Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 10/8/2020

10:37 10/08/2020

Trung tâm Báo chí tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TP. Hồ Chí Minh trên các báo ra ngày 10/8/2020:

Bộ Y tế thông báo khẩn về chuyến bay VJ770 và chuyến xe khách Ngọc Sáng

Vietnamplus đưa tin, tối 9/8, Bộ Y tế phát đi thông báo khẩn số 27 đề nghị những hành khách trên chuyến bay VJ và chuyến xe khách hãng Ngọc Sáng cần liên hệ ngay với cơ quan y tế gần nhất.

Nội dung chi tiết của thông báo
Nội dung chi tiết của thông báo

Đó là hành khách trên chuyến bay số hiệu VJ770 từ Nha Trang-Hà Nội ngày 30/7.

Hành khách trên chuyến xe của hãng Ngọc Sáng (biển số 51B-23417) từ bến xe Nước Ngầm (Hà Nội) đi TP. Hồ Chí Minh, xuất phát vào 9 giờ ngày 5/8.

Giá khẩu trang y tế “hạ nhiệt”

Hai tuần trước, tại TP. Hồ Chí Minh, giá khẩu trang y tế có khi lên đến 150.000 đồng/hộp. Nhưng hiện nay, khẩu trang được bán đầy đường với giá dưới 80.000 đồng/hộp. Thông tin được đăng tải trên một số báo như Thanh Niên, Phụ Nữ…

Chiều 7/8, tại giao lộ Võ Văn Kiệt - An Dương Vương, xuất hiện một quầy bán khẩu trang di dộng với giá 80.000 đồng/hộp. Nhiều người thấy lạ vì trước đó hai tuần, khẩu trang bị đẩy giá cao gấp 2-3 lần so với bình thường. Có thời điểm, nhiều người đặt mua khẩu trang trên mạng liên tục bị báo hết hàng.

Trên đường Hồ Học Lãm, Q. Bình Tân, cũng xuất hiện nhiều điểm bán khẩu trang y tế bốn lớp, giá 80.000 đồng/hộp; nếu mua hai hộp, giá giảm còn 75.000 đồng/hộp; mua ba hộp, giá còn 70.000 đồng/hộp. Dọc theo trục đường Ba Tháng Hai cũng có nhiều điểm bán khẩu trang y tế, thu hút nhiều người mua.

Khẩu trang xuất hiện nhiều trên lề đường cho thấy không còn tình trạng khan hiếm khẩu trang, nhưng cũng dấy lên mối lo về chất lượng mặt hàng này.
Khẩu trang xuất hiện nhiều trên lề đường cho thấy không còn tình trạng khan hiếm khẩu trang, nhưng cũng dấy lên mối lo về chất lượng mặt hàng này.

Bà Phùng Lệ Trang, phụ trách kinh doanh tại một đơn vị sản xuất khẩu trang, lý giải, đợt dịch đầu tiên xảy ra ngay sau kỳ nghỉ tết dài, các đơn vị sản xuất không hoạt động. Đến khi dịch, nhu cầu tăng rất mạnh, các đơn vị trở tay chưa kịp nên mới thiếu hàng, sốt giá. 

Tuy nhiên, đến đợt dịch này, trong hơn ba tháng trước, Việt Nam không có ca nhiễm mới, nhu cầu tiêu thụ khẩu trang giảm mạnh. Hàng sản xuất trong ba tháng đó còn khá nhiều. Lúc dịch trở lại, nhiều người có tâm lý gom hàng rồi hô giá cao để kiếm lời nhưng cũng chỉ được vài ngày. Cộng thêm việc cơ quan chức năng xử phạt mạnh tay khiến không ai dám gom hàng, đẩy giá.

Theo đại diện một số đơn vị kinh doanh khẩu trang, hiện nay, giá khẩu trang đang ở mức khoảng 70.000 đồng/hộp. Khẩu trang đang được bán ở lề đường với giá này không phải là quá rẻ. Tuy nhiên, việc khẩu trang “xuống đường” cho thấy nguồn cung khẩu trang không còn khan hiếm.

