Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 11/2/2020

11:16 11/02/2020

Trung tâm Báo chí tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TP. Hồ Chí Minh trên các báo ra ngày 11/2/2020

Đảm bảo cấp điện cho các bệnh viện dã chiến 2019-nCoV

Tổng công ty Điện lực TP cho biết, Tổng công ty đã giao cho Công ty Điện lực Củ Chi, Công ty Điện lực Duyên Hải liên hệ Sở Y tế và UBND hai huyện Củ Chi và huyện Nhà Bè (nơi có địa điểm xây dựng hai bệnh viện dã chiến) nhằm xây dựng và triển khai phương án đảm bảo cung cấp điện cho hai bệnh viện dã chiến.

Bên trong một phòng bệnh của Bệnh viện dã chiến Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)
Bên trong một phòng bệnh của Bệnh viện dã chiến Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Đến nay, Công ty Điện lực Củ Chi đã hoàn tất triển khai công trình cấp điện cho bệnh viện dã chiến bao gồm trồng 20 trụ điện, kéo gần 1.400m dây hạ thế, lắp 5 tủ điện kế tổng để đảm bảo việc cung cấp điện cho các dãy nhà phục vụ cho bệnh viện dã chiến.

Ở giai đoạn 2, Tổng công ty đã chuẩn bị phương án lắp máy biến thế dự phòng 400kVA và máy phát 400kVA, sẽ đưa vào sử dụng khi có yêu cầu của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh.

(Theo Vietnamplus)

Công sở vừa chống dịch Corona vừa phục vụ dân

Mặc dù diễn biến của dịch Corona ngày càng phức tạp nhưng hầu hết hoạt động tại các công sở ở TP. Hồ Chí Minh vẫn diễn ra bình thường. Chỉ có một điểm khác là cả cán bộ cũng như người dân đều phải đeo khẩu trang, rửa tay trước khi tiếp xúc, giao dịch công việc.

Các công sở tại TP.HCM đều trang bị khẩu trang y tế, dung dịch rửa tay… tại nơi làm việc để phục vụ người dân tới giao dịch/ PLO
Các công sở tại TP.HCM đều trang bị khẩu trang y tế, dung dịch rửa tay… tại nơi làm việc để phục vụ người dân tới giao dịch/ PLO

Ông Đỗ Đình Thiện, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, cho biết quận đã làm công tác tư tưởng cho cán bộ để mọi người hiểu rõ về dịch bệnh. “Tâm lý thì ai cũng lo lắng vì đây là dịch bệnh nguy hiểm tính mạng nhưng không phải vì lo lắng mà làm ảnh hưởng đến công tác phục vụ dân” - ông Thiện nhấn mạnh và cho biết thời gian qua, cả người dân và cán bộ đều rất có ý thức trong công tác phòng, chống dịch Corona.

“Người dân sẽ được cán bộ y tế đo thân nhiệt trước khi bước vào khu vực bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ, phòng tiếp công dân của quận. Nếu phát hiện ai có nhiệt độ bất thường thì cán bộ sẽ khuyên nên đến thăm khám ở cơ sở y tế” - ông Thiện nói thêm.

Trong khi đó, tại bộ phận tiếp dân của UBND phường Hiệp Bình Phước (quận Thủ Đức) chiều 10/2, số lượng người dân đến phường để thực hiện các giao dịch liên quan đến giấy tờ đã giảm đi rất nhiều.

Theo lãnh đạo phường, kể từ thời điểm thông tin dịch bệnh bùng phát thì lượng người dân đến phường giảm đáng kể. Lãnh đạo phường cũng cho hay phường đã trang bị 2.000 chiếc khẩu trang y tế để phát miễn phí cho người dân khi đến làm thủ tục. Đồng thời, chủ động thông tin, phân tích để người dân hiểu và lựa chọn khẩu trang vải trong trường hợp không tìm mua được khẩu trang y tế.

Thị trường dồi dào hàng hóa, thực phẩm

Trái với lo ngại khan hiếm thực phẩm mùa dịch bệnh, quầy thịt, rau, cá... tại các hệ thống siêu thị và nhiều khu chợ dân sinh tại Thành phố vẫn đầy ắp.

