Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 12/2/2020

10:09 12/02/2020

Trung tâm Báo chí tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TP. Hồ Chí Minh trên các báo ra ngày 12/2/2020:

Hiến dâng sức trẻ cho Tổ quốc

Thông tin từ báo Sài Gòn Giải Phóng, sáng nay 12/2, gần 4.500 công dân trẻ của TP. Hồ Chí Minh lên đường thi hành nghĩa vụ quân sự và nghĩa vụ Công an nhân dân. Đặc biệt trong số này có 4 nữ tân binh. 

Tân binh giao lưu cùng cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy Quân sự quận Gò Vấp trước ngày lên đường nhập ngũ/ SGGP
Tân binh giao lưu cùng cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy Quân sự quận Gò Vấp trước ngày lên đường nhập ngũ/ SGGP

Họ là những người vừa trúng tuyển công chức thành phố, hoặc đang có việc làm ổn định nhưng lại sẵn sàng từ bỏ những điều kiện thuận lợi đang có để làm nghĩa vụ của một công dân. 

Năm 2020, Thành phố được giao chỉ tiêu tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ là 4.459 công dân (trong đó có 659 công dân thực hiện nghĩa vụ Công an nhân dân). Qua xét duyệt, phân loại danh sách có 54.274 công dân thuộc diện gọi nhập ngũ, đạt tỷ lệ 24,07% so với nguồn công dân trong độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ năm 2020. Kết quả khám sức khỏe, có 5.832 công dân đủ điều kiện sức khỏe, đạt tỷ lệ 37,05% so với tổng số điều khám. 100% thanh niên có lệnh gọi nhập ngũ đã sẵn sàng tòng quân.

Tiếp tục xây dựng thêm một số bệnh viện dã chiến

Phó chủ tịch thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm cho biết như vậy tại buổi kiểm tra bệnh viện dã chiến lập tại xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi, TP.Hồ Chí Minh ngày 11/2.

Ông Lê Thanh Liêm thăm hỏi, động viên tinh thần các y bác sĩ tại bệnh viện dã chiến - Ảnh: DUYÊN PHAN/TTO
Ông Lê Thanh Liêm thăm hỏi, động viên tinh thần các y bác sĩ tại bệnh viện dã chiến - Ảnh: DUYÊN PHAN/TTO

Phát biểu tại buổi kiểm tra, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của Sở Y tế TP và Bộ Tư lệnh trong việc hoàn thành khẩn trương bệnh viện dã chiến. 

"Chủ trương Sở Y tế và Bộ tư lệnh hết sức khẩn trương và trách nhiệm hoàn thành bệnh viện dã chiến 300 giường sớm hơn dự định. Việc này không chỉ ý nghĩa cho riêng công tác đối phó với dịch của TP mà còn đối với các vùng khác. Thời gian tới, TP tiếp tục xây dựng thêm một số bệnh viện dã chiến để chuẩn bị sẵn sàng đối phó với dịch nCoV", ông Liêm nói.

(Theo báo Tuổi Trẻ)

Cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu hàng tiêu dùng vào thị trường Hoa Kỳ

Theo báo điện tử Vietnamplus, Hoa Kỳ là một trong những thị trường khó tính nhưng có nhu cầu hàng hóa đa đạng, từ sản phẩm công nghệ cao cấp cho tới hàng tiêu dùng bình dân - vốn là thế mạnh của doanh nghiệp Việt Nam. Tiềm năng xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Hoa Kỳ còn rất lớn, nhất là các mặt hàng tiêu dùng từ Việt Nam.

Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã chính thức công nhận tương đương hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm cá da trơn của Việt Nam xuất khẩu. (Ảnh: TTXVN)
Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã chính thức công nhận tương đương hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm cá da trơn của Việt Nam xuất khẩu. (Ảnh: TTXVN)

Đây là thông tin được các chuyên gia chia sẻ tại Hội thảo "Đưa hàng hóa vào thị trường Hoa Kỳ" do Trung tâm Xúc tiến đầu tư và thương mại TP. Hồ Chí Minh (ITPC) tổ chức, ngày 11/2.

Bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc ITPC cho biết, Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, ở chiều ngược lại Việt Nam cũng vươn lên trở thành nhà cung ứng hàng hóa lớn thứ 13 của Hoa Kỳ.

Mặc dù vậy, với quy mô tiêu thụ lớn, nhu cầu hàng hóa đa dạng về chủng loại và phân khúc, thị trường Hoa Kỳ vẫn được đánh giá là còn nhiều dư địa để hàng hóa Việt Nam gia tăng thị phần.

Do đó bên cạnh việc tìm kiếm, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, năm 2020, ITPC sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu và quảng bá sản phẩm Việt Nam đến thị truờng Hoa Kỳ.

