Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 11/5/2020

11:04 11/05/2020

Trung tâm Báo chí tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TP. Hồ Chí Minh trên các báo ra ngày 04/5/2020:

Học sinh tất cả khối tiểu học ở TP trở lại trường

Hôm nay (11/5), học sinh tất cả khối tiểu học tại TP sẽ trở lại trường sau hơn 3 tháng nghỉ học phòng dịch Covid-19.

Theo ghi nhận của báo Thanh Niên, để đón học sinh (HS) quay trở lại, trước đó các trường đã thực hiện công tác đảm bảo an toàn trường học như vệ sinh, khử khuẩn phòng học, đồ dùng học tập; lắp đặt thêm bồn rửa tay trong sân trường... Tất cả HS khi đi học sẽ được đo thân nhiệt trước khi vào lớp, đồng thời phải có khai báo y tế về lịch sử đi lại trước đó. Những HS vừa đi về từ vùng dịch trong vòng 14 ngày sẽ được hướng dẫn cách ly, chưa được đến trường.

Học sinh lớp 5 tại TP.HCM trở lại trường từ ngày 8/5. Hôm nay sẽ là các khối lớp khác ở bậc tiểu học
Học sinh lớp 5 tại TP.HCM trở lại trường từ ngày 8/5. Hôm nay sẽ là các khối lớp khác ở bậc tiểu học

“Bộ GD-ĐT đã bỏ quy định giãn cách, không bắt buộc HS đeo khẩu trang và có thể sử dụng điều hòa trong lớp học nên mọi hoạt động giảng dạy sẽ trở lại bình thường như trước đây. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ thực hiện tất cả công tác phòng, chống dịch để đảm bảo an toàn cho HS”, cô Nguyễn Kim Phượng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (Q.Gò Vấp), chia sẻ.

Trước đó, ngày 9/5, Sở GD&ĐT TP đã có văn bản gửi các cơ sở giáo dục về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 khi HS đi học trở lại. Theo đó, Sở chỉ đạo các trường học bố trí các hoạt động dạy học trực tiếp ngày thứ bảy, cả hai buổi sáng chiều, kết hợp với việc dạy trực tuyến, học qua truyền hình. Đồng thời có kế hoạch phụ đạo miễn phí cho HS yếu, đảm bảo hoàn thành tốt chương trình năm học 2019 - 2020.

Toàn bộ xe buýt trợ giá hoạt động lại từ 11/5

Sở Giao thông Vận tải TP vừa thống nhất khôi phục lại hoạt động của 94 tuyến xe buýt có trợ giá trên địa bàn, bắt đầu từ ngày 11/5, với tần suất hoạt động 80% số chuyến kế hoạch bình thường - Báo Người Lao Động cho hay.

Đồng thời, việc hoạt động sẽ tiếp tục có điều chỉnh tùy theo tình hình thực tế và nhu cầu của hành khách.

Toàn bộ xe buýt có trợ giá tại TP HCM hoạt động trở lại từ ngày mai, 11-5
Toàn bộ xe buýt có trợ giá tại TP HCM hoạt động trở lại từ ngày mai, 11-5

Với riêng 2 tuyến xe buýt số 13 (Bến xe buýt Sài Gòn - Bến xe Củ Chi) và số 94 (Bến xe buýt Chợ Lớn - Bến xe Củ Chi), theo kế hoạch sẽ chuyển từ buýt có trợ giá sang loại hình không trợ giá từ ngày 15/5, vì vậy sẽ tạm ngưng đến thời điểm trên mới đưa vào hoạt động.

Theo Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng, các tuyến xe buýt khôi phục lại nhưng phải đảm bảo an toàn, phòng chống dịch Covid-19, với nhiều điều kiện bắt buộc như đeo khẩu trang, duy trì khử khuẩn các bề mặt trên phương tiện hành khách thường tiếp xúc như ghế, tay vịn... Hành khách khi đi xe cũng được yêu cầu hạn chế giao tiếp, ăn uống…

Hàng không lấy lại "nhịp bay"

Cũng trên Báo Người Lao Động, nhu cầu đi lại bằng đường hàng không đang gia tăng sau thời gian dài người dân hạn chế đi lại để phòng chống dịch Covid-19.

