Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 12/3/2020

11:45 12/03/2020

Trung tâm Báo chí tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TP. Hồ Chí Minh trên các báo ra ngày 12/3/2020

Xây dựng trung tâm điều hành thông minh tất cả quận huyện

Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Ngày 11/3, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Trần Vĩnh Tuyến đã đưa ra thông tin trên trong buổi họp duyệt kế hoạch, nhiệm vụ năm 2020 của Sở Thông tin và Truyền thông. Tại cuộc họp, nhiều nội dung liên quan đến vấn đề xây dựng đô thị thông minh trong giai đoạn kế tiếp cũng được bàn thảo.

Các nhân viên Trung tâm giám sát và điều khiển giao thông đường hầm sông Sài Gòn (TP.HCM) đang giám sát giao thông qua hệ thống camera được kết nối với Trung tâm điều hành thành phố thông minh - Ảnh: Tự Trung (báo Tuổi Trẻ)
Các nhân viên Trung tâm giám sát và điều khiển giao thông đường hầm sông Sài Gòn (TP.HCM) đang giám sát giao thông qua hệ thống camera được kết nối với Trung tâm điều hành thành phố thông minh - Ảnh: Tự Trung (báo Tuổi Trẻ)

Ông Dương Anh Đức, Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông, cho biết trong năm 2019, trên cơ sở kiến trúc chính quyền điện tử của Thành phố, Sở đã tham mưu tổ chức triển khai ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ hiệu quả cải cách hành chính, phục vụ người dân, doanh nghiệp. Một số dữ liệu cơ bản của Thành phố đã được tích hợp về kho dữ liệu chung của Thành phố và được tổ chức khai thác, chia sẻ, sử dụng trong cơ quan nhà nước. Việc này nhằm cung cấp thông tin tổng hợp, đầy đủ, chính xác, kịp thời, hỗ trợ tốt công tác quản lý điều hành.

Cụ thể, kho dữ liệu dùng chung toàn Thành phố giai đoạn 1 đã tích hợp dữ liệu hiện có của các sở, ngành như: dữ liệu về văn bản điện tử, một cửa điện tử, khiếu nại tố cáo, đường dây nóng, đăng ký doanh nghiệp, đầu tư nước ngoài, dự án đầu tư công, địa chính, khám chữa bệnh, chứng chỉ hành nghề y, các cơ sở giáo dục, dịch vụ giáo dục… Tất cả những dữ liệu này được chia sẻ cho sở ngành, quận huyện tại địa chỉ: https://data.hochiminhcity.gov.vn.

Trong số các nhiệm vụ trọng tâm của năm 2020, Sở Thông tin và truyền thông Thành phố đặt mục tiêu thành lập Trung tâm điều hành chỉ huy tích hợp toàn Thành phố.

Theo Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến, tới đây tất cả sở ngành đều có trung tâm điều hành thông minh của ngành mình, cộng với trung tâm ở 24 quận huyện, kết hợp với trung tâm điều hành của ngành Công an. Tất cả trung tâm này sẽ tích hợp về trung tâm điều hành chỉ huy của Thành phố trên cơ sở kết nối dữ liệu của tất cả hệ thống camera mà Thành phố đã triển khai. Thêm vào đó, còn kết nối cả dữ liệu từ các camera của các tổ chức, cá nhân.

Lắng nghe ý kiến người dân về thủ tục hành chính

Báo Thanh Niên số ra sáng nay cho hay: Ngày 11/3, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố tổ chức hội nghị lắng nghe ý kiến người dân và doanh nghiệp về thực hiện các thủ tục hành chính tại Sở Tài nguyên- Môi trường.

Đại biểu nêu những bức xúc của doanh nghiệp về thủ tục đất đai - Ảnh: báo Thanh Niên
Đại biểu nêu những bức xúc của doanh nghiệp về thủ tục đất đai - Ảnh: báo Thanh Niên

TP. Hồ Chí Minh là nơi có cường độ giao dịch, triển khai dự án liên quan đến đất đai rất lớn. Trong khi đó, thực tế vẫn còn quá nhiều sự than phiền về thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ).