Hàng hóa thực phẩm dồi dào từ chợ đến siêu thị tại TP.HCM - Ảnh: báo Thanh Niên
Hàng hóa thực phẩm dồi dào từ chợ đến siêu thị tại TP.HCM - Ảnh: báo Thanh Niên

Vào siêu thị BigC trên đường Tô Hiến Thành (quận 10), chị Hà An (ngụ quận 4) khá bất ngờ khi vẫn có đông người dân đi siêu thị mua sắm cuối tuần. Tại đây, các quầy kệ vẫn đầy ắp thực phẩm. Nhiều loại rau chất đầy trong các khay... tất cả đều tươi ngon, được đóng gói cẩn thận. Gần đó, ngăn tủ mát bày rau hữu cơ cũng đủ loại, chất đầy kệ. Tương tự, tại khu vực bán thực phẩm tươi sống như thịt heo, thịt bò, cá hồi… cũng không thiếu thứ gì. Riêng dưa hấu, thanh long giá rẻ được bày ngay khu vực trung tâm. “Nghe mọi người kháo nhau đi mua đồ ăn trữ mùa dịch, tôi cũng phải tranh thủ đi siêu thị, sợ lúc cần không còn đồ mà mua. Ai dè, siêu thị đồ nhiều quá chừng, cái gì cũng tươi sống”, chị An nói.

Khảo sát tại siêu thị Co.op Nguyễn Đình Chiểu (quận 3) trong hai ngày cuối tuần vừa qua cũng tương tự. Hàng hóa, thực phẩm tươi sống đều đầy ắp các quầy kệ. Một số mặt hàng còn được giảm giá như khoai lang Đà Lạt giảm từ 27.900 đồng/kg xuống còn 22.900 đồng/kg; bí đỏ tròn (Kiên Giang) từ 15.000 đồng/kg xuống 12.900 đồng/kg; thanh long ruột trắng Phan Thiết chỉ còn 9.900 đồng/kg, giảm gần 3 lần so với giá bán cách đây vài ngày...

Hệ thống siêu thị Vinmart (Trung tâm thương mại Vincom Center, quận 1) cũng liên tục nhập hàng hóa mới, trong đó nhiều loại giá giảm so với cách đây vài ngày. Cụ thể, cá hồi phi lê giảm từ 650.000 đồng/kg xuống còn 469.900 đồng/kg; mực ống tươi loại 20 - 30 cm/con giá 289.900 đồng/kg, giảm hơn 55.000 đồng/kg; cam vàng Úc thường ngày giá từ 70.000 - 80.000 đồng/kg, nay giảm giá chỉ còn 56.000 đồng/kg; bưởi hồng da xanh túi lưới từ 50.000 - 80.000 đồng/kg…

Trong khi đó, tại các chợ truyền thống và các vựa hải sản, mặc dù hàng hóa vẫn dồi dào nhưng mức giá bán vẫn khá cao. Các loại trái cây như dưa hấu, thanh long cũng ở mức giá cao gấp nhiều lần so với trong các siêu thị. Ghi nhận trên báo Thanh Niên.

Bắt vụ khai thác lậu gần 1.000m³ cát trên biển Cần Giờ

Thượng tá Phạm Long Bào, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Long Hòa, Bộ đội Biên phòng TPHCM, cho biết, đơn vị đang tạm giữ 2 phương tiện có hành vi khai thác cát trái phép tại khu vực biển Cần Giờ.

Bộ đội Biên phòng TPHCM tạm giữ phương tiện khai thác cát trái phép/ SGGP
Bộ đội Biên phòng TPHCM tạm giữ phương tiện khai thác cát trái phép/ SGGP

Theo đó, trong lúc thực hiện nhiệm vụ tuần tra tại khu vực biển Cần Giờ, tổ công tác của Đồn Biên phòng Long Hòa phối hợp với Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ đội Biên phòng TPHCM, phát hiện 2 phương tiện mang biển kiểm soát SG-7766 do Nguyễn Văn Hòa (SN 1983, trú Nghĩa Tân, Nghĩa Hưng, Nam Định) và SG-7711 do Đỗ Văn Dương (SN 1977, trú Minh Hòa, Kinh Môn, Hải Dương) làm thuyền trưởng đang bơm hút cát trái phép từ dưới biển lên sà lan.

Tại thời điểm bị kiểm tra, 2 sà lan đang chứa tổng cộng gần 1.000m³ cát. Chủ các phương tiện không xuất trình được giấy tờ liên quan đến hoạt động khai thác cát cũng như giấy tờ liên quan đến hàng hóa, phương tiện, người điều khiển phương tiện theo quy định.

Tổ công tác đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, đồng thời đưa người, tang vật, phương tiện vi phạm về đơn vị để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

(Theo Báo Sài Gòn Giải Phóng)

Công an TP phát hiện nhiều vụ đánh bạc, bắt giữ hàng chục đối tượng sau tết Nguyên Đán

Cũng trên báo Sài Gòn Giải Phóng, Tối ngày 10/2, Công an TP đã phát đi thông báo kết quả công tác đảm bảo an ninh trật tự trong tuần từ 31/1 đến 6/2 trên địa bàn các quận huyện TP. Hồ Chí Minh.

