Cho phép mở lại dịch vụ vũ trường, karaoke
Báo Sài Gòn Giải Phóng đưa tin: Kết luận cuộc họp trực tuyến Thường trực Chính phủ ngày 9/6 về phòng chống dịch Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu việc phòng chống dịch vẫn phải được đặt ra, không được lơ là ở biên giới, đường bộ, đường biển, hàng không, cửa khẩu.
Thủ tướng cũng nêu rõ, phải đảm bảo an toàn để phát triển, phát triển bền vững trong tình hình bình thường mới. Theo đó, Thủ tướng đồng ý cho các chuyên gia, nhà đầu tư vào Việt Nam, kể cả công nhân lành nghề, để tìm kiếm cơ hội đầu tư và làm việc tại Việt Nam. Đối với doanh nhân người Việt Nam, học sinh, sinh viên, người già… có nhu cầu về nước, Thủ tướng yêu cầu Bộ Ngoại giao đưa ra các tiêu chí cụ thể, mở kênh đăng ký cho người dân, kể cả các chuyên gia Việt Nam và nước ngoài.
Thủ tướng giao ban chỉ đạo công bố các vùng an toàn để mở lại các đường bay thương mại quốc tế với các địa bàn không phát hiện ca bệnh trong 30 ngày. Ban Chỉ đạo tiếp tục hướng dẫn, quản lý, cách ly phù hợp với các đối tượng này.
Thủ tướng đồng ý cho phép mở cửa trở lại các dịch vụ vũ trường và karaoke. Bộ Công an và các cơ quan chức năng kiểm soát những hành vi vi phạm pháp luật tại các cơ sở này, nhất là buôn bán, sử dụng ma túy.
Cũng tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm cho biết, đến nay TP. Hồ Chí Minh đã trải qua 67 ngày không có ca nhiễm Covid-19 mới trong cộng đồng.
Thời gian qua, TP thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng và Ban Chỉ đạo quốc gia về việc kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch, nhất là các trường hợp nhập cảnh của các chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam. Hiện TP. Hồ Chí Minh đang tập trung đẩy mạnh hỗ trợ người dân gặp khó khăn và tập trung phát triển kinh tế trong điều kiện bình thường mới.
Mang giấy tờ tới nhà, giao tận tay người dân
Khoảng 17 giờ 30 ngày 5/6, mặc dù trời mưa nhưng chị Hà Thị Ngọc Dung (nhân viên văn phòng UBND xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn) vẫn đến nhà bà Nguyễn Thị Óc (82 tuổi, ở ấp 4) để trao giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của người con dâu.
Trao đổi với phóng viên báo Pháp Luật TP, bà Óc cho hay, sáng cùng ngày, con dâu bà tới UBND xã Nhị Bình để xác nhận tình trạng hôn nhân. Ngặt nỗi ngay thời điểm đó, tại UBND xã có nhiều cuộc họp quan trọng, cả chủ tịch lẫn hai phó chủ tịch UBND xã phải dự nên không ai ký xác nhận.
“Do con dâu bà Óc còn phải đi làm nên tôi nói hồ sơ cứ để lại, trong ngày hôm nay sẽ có người mang tới tận nhà” - chị Dung nói.
Cách đó vài ngày, anh Nguyễn Thanh Phương, phụ trách hộ tịch UBND xã Nhị Bình, cũng mang hồ sơ chứng thực tới nhà giao cho ông Nguyễn Văn Hai (56 tuổi, ở ấp 1).
Hay như trường hợp Chị Võ Thị Minh Châu (28 tuổi, ở ấp 2) đang làm việc cho một doanh nghiệp may mặc ở quận Tân Phú. Do đặc thù công việc, chị Châu khó có thể xin nghỉ phép để giải quyết chuyện riêng. Hơn nữa, chị Châu lại làm việc theo giờ hành chính nên cũng không mấy thuận lợi khi đến UBND xã làm giấy tờ.
