Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 11/9/2020

10:10 11/09/2020

(HMC) - Trung tâm Báo chí tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TP. Hồ Chí Minh trên các báo ra ngày 11/9/2020:

TP. Hồ Chí Minh và TP. Busan: Chia sẻ kinh nghiệm chống Covid-19 và khôi phục kinh tế

Báo SGGP đưa tin, ngày 10/9, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã có buổi trao đổi trực tuyến với ông Byeon Sung Wan, quyền Thị trưởng TP Busan (Hàn Quốc).

Tại cuộc trao đổi, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, để chia sẻ khó khăn của doanh nghiệp (DN) các nước trong thời gian dịch bệnh vừa qua, trong đó có DN Hàn Quốc, Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyên gia, người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong tại buổi trao đổi trực tuyến. Ảnh: VIỆT DŨNG
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong tại buổi trao đổi trực tuyến. Ảnh: VIỆT DŨNG

TP. Hồ Chí Minh đã thành lập tổ công tác liên ngành để giải quyết cụ thể từng vướng mắc của các chuyên gia, doanh nhân khi đến làm việc tại Thành phố. Hàn Quốc là nước có số chuyên gia, doanh nhân được hỗ trợ nhập cảnh nhiều nhất để thuận lợi cho công việc. Với việc mở lại một số đường bay quốc tế trong tháng này, TP. Hồ Chí Minh kỳ vọng sẽ khôi phục lại quan hệ hợp tác giữa hai bên. Chủ tịch UBND TPHCM cam kết phối hợp đăng ký tham gia hoạt động gặp gỡ thương mại trực tuyến giữa TP Busan và các nước ASEAN vào ngày 23-9 tới, để qua đó tìm kiếm cơ hội làm ăn với các đối tác khác.

Nhân dịp kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị giữa TP. Hồ Chí Minh và TP Busan, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đánh giá đây là cơ hội thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ ngày càng phát triển giữa hai thành phố, củng cố mối quan hệ hữu nghị anh em, hợp tác sâu sắc giữa hai thành phố nói riêng và mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam - Hàn Quốc nói chung.

Liên quan đến vốn hợp tác phát triển chính thức (ODA), quyền Thị trưởng Byeon Sung Wan cam kết sẵn sàng hỗ trợ nếu TP. Hồ Chí Minh có nhu cầu cần đến nguồn vốn này. Bên cạnh đó, ông mong muốn sớm nối lại đường bay trực tiếp giữa hai thành phố để DN hai bên thuận tiện qua lại làm ăn. Hai bên cũng thống nhất sẽ thành lập tổ công tác trực tuyến với lãnh đạo các ngành giữa hai thành phố nhằm tiếp tục thúc đẩy giao lưu, hợp tác và đầu tư trong giai đoạn dịch bệnh này.

Xóa quy hoạch không khả thi để trả lại quyền lợi cho người dân

Theo báo Thanh Niên, Văn phòng UBND TP vừa thông báo kết luận của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan về việc thực hiện Quyết định số 60/2017 của UBND TP quy định diện tích tối thiểu được tách thửa.

Về vướng mắc liên quan đến khu vực quy hoạch có chức năng đất hỗn hợp và đất dân cư xây dựng mới, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP khẩn trương hướng dẫn UBND các quận, huyện rà soát, đánh giá tình hình thực hiện theo quy hoạch được duyệt.

Cụ thể, đối với những khu vực quy hoạch thực hiện không khả thi thì phải đề xuất điều chỉnh quy hoạch, xóa quy hoạch, trả lại quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Đối với những khu vực còn tính khả thi, đủ điều kiện thuận lợi để chỉnh trang đô thị nhưng chưa lựa chọn được nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy hoạch được duyệt thì đề xuất lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, cụ thể hóa quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000. Quy hoạch chi tiết cần xác định rõ vị trí, ranh giới từng loại chức năng sử dụng đất, công khai lấy ý kiến người dân và hướng dẫn người dân cùng tham gia đầu tư hạ tầng trong khu vực theo quy hoạch được duyệt.

Đối với khu vực quy hoạch đất dân cư xây dựng mới còn tính khả thi thì đề xuất kêu gọi đầu tư theo quy định. Sở ngành, địa phương cần phải quản lý trật tự xây dựng thật chặt chẽ, xử lý nghiêm trường hợp xây dựng không phép, sai phép, tự ý phân lô hộ lẻ để phát triển các khu dân cư theo định hướng đô thị mới.