Qua triển khai các biện pháp công tác kết hợp nguồn tin báo tố giác tội phạm của người dân, Công an TP đã điều tra khám phá 41 vụ phạm pháp hình sự, bắt 75 đối tượng.

Công an TPHCM ra quân trấn áp tội phạm trước đó. Ảnh: C.T/ SGGP
Công an TPHCM ra quân trấn áp tội phạm trước đó. Ảnh: C.T/ SGGP

Đã triệt phá 17 vụ, bắt 30 đối tượng có hành vi mua bán, tàng trữ, vận chuyển và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; phát hiện, xử lý 7 vụ/75 đối tượng đánh bạc ăn tiền trái phép; phát hiện và xử lý 7  vụ/7 đối tượng vi phạm về trật tự quản lý kinh tế; đề xuất ban hành 9 quyết định xử phạt vi phạm hành chính về môi trường với tổng số tiền 671.000.000 đồng; xảy ra 11 vụ cháy, làm bị thương 1 người; tổ chức cứu nạn, cứu hộ 4 vụ.

Lực lượng tuần tra kiểm soát hỗn hợp Công an TP và Công an quận, huyện đã phát hiện, xử lý nhanh 21 vụ/25 đối tượng nghi vấn, có dấu hiệu của tội phạm hình sự, ma túy, kinh tế và thu giữ nhiều tang vật liên quan hoạt động phạm tội; phát hiện và xử lý 211 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông.

Tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố được đảm bảo. Kết quả đã phát hiện, xử lý 1.947 trường hợp vi phạm giao thông đường bộ (có 41 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn) và 98 trường hợp vi phạm giao thông đường thủy với tổng số tiền phạt nộp ngân sách Nhà nước khoảng 1,820 tỷ đồng.

Ghi nhận xảy ra 5 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên, làm chết 05 người, bị thương 1 người và 26 vụ va chạm, làm bị thương nhẹ 21 người; hư hỏng tổng cộng 32 phương tiện các loại.

Chuẩn bị ứng phó đợt triều cường dự báo cao 1,66m

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai -Tìm kiếm cứu nạn TP dự báo diễn biến đợt triều cường giữa tháng Hai này có thể lên cao, dự báo vượt mức đỉnh 1,66m (vượt báo động III hơn 0,16m).

Ngập tại khu vực cầu Phú Xuân, tiếp giáp giữa huyện Nhà Bè và quận 7. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)
Ngập tại khu vực cầu Phú Xuân, tiếp giáp giữa huyện Nhà Bè và quận 7. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)

Trước diễn biến đợt triều cường giữa tháng 2 này có thể lên cao, dự báo vượt mức đỉnh 1,66m (vượt báo động III hơn 0,16m), chiều 10/2, Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP đã đề nghị các sở, ngành, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc phương án chủ động phòng, chống, ứng phó tình trạng ngập úng do mưa lớn, triều cường và xả lũ trên địa bàn TP.

Theo đó, UBND các quận huyện, nhất là các Quận 12, Thủ Đức, Bình Thạnh, Bình Tân và các huyện Củ Chi, Bình Chánh và Hóc Môn thông báo thường xuyên trên các phương tiện truyền thông về diễn biến đợt triều cường và ngày, giờ đỉnh triều xuất hiện cho nhân dân địa phương biết để chủ động ứng phó.

Đồng thời, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện cũng chuẩn bị vật tư (cừ tràm, lưới B40, vải bạt, bao tải đất, cát,…) để kịp thời xử lý, cơi đắp bờ bao xung yếu ngay từ giờ đầu theo phương châm “4 tại chỗ,” không để xảy ra tình trạng bể bờ bao gây ngập úng ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của nhân dân.

(Theo Vietnamplus)

Trong “bộ não” giao thông thông minh

Đó là bài báo được đăng tải trên báo Tuổi Trẻ số ra hôm nay, ghi nhận lại công việc của các kỹ sư ở Trung tâm giám sát và điều khiển giao thông Thành phố.

Tại tầng 3 của tòa nhà điều hành Trung tâm quản lý đường hầm sông Sài Gòn, nơi được coi là “bộ não giám sát giao thông thông minh” với Trung tâm giám sát và điều khiển giao thông Thành phố, một căn phòng rộng khoảng 200 m2 với 48 màn hình lớn. Những màn hình được lắp ráp thành 4 khu vực gồm: khu vực giám sát camera giao thông, khu vực giám sát xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông, khu vực giám sát điều khiển đèn tín hiệu giao thông và khu vực xử lý vi phạm.

