Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 09/9/2020

10:16 09/09/2020

Trung tâm Báo chí tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TP. Hồ Chí Minh trên các báo ra ngày 09/9/2020:

Vi phạm xây dựng giảm hơn 77%

Theo báo Sài Gòn Giải Phóng, Sở Xây dựng TPHCM cho biết, 8 tháng đầu năm 2020, tổng số công trình vi phạm về trật tự xây dựng (TTXD) trên địa bàn là 504 công trình.

Cụ thể, sai phép 211 trường hợp, chiếm 42% tổng số vi phạm; không phép 293 trường hợp, chiếm 58% tổng số vi phạm. Bình quân số vụ vi phạm là 1,9 vụ/ngày; so với 6 tháng đầu năm 2019 là 8,5 vụ/ngày (thời điểm trước khi ban hành Chỉ thị 23/2019 của Ban Thường vụ Thành ủy TP về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về TTXD trên địa bàn TPHCM), tỷ lệ vi phạm giảm 77,2%.

Cưỡng chế công trình không phép ở phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TPHCM
Cưỡng chế công trình không phép ở phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TPHCM

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 23, Sở Xây dựng và các sở ngành, UBND các quận huyện tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ: tham mưu UBND TPHCM điều chỉnh cục bộ một số nội dung của quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị chung TP và quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị khu vực, đảm bảo đúng quy định pháp luật; hướng dẫn UBND các quận huyện rà soát quy hoạch, xác định địa bàn trọng điểm mà quy hoạch cũ không còn phù hợp với tình hình phát triển của địa phương để điều chỉnh và định hướng phát triển cho phù hợp; xử lý nghiêm cán bộ, công chức có vi phạm trong hoạt động công vụ; tăng cường lực lượng thực hiện quản lý Nhà nước về TTXD tại các địa bàn phức tạp, nâng cao năng lực quản lý TTXD trên địa bàn TP...

Học phí đại học tăng đến đâu?

Câu chuyện học phí một lần nữa 'nóng' vào đầu năm học khi mới đây một trường đại học tư thục đột ngột thông báo tăng học phí khóa tuyển sinh năm nay lên 35%. Trong khi đó, học phí nhiều trường công năm nay tăng ngang ngửa trường tư. Báo Thanh Niên đưa tin.

Những ngày vừa qua, việc tăng học phí lên cao và bất ngờ của Trường ĐH Văn Lang khiến các tân sinh viên (SV) phản ứng. Cụ thể, theo hướng dẫn học phí dành cho khóa 26 của trường mới công bố, tất cả các ngành và chương trình đào tạo đều tăng so với khóa 25.

Mức học phí mới dao động từ 1.070.000 - 4.480.000 đồng/tín chỉ (tùy ngành); có ngành tăng lên gần 35%. Các tân SV cho biết trước đó không biết thông tin này. Chỉ đến ngày 31/8, khi đã có kết quả trúng tuyển bằng học bạ thì trường mới thông báo.

Phụ huynh và thí sinh tìm hiểu xét tuyển vào Trường ĐH Văn Lang. Ảnh: Khả Hòa
Phụ huynh và thí sinh tìm hiểu xét tuyển vào Trường ĐH Văn Lang. Ảnh: Khả Hòa

Không chỉ ở các trường tư, học phí ở các trường công tự chủ cũng cao gấp nhiều lần so với khi chưa tự chủ. Nếu như trước đây học phí ĐH công lập chỉ được thu theo một mức trần được quy định tại Nghị định Chính phủ, thì trong năm học mới này sẽ có nhiều mức thu khác nhau. Có những trường công học phí mỗi năm học lên tới hàng chục triệu đồng.

Năm nay, Trường ĐH Y Dược TP.HCM công bố chuyển sang mô hình tự chủ với mức học phí tăng mạnh cho SV khóa mới. Theo đề án tuyển sinh, mức thu dự kiến của trường từ 30 - 70 triệu đồng/năm, tùy khối ngành cho SV trúng tuyển khóa 2020 (tăng hơn 2 - 5 lần so với năm học trước đó).

