Thành phố lập đề án không tổ chức HĐND cấp quận và phường
Sở Nội vụ vừa gửi tờ trình lên Chủ tịch UBND Thành phố dự thảo văn bản kiến nghị Chính phủ chấp thuận cho Thành phố xây dựng đề án không tổ chức HĐND cấp quận và phường.
Hiệu quả của việc không tổ chức HĐND cấp quận và phường được Thành phố dẫn chứng từ thời gian thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường giai đoạn 2009 - 2016. Theo đó, vào thời điểm này, Thành phố thí điểm trên diện rộng ở 24 quận, huyện và 259 phường.
Sở Nội vụ đánh giá việc thí điểm này phù hợp với điều kiện thực tế của Thành phố và được người dân đồng tình vì giúp tinh gọn bộ máy, khắc phục sự trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đảm bảo tính thống nhất, thông suốt, nâng cao hiệu quả, hiệu lực của bộ máy hành chính.
Sở Nội vụ TP cũng nhận định, cơ chế chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp bổ nhiệm chủ tịch và các phó chủ tịch, ủy viên UBND cấp dưới là phù hợp, góp phần đảm bảo sự thống nhất giữa cơ quan hành chính cấp trên và cấp dưới trong hệ thống chính quyền địa phương.
Việc này tạo thuận lợi cho cấp ủy và UBND cấp trên lựa chọn, bố trí, điều động, luân chuyển cán bộ và đề cao trách nhiệm của cán bộ được bổ nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân công.
Một lý do khác được Sở Nội vụ TP đưa ra là việc thí điểm không tổ chức HĐND giúp tổ chức chính quyền địa phương gọn nhẹ, góp phần tinh giản biên chế, tiết kiệm phần ngân sách chi cho hoạt động của HĐND quận, phường.
(Theo báo Thanh Niên)
Khuyến khích ngồi nhà nộp hồ sơ hành chính, giảm cước 20%
Báo Sài Gòn Giải Phóng đưa tin: Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TP. Hồ Chí Minh vừa có văn bản gửi các sở, ban, ngành, UBND 24 quận - huyện, Bưu điện TP về việc khuyến nghị người dân tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến nhằm hạn chế việc tiếp xúc nơi đông người trong mùa dịch bệnh Covid-19.
Theo đó, Sở TT&TT TP thực hiện giá cước ưu đãi giảm 20% khi người dân và doanh nghiệp đăng ký dịch vụ công trực tuyến và sử dụng dịch vụ bưu chính công ích của Bưu điện TP trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến tại địa chỉ: https://dichvucong.hochiminhcity.gov.vn/
Người dân, doanh nghiệp có thể gọi đến hotline của Bưu điện (028.38270999) để được hướng dẫn nộp hồ sơ và nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại nhà.
Ủng hộ khai báo y tế toàn dân phòng chống dịch Covid-19
Từ hôm nay 10/3 sẽ thực hiện khai báo y tế toàn dân. Theo đó, sẽ có phần mềm (app) riêng để người dân cài đặt trên điện thoại và vào cung cấp thông tin y tế cá nhân. Các thông tin cơ bản, ngắn gọn về tên, tuổi, địa chỉ, số thẻ bảo hiểm y tế, tình trạng sức khỏe... tình trạng tiếp xúc với người có nghi mắc/mắc Covid-19; việc đi/về nhập cảnh từ vùng có dịch...
Căn cứ trên thông tin được cập nhật, cơ quan y tế tại địa bàn sẽ nắm bắt cơ bản diễn biến sức khỏe cá nhân, kịp thời liên lạc, hỗ trợ theo dõi sức khỏe trong tình huống cần thiết…Thông tin trên được nhiều bạn đọc (BĐ) ủng hộ.
Tại TP. Hồ Chí Minh, BĐ Phạm Hùng cho rằng “Cần phải nhanh tay thôi, phải huy động sức dân trong cuộc chiến chống dịch bệnh này”.
Nhắc lại chuyện “bệnh nhân số 17”, nhiều BĐ cho rằng nếu cô gái ý thức hơn thì mọi người không phải lo lắng như mấy ngày qua. BĐ Nguyên chia sẻ: Không ai trách cô ấy bệnh nhưng họ phê phán việc cô ấy biết mình có khả năng bị nhiễm bệnh nhưng không chủ động trình báo để ảnh hưởng đến quá nhiều người.
Cùng quan điểm, BĐ Hanh Nguyen (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng “phải nhận ra cái sai của mình thì mới sửa sai được”.
Trong khi đó, BĐ Thiên Nguyễn Trọng cho rằng dưới góc nhìn chung, nên coi đây là một bài học để mọi người nâng cao nhận thức về phạm vi mức độ nghiêm trọng. Việc một số người “chửi bới” nặng lời là thiếu sự bao dung cần thiết.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến ngược lại, trong đó BĐ Văn Thanh cho rằng đó là “bài học quá đắt, phải xử lý nghiêm và tuyệt đối không được để xảy ra lần nữa”.
