Tạo việc làm cho người thất nghiệp do Covid-19
Thông tin trên báo Pháp Luật TP, để giảm bớt những khó khăn cho người lao động (NLĐ), ông Lê Minh Tấn – Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết Sở LĐ-TB&XH khuyến khích doanh nghiệp (DN) đưa ra những chính sách hỗ trợ có lợi cho NLĐ bị thôi việc. Đồng thời, DN phải đảm bảo công việc cho những NLĐ lớn tuổi, mang thai, có con nhỏ gặp khó khăn…
Sở cũng đã giới thiệu NLĐ bị thôi việc vào công ty khác cùng ngành. Từ đầu tháng 7, đã có gần 3.000 công nhân của Công ty PouYuen ở quận Bình Tân bị ngừng việc, trong đó có khoảng 800 NLĐ có nguyện vọng ở lại TP làm việc. Sở đã tìm kiếm DN có cùng ngành sản xuất để giới thiệu số công nhân này chuyển sang làm việc.
Ngoài ra, Sở cũng đã liên hệ với 08 DN tại quận Gò Vấp để nhận hơn 2.000 công nhân của Công ty Huê Phong bị cắt giảm.
“Đối với những người có nhu cầu đào tạo nghề, sở sẵn sàng hỗ trợ đưa vào học ở hệ thống các trường cao đẳng, trung cấp nghề để có thể chuyển đổi nghề nghiệp, phát triển công việc. Trong quá trình đào tạo nghề, NLĐ sẽ được tạo điều kiện vay vốn từ các nguồn quỹ quốc gia về việc làm, tổ chức tài chính CEP dành cho công nhân...
Đối với DN, trong 8.400 DN gặp khó khăn, Thành ủy và UBND TP chỉ đạo 90% số DN này nhận được gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng của Chính phủ và theo Nghị quyết 02 của HĐND TP vào tháng 9 tới. Với nguồn kinh phí được hỗ trợ, DN sẽ trả lương công nhân nhằm giúp DN tiếp tục kinh doanh, không cắt giảm lao động” - ông Tấn cho biết thêm.
Nâng cao kỹ năng quảng bá du lịch Việt thông qua kỹ thuật số
Theo Vietnamplus, ngày 9/7, Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh phối hợp cùng Google tổ chức đào tạo kỹ năng kỹ thuật số và quảng bá tiếp thị số cho cán bộ quản lý nhà nước về du lịch, doanh nghiệp du lịch, các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực du lịch.
Tại sự kiện, các chuyên gia đánh giá ngành du lịch lữ hành và dịch vụ trong nửa đầu năm 2020 đã trải qua một trong những thời điểm khó khăn nhất từ trước đến nay do tác động của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu. Đặc biệt, thời gian giãn cách xã hội, cách ly tại nhà cũng thay đổi hành vi tìm kiếm và tiếp nhận thông tin của người tiêu dùng khi bước sang giai đoạn bình thường mới.
Cụ thể, khảo sát mới nhất từ Google cho thấy, du khách ở một số thị trường thuộc khu vực châu Á Thái Bình Dương (APAC) có biểu hiện muốn du lịch nội địa trong thời gian tới. Đây là một tín hiệu lạc quan cho thị trường du lịch nội địa tại Việt Nam cũng như TP. Hồ Chí Minh.
Kết quả khảo sát cũng chỉ ra rằng, tại Indonesia, Philippines và Việt Nam có hơn 25% người phản hồi cho biết có kế hoạch du lịch nội địa trong ba tháng tới, so với con số dưới 14% của các quốc gia như Australia và Nhật Bản.
Để nắm bắt cơ hội thị trường, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP cho biết, quảng cáo, tiếp thị bằng kỹ năng số là một xu hướng tất yếu trong thời đại hiện nay, nhất là sự cần thiết và hiệu quả của kỹ năng số trong quảng bá du lịch.
Những nhà làm quản lý, kinh doanh du lịch phải chủ động thay đổi tư duy, cách thức trong việc tiếp cận với đối tượng khách hàng, tăng tính hiệu quả trong truyền thông quảng bá du lịch.