Việc khẩu trang bán tràn lan khiến nhiều người đặt vấn đề về công dụng kháng khuẩn. Cơ quan chức năng cũng từng cảnh báo việc sản xuất khẩu trang giả, trong đó cho biết, một số đối tượng bán hàng online còn giả mạo giấy kiểm nghiệm của Bộ Y tế để quảng cáo chất lượng khẩu trang đạt chuẩn. Tổng cục Quản lý thị trường cũng khuyến cáo, người dân nên chọn mua khẩu trang tại các cơ sở, cửa hàng được cấp phép.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Mai, nguyên Phó viện trưởng Viện Y tế công cộng TP. Hồ Chí Minh cho biết, chỉ những loại khẩu trang đạt chuẩn mới có tác dụng khi đeo. Còn loại khẩu trang giả, không đạt chuẩn, thì không có tác dụng gì hết.

Số vụ vi phạm trật tự xây dựng giảm hơn 75%

Theo Sở Xây dựng TP, 7 tháng đầu năm 2020, tại TP. Hồ Chí Minh có 463 công trình vi phạm trật tự xây dựng. Trong đó có 189 công trình sai phép và 274 công trình không phép, bình quân 21,1 vụ/ngày. So với 6 tháng đầu năm 2019 (thời điểm trước khi ban hành Chỉ thị 23), số vụ vi phạm giảm 6,4 vụ/ngày, tỉ lệ giảm 75,3%. Báo Lao Động thông tin.

Trong số các quận huyện dẫn đầu về vi phạm trật tự xây dựng, quận 9 đứng đầu danh sách với 70 vụ, tiếp theo là Thủ Đức có 61 vụ, huyện Bình Chánh có 39 vụ…

Sở Xây dựng TP đánh giá số vụ vi phạm trật tự xây dựng tại huyện Bình Chánh tuy giảm nhưng tình trạng xây dựng nhà sai phép, không phép tại đia phương này vẫn còn phức tạp.

Một căn nhà xây dựng không phép trên đất nông nghiệp ở xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh (TPHCM). Ảnh: Minh Quân
Một căn nhà xây dựng không phép trên đất nông nghiệp ở xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh (TPHCM). Ảnh: Minh Quân

Hiện Sở Xây dựng đang phối hợp cùng cơ quan chức năng xây dựng quy trình xử lý đặc biệt khi có thông tin chuyển nhượng đất trái phép tại xã Vĩnh Lộc A và vụ việc tương tự có thể đang xảy ra để làm mẫu cho 24 quận, huyện. Trong đó phải xác định rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức.

Theo Sở Xây dựng TP, một trong những giải pháp căn cơ giải quyết tình trạng xậy dựng không phép, sai phép là giải quyết nhà ở cho người có thu nhập thấp.

Hiện Sở Xây dựng đang chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nghiên cứu, xây dựng kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021 – 2025 và hàng năm. Đồng thời, nghiên cứu và đề xuất cơ chế, chính sách mới để hỗ trợ cho người thu nhập thấp có nhà ở. Ngoài ra, tìm kiếm những đối tác từ các tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận hỗ trợ thành phố trong phát triển nhà ở cho người nghèo ở các khía cạnh khác nhau như: xây dựng, vốn vay, việc làm,…

Một vấn đề trọng tâm Sở Xây dựng TPHCM tiếp tục thực hiện thời gian tới là tăng cường thanh kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự xây dựng. Về biện pháp cưỡng chế ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước tại công trình vi phạm xây dựng, Sở vẫn đang chờ Quốc hội bổ sung nội dung này vào dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Đối với các công trình vi phạm xây dựng đã bị xử lý vi phạm hành chính nhưng vẫn tiếp tục thi công, Sở Xây dựng yêu cầu UBND các quận, huyện chỉ đạo tịch thu phương tiện, vật liệu để ngăn chặn. Niêm phong thiết bị máy móc, cô lập khu vực vi phạm tại công trình khi chủ đầu tư, nhà thầu không chấp hành ngừng thi công.