Anh Trần Minh (ngụ quận Bình Thạnh) vừa đặt xong vé máy bay và khách sạn cho cả gia đình đi chơi ở Phú Quốc trong tháng 5 này. "Đến giờ, Chính phủ kiểm soát tốt dịch Covid-19 nên tôi yên tâm đặt dịch vụ cho cả nhà đi chơi”.

Hành khách trên chuyến bay từ Mỹ nhập cảnh về Việt Nam ở sân bay Vân Đồn. Ảnh: LÊ MINH
Hành khách trên chuyến bay từ Mỹ nhập cảnh về Việt Nam ở sân bay Vân Đồn. Ảnh: LÊ MINH

Đây cũng là tâm lý chung của nhiều người và cũng là cơ hội cho ngành hàng không, du lịch sớm khôi phục lại hoạt động kinh doanh. Nhiều công ty du lịch lớn ở TP. Hồ Chí Minh bắt đầu có khách liên hệ đến đặt dịch vụ vé máy bay, phòng khách sạn, tour…

Với mục tiêu kích cầu du lịch nội địa, đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách sau khi dịch Covid-19 chuyển biến tích cực tại Việt Nam, các hãng hàng không thuộc Vietnam Airlines Group (gồm Vietnam Airlines, Jetstar Pacific và VASCO) vừa thông báo tiếp tục có kế hoạch tăng tần suất và khai thác trở lại các đường bay trong nước, đưa ra các chương trình khuyến mãi, ưu đãi lớn nhằm kích cầu thị trường, tiến tới phục hồi toàn bộ mạng lưới đường bay nội địa từ tháng 6/2020.

Nâng chất lượng dịch vụ công trực tuyến

Báo Người Lao Động thông tin, theo khảo sát của Ban Đô thị - HĐND Thành phố (TP), số lượng dịch vụ công trực tuyến tại TP ngày càng tăng, từ 4% năm 2016 lên 32% vào năm 2017. Tỉ lệ người dân và doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến cũng tăng mạnh, 40% năm 2018 và 56% trong năm 2019. Riêng trong tháng 4/2020, TP triển khai gần 1.300 dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 ở lĩnh vực lao động, kinh doanh và dịch vụ.

Người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại Sở Tư pháp TP HCM
Người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại Sở Tư pháp TP HCM

Bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, cho biết thời gian qua, Chính phủ và UBND TP đã chỉ đạo toàn diện việc thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến. Từ chỗ chỉ có 472 thủ tục năm 2016 (4%) thì đến cuối 2019 đã có 1.111 thủ tục (56%). Nhiều quận - huyện, sở - ngành đã làm tốt công tác này, như Sở Kế hoạch và Đầu tư, Công an TP, quận Bình Tân, quận 1, quận Bình Thạnh, huyện Hóc Môn… Qua đó phục vụ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp trong việc gửi hồ sơ và nhận kết quả, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19.

Dù đạt được nhiều kết quả nhất định nhưng việc triển khai dịch vụ công trực tuyến tại TP vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại. Theo bà Trinh, để nâng cao hiệu quả dịch vụ công trực tuyến cần có giải pháp tinh giản thủ tục hành chính nhằm dễ dàng triển khai trên môi trường mạng; đồng thời khẩn trương hoàn thiện cơ sở dùng chung trong đó có hệ thống dữ liệu về dân cư, hộ tịch, đất đai…

Chính thức tháo dỡ cầu sắt 118 tuổi

Thông tin từ báo Pháp Luật TP, cầu sắt Bình Lợi cũ (nối quận Bình Thạnh - Thủ Đức) chính thức được tháo dỡ sau hơn 118 năm vận hành.

