xây dựng trong giai đoạn sau năm 2025.

Động thái này được UBND TP đưa ra do 2 dự án đã được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch gần 10 năm trước nhưng đến nay tuyến Vành đai 3 mới làm được một đoạn ngắn (16 km), còn tuyến Vành đai 4 thì "án binh bất động".

Theo UBND TP, sau khi hoàn thành, Vành đai 3 sẽ kết nối Quốc lộ 1, Quốc lộ 22 với các tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành; TP. Hồ Chí Minh – Trung Lương; TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây; TP. Hồ Chí Minh – Mộc Bài. Việc này giúp liên kết vùng, rút ngắn thời gian đi lại giữa các tỉnh, hạn chế xe vào trung tâm TP, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường.

Vành đai 4 cũng có vai trò thúc đẩy tính kết nối liên vùng (trong đó có kết nối đến Khu đô thị cảng Hiệp Phước) giúp phát triển kinh tế, xã hội của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Đồng bằng sông Cửu Long.

Đẩy nhanh tiến độ rà soát, khai thác quỹ đất dọc tuyến metro 1

Báo Pháp Luật TP đưa tin: Văn phòng UBND TP vừa có văn bản thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan về nghiên cứu phương án khai thác quỹ đất dọc theo các tuyến cao tốc, vành đai, đường sắt đô thị.

Theo đó, việc nghiên cứu đề xuất phương án khai thác hiệu quả quỹ đất dọc theo các tuyến cao tốc, vành đai, đường sắt đô thị trên địa bàn TP đã được UBND TP giao nhiệm vụ cho các sở, ngành thực hiện từ tháng 6/2019. Tuy nhiên, đến nay các sở, ngành vẫn chưa thực hiện xong.

Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên)
Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên)

Vì vậy, trước mắt, đế đẩy nhanh tiến độ thực hiện khai thác hiệu quả các quỹ đất dọc tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), tăng nguồn vốn ngân sách cho TP, phát huy hiệu quả đầu tư, góp phần nâng cấp chỉnh trang đô thị, UBND TP giao Sở Quy hoạch và Kiến trúc ( QH-KT) khẩn trương thành lập Tổ Công tác để thực hiện công việc này.

Tổ Công tác do Giám đốc Sở QH-KT làm tổ trưởng. Thành viên Tổ Công tác gồm lãnh đạo Sở TN&MT, Sở KH&ĐT, UBND quận 2, UBND quận 9, UBND quận Bình Thạnh và UBND quận Thủ Đức.

Nhiệm vụ của Tổ Công tác là rà soát, xác định ranh các quỹ đất xung quanh các nhà ga dọc tuyến metro số 1, trong phạm vi bán kính từ 500m - 800m; khảo sát thực tế, đánh giá hiện trạng sử dụng đất, tình hình thực hiện các dự án đầu tư hiện nay. Đồng thời, Tổ Công tác lập danh mục quỹ đất, trong đó xác định cụ thể diện tích, pháp lý từng khu đất (hình thức, mục đích, thời hạn sử dụng đất từng khu đất...); từ đó, đề xuất giải pháp quy hoạch, chức năng sử dụng đất, xác định chỉ tiêu quy hoạch - kiến trúc cho từng khu đất, đề xuất điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết tại khu vực có liên quan, đề xuất kế hoạch, lộ trình thực hiện trong thời gian tới.

UBND TP cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu đề xuất chính sách đầu tư đối với các quỹ đất nêu trên (kể cả phương án xã hội hóa), nhằm khai thác hiệu quả tối đa quỹ đất dọc tuyến metro số 1, tăng nguồn vốn ngân sách cho thành phố, báo cáo cho Tổ Công tác.

Ủng hộ đặt lại tên đường Lê Văn Duyệt 

Theo báo Tuổi Trẻ, Ban quý tế lăng Ông Bà Chiểu TP.Hồ Chí Minh đề xuất đặt lại tên đường đức Tả quân Lê Văn Duyệt trên đoạn đường Đinh Tiên Hoàng từ cầu Bông đến đường Phan Đăng Lưu.

Hiện ý tưởng này được lãnh đạo TP đồng thuận và UBND quận Bình Thạnh đang tổ chức lấy ý kiến người dân nơi có tuyến đường đi qua.

