Đoàn tàu đầu tiên của tuyến metro số 1 rời Nhật Bản về TPHCM
Ngày 30/9, Ban Quản lý Đường sắt đô thị (MAUR) cho biết, đoàn tàu đầu tiên của tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đã rời cảng Kasado (Nhật Bản) để về TPHCM. Thông tin trên báo Lao Động.
Theo MAUR, đoàn tàu metro số 1 sẽ cập cảng tại TPHCM vào ngày 8/10 và được vận chuyển về depot Long Bình (trung tâm điều hành và bảo dưỡng tàu metro) ngày 10/10.
Đoàn tàu metro số 1 gồm 3 toa với tổng chiều dài 61,5m, tốc độ tối đa thiết kế 110km/h (đoạn trên cao), 80km/h (đoạn hầm), có thể chở tổng cộng 930 khách, trong đó có 147 khách ngồi ghế, 783 khách đứng, trong tương lai sẽ nối thành 6 toa.
Về thiết kế ngoại thất, đoàn tàu thể hiện hình ảnh tiên tiến, năng động của tuyến metro thành phố. Bên cạnh đó, phần đầu của đoàn tàu được thiết kế bo tròn về phía dưới, nổi bật hình dáng 3D tạo ra một cái nhìn sắc nét về tính hài hòa và năng động của đoàn tàu.
Đặc biệt, đoàn tàu đầu tiên của tuyến metro số 1 sẽ là đoàn tàu có bề rộng toa xe lớn nhất so với các tàu metro khác ở Việt Nam. Cụ thể, bề rộng bên trong đoàn tàu lên tới 2,950m.
Sở Y tế yêu cầu bệnh viện cảnh giác Covid-19
Báo Thanh Niên cho hay, ngày 30/9, Sở Y tế TP.HCM cho biết đã có văn bản khẩn gửi tất cả bệnh viện (BV) trên địa bàn, yêu cầu tuân thủ các quy định phòng chống dịch Covid-19.
Theo đó, các BV đảm bảo sàng lọc tất cả mọi người ngay từ cổng vào BV. Tổ chức phân luồng người bệnh đến khám một cách hợp lý, đảm bảo người bệnh có triệu chứng sốt, triệu chứng hô hấp tách biệt khỏi những người bệnh khác ngay từ khi đến đăng ký khám bệnh…
Sở Y tế cũng đề nghị, về lâu dài, khi xây dựng mới hoặc cải tạo nâng cấp cơ sở hạ tầng BV thì cân nhắc chuyển đổi cấu trúc của một khoa lâm sàng bao gồm nhiều buồng bệnh đơn riêng biệt thay vì bố trí những buồng bệnh lớn có nhiều giường.
Bố trí buồng khám sàng lọc, khu vực cách ly tách rời khỏi tòa nhà chính, có lối đi riêng ngay từ cổng BV đến khu vực này giúp hạn chế thấp nhất nguy cơ lây nhiễm chéo trong BV.
Huyện Nhà Bè được chọn làm nơi quản lý người nước ngoài nhập cảnh trái phép
Phó chủ tịch UBND TP Ngô Minh Châu vừa có ý kiến chỉ đạo về việc khảo sát, chọn địa điểm câu lưu người nhập cảnh trái phép trên địa bàn TP. Nội dung trên báo Tuổi Trẻ.
Theo đó, từ nay đến tháng 6/2021, Trường Bồi dưỡng giáo dục huyện Nhà Bè (số 280 Nguyễn Văn Tạo, xã Long Thới, huyện Nhà Bè) sẽ tạm thời làm nơi quản lý người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào TP trong thời gian làm thủ tục trục xuất.
Phó chủ tịch UBND TP Ngô Minh Châu giao Công an TP, Sở Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân TP, UBND huyện Nhà Bè thực hiện việc thành lập cơ sở nêu trên, đảm bảo về diện tích, quy mô, cơ sở pháp lý và sửa chữa cơ sở vật chất nếu cần thiết. Công an TP là đơn vị quản lý cơ sở này.
UBND TP yêu cầu hoàn chỉnh ý tưởng thiết kế không gian ngầm khu ga Bến Thành
Theo báo Pháp Luật TP, UBND TP đã giao Sở QH-KT phối hợp với đơn vị tư vấn hoàn chỉnh ý tưởng thiết kế đô thị và không gian ngầm khu vực nhà ga Bến Thành (quận 1).