Cầu sắt Bình Lợi cũ có tĩnh không thấp 1,8 m, gây cản trở sự phát triển giao thông đường thủy ở TP.Hồ Chí Minh. Sau nửa năm, tháng 9/2019 cầu sắt Bình Lợi mới được hoạt động thì tới nay cầu sắt Bình Lợi cũ mới chính thức được tháo dỡ.

Cầu Bình Lợi 118 tuổi chính thức được tháo dỡ
Cầu Bình Lợi 118 tuổi chính thức được tháo dỡ

Ông Hoàng Tuấn Khoát, Phó tổng giám đốc Ban quản lý dự án 7 thuộc Bộ Giao thông vận tải, cho biết cầu sắt Bình Lợi cũ dự kiến sẽ tháo dỡ trong khoảng 40 ngày và hoàn thành xong việc tháo dỡ trong tháng 6/2020.

Ban quản lý dự án 7, Bộ GTVT đã thống nhất với UBND TP.Hồ Chí Minh giữ lại hai nhịp cầu sắt cũ và tháp canh cầu bên phía bờ Thủ Đức để bảo tồn nguyên trạng.

Xem nhẹ đánh giá tác động từ cao ốc

Ùn tắc, ô nhiễm là hệ lụy nặng nề từ mật độ xây dựng công trình cao ốc dày đặc ở TP, song việc đánh giá tác động lại chưa được xem xét đúng mức. Đó là nội dung bài viết trên báo Người Lao Động.

Những ngày gần đây, nhiều tuyến đường tại TP tái diễn cảnh ùn ứ, các nút giao rối loạn khi học sinh, sinh viên trở lại trường, người dân bắt tay vào công việc... Có thể kể đến các trục đường xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình), hay tại khu nội đô với tuyến đường 3 Tháng 2 (quận 10 và 11) cũng đối mặt với tình trạng tắc nghẽn khi các cao ốc, công trình nhà ở... mọc dày đặc.

“Ăn theo” dự án metro Bến Thành - Suối Tiên, vài năm gần đây dọc xa lộ Hà Nội các dự án bất động sản mọc lên như nấm
“Ăn theo” dự án metro Bến Thành - Suối Tiên, vài năm gần đây dọc xa lộ Hà Nội các dự án bất động sản mọc lên như nấm

Trên tuyến đường này chỉ tính từ đoạn gần vòng xoay Dân Chủ (quận 10) tới giao lộ với đường Lê Đại Hành (quận 11) có hàng loạt tổ hợp công trình quy mô tập trung hàng ngàn người như các khu căn hộ, trung tâm thương mại, trường học... Tương tự, trục đường Nguyễn Hữu Thọ đoạn từ quận 7 đến huyện Nhà Bè, hàng loạt dự án bất động sản cũng đua nhau mọc lên, chưa kể còn nhiều trường đại học xung quanh khu vực này, khiến kẹt xe thường xuyên xảy ra.

Theo các chuyên gia, trong quản lý đô thị, hạ tầng phải đi trước đô thị và nếu khu vực nào không bảo đảm thì không cấp phép xây dựng. Còn nếu vẫn muốn xây dựng nơi đó thì doanh nghiệp phải đóng phí làm hạ tầng đáp ứng cho nhu cầu xung quanh, hạn chế tối đa sự phát sinh các hệ lụy tiêu cực.

Hôm nay, chỉ số tia UV tại TP. Hồ Chí Minh ở mức gây hại cao

Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia cho biết, từ ngày 11 đến 13/5, nắng nóng tiếp tục xảy ra ở các tỉnh Tây Nguyên và Nam bộ với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ C từ 11-16 giờ.  

Ngày 11/5, chỉ số tia UV tại TP. Hồ Chí Minh có giá trị từ 7-9 ứng với mức ảnh hưởng nguy cơ gây hại cao đến rất cao đối với cơ thể con người khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng. Cấp độ rủi ro thiên tai do nắng nóng cấp 1. Thông tin được đăng tải trên báo Sài Gòn Giải Phóng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Vân Anh - Thanh Hà

Tin cùng chuyên mục