Trường hợp chủ đầu tư và các đơn vị liên quan chống đối, không chấp hành thì lập thủ tục chuyển cơ quan cảnh sát điều tra theo Luật Hình sự và hướng dẫn phối hợp xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động xây dựng của Bộ Công an.

Tăng cường kiểm tra chung cư mini gắn mác nhà riêng lẻ

Báo Pháp Luật TP cho hay, Sở Xây dựng TP.HCM vừa có văn bản gửi UBND các quận huyện yêu cầu xử lý nghiêm việc vi phạm pháp luật về trật tự xây dựng, đặc biệt đối với việc xây dựng nhà ở riêng lẻ thiết kế nhiều tầng, nhiều căn hộ.

Cụ thể, nhằm hạn chế tối đa tình trạng vi phạm trong hoạt động xây dựng trên địa bàn TP, đặc biệt là vi phạm các quy định về quy hoạch, cấp giấy phép xây dựng, thi công và quản lý chất lượng đối với nhà ở riêng lẻ có thiết kế nhiều tầng, nhiều căn hộ khép kín, Sở Xây dựng TP đề nghị UBND các quận, huyện tăng cường phổ biến, tuyên truyền các quy định của Luật Xây dựng 2014, Nghị định, Thông tư...về các nội dung liên quan đến quy hoạch xây dựng, giấy phép xây dựng, quản lý chất lượng công trình xây dựng.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về trật tự xây dựng, đặc biệt đối với việc xây dựng nhà ở riêng lẻ thiết kế nhiều tầng, nhiều căn hộ ở, xây dựng không phép - sai phép, lấn chiếm không gian, không đúng với quy hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, nhà ở không đảm bảo chất lượng.

TP.HCM tăng cường kiểm tra chung cư mini gắn mác nhà riêng lẻ
TP.HCM tăng cường kiểm tra chung cư mini gắn mác nhà riêng lẻ

Trước đó, ngày 18/6, Bộ Xây dựng có Công văn số 2937/BXD-QLN về việc tăng cường thực hiện các quy định của pháp luật về xây dựng, kiểm soát trật tự xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ thiết kế nhiều tầng, nhiều căn hộ.

Qua đó, Bộ Xây dựng đánh giá: “Hiện nay, ở một số địa phương tại các khu vực đô thị đã xuất hiện tình trạng lợi dụng sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng nên các hộ gia đình, cá nhân đã tự ý thực hiện việc xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ theo kiểu nhiều tầng, nhiều căn hộ ở mà không tuân thủ các quy định của pháp luật".

Điều này sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy như: Vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy dẫn đến nguy cơ cháy nổ cao trong cộng đồng dân cư, quá tải về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, không cấp được giấy chứng nhận sở hữu cho người mua căn hộ do vi phạm về thiết kế, mật độ xây dựng.

Đồng thời dẫn đến tình trạng tranh chấp, khiếu kiện giữa người mua và người bán; việc gia tăng mật độ dân số tại khu vực này sẽ gây ách tắc giao thông, không đảm bảo vệ sinh môi trường làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự của địa phương, phá vỡ quy hoạch, làm mất mỹ quan, thiết kế của đô thị.

BS Bệnh viện Chợ Rẫy chi viện cho miền Trung chống dịch

Thông tin từ báo Tiền Phong, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID -19, Ban Lãnh đạo Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy đã cử 6 đội phản ứng nhanh lên đường ra Đà Nẵng, hỗ trợ các đồng nghiệp ở tuyến đầu chống dịch.

Tại BV Phổi Đà Nẵng, 4 đội phản ứng nhanh của BV Chợ Rẫy đã được phân công túc trực tại đây sau khi hoàn thành Đơn nguyên Hồi sức cấp cứu.