Đây là giải pháp nhằm tạo sự hiện diện của doanh nghiệp trên môi trường số, mở rộng những cơ hội tiếp cận và thu hút khách hàng từ mạng Internet; qua đó, thúc đẩy du lịch nội địa trong giai đoạn bình thường mới.
Hàng loạt quán trên đường Phạm Văn Đồng bị phạt do lấn chiếm lòng đường
Trong đêm 8/7 đến rạng sáng 9/7, ông Vũ Nam Hưng - Chủ tịch UBND phường 1 cùng Trưởng Công an phường 1, quận Gò Vấp đã trực tiếp chỉ đạo đoàn kiểm tra liên ngành xử lý hàng loạt quán nhậu, beer club trên đường Phạm Văn Đồng.
Lực lượng chức năng của phường đã lập biên bản vi phạm hàng loạt quán về các lỗi sử dụng trái phép lòng đường, hè phố. Đoàn kiểm tra cũng tạm giữ hai rào sắt, 30 ghế, sáu bình shisha.
Theo ghi nhận của PV báo Pháp Luật TP, mặc dù lực lượng chức năng đến kiểm tra, xử lý nhưng một số quán vẫn bình chân như vại. Một số quán khác vẫn hoạt động bình thường cho đến khi lực lượng chức năng đến tận nơi kiểm tra. Lúc này họ mới dọn dẹp vật dụng trên vỉa hè, thu dọn bàn ghế vào trong quán.
Theo ông Vũ Nam Hưng, trước đó phường đã đi kiểm tra, xử phạt nhưng nhiều quán vẫn tái phạm. “Thời gian tới, phường sẽ tổ chức chốt chặn và tuyên truyền vận động người dân không tái phạm” - Ông Hưng cho hay.
Trước đó, Pháp Luật TP đã phản ánh tình trạng các quán nhậu trên đường này kinh doanh lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường, mở nhạc với âm thanh đinh tai thâu đêm, ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh và người đi đường.
Khó xử lý về tiếng ồn
Theo ông Vũ Nam Hưng, Chủ tịch UBND phường 1, quận Gò Vấp, việc xử lý tiếng ồn rất khó. Muốn xử lý phải thuê công ty tư vấn độc lập, có thiết bị đo âm thanh chuyên dụng. Khi có kết quả thì gửi biên bản và kết quả lên Phòng TN&MT xử lý.
Theo Nghị định 167, hành vi gây tiếng động lớn, ồn ào tại khu dân cư, nơi công cộng từ 22 giờ hôm trước đến 6 giờ hôm sau bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 100.000-300.000 đồng. Giới hạn cho phép về tiếng ồn tại khu chung cư, nhà ở riêng lẻ, liền kề, khách sạn, nhà nghỉ… là 70 dBA (từ 6 giờ đến 21 giờ) và 55 dBA (21 giờ đến 6 giờ).
Đẩy mạnh giảm phát thải carbon trong giao thông, vận tải
Thống kê của Sở Giao thông Vận tải TP cho thấy, đến tháng 6/2020, Thành phố đang quản lý gần 8,5 triệu phương tiện giao thông đường bộ, trong đó môtô, xe máy là gần 7,8 triệu chiếc, chiếm hơn 95% tổng lượng xe. Dự báo trong năm 2020, số lượng xe máy sẽ tiếp tục tăng lên đến 9 triệu chiếc, hầu hết đều sử dụng các loại nhiên liệu gốc carbon có chứa monoxit gây thải khí độc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ con người. Thông tin đăng tải trên báo điện tử Vietnamplus.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP, trong “Chương trình Giảm ô nhiễm môi trường TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2020", Thành phố đã đặt mục tiêu đến cuối năm 2020 giảm 70% lượng phát thải ô nhiễm không khí tăng thêm do hoạt động giao thông vận tải trên địa bàn.