Những khu vực quy hoạch không còn phù hợp sẽ được xóa bỏ hoặc điều chỉnh để trả lại quyền lợi hợp pháp của người dân. ẢNH: SỸ ĐÔNG
Những khu vực quy hoạch không còn phù hợp sẽ được xóa bỏ hoặc điều chỉnh để trả lại quyền lợi hợp pháp của người dân. ẢNH: SỸ ĐÔNG

Liên quan đến việc điều chỉnh Quyết định số 60, UBND TP giao Sở TN-MT TP nghiên cứu, lấy ý kiến các sở ngành liên quan, trong đó rà soát bổ sung thêm nội dung những trường hợp không được áp dụng tách thửa để ngăn chặn việc tách thửa không đúng quy định. Bên cạnh đó, Sở TN-MT TP xin ý kiến Bộ TN-MT hướng xử lý đổi với việc chuyển mục đích sử dụng đất tại khu vực phù hợp quy hoạch dân cư xây dựng mới, để có hướng tháo gỡ quyền lợi chính đáng của người dân.

Gỡ khó cho trường chuẩn quốc gia

Thông tin khác trên báo SGGP cho hay, một trong những nhiệm vụ ngành giáo dục và đào tạo mà Thành phố đặt ra trong năm học 2020-2021 là tăng cường công tác kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường chuẩn quốc gia. Đến nay, mục tiêu này đang đứng trước nhiều thử thách, đòi hỏi sự chủ động vào cuộc, tích cực phối hợp của nhiều tổ chức, đoàn thể xã hội.

Theo thống kê của Sở GD-ĐT TPHCM, năm học 2020-2021, bậc học có tỷ lệ trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia cao nhất là bậc tiểu học (TH) với 71/500 trường (tỷ lệ 14,20%). Kế đến là bậc mầm non với 169/1.346 trường (12,56%), hai bậc THCS và THPT có tỷ lệ trường chuẩn quốc gia tương ứng là 28/280 trường (10%) và 4/199 trường (2,01%). Toàn thành phố mới có 16 trường mầm non, 13 trường TH, 10 trường THCS và 3 trường THPT đạt chuẩn tiên tiến theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế.

Có thể thấy kết quả này còn khá khiêm tốn so với mục tiêu đặt ra của ngành giáo dục là đến cuối năm 2020, thành phố có 25% trường mầm non và TH, 15% trường THCS và THPT đạt chuẩn quốc gia, mỗi quận, huyện có ít nhất 2 trường học đạt chuẩn tiên tiến, hiện đại ở mỗi bậc học.

Học sinh tham gia CLB ngoại khóa tại Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học, quận 1 - đơn vị thực hiện mô hình tiên tiến hiện đại. Ảnh: H.HG.
Học sinh tham gia CLB ngoại khóa tại Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học, quận 1 - đơn vị thực hiện mô hình tiên tiến hiện đại. Ảnh: H.HG.

Lý giải thực tế này, một cán bộ Phòng GD-ĐT quận 12 cho biết, địa phương gặp khó trong việc duy trì sĩ số học sinh/lớp, đặc biệt tại khu vực đông người dân nhập cư. Mới đây, hàng loạt trường mầm non và TH phải duy trì sĩ số “khủng” từ 48 - 50 học sinh/lớp để giải quyết chỗ học cho hơn 1.000 học sinh không có hộ khẩu thường trú. Không riêng gì quận 12, nhiều trường mầm non và TH ở các quận trung tâm như quận 1, 3, 5, Bình Thạnh cũng “phá chuẩn” sĩ số để đáp ứng chỗ học cho người dân.

Chia sẻ về kinh nghiệm xây dựng trường chuẩn quốc gia, cô Ngô Thị Ngọc Hân, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoàng Anh (quận Tân Phú) - đơn vị vừa được công nhận đạt chuẩn quốc gia vào tháng 5-2020, cho biết, trước hàng loạt khó khăn, nhà trường đã mạnh dạn giới thiệu cho cha mẹ học sinh có con trong độ tuổi lớp mầm (3 tuổi) và chồi (4 tuổi) đến học tại các lớp mẫu giáo độc lập, tư thục trên địa bàn phường, đồng thời vận dụng các biện pháp “dân vận” như kêu gọi mạnh thường quân chung tay hỗ trợ nhà trường một số hiện vật như chậu hoa, cây xanh, tranh vẽ, sơn nước, thiết bị thang leo, tăng cường sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường, giúp cha mẹ hoc sinh ngày càng tham gia tích cực hơn vào các hoạt động, phong trào của nhà trường.