Tính đến nay, BV Chợ Rẫy đã cử 6 đội phản ứng nhanh lên đường hỗ trợ Đà Nẵng, Quảng Nam chống dịch COVID-19
Tính đến nay, BV Chợ Rẫy đã cử 6 đội phản ứng nhanh lên đường hỗ trợ Đà Nẵng, Quảng Nam chống dịch COVID-19

Chia sẻ về hoạt động của nhóm, BS CK2 Trần Thanh Linh – phó Khoa Hồi sức Cấp cứu BV Chợ Rẫy cho biết: “Ngoài công việc cả ngày từ 7h30 đến hơn 20 giờ mỗi ngày, để hỗ trợ chuyên môn cho đồng nghiệp và đảm bảo an toàn cho bệnh nhân, mỗi đêm đều có bác sĩ, điều dưỡng và kỹ thuật viên xét nghiệm của BV Chợ Rẫy ở lại trực. Và chuyện lên đường trong đêm cấp cứu cho bệnh COVID-19 nặng từ các BV Hoàn Mỹ Đà Nẵng, BV Ung Bứơu Đà Nẵng, BV Hòa Vang... cũng là hoạt động thường xuyên của 11 thành viên đội phản ứng nhanh BV Chợ Rẫy tại BV Phổi Đà Nẵng”.

Tại BV Hòa Vang, BS CK2 Lê Kinh Luân – Khoa Thận nhân tạo BV Chợ Rẫy – Trưởng ekip phản ứng nhanh của BV Chợ Rẫy cho biết, ekip đang phối hợp cùng các đồng nghiệp phụ trách chăm sóc cho 9 bệnh nhân và dự kiến đầu tuần số lượng bệnh nhân sẽ tăng lên 16. Mỗi ngày từ 2-3 lần, ekip phản ứng nhanh cùng các đồng nghiệp mặc trang phục cách ly vào chăm sóc cho các bệnh bệnh nhân. Do bệnh nhân chạy thận nhân tạo thường có sức đề kháng yếu, nay kết hợp nhiễm COVID -19 nên không ít bệnh nhân ở tình trạng nặng. Tuy nhiên, mọi người đều đang nỗ lực hết sức để có thể cải thiện được tình trạng sức khỏe cho các bệnh nhân.

Bác sĩ Nguyễn Tri Thức- Giám đốc BV Chợ Rẫy thăm "hậu phương" của các y bác sĩ lên đường chống dịch       
Bác sĩ Nguyễn Tri Thức- Giám đốc BV Chợ Rẫy thăm "hậu phương" của các y bác sĩ lên đường chống dịch       

Chịu trách nhiệm điều phối đội phản ứng nhanh của BV Chợ Rẫy tại BV đa khoa Quảng Nam và trực tiếp điều trị cho bệnh nhân, BS CK2 Huỳnh Quang Đại – khoa Hồi sức Cấp cứu BV Chợ Rẫy chia sẻ: “Ở đầu chiến tuyến cùng các đồng nghiệp dù có nhiều vất vả bởi không chỉ làm công tác điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân mà áp lực trước nguy cơ lây nhiễm là không nhỏ, nhưng mọi người luôn động viên nhau cùng lạc quan, vui vẻ và quyết tâm đồng sức, đồng lòng để vượt qua đại dịch”.

Thu hút lao động phi chính thức vào nghiệp đoàn

Tập hợp người lao động (NLĐ) ở khu vực phi chính thức vào các tổ chức Công đoàn (CĐ) và bảo vệ quyền lợi của họ như thế nào là những vấn đề quan trọng được Tổng LĐLĐ Việt Nam và đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương thảo luận, trao đổi cởi mở trong cuộc làm việc mới đây. Báo Người Lao Động đăng tải.

7 tháng đầu năm 2020, LĐLĐ TP. Hồ Chí Minh đã thành lập tổng cộng 20 nghiệp đoàn (lĩnh vực xe ôm công nghệ, giúp việc nhà, giáo viên mầm non, vệ sinh dân lập) với hơn 1.000 đoàn viên. Các Nghiệp đoàn (NĐ) khi ra đời đều được CĐ cấp trên cơ sở hỗ trợ 3 triệu đồng làm kinh phí hoạt động ban đầu.