Góc đường Đinh Tiên Hoàng sẽ được đặt lại tên Lê Văn Duyệt, bên trái là lăng đức Tả quân Lê Văn Duyệt (lăng Ông Bà Chiểu), Q.Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.
Góc đường Đinh Tiên Hoàng sẽ được đặt lại tên Lê Văn Duyệt, bên trái là lăng đức Tả quân Lê Văn Duyệt (lăng Ông Bà Chiểu), Q.Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Theo ông Trần Văn Sung (phó ban quản lý, trưởng ban quý tế lăng đức Tả quân Lê Văn Duyệt), hầu hết người dân trên tuyến đường dự định đặt tên Lê Văn Duyệt đều đồng ý với sự thay đổi này.

Đồng thuận với ý kiến trên, TS Nguyễn Thị Hậu cho rằng: "Tên đường phố phản ánh lịch sử - văn hóa của quốc gia nói chung và của TP ấy nói riêng, bao gồm các yếu tố đặc trưng của địa lý tự nhiên, tên nhân vật, sự kiện lịch sử, văn hóa... Việc đặt tên đường phản ánh chính quyền đô thị đã góp phần bảo tồn di sản lịch sử - văn hóa như thế nào".

Còn nhà nghiên cứu lão thành Nguyễn Đình Tư nhận xét rằng chính quyền đặt lại tên đường Lê Văn Duyệt là việc làm đúng. “Bây giờ có quan điểm nhìn lại lịch sử một cách khách quan và công tâm hơn, vậy thì nhân vật Lê Văn Duyệt là người rất xứng đáng được đặt tên cho một con đường của TP" - ông Nguyễn Đình Tư khẳng định.

Theo ông Trần Văn Sung, trong bản đề xuất đặt lại tên đường Lê Văn Duyệt có nêu 5 lý do, trong đó đáng chú ý là lý do nêu nghệ thuật đặt tên cần chú ý xếp đặt theo cụm tên đường có điểm chung để người dân dễ nhớ: Ở khu vực xung quanh chợ Bà Chiểu có các đường mang tên vị quan trong triều Nguyễn như: Lê Quang Định, Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Võ Trường Toản, Bùi Hữu Nghĩa... Việc đặt lại tên đường Lê Văn Duyệt tại nơi đây là rất khoa học, tạo thành một cụm để người dân dễ nhớ, dễ truy tìm.

Theo ông Hoàng Nghị - Trưởng Phòng di sản Sở Văn hóa và thể thao TP.Hồ Chí Minh, thành viên Hội đồng đặt, đổi tên đường, sau khi quận Bình Thạnh tổ chức lấy ý kiến người dân nơi tuyến đường đi qua, hội đồng sẽ tập hợp lại, làm văn bản bao gồm cả bản vẽ tuyến đường, vị trí giới hạn điểm đầu điểm cuối... rồi gửi về Sở Văn hóa và Thể thao.

Sở sẽ trình sang Ủy ban, rồi Hội đồng đặt, đổi tên đường sẽ xem xét, sau đó báo cáo UBND TP xem xét và trình HĐND TP. Nếu HĐND TP thông qua thì UBND TP sẽ ra quyết định đặt tên đường theo đúng quy trình của nghị định 91 của Thủ tướng Chính phủ.

Hơn 1.200 doanh nghiệp tham gia "60 ngày vàng khuyến mãi"

Thông tin từ Sở Công Thương TP cho biết từ đầu tháng 6 đến nay, đã có 1.242 doanh nghiệp trên địa bàn đăng ký tham gia 1.745 chương trình trong "60 ngày vàng khuyến mãi" do sở phát động, tổ chức. Tổng giá trị hàng hóa khuyến mãi lên đến 146 tỉ đồng – Theo Báo Người Lao Động.

Danh mục sản phẩm khuyến mãi do các doanh nghiệp đăng ký rất đa dạng, trong đó hàng hóa thuộc lĩnh vực thời trang, mỹ phẩm, điện tử - điện máy, hàng tiêu dùng tổng hợp… chiếm tỉ lệ nhiều nhất.