(Theo báo Thanh Niên)
Rà soát camera kiểm tra quy trình phục vụ chuyến bay có nhiễm COVID-19
Theo Vietnamplus, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa có yêu cầu Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất chủ trì phối hợp với các đơn vị rà soát hệ thống camera kiểm tra toàn bộ quy trình đã phục vụ liên quan đến chuyến bay Vietnam Airlines mang số hiệu VN0054 từ London (Anh) đến Nội Bài và chuyến bay VN233 từ Nội Bài vào Tân Sơn Nhất ngày 2/3 có trường hợp dương tính với COVID-19.
Các cán bộ, nhân viên của Cảng (cũng như các đơn vị liên quan khác) có làm việc, tiếp xúc trực tiếp với những hành khách đi trên các chuyến bay này hoặc thực hiện công tác nghiệp vụ liên quan trực tiếp đến chuyến bay (như tài liệu, vệ sinh tàu bay, mở hầm hàng, thủ tục nhập cảnh, kiểm tra hành lý, cầu ống dẫn khách, lái xe, thủ tục, an ninh…) phối hợp khẩn trương với các cơ quan chức năng để thực hiện cách ly theo đúng quy định.
Đối với các Cảng hàng không còn lại phải cập nhật, kiểm tra theo dõi các thông báo của các cơ quan chức năng về những hành khách khi đi qua Cảng thuộc đối tượng có khả năng lây nhiễm COVID-19 (đặc biệt các hành khách liên quan đến chuyến bay VN0054 và VN233), phối hợp với các đơn vị thực hiện các quy trình cách ly theo yêu cầu của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19.
Những khu vực nào có bụi và tiếng ồn vượt mức tiêu chuẩn?
Theo ghi nhận của phóng viên Tuổi Trẻ, nhiều bảng quang báo điện tử về giao thông đặt trên nhiều tuyến đường thành phố đã xuất hiện nhiều dòng chữ đỏ cảnh báo bụi và tiếng ồn vượt mức tiêu chuẩn. Trong thời tiết nắng nóng, tình trạng bụi và tiếng ồn đã làm tăng thêm ô nhiễm môi trường gây khó chịu cho người đi đường.
Từ kết quả quan trắc, một số khu vực có bụi tổng hợp và tiếng ồn vượt mức tiêu chuẩn gồm đường Đinh Tiên Hoàng - Điện Biên Phủ (quận 1 và Bình Thạnh), khu vực ngã sáu Gò Vấp (quận Gò Vấp), khu vực ngã tư An Sương (quận 12, huyện Hóc Môn), khu vực đường Huỳnh Tấn Phát - Nguyễn Văn Linh (quận 7), khu vực Bệnh viện Thống Nhất (quận Tân Bình), khu vực trường Hồng Bàng (quận 5)…
Một số khu vực có bụi tổng hợp nằm trong tiêu chuẩn cho phép nhưng tiếng ồn lại vượt tiêu chuẩn quy định như khu vực công viên cầu Sài Gòn (quận Bình Thạnh), khu vực vòng xoay Quách Thị Trang - phía trước chợ Bến Thành (quận 1), khu vực ngã tư Hàng Xanh...
Một số khu vực được coi là tốt nhất về môi trường được dánh dấu màu xanh như khu vực cư xá Đô Thành (quận 3), khu vực phường Tân Thành (quận Tân Phú), khu vực phường Bình Trưng Tây (quận 2), khu vực phường Thới An (quận 12)…
Về nguyên nhân chính, ông ông Đoàn Văn Tấn - giám đốc Trung tâm quản lý đường hầm sông Sài Gòn và là đơn vị quản lý các bảng quang báo điện tử - cho rằng do lượng xe chạy quá nhiều gây tiếng ồn và bụi, cùng với đó là bụi thải ra từ các đơn vị sản xuất.
Cách theo dõi tình hình giao thông trực tiếp qua điện thoại
Trên chuyên mục Công nghệ của báo Thanh Niên đăng tải nội dung: Trong thời gian qua, một số người dân TP.Hồ Chí Minh đã bắt đầu theo dõi tình hình giao thông qua ứng dụng điện thoại để tránh kẹt xe giờ cao điểm. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết các ứng dụng này và cách sử dụng nó.
Hiện trên kho ứng dụng Google Play có 2 ứng dụng có thể giúp bạn theo dõi tình hình giao thông tại khu vực TP. Hồ Chí Minh qua camera trực tiếp có tên là TTGT TP. Hồ Chí Minh (FPT Technology Solutions) và Camera Giao Thông Sài Gòn (Army Dev), hai ứng dụng này có nhiều điểm tương đồng do trích xuất cùng một nguồn tài nguyên camera giao thông của thành phố.
Tuy nhiên, ứng dụng của FPT phát triển cho Sở Giao thông vận tải TP mang tính chính thức, có nhiều tính năng và giao diện trực quan hơn.