Lao động phi chính thức cần gia nhập nghiệp đoàn để được bảo vệ quyền lợi
Lao động phi chính thức cần gia nhập nghiệp đoàn để được bảo vệ quyền lợi

Từ năm 1997, TP. Hồ Chí Minh đã là địa phương tiên phong trong việc tập hợp lao động tự do vào NĐ, với hàng loạt mô hình tiêu biểu như NĐ Bốc xếp chợ Mai Xuân Thưởng, NĐ Bốc xếp phường 2 - quận 6, NĐ Tiểu thủ công nghiệp phường 14 - quận 5, NĐ Rác dân lập vệ sinh Gò Vấp.

Thông qua hiệu quả hoạt động của các NĐ, hiện tượng "ăn chặn" tiền lương, tiền công, đặc biệt là những vi phạm trong việc thực hiện chính sách đối với NLĐ từng bước bị loại trừ, từ đó đời sống đoàn viên ổn định hơn. Mô hình NĐ cũng tạo sự gắn kết giữa đoàn viên với đoàn viên thông qua hoạt động của các quỹ tương thân tương ái.

Từ hoạt động NĐ, CĐ cấp trên có thể nắm bắt sâu sát tâm tư, nguyện vọng đoàn viên, từ đó có biện pháp hỗ trợ kịp thời. Dịch Covid-19 bùng phát từ sau Tết nguyên đán 2020 đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc làm, đời sống của NLĐ, nhất là đội ngũ giáo viên mầm non, bảo mẫu tại các cơ sở giáo dục dân lập. Mất việc tạm thời khiến họ và gia đình rơi vào túng quẫn. Cảm thông với khó khăn của đoàn viên, các CĐ cấp trên cơ sở đã tổ chức thăm hỏi, động viên kịp thời, giúp họ vượt qua khó khăn trước mắt.

Trúc Nhi - Diệu Nhi đã tự ngồi dậy được

Theo báo Tuổi Trẻ, Bệnh viện Nhi đồng TP cho biết sau 25 ngày mổ tách dính, hiện sức khỏe của cặp song sinh Trúc Nhi - Diệu Nhi có nhiều tiển triển tích cực. Hai em lanh lợi, hoạt bát, hợp tác tập vật lý trị liệu tốt, đặc biệt có thể tự ngồi dậy trên chính thân thể riêng biệt của mình.

Cách đây 2 ngày (7/8), lần đầu tiên các bác sĩ cắt 1cm thanh bột ngang cố định khung chân và xương chậu trên người Trúc Nhi - Diệu Nhi. Dự kiến hôm nay (10/8) sẽ cắt thêm vào 1cm để xê dịch lại dần dần và cho hai bé tập đi trong 6 tuần tới.

Sau 25 ngày mổ tách dính, Diệu Nhi đã có thể ngồi dậy được và cười tít mắt khi các bác sĩ pha trò - Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Sau 25 ngày mổ tách dính, Diệu Nhi đã có thể ngồi dậy được và cười tít mắt khi các bác sĩ pha trò - Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Trúc Nhi - Diệu Nhi được chẩn đoán dị tật dính liền bụng chậu bẩm sinh. Sau khi chào đời tại Bệnh viện Hùng Vương, hai bé được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng thành phố để chăm sóc và theo dõi sức khỏe đến 13 tháng tuổi. Sau nhiều lần hội chẩn, các bác sĩ quyết định mổ tách hai bé vào ngày 15/7 với sự tham gia của gần 100 y bác sĩ. Sau gần 12 tiếng đồng hồ mổ tách thành công, hai bé được chuyển về phòng hồi sức ngoại theo dõi và điều trị tích cực cho đến nay.

TS.BS Trương Quang Định, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP, cho biết trong vòng 3 tháng tới, hai bé phải trải qua thêm 4 cuộc đại phẫu để tạo hình khung chậu, tiết niệu, tiêu hóa và tầng sinh môn.