Đến nay, dựa trên số liệu thực tế từ các trạm quan trắc đặt tại những “điểm nóng” về ô nhiễm của TP như Giao lộ Hàng Xanh, đường Đinh Tiên Hoàng, đường Điện Biên Phủ, Ngã Tư An Sương, tuy tổng lượng khí thải từ các phương tiện giao thông vẫn còn ở mức cao nhưng so với năm 2016, nồng độ các khí thải gây ô nhiễm đã giảm khoảng 80%, vượt mức kế hoạch đề ra; trong đó khí CO giảm khoảng 40%, khí HC giảm khoảng 30% và khí NOx giảm mạnh gần 90%. Có được kết quả này là nhờ rất nhiều giải pháp trọng điểm đã được Thành phố triển khai trong thời gian qua.
Trong đó, từ năm 2016 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường TP đã tổ chức nhiều chương trình, hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc hạn chế phương tiện cá nhân, kêu gọi sử dụng phương tiện công cộng, khuyến khích tiêu dùng xăng E5 và triển khai nhiều giải pháp trong việc hạn chế khí thải từ các hoạt động sản xuất công nghiệp, xây dựng.
Sở cũng đang tiến hành lắp đặt thí điểm hai trạm quan trắc không khí tự động ở cửa ngõ phía Đông (Khu Công nghệ cao) và phía Tây (Phòng giáo dục quận Bình Tân), sử dụng thiết bị hiện đại của các nước G7 với tổng đầu tư 495 tỷ đồng nhằm thay thế hệ thống quan trắc thủ công vốn mất rất nhiều thời gian để phân tích mẫu và không thể cung cấp số liệu liên tục cho người dân.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, dự kiến đến năm 2030, Sở sẽ lắp đặt thêm 16 trạm quan trắc tự động ở các giao lộ lớn, khu dân cư, khu công nghiệp tại các quận huyện, nâng tần suất quan trắc không khí của TP lên gấp 5 lần hiện nay.
Về phía Sở GTVT, ông Bùi Hòa An – Phó Giám đốc Sở cho hay, thời gian tới, ngành vận tải TP tiếp tục hoàn thiện chính sách phát triển theo hướng giảm phát thải CO2; triển khai các giải pháp quy hoạch hệ thống cơ sở hạ tầng GTVT theo hướng carbon thấp, tăng số lượng phương tiện giao thông công cộng sử dụng nhiên liệu CNG; lồng ghép công tác giảm khí phát thải nhà kính vào các kế hoạch, dự án đầu tư, phát triển giao thông; vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia tài trợ cho chương trình giảm khí thải giao thông của TP.
Sở GTVT cũng sẽ báo cáo lên UBND TP để làm cơ sở đề xuất HĐND TP trình Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế cho phép TP triển khai thí điểm kiểm soát khí thải xe môtô đang lưu thông trên địa bàn, đồng thời có các biện pháp thu hồi, chế tài nhất định đối với những phương tiện vi phạm.
5 quận trung tâm Thành phố bị cúp nước, nước yếu vào cuối tuần
Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) cho biết sẽ giảm áp lực bơm Nhà máy nước Thủ Đức và cô lập ngưng nước tuyến ống truyền tải dọc theo trục đường Điện Biên Phủ - Võ Thị Sáu - Ba Tháng Hai từ 22 giờ ngày 11/7 (thứ Bảy) đến 5 giờ sáng ngày 12/7(Chủ nhật). Báo Sài Gòn Giải Phóng thông tin.
Hoạt động này để phục vụ việc đấu nối dự án tuyến ống cấp 1 D1000mm đường Nguyễn Đình Chiểu vào tuyến ống bê tông hiện hữu D1200mm (vị trí tại vòng xoay Điện Biên Phủ). Do đó, một số quận trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh sẽ bị cúp nước, nước yếu trong khoảng 7 tiếng trong đêm ngày cuối tuần.
Cụ thể: Quận 1 gồm phường Tân Định, Đa Kao và một phần các phường Bến Thành, Nguyễn Cư Trinh; Quận 3 gồm phường 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11; Quận 11 gồm phường 2, 4, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16 và toàn bộ Quận 10. Riêng Quận 5 có các phường 4, 9, 12, 15 sẽ bị ảnh hưởng gây nước yếu.