Để sử dụng, bạn đọc có thể dùng thiết bị Android như smartphone hoặc tablet mở kho ứng dụng Google Play và tìm kiếm theo từ khóa “TTGT HCM”, và cài đặt miễn phí để sử dụng cho nhu cầu theo dõi tình hình giao thông hằng ngày của mình ở khu vực TP.
Ứng dụng có nhiều chuyên mục (tính năng) hữu ích, trong đó có 3 mục cần thiết là camera, bản đồ và cảnh báo.
Ngoài các chuyên mục chính kể trên, ứng dụng còn có các tính năng hữu ích khác liên quan tới tình hình giao thông trên địa bàn để người sử dụng tham khảo như: phản ánh, tin tức, tra cứu, tính nồng độ cồn.
Tuy nhiên, hiện nay mật độ và phạm vi lắp đặt camera vẫn còn hạn chế nên việc sử dụng các ứng dụng này vẫn chưa hữu ích ở các quận ngoại thành như quận 6, Bình Tân, 12...
Bắt đầu lắp đặt “mắt thần” để phạt nguội
Liên quan đến lĩnh vực giao thông, Sở Giao thông vận tải cho biết hôm nay (10/3) sẽ tiến hành triển khai lắp đặt các camera giám sát giao thông ở 14 tuyến đường trọng điểm, thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông trên địa bàn Thành phố. Đợt triển khai ghi hình bằng camera để phạt nguội này chủ yếu tập trung vào hành vi vi phạm khi dừng, đỗ xe không đúng nơi quy định.
Cụ thể, có 12 tuyến đường ở quận 1 tổ chức ghi hình để tiến hành phạt nguội gồm: Lê Duẩn, Hai Bà Trưng, Lý Tự Trọng, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Điện Biên Phủ, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Thị Minh Khai, Pasteur, Nguyễn Thị Nghĩa, Lê Lợi, Đinh Tiên Hoàng, Tôn Đức Thắng.
Ngoài ra, Quận Tân Bình được lắp đặt tại đường Trường Sơn; quận Bình Thạnh được lắp đặt tại đường Điện Biên Phủ.
Theo Sở GTVT, kế hoạch lắp camera giám sát này nhằm tăng cường công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn Thành phố. Cụ thể, sở sẽ triển khai giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ để giám sát, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Qua đó làm cơ sở cho cơ quan chức năng xử phạt nguội người vi phạm.
Trong năm 2020, dự kiến Sở GTVT sẽ tiếp tục đầu tư thêm 170 camera phục vụ công tác giám sát giao thông.
(Theo báo Pháp Luật TP.HCM)
Chụp ảnh vị trí ngồi mỗi giờ học
Mỗi lớp có sơ đồ vị trí ngồi của từng sinh viên và ghi hình trực tiếp lưu lại. Mỗi giờ học, thay đổi giảng viên đều có người chụp ảnh vị trí ngồi của sinh viên... Đó là một trong những giải pháp được ĐH Y dược TP. Hồ Chí Minh đưa ra khi sinh viên trở lại trường sáng 9/3 sau kỳ nghỉ dài phòng COVID-19. Đây là ĐH hiếm hoi ở Thành phố cho sinh viên trở lại học từ tuần này.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi - Trưởng phòng Đào tạo nhà trường - cho biết để thuận lợi cho sinh viên đi học trong mùa dịch bệnh, trường đã thực hiện đa dạng hóa phương thức giảng dạy. Hiện tại, chỉ tổ chức học các lớp lý thuyết và thực hành tại trường với chủ trương khuyến khích học e-learning qua mạng, chưa bố trí đi lâm sàng tại các bệnh viện.
"Với việc kết hợp hình thức dạy học e-learning, thời gian học trên lớp được rút ngắn, trên lớp giảng viên chỉ giải đáp sâu một số nội dung sinh viên chưa nắm được. Mỗi lớp có sơ đồ vị trí ngồi của từng sinh viên và có ghi hình trực tiếp lưu lại. Nếu có sự cố gì xảy ra nhà trường sẽ dễ dàng truy nhanh những người tiếp xúc gần. Mỗi giờ học, thay đổi giảng viên đều có người chụp ảnh vị trí ngồi của sinh viên" - ông Khôi giải thích.
Theo PGS.TS Trần Diệp Tuấn - Hiệu trưởng nhà trường, ngày đầu đi học trở lại hội trường và nhiều giảng đường của trường đều khá đông sinh viên, số vắng không nhiều.
Để đảm bảo an toàn khi sinh viên đi học trở lại, tất cả phòng học, phòng thực tập, thư viện, căngtin... trong khuôn viên nhà trường, ký túc xá đều được vệ sinh khử khuẩn theo đúng quy định của Bộ Y tế. Micro giảng bài trước khi đến tay giảng viên đều được sát khuẩn kỹ. Nhà trường đã chuẩn bị đầy đủ dung dịch vệ sinh tay chứa cồn trong các phòng học và phòng thực tập, xà phòng khử khuẩn trong các nhà vệ sinh.
(Theo báo Tuổi Trẻ).