Là một trong những đại biểu nêu ý kiến, luật sư Trương Thị Hòa nhìn nhận thủ tục cấp sổ đỏ hiện nay vẫn còn tình trạng “một cửa nhiều khóa, một cổ nhiều tròng”, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi chính đáng của người dân. Dẫn chứng chuyện người dân có đất bị lấn chiếm, khi đi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận thì cơ quan chức năng không cấp cho họ vì cho rằng có đơn tranh chấp, bà Hòa cho rằng cách làm như vậy thể hiện pháp luật không bảo vệ người sở hữu đất mà lại bảo vệ người lấn chiếm.

Cũng tại hội nghị, nhiều ý kiến bức xúc phản ánh vấn nạn “quy hoạch treo đã treo luôn quyền lợi chính đáng của người dân, doanh nghiệp”. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các KCN Thành phố, cho biết nhiều doanh nghiệp kêu ca về thủ tục hành chính cấp sổ đỏ, có nhiều doanh nghiệp nộp hồ sơ đầy đủ xin cấp nhưng bị kéo dài 1 - 2 năm vẫn chưa được cấp…

Giải trình trước những bức xúc của người dân và doanh nghiệp, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT, thông tin Thành phố đã cấp sổ đỏ cho hơn 1,6 triệu hộ, chiếm tỷ lệ 97%, số 3% còn lại đa số vướng do tranh chấp, lấn chiếm và mua bán giấy tay. Ông Thắng cho rằng số còn vướng này do nhiều quy định, nguyên nhân khách quan và liên quan đến nhiều lĩnh vực, chứ không thể đổ hết lỗi cho ngành tài nguyên…

Linh hoạt hỗ trợ các doanh nghiệp sớm tiếp cận vốn vay ưu đãi

Vietnamplus đưa tin: Trước tình hình nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất kinh doanh, tạm ngừng hoạt động, nhiều ngân hàng thương mại ở TP.Hồ Chí Minh đang triển khai các gói hỗ trợ ưu đãi lãi suất đối với các doanh nghiệp.

Ảnh minh họa. (Nguồn: CTV/Vietnam+)
Ảnh minh họa. (Nguồn: CTV/Vietnam+)

Trong đó, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh đã chủ động phối hợp với các sở ngành, quận, huyện, rà soát, đánh giá tình hình của doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh. Từ đó, xác định những doanh nghiệp, hộ kinh doanh có khó khăn do tác động của dịch Covid-19 để xem xét thẩm định và có những giải pháp hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng có giải pháp phù hợp để hỗ trợ cho doanh nghiệp, như cơ cấu lại nợ, định kì hạn nợ, miễn giảm lãi tiền vay. Đặc biệt là khi cơ cấu lại nợ không chuyển đổi ở mức xấu hơn.

Nhiều ngân hàng thương mại đã xác định giải pháp, đưa ra gói hỗ trợ giảm lãi suất cho vay ít nhất từ 1-1,5% và cao nhất từ 2-2,5%. Điều này sẽ giúp cho các doanh nghiệp giảm chi phí, qua đó giảm giá thành để tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định.

Ngoài ra, trong dịp này, chương trình kết nối doanh nghiệp-ngân hàng được triển khai mạnh mẽ hơn. Từ đó, đưa vốn tín dụng với lãi suất hợp lý đến nhanh các doanh nghiệp ngành nghề có yêu cầu, giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất một cách nhanh nhất.

Đề nghị phổ biến danh sách khách đi chuyến bay VN0054

Theo báo Tuổi Trẻ, ngày 11/3, Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh có văn bản khẩn gửi các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế, Trung tâm y tế quận, huyện, các bệnh viện công lập và ngoài công lập về việc cách ly, theo dõi sức khỏe những người tiếp xúc với các hành khách chuyến bay VN0054 từ Anh về đến Hà Nội ngày 2/3.

Sở Y tế TP đề nghị UBND quận, huyện và các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị phổ biến rộng rãi danh sách hành khách đi trong chuyến bay số hiệu VN0054 đến cán bộ, công chức của đơn vị và người dân của địa phương.