Theo mức học phí chính thức Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM đã công bố, SV khóa mới phải nộp 41 triệu đồng/năm (khối kinh tế) và 45 triệu đồng/năm (khối công nghệ). So với mức trần học phí chưa tự chủ, mức thu này của trường cao gấp trên dưới 4 lần. Các khóa tuyển sinh trước đó mức thu từ 35,7 - 41 triệu đồng/năm.

Khoa Y (ĐH Quốc gia TP.HCM) hiện đã chuyển sang đào tạo chương trình chất lượng cao tất cả các ngành, mức thu từ 60 - 88 triệu đồng/năm. Ngoài ra, học phí ở các trường công lập còn có sự chênh lệch lớn giữa chương trình đại trà với các chương trình đặc biệt. Trong đó, các ngành chất lượng cao, chương trình quốc tế học phí có thể cao hơn chương trình đại trà 4 - 5 lần.

Xin ý kiến Bộ Quốc phòng về Di tích lịch sử địa đạo Củ Chi

Báo Người Lao Động cho hay, UBND TPHCM vừa đề nghị Bộ Quốc phòng có ý kiến thống nhất về chủ trương lập hồ sơ Di tích lịch sử địa đạo Củ Chi để trình UNESCO ghi vào Danh mục Di sản Thế giới.

Trước đó, ngày 25/5/2020, UBND TP đã có Công văn về việc hướng dẫn lập hồ sơ di tích lịch sử địa đạo Củ Chi đệ trình UNESCO ghi vào Danh mục Di sản Thế giới gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Di tích lịch sử địa đạo Củ Chi (huyện Củ Chi) được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt vào cuối năm 2015 với những giá trị nổi bật về lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ và tính sáng tạo. Di tích lịch sử địa đạo Củ Chi là một trong những căn cứ cách mạng điển hình và có giá trị lịch sử đặc biệt quan trọng trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc.

Đây cũng là nơi các lực lượng vũ trang và nhân dân sinh sống, trú ẩn, tổ chức trận địa chiến đấu đánh địch giành nhiều thắng lợi vẻ vang trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (từ năm 1961-1975).

Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba Miguel Diaz Canel cùng phu nhân tham quan địa đạo Củ Chi hồi tháng 11-2018 (Ảnh: Hoàng Triều)
Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba Miguel Diaz Canel cùng phu nhân tham quan địa đạo Củ Chi hồi tháng 11-2018 (Ảnh: Hoàng Triều)

Ngoài ra, Di tích lịch sử địa đạo Củ Chi là một công trình khoa học quân sự còn được bảo tồn tốt. Đó là một hệ thống đường hầm nhân tạo trong lòng đất với cấu trúc 2 đến 3 tầng ăn thông với nhau với chiều dài khoảng hơn 200 km, được xây dựng một cách tinh vi, phức tạp, bí ẩn, có đầy đủ chức năng để sinh sống và chiến đấu, chống lại các phương tiện chiến tranh hiện đại lúc bấy giờ. Đây là chứng tích lịch sử tiêu biểu cho sức mạnh chiến tranh du kích và chiến tranh nhân dân; là một minh chứng cụ thể về sự sáng tạo, độc đáo của chiến tranh nhân dân Việt Nam.

Ngày nay, di tích lịch sử địa đạo Củ Chi có ý nghĩa quan trọng trong giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa, trong truyền bá kiến thức quân sự, khoa học kiến trúc... Và là một trong những địa điểm tham quan, du lịch hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế.

Với những giá trị nổi bật như trên, di tích lịch sử địa đạo Củ Chi đáp ứng một số tiêu chí có Giá trị Nổi bật Toàn cầu, tính toàn vẹn và tính xác thực theo Hướng dẫn thực hiện Công ước Di sản Thế giới của UNESCO.