Với cách làm khác, cô Nguyễn Thị Mỹ Lệ, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Sen (quận Gò Vấp) cho biết đơn vị đã chủ động tham mưu lãnh đạo địa phương nhắc nhở các hộ dân xung quanh trường kiểm tra, tháo các bạt treo, dẹp bỏ nhiều vật dụng trên mái nhà, kiểm tra mái tôn nhằm đảm bảo an toàn sân chơi cho trẻ. Ngoài ra, đơn vị còn chủ động tham mưu Phòng GD-ĐT quận “ứng trước” kinh phí sửa chữa của năm học kế tiếp để khắc phục hạn chế về cơ sở vật chất, kịp thời đón học sinh đầu năm học mới.

Nhiều nhà sách thiếu sách giáo khoa

Ngày 10/9, ghi nhận của phóng viên báo Pháp Luật TP tại nhà sách Nguyễn Văn Cừ, quận Bình Tân, sách giáo khoa bán theo bộ đã hết từ lâu và chỉ còn sách lẻ, do đó để kiếm mua được đầy đủ là rất khó.

Sách giáo khoa lớp 6, như: Toán, Ngữ Văn chỉ còn sách tập hai, sách tập một không còn. Khi được hỏi về đợt nhập hàng kế tiếp, nhân viên nơi đây cũng chưa chắc chắn rằng khi nào sẽ có thêm sách để có thể đáp ứng đầy đủ cho khách hàng.

Nhiều kệ sách trống trải vì không có hàng để trưng bày. Ảnh: DANH NGUYỄN
Nhiều kệ sách trống trải vì không có hàng để trưng bày. Ảnh: DANH NGUYỄN

Tại nhà sách Nhân Văn, quận Tân Phú, tình trạng tương tự. Nhiều phụ huynh cũng thất vọng ra về sau khi không thể tìm được sách giáo khoa lớp 6 cho con mình. Quầy sách lớp 6 cũng trống trải một phần khi không có hàng để trưng bày, học sinh đến cũng không thể kiếm được sách nên đành lặng lẽ rời đi.

Không chỉ sách lớp 6, nhiều cuốn sách ở các lớp khác cũng không còn hàng. Tại nhà sách Phan Huy Ích, quận Gò Vấp, một phụ huynh muốn tìm cuốn sách Tiếng Việt tập 1 của bộ sách "Chân trời sáng tạo" nhưng cũng không có. Trên kệ sách chỉ còn sách Tiếng Việt tập 2.

Trước tình trạng này, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết năm học này, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên nhu cầu mua sắm ở các địa phương có biến động so với mọi năm, giảm ở các vùng có dịch, tăng ở một số thành phố lớn. Việc mua sắm sách vở, đồ dùng học tập diễn ra chậm hơn mọi năm và dồn dập vào dịp sau khai giảng (so với mọi năm là trước khai giảng).

Sức mua những ngày gần đây tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ nên xảy ra hiện tượng thiếu cục bộ. Hiện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đang gấp rút điều chuyển sách giữa các địa phương và khu vực, in bổ sung gấp để đáp ứng nhu cầu phát sinh, có đủ sách trong 1 - 2 ngày tới.

Điều tra đột xuất về tác động của Covid-19 đối với doanh nghiệp

Theo báo SGGP, chiều 10/9, Cục Thống kê TPHCM cho biết đang phối hợp với Cục Thuế, Sở Công Thương, Sở Thông tin và truyền thông TP triển khai công tác điều tra đột xuất đến các quận, huyện cùng các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố.

Thời gian triển khai thu thập thông tin bắt đầu từ ngày 10 đến 20-9 và sẽ được công bố kết quả điều tra dự kiến vào cuối tháng 9/2020.

Việc điều tra lần này tiếp tục sử dụng phương pháp điều tra trực tuyến. Để kê khai phiếu điều tra, các doanh nghiệp tiến hành truy cập vào địa chỉ: thongkedoanhnghiep.gso.gov.vn hoặc truy cập đường link: https://youtube/sQJHMz1dX6k để được hướng dẫn chi tiết.

Nội dung điều tra bao gồm: Thông tin nhận dạng đơn vị điều tra (tên, địa chỉ, điện thoại, fax, email, mã số thuế, loại hình kinh tế, ngành hoạt động sản xuất kinh doanh chính); tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; các giải pháp ứng phó của doanh nghiệp trước ảnh hưởng của dịch Covid-19; đánh giá hiệu quả các giải pháp của Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, giảm thiểu thiệt hại do dịch...

Du lịch là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Ảnh: VTV
Du lịch là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Ảnh: VTV

Trước đó, kết quả điều tra đợt 1 vào tháng 4-2020 cho thấy, tính đến thời điểm kết thúc khảo sát (20-4-2020) với 16.302 doanh nghiệp, có tới 85,47% doanh nghiệp được hỏi trên cả nước cho biết bị tác động bởi dịch bệnh. Trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng có tỷ lệ doanh nghiệp bị tác động là 86,03%, khu vực dịch vụ có tỷ lệ ảnh hưởng là 85,19%.