Đồng thời đề nghị các cơ quan, đơn vị rà soát, lập danh sách những người tiếp xúc với các trường hợp cán bộ đi trong chuyến bay nêu trên, chuyển thông tin về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP hoặc Trung tâm y tế quận, huyện trên địa bàn để hướng dẫn theo dõi sức khỏe kịp thời theo quy định.

Lập thêm 2 điểm cách ly tập trung ở Củ Chi và Nhà Bè

Ngày 11/3, Văn phòng UBND Thành phố cho biết UBND Thành phố vừa quyết định thành lập Khu cách ly tập trung phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra. Đó là nội dung trên báo Người Lao Động.

Bệnh viện dã chiến Củ Chi - nơi cách ly người nghi mắc Covid-19 tại TP HCM - Ảnh: báo Người Lao Động
Bệnh viện dã chiến Củ Chi - nơi cách ly người nghi mắc Covid-19 tại TP HCM - Ảnh: báo Người Lao Động

Khu cách ly tập trung có chức năng tiếp nhận, khám, sàng lọc, theo dõi, tư vấn cho những người được cách ly tập trung.

Trụ sở làm việc của khu cách ly tập trung tại trụ sở Trung đoàn 10, số 25 đường Phạm Thị Quy, ấp 1, xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè và trụ sở khu C, Trường Quân sự TP, ấp Bến Đình, xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi.

Theo báo cáo của hệ thống giám sát dịch bệnh Covid-19, đến ngày 11/3, số trường hợp mắc Covid-19 tại Thành phố là 4 người, trong đó 3 người đã được chữa khỏi. Số người nghi ngờ mắc bệnh: 102 trường hợp và những trường hợp này qua xét nghiệm đều cho kết quả âm tính.

Số người đã tiếp xúc với người nhiễm hoặc nghi nhiễm là 45 người. 45 người này đã kết thúc thời gian theo dõi.

Công khai việc cho thuê và chuyển nhượng tài sản công

Thông tin từ báo điện tử Vietnamplus, UBND TP. Hồ Chí Minh vừa giao Thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các quận, huyện, người đứng đầu các tổ chức và các doanh nghiệp quản lý, sử dụng, xử lý tài sản công được giao theo đúng quy định.

Các đơn vị công khai, minh bạch thực hiện nghiêm túc việc đăng tải thông tin đấu thầu, đấu giá, niêm yết giá khi thực hiện mua sắm, thuê, sử dụng tài sản công để cho thuê, liên doanh liên kết, bán, chuyển nhượng tài sản công.

Dự án 360 Xa lộ Hà Nội, quận 9 liên quan đến sai phạm chuyển nhượng đất công. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)
Dự án 360 Xa lộ Hà Nội, quận 9 liên quan đến sai phạm chuyển nhượng đất công. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)

Đối với việc xác định giá trị tài sản, xử lý tài sản khi thực hiện cổ phần hóa, Ủy ban Nhân dân Thành phố giao thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập (bao gồm các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc tổng công ty, công ty mẹ) phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan để thực hiện xác định giá trị tài sản, xử lý tài sản đúng quy định pháp luật, tránh thất thoát tài sản của Nhà nước.

Ủy ban Nhân dân Thành phố cũng đề nghị các cơ quan thông tấn, báo chí cổ vũ, động viên kịp thời những điển hình tốt trong bảo vệ, quản lý sử dụng tài sản công, tích cực tham gia phát hiện cũng như góp ý, phê phán những hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản công.

Nâng chất lượng cuộc sống nhân dân: Trao “cần câu” giảm nghèo đa chiều

Giai đoạn 2016-2020 cũng là giai đoạn đầu tiên TP. Hồ Chí Minh thực hiện giảm nghèo bền vững theo phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều. 

Cùng là giảm nghèo, nhưng điểm khác biệt trong giảm nghèo 4 năm qua là thành phố đã tạo động lực giảm nghèo - tác động bằng chính sách - và yếu tố quyết định giảm nghèo chính là ý chí phấn đấu, vươn lên tự thoát nghèo của người nghèo.