Nhiều siêu thị điện máy trên địa bàn TP HCM đã đăng ký tham gia “60 ngày vàng khuyến mãi” Ảnh: TẤN THẠNH
Nhiều siêu thị điện máy trên địa bàn TP HCM đã đăng ký tham gia “60 ngày vàng khuyến mãi” Ảnh: TẤN THẠNH

Đến thời điểm này, mức khuyến mãi cao nhất được doanh nghiệp đăng ký là 50%; chưa có đơn vị nào đăng ký giảm "sốc" 100% giá trị hàng hóa, dịch vụ như quy định của chương trình. Nguyên nhân, theo một số doanh nghiệp bán lẻ hàng điện tử, điện máy lớn, "60 ngày vàng khuyến mãi" kéo dài đến ngày 30/7 nên họ cân nhắc phân bổ gói chương trình và sẽ tổ chức siêu khuyến mãi trong thời gian thích hợp.

"60 ngày vàng khuyến mãi" trong tháng 6 và 7/2020 lần đầu tiên được TP. Hồ Chí Minh phát động tổ chức trong bối cảnh sức mua thị trường còn yếu, doanh nghiệp nhiều ngành nghề, lĩnh vực vướng tồn kho nhiều. Hoạt động khuyến mãi tập trung, kéo dài hy vọng góp phần vào mục đích kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn TP đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, giải quyết hàng tồn kho để nhanh chóng bước vào giai đoạn phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch Covid-19.

TP.Hồ Chí Minh có khu chăm sóc sức khỏe sinh sản mới gần 350 tỉ đồng

Ngày 8/6, Bệnh viện (BV) Hùng Vương (TP.Hồ Chí Minh) đã đưa vào sử dụng khu tòa nhà Bách Hợp thuộc dự án xây dựng BV giai đoạn 2, tổng mức đầu tư gần 350 tỉ đồng. Nội dung đăng tải trên báo Pháp Luật TP.

Tòa nhà Bách Hợp của Bệnh viện Hùng Vương mới khánh thành. Ảnh: THIÊN CHƯƠNG
Tòa nhà Bách Hợp của Bệnh viện Hùng Vương mới khánh thành. Ảnh: THIÊN CHƯƠNG

Tòa nhà được trang bị hệ thống xét nghiệm hoàn toàn tự động hiện đại, khu vực phẫu thuật với hệ thống vô trùng đạt tiêu chuẩn quốc tế, khu vực khám ngoại trú sản phụ khoa, kế hoạch hóa gia đình, nhi... khang trang, tiện nghi.

Tòa nhà Bách Hợp tọa lạc ở khoa Hiếm muộn của BV, đạt tiêu chuẩn công nhận chứng chỉ quốc tế RTAC. Khu vực nội trú dành cho bệnh nhân sau sinh, sau phẫu thuật đầy đủ phòng ốc đảm bảo tính riêng tư, sạch sẽ, hiện đại.

TS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc BV Hùng Vương, cho biết tòa nhà Bách Hợp sau khi đưa vào sử dụng đã giải quyết cơ bản tình trạng quá tải BV cũng như giảm hẳn tình trạng 2 bệnh nhân/giường, không có tình trạng bệnh nhân nằm giường hành lang. Thời gian chờ khám bệnh cũng được rút ngắn đáng kể.

Khu khám bệnh hiện đại với hệ thống đăng ký khám bệnh tự động. Ảnh: HL
Khu khám bệnh hiện đại với hệ thống đăng ký khám bệnh tự động. Ảnh: HL

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở y tế TP đánh giá đây là công trình BV hiện đại được xây dựng theo hướng tiếp cận mới, tác động tích cực đến thời gian phục hồi của người bệnh, đồng thời tạo môi trường làm việc tốt cho nhân viên y tế. Sau khi dự án hoàn thành, người dân sẽ được tiếp cận những dịch vụ y tế chất lượng cao.

Khu xét nghiệm với hệ thống xét nghiệm hoàn toàn tự động. Ảnh: HL
Khu xét nghiệm với hệ thống xét nghiệm hoàn toàn tự động. Ảnh: HL
Phòng sản phụ một người yên tĩnh, riêng tư . Ảnh: HL
Phòng sản phụ một người yên tĩnh, riêng tư . Ảnh: HL

Vân Anh

Tin cùng chuyên mục