Khi biết UBND xã Nhị Bình làm ngoài giờ hành chính từ 17 giờ tới 18 giờ 30 vào thứ Tư hằng tuần, chị Châu tranh thủ sau giờ làm việc tới UBND xã để làm giấy đăng ký kết hôn.
“Dù đã hết giờ làm việc nhưng chưa đầy 1 tiếng đồng hồ, cán bộ xã đã giải quyết xong thủ tục làm giấy kết hôn cho tôi” - Chị Châu chia sẻ.
Từ tháng 4/2020, qua nghiên cứu, rà soát và căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, UBND xã Nhị Bình triển khai rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục xác nhận tình trạng hôn nhân từ 3 ngày xuống còn 1 ngày và kết hợp trả kết quả hồ sơ tại nhà nếu địa chỉ ở địa phương.
Kế đến là thực hiện thủ tục sao y, chứng thực, đăng ký khai sinh, khai tử, kết hôn ngoài giờ hành chính, từ 17 giờ đến 18 giờ 30 vào thứ Tư hằng tuần.
Tiếp theo là thực hiện mô hình 2G (gần dân và giúp dân). Mô hình này nhằm giao, trả kết quả hồ sơ sao y, chứng thực tại nhà cho bà con vào các ngày làm việc trong tuần từ 16 giờ cho đến khi trả hết hồ sơ bà con yêu cầu (trong trường hợp lãnh đạo UBND xã tham dự các cuộc họp trên huyện).
Ông ĐẶNG THANH XUÂN, Chủ tịch UBND xã Nhị Bình,
huyện Hóc Môn, TP.HCM
Nghiên cứu kỹ cây xanh thay thế cây bị đốn hạ trong trường học
Qua thực tế khảo sát của Sở Xây dựng TP tại 21 trường học ở TP, các cây xanh được cắt tỉa chưa đúng kỹ thuật. Về lâu dài các cành, nhành sẽ mọc lại nhiều tại chỗ cắt. Các cành, nhánh này dễ gãy, gây nguy hiểm cho học sinh. Nội dung được báo Người Lao Động đăng tải.
Từ thực tế trên, theo Sở Xây dựng, các cây bị sâu bệnh, sam, mục thân, rễ cây bị bó trong bồn, bị cắt rễ, khi thực hiện cải tạo sân trường, làm lại bồn gốc cây..., nhà trường cần phải hợp đồng với đơn vị có chuyên môn, năng lực chăm sóc cây xanh để khảo sát cắt tỉa, đốn hạ kịp thời.
Nếu buộc phải đốn hạ ngay các cây nguy hiểm, nên trồng cây thay thế để hạn chế ảnh hưởng đến bóng mát, cảnh quan của trường học (có thể điều chỉnh vị trí trồng mới cho phù hợp). Không nên trồng mới các loài cây thuộc danh mục cấm trồng trên đường phố.
Đối với việc trồng bổ sung hoặc thay thế cây xanh đã đốn hạ, cần nghiên cứu kỹ đặc tính của chủng loại cây trồng, phù hợp với điều kiện, vị trí dự kiến trồng cây để cây xanh phát triển đạt hiệu quả về mặt cảnh quan, phát triển lâu dài và đảm bảo an toàn.
Ngoài ra, cây xanh trước khi đem trồng phải đảm bảo các tiêu chuẩn cơ bản như: Hệ rễ chính nguyên vẹn, thân cây thẳng, tán lá, phân cành cân đối, cây không có biểu hiện sâu bệnh, vết thương cơ học. Khi trồng cây phải được chống giữ chắc chắn, hố trồng cây rộng, dinh dưỡng đầy đủ; cây sau khi trồng phải được kiểm tra, chăm sóc thường xuyên để đảm bảo an toàn và giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt.