Theo đó, ý tưởng thiết kế phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch tổng thể không gian ngầm của TP. Kiến trúc không gian ngầm và không gian phía trên phải hài hòa, đồng bộ và có tính kết nối với các khu vực không gian xung quanh như chợ Bến Thành, Công viên 23-9.
Không gian ngầm là tài nguyên quan trọng của TP, đặc biệt là khu vực nhà ga Bến Thành. Vì vậy, UBND TP yêu cầu ý tưởng thiết kế cần tính đến yếu tố lịch sử phát triển không gian của khu vực nhưng vẫn đảm bảo tính hiện đại, gắn với định hướng phát triển của TP trong tương lai, góp phần quảng bá hình ảnh TP, đất nước và con người Việt Nam.
Kết nối cung - cầu hàng hóa: Gần 600 biên bản ghi nhớ đã được ký kết
Theo báo Người Lao Động, Sở Công Thương TP HCM vừa có văn bản báo cáo Thành ủy, UBND TP kết quả tổ chức Chương trình hợp tác thương mại giai đoạn 2016-2020 và Kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP HCM và các tỉnh, thành năm 2020 (diễn ra từ ngày 24 đến 27/9 tại Nhà Thi đấu Thể dục Thể thao Phú Thọ, quận 11).
Theo bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP, nhờ chuẩn bị chu đáo nên chương trình lần này đạt hiệu quả kết nối cao, từ đó nhận được đánh giá tích cực từ các tỉnh, thành cũng như đơn vị tham gia.
Tổng cộng có hơn 1.500 doanh nghiệp của 43 tỉnh, thành (bao gồm TP HCM) tham dự với 512 gian hàng giới thiệu sản phẩm chủ lực, sản phẩm tiềm năng. Ước tính mỗi ngày, doanh thu bán hàng tại sự kiện đạt 7,6 tỉ đồng, mỗi gian hàng đạt doanh thu bình quân 15 triệu đồng.
Trong khuôn khổ chương trình, có hơn 1.000 lượt tiếp xúc và làm việc giữa các hệ thống phân phối cùng các doanh nghiệp tham gia hội nghị đã được thực hiện và 595 biên bản ghi nhớ, hợp đồng nguyên tắc đã được ký kết ngay. Trong đó, Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) có số ghi nhớ được ký kết nhiều nhất với 120 biên bản, kế đến là Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) với 99 biên bản, Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại tổng hợp Vincommerce với 95 biên bản, Central Group Việt Nam - hệ thống siêu thị BigC với 85 biên bản...
Công trình mới, hiện đại của Trung tâm văn hóa Hòa Bình
Báo Tuổi Trẻ đưa tin, ngày 30/9, công trình Trung tâm Văn hóa Hòa Bình đã được khánh thành, chính thức đi vào hoạt động. Đây là công trình chào mừng đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI.
Trước đó, Thành ủy, HĐND, UBND TP.HCM có chủ trương di dời Trung tâm Văn hóa Hòa Bình để hỗ trợ cho việc hoàn thành công trình xây dựng mới Việt Nam Quốc Tự (trên đường 3-2, thuộc phường 12, quận 10) trở thành một trong những địa điểm sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng quan trọng tại TP.HCM. Do vậy, TP.HCM đã bố trí quỹ đất để xây mới Trung tâm văn hóa Hòa Bình tại lô B5, khu C30, đường Bắc Hải, phường 14, quận 10) với nguồn kinh phí từ ngân sách TP đầu tư tập trung hơn 177 tỉ đồng.
Công trình được xây dựng trên khuôn viên 10.000m2, quy mô 1 trệt, 3 lầu, mật độ xây dựng 34%, có khán phòng 500 chỗ với hệ thống nâng hạ thiết bị và ghế di động hiện đại, phòng triển lãm bằng kính và sân khấu ngoài trời 200 chỗ ngồi - có khả năng liên kết với công viên, quảng trường và không gian công cộng của khu công viên liền kề.
Đây là sân chơi văn hóa được kỳ vọng sẽ góp phần làm phong phú hơn đời sống văn hóa tinh thần của người dân TP.HCM; đồng thời “chia lửa” cho những trung tâm, nhà văn hóa của TP vốn đang có xu hướng quá tải như Nhà văn hóa Thanh niên, Cung văn hóa Lao động, Nhà văn hóa Sinh viên...
“Đại học không phải con đường duy nhất”: Học gì ra trường có việc làm ngay?