Cần 21.000 tỉ đồng phát triển giao thông đường thủy

Thông tin từ báo Pháp Luật TP, Sở GTVT TP vừa có báo cáo gửi Cục Đường thủy nội địa cung cấp số liệu, dữ liệu phục vụ lập Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Sở GTVT cho biết, trong 30 năm tới Thành phố cần hơn 21.000 tỉ đồng đầu tư nhằm phát huy lợi thế 110 tuyến sông, rạch với tổng chiều dài 1.000 km. Theo kế hoạch giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Sở GTVT sẽ tập trung vào đầu tư luồng tuyến giao thông đường thủy nội địa kết nối đến cảng biển.

Cụ thể, ba hướng liên kết mới gồm: bốn tuyến từ nội thành đến cảng Hiệp Phước, huyện Nhà Bè; ba tuyến kết nối khu Đông TP tới cảng Cát Lái, quận 2 và hai tuyến cảng vành đai. Song song đó, Sở cũng sẽ tập trung phát triển ngành dịch vụ logistics trên địa bàn TP với các trung tâm logistics như sau: Trung tâm logistics Long Bình, Cát Lái, Linh Trung, Khu công nghệ cao, Tân Kiên, Củ Chi, Hiệp Phước.

Nhiều người dân lựa chọn đến TP Vũng Tàu bằng tàu cao tốc TP.HCM - Vũng Tàu. Ảnh: ĐÀO TRANG
Nhiều người dân lựa chọn đến TP Vũng Tàu bằng tàu cao tốc TP.HCM - Vũng Tàu. Ảnh: ĐÀO TRANG

Ngoài ra, TP cũng tập trung ưu tiên đầu tư cảng thủy nội địa - cảng cạn theo đúng quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT đã phê duyệt.

Đồng thời, nhằm tăng kết nối vùng, TP.HCM và các tỉnh Đông Nam bộ, Sở GTVT sẽ thông qua năm tuyến đường thủy nội địa gồm: Sài Gòn - Mộc Hóa (sông Vàm Cỏ Tây), Sài Gòn - Hiếu Liêm (sông Đồng Nai), Sài Gòn - Thị Vải, Sài Gòn - Bến Súc, Sài Gòn - Bến Kéo (sông Vàm Cỏ Đông).

Hướng về các tỉnh Tây Nam bộ cũng có năm tuyến: Duyên hải Sài Gòn - Cà Mau và tuyến ven biển từ TP.HCM đến Kiên Giang, Sài Gòn - Hà Tiên, Sài Gòn - Kiên Lương, Sài Gòn - Cà Mau.

 

Cấp phép mới được chặt hạ cây xanh ở các dự án

Báo Tiền Phong cho hay, nhằm góp phần giữ gìn bảo vệ cây xanh, ngày 8/9, UBND TPHCM đã ban hành hướng dẫn các chủ đầu tư về trình tự thực hiện phương án xử lý đối với các dự án, công trình có ảnh hưởng đến cây xanh hiện hữu trên địa bàn thành phố.

Theo đó, tất cả các dự án, công trình ngay từ bước lập dự án, phải được khảo sát hệ thống cây xanh hiện hữu xung quanh công trình và đề xuất giải pháp, phương án thiết kế phù hợp để hạn chế di dời, đốn hạ cây xanh. Đặc biệt là các cây cổ thụ, cây bảo tồn, cây có giá trị về văn hóa lịch sử.

Trình tự thủ tục gồm 3 bước, bao gồm xây dựng phương án xử lý cây xanh bị ảnh hưởng bởi dự án; chủ đầu tư trình thông qua phương án xử lý cây xanh; sau đó cấp phép di dời, chặt hạ, trồng lại cây xanh.

Ảnh minh họa. 
Ảnh minh họa. 

Đối với trường hợp dự án đã được thông qua phương án xử lý cây xanh ở bước lập dự án trước khi ban hành hướng dẫn này thì chủ đầu tư tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo. Trường hợp chưa thỏa thuận phương án xử lý cây xanh thì thực hiện theo trình tự, thẩm quyền của quy định này.