Đối với các cây trồng mới và tùy vào điều kiện của từng trường, nên xây bồn gốc cây rộng và độ cao bồn không nên quá 20cm hoặc có thể hạ thấp bằng mặt đất…
Nạo vét kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè
Báo Tuổi Trẻ cho hay, ngày 9/6, Trung tâm Quản lý giao thông đường thủy TP. Hồ Chí Minh đã khởi công dự án nạo vét kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, giai đoạn 2. Các đơn vị sẽ nạo vét bùn đất bị bồi lắng dưới dòng kênh, đoạn từ cầu số 6 đến đường Út Tịch (quận Tân Bình) dài khoảng 1.450m. Khối lượng bùn đất nạo vét dự kiến khoảng 42.000 m3.
Việc nạo vét đoạn kênh trên nhằm khơi thông dòng chảy, khắc phục tình trạng dòng kênh bị trơ đáy, bốc mùi hôi ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và mỹ quan đô thị.
Ông Phạm Ngọc Dũng – Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông đường thủy – cho biết quá trình nạo vét sẽ thực hiện biện pháp khử mùi để giảm thiểu việc gây ảnh hưởng môi trường, đến đời sống người dân hai bên bờ kênh. Toàn bộ bùn đất nạo vét đều được đưa về nhà máy xử lý chất thải.
5 tháng, kiều hối đạt 2,3 tỷ USD
Theo báo Sài Gòn Giải Phóng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, tính đến đầu tháng 6/2020, lượng kiều hối về TPHCM đạt 2,3 tỷ USD, giảm 1,9% so với cùng kỳ.
Các công ty kiều hối tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, kiều hối trong 2 quý đầu năm 2020 giảm đáng kể, nhất là từ các thị trường xuất khẩu lao động như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc…
Năm 2019, tổng lượng kiều hối chuyển về TP. Hồ Chí Minh đạt 5,3 tỷ USD. Do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên dự báo lượng kiều hối về TP trong năm 2020 sẽ giảm.
Ngân hàng Thế giới (WB) cũng dự đoán, lượng kiều hối toàn cầu năm 2020 sẽ giảm khoảng 20% do ảnh hưởng Covid-19, trong đó khu vực Đông Á và Thái Bình Dương giảm 13%.
Uống cà phê miễn phí … còn có việc làm
Trước khi vào gặp chủ doanh nghiệp để tìm kiếm việc làm thì người tìm việc được mời ăn nhẹ và uống cà phê miễn phí. Đó là mô hình “Cà phê việc làm” do Trung tâm dịch vụ việc làm Thanh niên TP. Hồ Chí Minh vừa khởi xuống. Hoạt động diễn ra định kỳ 2 lần/tháng vào các ngày thứ bảy (tuần thứ 2 và 4 trong tháng) tại 4A Phạm Ngọc Thạch, quận 1. Đó là thông tin từ chuyên mục “Thanh niên và Cuộc sống” trên báo Thanh Niên.
Theo ông Nguyễn Quang Cường, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên: “Chúng tôi muốn tạo một thói quen tâm lý nhẹ nhàng cho người lao động khi đi xin việc. Hãy xem đó như một buổi uống cà phê vừa trò chuyện công việc, vừa trao đổi thêm các ý kiến về việc làm…”.
Ông Cường cho biết thêm, Trung tâm không tổ chức đại trà mà mỗi lần tổ chức sẽ khoanh vùng lại theo từng nhóm ngành cụ thể; trung bình mỗi lần tổ chức cũng giúp được vài chục bạn trẻ tìm được việc làm phù hợp.
Là người tìm việc qua mô hình “Cà phê việc làm” diễn ra ngày 30/5/2020, chị Lê Hương Ngọc (31 tuổi) vui mừng cho biết: “Mình đã tìm được công việc kế toán đúng sở trường với mức lương khá tốt. Hiện tại mình làm công việc này cho một công ty chuyên về lĩnh vực tài chính ngân hàng ở quận 10”.
Hay như anh Vương Quốc Vinh (30 tuổi) chia sẻ: “Thông qua mô hình “Cà phê việc làm” mình cũng tìm được công việc bảo vệ mức lương 6 triệu đồng/tháng; không những thế, chỗ làm còn hỗ trợ thêm tiền ăn mỗi tháng 800.000 đồng”.