Cầu bộ hành: Nơi cần chưa có, nơi có dân không đi

Tại nhiều khu vực bệnh viện, trường học trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, cơ quan chức năng đã cho xây cầu bộ hành nhằm đảm bảo an toàn cho người dân khi qua đường. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều người đã phớt lờ cầu bộ hành chỉ vì bất tiện và… nắng. Trong khi đó, nhiều nơi trên địa bàn TP rất cần có cầu bộ hành nhưng vướng một số hạ tầng kỹ thuật nên chưa được xây dựng.

Theo ghi nhận của PV báo Pháp Luật TP, trên tuyến đường Phạm Văn Đồng (quận Bình Thạnh và quận Thủ Đức) có năm cầu vượt bộ hành đang khai thác. Các cầu này đều được thiết kế đẹp, thông thoáng, có mái che nhưng hầu như người dân không sử dụng. Trong khoảng một tiếng quan sát tại đường Phạm Văn Đồng, PV nhận thấy lượng người sử dụng cầu bộ hành chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong khi đó, nhiều người dân băng qua cả dải phân cách để sang đường, bất chấp xe cộ nguy hiểm.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở cầu bộ hành trên đường Võ Văn Kiệt (quận 1), Nguyễn Văn Cừ (quận 5).

Cơ quan chức năng cho hay sẽ nghiên cứu, đề xuất thêm các tiện ích ở khu vực cầu bộ hành để thu hút sự quan tâm sử dụng của người dân.
Cơ quan chức năng cho hay sẽ nghiên cứu, đề xuất thêm các tiện ích ở khu vực cầu bộ hành để thu hút sự quan tâm sử dụng của người dân.

Đại diện Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ TP (viết tắt là Trung tâm Quản lý hạ tầng) cho biết, nguyên nhân vì ý thức chấp hành của người dân chưa cao, phần lớn họ có thói quen tiện đâu băng ngang đó. Về việc này, trung tâm sẽ kiến nghị lực lượng chức năng tăng cường tuyên truyền, xử lý vi phạm do băng ngang đường không đúng quy định.  Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất thêm các tiện ích để thu hút sự quan tâm, chấp hành của người đi bộ.

Cũng theo quan sát của PV, nhiều nơi trên địa bàn TP có mật độ cư dân đông nhưng chưa có cầu bộ hành để đảm bảo an toàn cho người dân khi qua đường. Điển hình như khu vực Công ty PouYuen (đường Trần Văn Giàu, quận Bình Tân), nơi đây tập trung rất đông công nhân, nhiều người sang đường bất chấp, gây hỗn loạn giao thông.

Trước cổng BV Bình Dân (quận 3) dù có cầu bộ hành nhưng người dân vẫn phớt lờ không sử dụng. Ảnh: THU TRINH
Trước cổng BV Bình Dân (quận 3) dù có cầu bộ hành nhưng người dân vẫn phớt lờ không sử dụng. Ảnh: THU TRINH

Ông Nguyễn Văn Sử, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Bình Tân, cho hay nhiều nơi trên địa bàn quận có mật độ giao thông lớn và cần tới cầu bộ hành để đảm bảo an toàn cho người dân. Do đó, trong năm 2020, quận đã kiến nghị Thành phố ba vị trí xây cầu bộ hành gồm: Cổng sau Công ty PouYuen, Trường THPT An Lạc gần cầu An Lạc (đường Kinh Dương Vương) và trước Bến xe Miền Tây. Trong đó, TP đã quan tâm xây dựng cầu bộ hành trước Bến xe Miền Tây, đến nay đã cơ bản hoàn thành.

TheoTrung tâm Quản lý hạ tầng, trên thực tế Thành phố còn một số vị trí rất cần xây dựng cầu vượt bộ hành như đường Điện Biên Phủ (trước ĐH Hutech), đường Trường Chinh (trước nhà thờ Lạc Quang)… Những khu vực này TP đã từng bố trí vốn đầu tư cầu bộ hành nhưng vì các công trình hạ tầng kỹ thuật chưa thể di dời nên đến nay đơn vị cũng chưa triển khai được.

Mừng vì được vay vốn thoát nghèo vượt COVID-19

Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh đã có những chương trình tín dụng ưu đãi hỗ trợ kịp thời để tháo gỡ khó khăn cho người nghèo, cận nghèo, người thuộc diện chính sách… bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Nội dung phản ánh trên báo Pháp Luật TP.