Để hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng sinh hoạt của người dân, Sawaco đã có phương án điều tiết hỗ trợ từ mạng truyền tải, theo dõi chặt chẽ diễn biến trên mạng lưới để điều phối nguồn nước phù hợp tình hình thực tế; chủ trì, phối hợp các đơn vị giải quyết các vấn đề phát sinh xảy ra trên mạng.
Âm thầm làm việc dưới cống ngầm
Nếu không có các anh - những công nhân thoát nước đô thị - hệ thống thoát nước của Thành phố sẽ ra sao? Đó là câu chuyện về những người làm nghề thoát nước trên chuyên mục Bạn đọc của báo Người Lao Động.
"Không biết từ bao giờ, nhiều người lại xem lòng cống là thùng rác đa năng để vứt đủ mọi loại phế phẩm xuống, không cần quan tâm đến hậu quả" - anh Phạm Văn Phùng, công nhân Công ty TNHH MTV Thoát nước Đô thị TP, nói trong lúc chuẩn bị leo xuống cống vớt rác.
Nếu không được tận mắt chứng kiến, khó có thể hình dung được bên trong hệ thống thoát nước của TP lại đầy rác thải nhựa chìm nổi trong lớp bùn đất đặc sệt khiến cho chức năng tiêu thoát nước gần như bị vô hiệu hóa. Những chiếc máy hút bùn đặc dụng cũng không thể làm được gì, buộc anh Phùng và các công nhân khác phải làm… thủ công hoàn toàn.
Trên đường, xe cộ vẫn nườm nượp qua lại, nhiều người trong số đó dành cho họ những ánh mắt ái ngại, vài người bịt mũi lướt qua thật nhanh. Anh Uông Văn Sang - Quản lý thi công phụ trách đội phản ứng nhanh của Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP nhìn chúng tôi, lắc đầu cười chua chát: "Làm nghề này lúc nào người ngợm cũng lấm lem, bốc mùi. Có tắ́m bằng xà phòng thơm cũng không hết mùi được. Làm nghề này còn phải xác định sẽ ít bạn bè, hạn chế giao tiếp xã hội" - anh Sang chia sẻ.
Đối với các công nhân làm công việc này, chuyện giẫm phải đinh, kim tiêm, tăm xỉa răng hay bị những vật sắc nhọn cắt vào da thịt gây thương tích khi chui vào lòng cống là chuyện xảy ra như cơm bữa. Không ít lần, các anh phải tìm đến bệnh viện xét nghiệm HIV để an tâm.
"Hễ trời mưa xuống, dù đã hết giờ làm, chúng tôi cũng phải có mặt kịp thời để "trực mưa". Lúc mưa lớn phải trực tiếp ra vớt rác trên đường bị cuốn vào miệng cống, hố ga để gom vào một chỗ cho xe đem đi để dòng nước không bị tắc nghẽn và hạn chế ngập lụt cho TP. Trời mưa bão, nhiều rủi ro nhưng phải gạt phăng hết. Lạc quan mà sống. Chỉ mong mọi người hiểu mà có ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh công cộng" - anh Phùng tâm sự.
Mong mọi người có trách nhiệm hơn
Nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn hệ thống thoát nước cho TP HCM, theo anh Phạm Văn Phùng, quan trọng nhất là tuyên truyền, giáo dục để nâng cao ý thức cho người dân. "Tôi mong mỗi người dân thể hiện trách nhiệm, tình yêu đối với TP, hình thành ý thức bảo vệ môi trường sống, cũng là để công việc của công nhân thoát nước đỡ vất vả hơn" - anh Phùng chia sẻ.
Anh Uông Văn Sang đề xuất cần quy định cụ thể thời gian thu gom rác, tránh tình trạng đưa rác ra đường chờ thu gom, phòng khi mưa xuống rác bị mưa, gió cuốn hết vào hệ thống thoát nước. Bên cạnh đó, cần có bộ phận, cơ quan chuyên xử lý người xả rác bừa bãi; đưa việc này vào tiêu chuẩn đánh giá khu phố văn minh..