Ở giữa căn phòng là đội ngũ kỹ sư ngồi trên ghế xoay giám sát tất cả các màn hình trên tường. Mỗi người được trang bị đầy đủ máy tính, điện đàm, hotline, các thiết bị điều khiển… Khi có một sự cố giao thông xảy ra trên địa bàn Thành phố, những âm thanh tít, tít lại vang lên. Ngay lập tức, các kỹ sư dán mắt vào màn hình có mũi tên đỏ. Trưởng ca điều hành sẽ xác nhận sự cố, tình trạng giao thông khu vực xung quanh, yêu cầu đội hỗ trợ trực tiếp gần khu vực xảy ra sự cố nhất đến hiện trường xử lý. Đồng thời, các kỹ sư liên tục điện đàm, quan sát để nhờ lực lượng cảnh sát giao thông hỗ trợ kịp thời.

Từ khi đưa vào vận hành Trung tâm giám sát và điều khiển giao thông Thành phố (đầu năm 2019), quá trình xử lý các sự cố trở nên nhanh chóng hơn trước rất nhiều. Tính riêng khu vực sân bay, các sự cố giao thông đã giảm rõ rệt, hiếm khi xảy ra kẹt xe kéo dài như những năm trước.

Theo Sở Giao thông vận tải TP, đơn vị này đang quản lý hơn 752 camera trên địa bàn Thành phố. Trong đó, số lượng camera do Sở này lắp đặt là 552, còn lại là kết nối và chia sẻ với các đơn vị phối hợp như Công an Thành phố, camera khu vực Phú Mỹ Hưng… Toàn bộ số camera này phủ khắp các khu vực trọng điểm như sân bay, trung tâm Thành phố…

Xếp hàng hiến máu trong mùa dịch nCoV

Thông tin trên báo Người Lao Động cho biết: Chỉ vài ngày sau khi thông tin nguy cơ thiếu máu trầm trọng được lan tỏa, hơn 1.000 người từ khắp nơi đã tập trung tại Trung tâm Hiến máu nhân đạo Thành phố (106 Thiên Phước, quận Tân Bình).

Họ sẵn sàng gác lại công việc bận rộn, vượt qua nỗi lo ngại vì dịch nCoV để sẻ chia những giọt máu hồng cứu người. Lo ngại ngân hàng thiếu máu dự trữ, ai cũng chấp nhận "đội nắng" chờ đến lượt mình để hiến máu nhân đạo.

Người dân xếp hàng chờ tới lượt hiến máu - Ảnh: báo Người Lao Động
Người dân xếp hàng chờ tới lượt hiến máu - Ảnh: báo Người Lao Động

"Cả tuần rồi tôi không mua được khẩu trang, tính cuối tuần chở bạn gái đi mua thì thấy mọi người dừng ở đây đông quá. Tôi hỏi bảo vệ thì biết hôm nay là ngày phát động chương trình "Giọt hồng khai Xuân 2020". Thế là tôi rủ bạn gái vào hiến máu luôn" - anh Đỗ Văn Lâm (26 tuổi, ngụ quận Tân Bình) bày tỏ.

Vừa hiến máu xong, chị Lê Thị Hoài Giang (quận Bình Thạnh) cho biết: "Dịch bệnh thì ai cũng sợ, nhất là những chỗ đông người nhưng tôi nghĩ ai cũng ngại thì lấy đâu ra máu cứu người. Bác sĩ, y tá làm việc rất tận tâm thì mình cũng không có cớ gì để ngần ngại".

Cùng quan điểm với chị Giang, chị Nguyễn Thị Hoài Thu (quận Bình Thạnh) hào hứng chia sẻ: "Thấy thông tin trên báo nên tôi rủ nhóm bạn cùng tham gia. Tôi hiến máu 5 lần rồi nhưng chưa bao giờ thấy cảnh người dân xếp hàng đông và ngay ngắn như thế này cả".

Không chỉ người dân Thành phố, nhiều người nước ngoài cũng nhiệt tình hưởng ứng phong trào. Chị Phạm Thị Mai Phương, Chủ nhiệm CLB Hành trình Đỏ TP. Hồ Chí Minh, cho biết theo kế hoạch, chương trình "Giọt hồng khai Xuân 2020" được tổ chức vào cuối tháng 2 hằng năm. Tuy nhiên, trước tình hình khan hiếm máu nghiêm trọng như hiện nay, ngân hàng máu chỉ còn đủ máu điều trị trong vài ngày tới nên chương trình diễn ra sớm hơn dự định.

"Trong 2 ngày 7 và 8/2, chương trình đã có hơn 1.000 người dân đến tham gia hiến máu, 972 lượt hiến máu thành công, thu về 1.266 đơn vị máu, vượt ngoài chỉ tiêu đặt ra ban đầu khoảng 100 người/ngày" - chị Phương cho biết.

Vân Anh - Thanh Hà

Tin cùng chuyên mục