Sẽ hoàn thành 53 dự án cầu, đường giảm ùn tắc trong năm nay

Đây là một trong những kế hoạch, nhiệm vụ mà Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP đề ra trong năm 2020.

Các dự án sớm hoàn thành sẽ giảm áp lực kẹt xe tại nhiều khu vực TP.HCM/ Báo Thanh Niên
Các dự án sớm hoàn thành sẽ giảm áp lực kẹt xe tại nhiều khu vực TP.HCM/ Báo Thanh Niên

Theo đó, trong năm nay, Sở GTVT đặt mục tiêu sẽ hoàn thành 53 dự án bao gồm nhiều dự án quan trọng, góp phần giảm ùn tắc giao thông, giảm ngập nước như: Dự án nâng cấp, mở rộng cầu chữ Y; Xây dựng tuyến đường nối từ nút giao thông cầu Bà Chiêm đến Khu công nghiệp Hiệp Phước (giai đoạn 2), huyện Nhà Bè; dự án Cải tạo, nâng cấp, hoàn thiện mặt đường tuyến vành đai phía Đông (đoạn từ nút giao thông Mỹ Thủy đến cầu Rạch Chiếc), quận 2; Xây dựng hầm chui tại nút giao thông An Sương... Tổng mức đầu tư của 53 dự án này là hơn 17.755 tỉ đồng.

Được biết, năm 2020, TP. Hồ Chí Minh sẽ phấn đấu làm mới đưa vào sử dụng 81 km đường bộ và 18 cây cầu, đẩy mật độ đường giao thông lên đạt 2,2 km/km²; Tỷ lệ đất dành cho giao thông đạt 12,2% đất xây dựng đô thị.

(Theo báo Thanh Niên)

Gấp rút nghiên cứu hạn chế xe chở hàng lưu thông vào ban ngày

Cũng liên quan đến lĩnh vực giao thông, theo báo Người Lao Động, chiều 11/2, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan chủ trì buổi làm việc với Sở Giao thông Vận tải (GTVT) cùng nhiều sở, ngành liên quan về việc phê duyệt kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm 2020.

TP. HCM gấp rút nghiên cứu hạn chế xe chở hàng lưu thông vào ban ngày/ Báo Người Lao Động
TP. HCM gấp rút nghiên cứu hạn chế xe chở hàng lưu thông vào ban ngày/ Báo Người Lao Động

Trước tình hình giao thông tại TP hiện nay, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan nêu ra nhiều vấn đề và giao hàng loạt đầu việc cần gấp rút triển khai.

Đáng chú ý, trước tình hình ùn tắc giao thông tại TP đang đặc biệt phức tạp, ngành giao thông TP cần nhanh chóng nghiên cứu hạn chế xe chở hàng hoá, kể cả xe tải nhẹ lưu thông vào ban ngày và chuyển dần về đêm.

Vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan nhìn nhận sẽ có tác động không nhỏ, đồng thời ở một số vấn đề, chi phí có thể tăng lên. Tuy nhiên, về tổng thể, việc thực hiện sẽ có hàng loạt yếu tố tích cực khác như giảm chi phí xã hội, nhiên liệu, đời sống của người dân... Bởi hiện nay, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường đang phức tạp, nếu có thể chuyển hoạt động vận tải hàng hoá về đêm, sẽ giảm áp lực giao thông vào ban ngày. Việc này, Phó Chủ tịch UBND TP giao Sở GTVT khẩn trương nghiên cứu để đề xuất thực hiện.

Quận Bình Tân tiếp nhận và theo dõi 1.024 trường hợp đến từ vùng dịch

Ngày 11/2, Chủ tịch UBND quận Bình Tân Lê Văn Thinh cho biết: Trung tâm Y tế quận, các phường tiếp nhận thông tin và theo dõi là 1.024 trường hợp đến từ vùng dịch, trong đó có 111 trường hợp trung tâm kiểm soát bệnh tật chuyển đến, 299 trường hợp do công an quận điều tra, theo dõi chuyển sang và 614 trường hợp là chuyên gia tại Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam.

Nhân viên Bệnh viện Quận Bình Tân chuẩn bị phòng cách ly tại bệnh viện
Nhân viên Bệnh viện Quận Bình Tân chuẩn bị phòng cách ly tại bệnh viện

UBND quận đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP khảo sát và chuẩn bị các khu điều trị cách ly trong trường hợp dịch bệnh xảy ra trên địa bàn quận. Hiện nay đã chuẩn bị cơ sở vật chất với 110 giường bệnh (Bệnh viện Quận Bình Tân: 50 giường; Bệnh viện Triều An: 20 giường; Bệnh viện Gia An: 20 giường; Bệnh viện Quốc tế City: 20 giường).