Đối với các dự án đã phê duyệt phương án xử lý cây xanh nhưng có phát sinh cây xanh trong quá trình thực hiện, đơn vị hoặc cá nhân trồng bổ sung cây xanh sẽ phải tự thực hiện di dời cây xanh phù hợp với tiến độ của dự án.

Đối với các dự án không thực hiện đúng theo trình tự của hướng dẫn này, chủ đầu tư có trách nhiệm báo cáo với người quyết định đầu tư trình UBND TP có ý kiến trước khi triển khai các bước tiếp theo.

UBND TP giao Sở Xây dựng là cơ quan đầu mối tiếp nhận, tham mưu phương án xử lý cây xanh đối với nhóm, loại cây xanh thuộc thẩm quyền quyết định của UBND TP.

Bắt băng nhóm chuyên dàn cảnh va quẹt để trộm cắp tài sản

Báo Sài Gòn Giải Phóng đưa tin, Phòng Cảnh sát hình sự (PC02), Công an TPHCM vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam với 5 đối tượng trong băng nhóm chuyên dàn cảnh va quẹt để trộm cắp tài sản.

Nhóm đối tượng bị khởi tố gồm: Trần Viết Vinh (hay gọi là Thái, SN 1967, ngụ quận 1), Trần Thanh Hùng (hay gọi là Bò, SN 1973, ngụ tỉnh Bình Phước), Nguyễn Thị Ngọc Thơm (SN 1988, ngụ quận 2), Đỗ Thanh Sơn (hay gọi là Sơn Lọ, SN 1979), Nguyễn Hoài Ân (hay gọi là Nhóc, SN 1986, cùng ngụ quận 4) về hành vi “Trộm cắp tài sản”.

Phương tiện gây án
Phương tiện gây án

Trước đó, qua công tác điều tra nắm địa bàn, trinh sát PC02 phát hiện 1 băng nhóm có dấu hiệu dàn cảnh va quẹt trên đường để thực hiện hành vi trộm cắp tài sản nên đeo bám củng cố hồ sơ triệt phá.

Ngày 4/9, nhóm này gồm: Vinh, Hùng, Thơm, Sơn, Ân dàn cảnh va quẹt với người dân ở giao lộ Nguyễn Trãi – Ngô Quyền, quận 5 để trộm cắp tài sản thì trinh sát PC02 phát hiện nên khống chế đưa về trụ sở.

Tại cơ quan công an, các đối tượng thừa nhận đã thực hiện 6 vụ dàn cảnh va quẹt xe để trộm cắp tài sản trên địa bàn TPHCM từ ngày 13/5 đến nay với tổng số tiền đã lấy trộm được là hơn 220 triệu đồng.

Hiện công an đang điều tra mở rộng vụ án.

Chú trọng ổn định học sinh đầu cấp

Tại TP.HCM, song song với thời khóa biểu năm học mới, thời gian đầu, các trường đều dành nhiều thời gian để ổn định tâm lý cho học sinh (HS) đầu cấp. Nội dung trên báo Giáo dục TP.

Buổi học đầu tiên trong năm học mới của cô trò lớp 1/6 Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1) diễn ra trong không khí đầy vui tươi.

Sau tiết chào cờ, sinh hoạt ngay tại lớp, cô Nguyễn Thị Thu Vân (GVCN lớp 1/6) đã cùng 33 HS tham gia hoạt động trải nghiệm với chủ đề “Em và những người bạn”. Mỗi HS đứng lên tự giới thiệu tên, sở thích của mình và làm quen với các bạn, cô giáo. Bước vào từng môn học, các trò chơi tập thể cũng được giáo viên khéo léo đưa vào nhằm thu hút HS.

Song song với các trò chơi, theo các giáo viên, chính tính mở của chương trình mới, SGK mới được đưa vào trong năm học này đã giúp giáo viên thuận lợi hơn trong việc thiết kế các hoạt động ở từng tiết học sao cho “đến gần hơn với HS lớp 1”.

Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1 được giáo viên chú trọng thiết kế nhiều trò chơi trong buổi học đầu năm
Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1 được giáo viên chú trọng thiết kế nhiều trò chơi trong buổi học đầu năm

Tương tự, với đối tượng HS đầu cấp bậc trung học, thời gian đầu của năm học mới cũng được các trường, giáo viên xây dựng phương pháp giáo dục đặc biệt bên cạnh việc giảng dạy kiến thức mới. Ở từng lứa tuổi, lớp học khác nhau, phương pháp này chú trọng đến ổn định tâm lý, làm quen với môi trường học tập mới, môn học mới.

Buổi học đầu tiên của gần 400 HS lớp 6 Trường THCS Bàn Cờ (Q.3) đã diễn ra với nhiều tiếng cười, làm quen bạn bè, giáo viên bộ môn. Cô Nguyễn Thị Thanh Tuyền - Phó Hiệu trưởng nhà trường - cho hay, nhà trường khuyến khích giáo viên, nhất là giáo viên ở các bộ môn mới của bậc THCS thiết kế các trò chơi, hoạt động giảng dạy giúp HS khối 6 dễ dàng làm quen, tiếp cận và yêu thích môn học mới. 

Không chỉ thay đổi môi trường học tập, việc kiểm tra, đánh giá ở bậc THCS cũng sẽ khác tiểu học với nhiều bài kiểm tra hơn bao gồm cả đánh giá hạnh kiểm. Do đó, việc xây dựng ý thức tự giác học tập cho HS khối 6 là điều cực kỳ quan trọng.

Tại quận Thủ Đức, 774 HS khối 10 Trường THPT Thủ Đức cũng có buổi học đầu năm sôi nổi. Thầy Võ Thanh Toàn - Phó Hiệu trưởng nhà trường - chia sẻ, bên cạnh phổ biến các khâu an toàn trong phòng chống dịch bệnh Covid-19 thì buổi học đầu tiên, HS đầu cấp được hướng dẫn sâu hơn về nội quy, phương pháp học tập. 

“Điều cần thiết trong môi trường THPT không phải chỉ có học mà mỗi HS đầu cấp phải xây dựng được kế hoạch học tập, rèn luyện khoa học thì mới có “sức bền” để chạy đường dài theo đuổi ước mơ của mình…”, thầy Toàn nhắn nhủ.

Thêm "Phiên chợ 0 đồng" cho người lao động

Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) quận Tân Phú vừa tiếp tục phối hợp với Chuỗi cửa hàng bách hóa Co.opSmile tổ chức “Phiên chợ 0 đồng” với chủ đề “Nghĩa tình Công đoàn Tân Phú” tại Công ty TNHH Nệm Mousse Liên Á. Thông tin từ báo Lao Động.

Chuỗi cửa hàng bách hóa Co.opSmile sẽ bán các mặt hàng tiêu dùng phổ biến cho người lao động tại doanh nghiệp với mức giá rẻ hơn thị trường ít nhất 15%.

Đoàn viên, người lao động Công ty TNHH Nệm Mousse Liên Á chọn mua hàng. Ảnh Đức Long
Đoàn viên, người lao động Công ty TNHH Nệm Mousse Liên Á chọn mua hàng. Ảnh Đức Long

Dịp này, LĐLĐ quận Tân Phú đã phát phiếu mua hàng (trị giá 130.000 đồng/phiếu) cho gần 300 đoàn viên, người lao động tại công ty với tổng số tiền hơn 36 triệu đồng.

Bà Phạm Ngọc Lan, Chủ tịch LĐLĐ quận Tân Phú, cho biết đây là phiên chợ lần thứ 2 trong chương trình được thực hiện tại 5 doanh nghiệp khác trên địa bàn quận. LĐLĐ Quận Tân Phú sẽ tặng cho 1.500 công nhân phiếu mua hàng có giá trị từ 130.000 đồng đến 150.000 đồng.

Đây là hoạt động thiết thực của tổ chức công đoàn quận Tân Phú nhằm hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng đời sống, việc làm do dịch Covid-19.

Vân Anh - Khang Minh - Huyền Mai

Tin cùng chuyên mục