Đó là chủ đề của Chương trình tư vấn mùa thi do Báo Giáo dục TP.HCM thực hiện và được truyền hình trực tiếp trên Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long, đồng thời trực tuyến trên www.giaoduc.edu.vn, Fanpage/Youtube Kênh Tuyển sinh Hướng nghiệp vào lúc 15 giờ 30 phút chiều nay (1/10).
Chương trình sẽ thông tin đến thí sinh về cách thức xét tuyển, công tác tuyển sinh của các trường Cao đẳng – Trung cấp (CĐ – TC) hiện nay và giúp học sinh chọn ngành, chọn trường phù hợp với năng lực bản thân để ra trường có việc làm ngay. Các thí sinh có thắc mắc hay cần tư vấn gì có thể tương tác với chương trình bằng cách gởi câu hỏi về cho ban tư vấn.
Tham gia chương trình tư vấn là các chuyên gia đến từ các trường CĐ – TC: Ông Nguyễn Quốc Cường – Chuyên gia tư vấn Hướng nghiệp, Tuyển sinh; ThS Dương Duy Khải – Giám đốc Tuyển sinh và Truyền thông, trường CĐ Sài Gòn Gia Định; ThS Trần Thành Đức – Hiệu trưởng, trường Trung cấp Quốc tế Khôi Việt; TS Nguyễn Hữu Hảo – Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Tuyển sinh, trường CĐ quốc tế Kent; ThS Trần Thành Đức – Hiệu trưởng trường Trung cấp Quốc tế Khôi Việt; ThS Cao Tùng Minh – Phó ban Hướng nghiệp, trường Trung cấp Việt Giao; ThS Đinh Trí Dũng – Giám đốc, Học viện Kỹ xảo Điện ảnh & Hoạt hình MAAC.
Năm 2020, cả nước có hơn 900.000 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, trong đó tỉ lệ thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH-CĐ giảm hơn 9.800 thí sinh so với năm 2019 và riêng tại TP.HCM, năm học 2020-2021 có hơn 20.000 học sinh lớp 9 không thi vào THPT, cho thấy xu hướng tích cực của giáo dục nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý chọn ngành nghề của các bạn trẻ, minh chứng qua việc công bố điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển của thí sinh tốt nghiệp THPT vừa rồi vào các ngành như: Robot và Trí tuệ nhân tạo, Công nghệ thông tin, Khoa học dữ liệu,... đã tăng mạnh. Vậy tại bậc giáo dục nghề nghiệp, sự dịch chuyển ngành nghề của các bạn trẻ có xu hướng như thế nào?
Việc quan trọng ở thời điểm này chính là giúp học sinh định hướng để chọn đúng ngành nghề yêu thích, phù hợp năng lực bản thân để tìm được việc làm tốt, thu nhập cao khi ra trường.
Một bác sĩ bị phạt 40 triệu đồng, rút chứng chỉ hành nghề 6 tháng
Tin từ báo Thanh Niên, ngày 30/9, Thanh tra Sở Y tế TP cho biết đơn vị này đã kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính 40 triệu đồng đối với bác sĩ Trần Đức Quang, bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh.
Nguyên nhân, bác sĩ Quang cho người khác thuê, mượn chứng chỉ hành nghề tại Phòng khám đa khoa Âu Á (Công ty TNHH MTV dịch vụ y tế Âu Á, 425 Nguyễn Văn Luông, P.12, Q.6). Mặc dù bác sĩ Quang có đăng ký hành nghề tại phòng khám này nhưng được xác định là cho thuê bằng cấp.
Ngoài bị phạt tiền, bác sĩ Quang bị Sở Y tế tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề trong thời hạn 6 tháng. Trước đó, cũng vì hành vi thuê, mượn chứng chỉ hành nghề của bác sĩ Trần Đức Quang và vi phạm nhiều hành vi khác như quảng cáo sai quy định… phòng khám đa khoa Âu Á đã bị phạt tổng cộng là 221 triệu đồng.
Từ đầu năm 2020 đến nay, Thanh tra Sở Y tế TP đã phát hiện ít nhất 2 bác sĩ cho thuê, mượn chứng chỉnh hành nghề tại 2 phòng khám đa khoa và cả 2 bác sĩ này ngoài bị phạt tiền còn bị rút chứng chỉ hành nghề.
Vân Anh - Khang Minh - Huyền Mai