Hiện UBND quận vẫn tiếp tục tổ chức tuyên truyền bằng xe loa lưu động về các biện pháp phòng, chống dịch viêm phổi cấp do virus corona chủng mới (nCoV) phát trên địa bàn 10 phường. Tiếp tục tuyên truyền bằng cẩm nang về cách phòng chống dịch bệnh trên fanpage, web, nhóm zalo của quận và các cơ quan đơn vị trực thuộc.

(Theo báo Người Lao Động)

Người dân TP. Hồ Chí Minh vào cuộc hỗ trợ tiêu thụ nông sản

Trước tình hình nông dân các tỉnh, thành phố gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ dưa hấu, trong những ngày gần đây người dân trên địa bàn TP đã chung tay, góp sức tìm đầu ra cho sản phẩm này; trong đó, có thể kể đến sự tham gia tích cực của nhiều cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức đoàn thể, nhóm tình nguyện...

Người tiêu dùng hưởng ứng mua dưa hấu hỗ trợ người nông dân. (Nguồn: TTXVN phát)
Người tiêu dùng hưởng ứng mua dưa hấu hỗ trợ người nông dân. (Nguồn: TTXVN phát)

Cụ thể, chiều 11/2, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam và Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) đã tổ chức thu mua hỗ trợ tiêu thụ 20 tấn dưa hấu cho nông dân tại tỉnh Gia Lai.

Dự kiến, cũng trong tuần này, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam và Tập đoàn TTC sẽ tiếp tục hỗ trợ thu mua thêm 20 tấn thanh long cho nông dân tại tỉnh Bình Thuận.

Không chỉ các hiệp hội, đoàn thể, mà đông đảo người dân TP cũng vào cuộc "giải cứu" nông sản giúp người nông dân tiêu thụ sản phẩm. 

Với giá bán khoảng 3.000 đồng/kg và giao hàng tận nơi, mặt hàng dưa hấu đã nhận được sự ủng hộ của rất nhiều người dân, nên số lượng dưa hấu tìm được đầu ra tiêu thụ đang tăng dần.

Còn đại diện một điểm bán và phát miễn phí trên đường Lạc Long Quân, quận 11 cho hay, đã thu mua 10 tấn dưa hấu từ Gia Lai, với tổng chi phí thu mua và vận chuyển gần 5.000 đồng/kg. Tuy nhiên, người dân có thể đến đây lấy miễn phí hoặc mua với giá "tùy lòng hảo tâm." Số tiền thu lại từ việc bán dưa hấu sẽ được nhóm tình nguyện tiếp tục mua dưa hấu giúp người nông dân hoặc sử dụng vào công tác từ thiện trong thời gian tới.

Ở góc độ người tiêu dùng, chị Mỹ Trang, cư ngụ tại quận 8 chia sẻ, các mặt hàng nông sản, trái cây luôn là nguồn thực phẩm tốt cho sức khỏe. Cùng với việc ủng hộ và tạo điều kiện cho người nông dân có được đầu ra tiêu thụ sản phẩm, thì đối với người tiêu dùng cũng có nhiều lợi ích. Do đó, việc nhiều tổ chức, cá nhân thực hiện thu mua và bán buôn mặt hàng dưa hấu đến tận tay người tiêu dùng mang lại lợi ích thiết thực cho xã hội.

Ghi nhận thực tế tại thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều hệ thống bán lẻ như Saigon Co.op, Big C... đang tiếp tục chạy những chương trình khuyến mãi, giảm giá và bán hàng không lợi nhuận để hỗ trợ người nông dân tiêu thụ nông sản.

Thống kê sơ bộ, hiện Saigon Co.op tiêu thụ bình quân mỗi ngày 21,3 tấn thanh long và 50 tấn dưa hấu; Big C 23,5 tấn thanh long và 38 tấn dưa hấu; LOTTE Mart 2,8 tấn thanh long và 7,1 tấn dưa hấu...

(Theo Vietnamplus)

Trường ĐH đầu tiên ở TP. Hồ Chí Minh cho sinh viên nghỉ học đến 23/2

Chiều 11/2, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP. Hồ Chí Minh đã có thông báo về việc tiếp tục cho sinh viên nghỉ học thêm một tuần, tức đến hết ngày 23-2, nhằm ứng phó với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona (nCoV) gây ra.

Nội dung thông báo mới của Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM/ Báo Pháp Luật TP
Nội dung thông báo mới của Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM/ Báo Pháp Luật TP

Nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, nhà trường sẽ có thông báo sau. Riêng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của trường vẫn làm việc bình thường.

Như vậy, đây là thông báo nghỉ học thứ 3 của trường từ sau tết Nguyên đán Canh Tý vừa qua. Đây cũng là trường đầu tiên thông báo kéo dài thời gian nghỉ cho sinh viên trong đợt 3 này.

(Theo báo Pháp Luật TP)

Vân Anh

Tin cùng chuyên mục