Đáng chú ý, một số ngành kinh tế có tỷ lệ doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực như: Ngành hàng không 100%, dịch vụ lưu trú 97,13%, dịch vụ ăn uống 92,42%, hoạt động của các đại lý du lịch 92,22%, giáo dục và đào tạo 91,22%, tiếp đến là các ngành dệt may, da giày...

167 doanh nghiệp nộp thuế tốt được tuyên dương

Báo Tuổi Trẻ đưa tin, ông Lê Duy Minh, cục trưởng Cục Thuế TPHCM cho biết do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, thay vì tổ chức hội nghị tuyên dương những doanh nghiệp có thành tích nộp thuế tốt, cơ quan này dự kiến sẽ đến doanh nghiệp để thăm hỏi tình hình sản xuất kinh doanh và tặng bằng khen.

Do danh sách được Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và UBND TP tuyên dương lên đến 167 doanh nghiệp, cơ quan thuế sẽ phân cấp cho các chi cục thuế, các phòng quản lý của Cục Thuế TP phụ trách. Riêng với các tập đoàn, tổng công ty đóng trên địa bàn, lãnh đạo Cục Thuế TP sẽ đến tặng bằng khen, giấy khen. “Đây cũng là hình thức động viên doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay. Dự kiến việc tuyên dương sẽ diễn ra trong tháng 9 và tháng 10”, ông Minh cho biết.

Trong tháng 9/2020, cơ quan thuế cũng dự kiến tổ chức giao lưu trực tuyến với doanh nghiệp, người nộp thuế thông qua trang web của Cục Thuế TP để giải đáp về những chính sách thuế mới có hiệu lực từ ngày 1/7 và những vấn đề mà người dân, doanh nghiệp thắc mắc liên quan đến hóa đơn điện tử.

Tổ chức dịch vụ thu gom chất thải rắn cồng kềnh

Công nhân nhà máy xử lý chất thải rắn phân loại và xử lý rác. Ảnh: Minh Đức - TTXVN
Công nhân nhà máy xử lý chất thải rắn phân loại và xử lý rác. Ảnh: Minh Đức - TTXVN

Theo báo Người Lao Động, nhằm khắc phục tình trạng bỏ chất thải rắn cồng kềnh không đúng nơi quy định, UBND TP vừa giao các đơn vị cung ứng dịch vụ quét dọn, thu gom, vận chuyể chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn quận – huyện xây dựng đề án, tổ chức thực hiện dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn cồng kềnh.

Trong đó, xây dựng phương thức tổ chức thu gom tại nguồn; xác định địa điểm tại địa phương để thiết lập điểm tập kết tiếp nhận và xử lý sơ bộ các loại chất thải rắn cồn kềnh theo cơ chế thị trường; tăng cường tái sử dụng và tái chế các loại chất thải rắn cồng kềnh đã tiếp nhận, các thành phần không thể tái sử dụng, tái chế được vận chuyển đến các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt của Thành phố để xử lý. Đồng thời, xây dựng và ban hành giá dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn cồng kềnh để thỏa thuận cung ứng dịch vụ. Công bố cho người dân biết số điện thoại liên hệ và cách thức thu gom để người dân dễ dàng tiếp cận dịch vụ.

Trường ĐH Ngân hàng TPHCM nâng chỉ tiêu và điểm sàn xét tuyển

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT tại TP.HCM vừa qua. Ảnh: PA
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT tại TP.HCM vừa qua. Ảnh: PA

Báo Pháp Luật TP cho hay, Hội đồng tuyển sinh Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM vừa có thông báo quyết định điều chỉnh mức điểm sàn và chỉ tiêu tuyển sinh theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2020.

Theo đó, ở chương trình đại học chính quy chuẩn (chương trình đại trà), trường điều chỉnh nâng điểm sàn từ 16 lên thành 18 điểm. Chương trình đại học chính quy chất lượng cao, trường cũng nâng thêm một điểm là 17 điểm, thay vì 16 điểm như trước đó. Thí sinh xét tuyển theo chương trình, sau khi trúng tuyển sẽ chọn ngành theo nguyện vọng. Riêng chương trình quốc tế song bằng, mức điểm xét tuyển là từ 16 điểm (không phân biệt tổ hợp môn).

Về chỉ tiêu, trường cũng quyết định nâng khá nhiều chỉ tiêu cho hai chương trình. Trong đó, chương trình đại học chính quy chất lượng cao nâng từ 300 lên đến 550. Chương trình đại học chính quy quốc tế song bằng, chỉ tiêu nâng từ 60 lên thành 110.

Khang Minh

Tin cùng chuyên mục