Chia sẻ trên báo Sài Gòn Giải Phóng, Giám đốc Sở LĐTB-XH TP Lê Minh Tấn nhấn mạnh: “TP. Hồ Chí Minh trao cần câu, chứ không trao con cá nữa”...

Tháng 8/2015, chồng bị tai nạn qua đời, bà Lê Thị Hương Bình (49 tuổi) đưa 2 con 11 tuổi và 7 tuổi về sống cùng cha mẹ - vốn tuổi cao sức yếu - tại phường Hiệp Tân, quận Tân Phú. Thuộc diện hộ nghèo, gia đình bà Bình nhận được nhiều sự quan tâm giúp đỡ từ Ban giảm nghèo bền vững phường, Ban điều hành khu phố, Tổ tự quản giảm nghèo của khu phố. Ngoài việc bà được nhận tiền bảo trợ xã hội (dành cho phụ nữ đơn thân nuôi 2 con nhỏ) 760.000 đồng/tháng, thì các con bà đi học đều được nhận học bổng, được hưởng chế độ miễn giảm học phí.

Chị Nguyễn Thị Lan (bìa trái)- chủ doanh nghiệp tại phường 9, quận 6 đã nhận nhiều lao động có hoàn cảnh khó khăn vào làm việc tại cơ sở sản xuất dù. Ảnh: MẠNH HÒA
Chị Nguyễn Thị Lan (bìa trái)- chủ doanh nghiệp tại phường 9, quận 6 đã nhận nhiều lao động có hoàn cảnh khó khăn vào làm việc tại cơ sở sản xuất dù. Ảnh: MẠNH HÒA

Không chỉ vậy, gia đình bà còn được hỗ trợ tiền điện, hỗ trợ 3 thẻ bảo hiểm y tế hàng năm và được nhận quà vào các dịp lễ tết. Bản thân gia đình bà cũng vươn lên thoát nghèo bằng cách nhận hàng gia công về may, nhận sửa quần áo, nhận giữ xe tại nhà. Đến nay, với mức thu nhập bình quân 29 triệu đồng/người/năm, cuộc sống gia đình bà đã khá hơn nhiều so với trước.

Gia đình bà Lê Thị Hương Bình là một trong rất nhiều trường hợp đã thoát nghèo một cách bền vững, căn cơ từ sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền và sự nỗ lực tự vươn lên. TP. Hồ Chí Minh cũng có rất nhiều gia đình đã đổi đời từ phấn đấu theo đuổi con đường học tập, với sự trợ giúp học bổng của chính quyền và cộng đồng.

Ông Trần Văn Phúc, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Phú, cho biết các phường đã thực hiện nhiều mô hình linh hoạt trong hỗ trợ “cần câu” cho hộ nghèo và cận nghèo, cũng như kéo giảm các chiều thiếu hụt; qua đó giúp hộ nghèo ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững. Chẳng hạn phường Phú Trung có mô hình “Hỗ trợ phương tiện sinh kế” nhằm hỗ trợ hộ nghèo phương tiện để sản xuất, gia công, kinh doanh.

Hay phường Tân Thới Hòa thực hiện mô hình “Hỗ trợ ôn tập văn hóa cho học sinh hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên”. Nhiều em học sinh có hoàn cảnh khó khăn đã được nhận học bổng, và hầu hết các em nhận học bổng đã có được việc làm ổn định sau khi tốt nghiệp, góp phần cùng gia đình ra khỏi diện hộ nghèo.

Là một địa phương thường dẫn đầu các giai đoạn giảm nghèo trên địa bàn TP, bà Lê Thị Thanh Thảo, Phó Chủ tịch UBND quận 6, nhận xét chương trình giảm nghèo bền vững bằng phương pháp giảm nghèo đa chiều đã đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo. Các chính sách và giải pháp hỗ trợ giảm nghèo của thành phố, của quận được xây dựng và thực hiện theo hướng giảm dần từ trợ cấp sang tác động hỗ trợ giúp hộ nghèo, cận nghèo an tâm tổ chức sản xuất, kinh doanh, cải thiện cuộc sống.

Vân Anh - Thanh Hà

Tin cùng chuyên mục