Gia đình chị Bùi Ngọc Huệ sống trên con hẻm nhỏ đường Trường Sa, phường 17, quận Bình Thạnh. Trước đây gia đình chị thuộc hộ cận nghèo trên địa bàn, cả gia đình chục người sống trong căn nhà lụp xụp, các anh chị em phải ngăn căn nhà ra từng góc nhỏ để sinh hoạt.

“Cách đây khoảng nửa năm, nhận được thông tin của tổ dân phố về nguồn vốn vay ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo…, tôi đã làm đơn xin vay NHCSXH 100 triệu đồng. Số tiền này tôi dùng một phần góp cùng anh em trong gia đình sửa lại căn nhà. Phần còn lại tôi dùng để mua máy may làm kiếm thêm thu nhập. Có thêm đồng ra đồng vào mỗi ngày đỡ lắm” - chị Huệ phấn khởi chia sẻ.

Chị Bùi Ngọc Huệ ở phường 17, quận Bình Thạnh đang may mặc để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Ảnh: ĐẶNG LÊ
Chị Bùi Ngọc Huệ ở phường 17, quận Bình Thạnh đang may mặc để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Ảnh: ĐẶNG LÊ

Trong con hẻm 243 đường Tôn Thất Thuyết, phường 3, quận 4 có một tiệm tạp hóa nhỏ của chị Phạm Ngọc Bé Trang. Diện tích chưa đầy 10 m2 nhưng căn nhà này chất đầy hàng tạp hóa.

Chị Trang cho biết: “Tôi được vay vốn 100 triệu đồng từ chương trình hỗ trợ, giải quyết việc làm của NHCSXH. Trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, những hộ có thu nhập thấp như chúng tôi được vay chừng đó tiền để làm ăn là quá mừng. Vay tiền bên ngoài vừa lãi cao, vừa sợ dính vào xã hội đen nên ớn lắm. Vay ở đây lãi vừa thấp mà chính sách lại linh hoạt, nếu tháng nào khó khăn thì chỉ cần trả lãi”.

Ông Trần Văn Tiên, Giám đốc NHCSXH Chi nhánh TP cho biết trong 06 tháng đầu năm, dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng tiêu cực toàn diện đến đời sống xã hội. Nhiều khách hàng vay vốn NHCSXH là những hộ vay vốn chương trình giảm nghèo, chương trình giải quyết việc làm và các đối tượng chính sách khác cũng bị ảnh hưởng nặng.

NHCSXH Chi nhánh TP đã chỉ đạo các phòng giao dịch tại các quận, huyện phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để hỗ trợ người dân.

Cũng theo ông Tiên, 06 tháng cuối năm 2020, NHCSXH sẽ tăng cường phối hợp với các địa phương để nắm bắt kịp thời đời sống người dân. Từ đó thực hiện các giải pháp hỗ trợ cho hộ vay bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 như gia hạn, giãn nợ… Đồng thời, ngân hàng cũng đẩy mạnh giải ngân tăng trưởng dư nợ để kịp thời hỗ trợ cho các đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, giải quyết việc làm.

Hàng chục ngàn hộ dân được hỗ trợ

Trong sáu tháng đầu năm 2020, NHCSXH Chi nhánh TP.HCM đã giải ngân 1.672 tỉ đồng cho 36.218 lượt hộ vay.

Trong đó, đơn vị này đã giải ngân cho 5.441 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ vay vốn làm ăn; 23.517 lượt khách hàng được vay vốn tạo việc làm. Bên cạnh đó, có 151 hộ gia đình bị thu hồi đất được hỗ trợ để có điều kiện phát triển kinh tế, ổn định nơi ở mới. NHCSXH cũng đã giải ngân cho 713 lượt hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để giúp trên 750 lượt học sinh, sinh viên có điều kiện trang trải chi phí học tập… 

Vân Anh - Khang Minh - Huyền Mai

Tin cùng chuyên mục