Bí thư Thành ủy TPHCM: Không để băng nhóm tội phạm lộng hành
Theo báo Lao Động, ngày 11/6, bên hành lang Quốc hội, Bí thư Thành uỷ TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đã có trao đổi với báo chí liên quan tới sự việc nhóm côn đồ khoảng 200 người cùng mặc áo cam kéo đến đập phá quán ốc tại phường An Lạc A, quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh.
Về sự việc này, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết khi nắm bắt thông tin về vụ việc nhóm giang hồ gây án, Thành ủy đã lập tức lên tiếng, chỉ đạo Công an và UBND thành phố khẩn trương làm rõ, xử lý dứt điểm. Bởi vậy, chỉ sau 2 ngày, công an đã khởi tố hình sự vụ án, tạm giữ một số người liên quan.
“Quan điểm của Thành phố trong vụ này là phải làm quyết liệt và sẽ thông báo kết quả trước 30/6. Khi đó, Công an thành phố phải báo cáo Thường trực Thành ủy xem vụ việc đã được xử lý đến đâu. Tinh thần là chỗ nào rõ thì xử lý trước chứ không chờ tất cả xong mới xử lý” - Ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh và khẳng định, quan điểm của thành phố là rất cương quyết trong sự việc này.
Đặc biệt, Bí thư Thành ủy nhắc tới và yêu cầu làm rõ chi tiết nhóm côn đồ cùng mặc áo cam - đây là việc không thể chấp nhận được, bởi nó thể hiện hoạt động này là hoạt động có tổ chức.
“Có chính quyền, có đảng bộ mà để lộng hành như thế là không được”, ông Nhân nhắc lại.
Giáo viên được hưởng chế độ như thế nào trong dịch Covid -19?
Báo Lao Động cho hay, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP. Hồ Chí Minh vừa có văn bản hướng dẫn chế độ làm việc đối với giáo viên trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19 năm học 2019-2020.
Theo đó, chế độ làm việc của giáo viên cùng với các chế độ chính sách khác liên quan (kiêm nhiệm, thừa giờ...) vẫn thực hiện theo các quy định hiện hành của Bộ GD&ĐT.
Tuy nhiên, vì dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trong học kỳ II năm học 2019-2020 nên khi xác định chế độ làm việc của giáo viên, người đứng đầu các đơn vị cần căn cứ vào tình hình thực tế việc tổ chức dạy học, giáo dục của nhà trường và các hoạt động cụ thể của giáo viên.
Ngoài ra, nếu giáo viên được giao nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, tổ chức dạy học qua Internet, trên truyền hình được dùng chung cho nhiều nhóm/lớp, nhiều cấp học thì hiệu trưởng nhà trường căn cứ vào điều kiện cụ thể và tính chất công việc để tính toán, quy đổi thành số tiết dạy phù hợp đối với giáo viên đó hoặc tính toán, quy đổi cho cả những người cùng tham gia đảm bảo đúng người, đúng việc.
Việc quy đổi số tiết dạy của giáo viên phải có ý kiến đồng ý bằng văn bản của trưởng phòng GD&ĐT (đối với cấp mầm non, tiểu học và THCS) hoặc giám đốc sở GD&ĐT (đối với cấp THPT) theo quy định.
Việc quy đổi tiết dạy học trực tuyến để xác định tổng số tiết dạy của giáo viên trong học kỳ II năm học 2019-2020 phải đúng với các quy định hiện hành trong trường hợp có giáo viên có số tiết dạy vượt định mức giờ dạy/năm.
Do khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020 đã điều chỉnh, nên thời gian nghỉ học của giáo viên năm nay sẽ được tính bắt đầu từ sau ngày kết thúc năm học 2019-2020 (theo thời gian thực tế) đến ngày tựu trường năm học 2020-2021.
Kiểm soát thực phẩm tại các bếp ăn tập thể
Báo Sài Gòn Giải Phóng đưa tin, ngày 11/6, Hội thảo “Phòng chống ngộ độc thực phẩm bếp ăn tập thể, ngộ độc do độc tố tự nhiên và cập nhật số liệu an toàn thực phẩm” được Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh.
Theo báo cáo của Cục An toàn thực phẩm, trong 5 tháng đầu năm 2020, cả nước ghi nhận 48 vụ ngộ độc thực phẩm làm 872 người mắc, 824 người phải vào viện điều trị và khiến 22 người tử vong. Nguyên nhân do vi sinh vật chiếm 38,7%, độc tố tự nhiên là 28,4%, hóa chất là 4,2%, không xác định được nguyên nhân gây ngộ độc là 28,7%.
Tại TP. Hồ Chí Minh, ngoài mối lo mất vệ sinh an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể ở các khu chế xuất - khu công nghiệp, là nguy cơ mất an toàn thực phẩm trong các trường học. Toàn TP hiện có 1.280 bếp ăn tập thể tự tổ chức, 112 bếp ăn tập thể thuê nấu, 292 cơ sở nhận suất ăn sẵn, 630 căn tin trong trường học. Giai đoạn 2015-2019, trên địa bàn TP để xảy ra 22 vụ ngộ độc thực phẩm. Riêng 5 tháng đầu năm 2020, chưa ghi nhận vụ ngộ độc nào xảy ra trên địa bàn TP.
Cục An toàn thực phẩm cảnh báo, một trong những nguy cơ gây ngộ độc là việc sử dụng các nguyên liệu, thực phẩm “trôi nổi”, không rõ nguồn gốc, sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, bảo quản thực phẩm của các đơn vị sản xuất, kinh doanh và cung cấp suất ăn công nghiệp chưa đúng quy định.
Qua kiểm tra, khảo sát của Cục An toàn thực phẩm cho thấy, khoảng 70% số vụ ngộ độc thực phẩm là do sử dụng suất ăn từ nơi khác vận chuyển đến. Trong khi hầu hết cơ sở cung cấp suất ăn sẵn có quy mô nhỏ, điều kiện cơ sở vật chất, phương tiện, dụng cụ chế biến, bảo quản thực phẩm… không đáp ứng yêu cầu, quy định.
Bỏ sổ hộ khẩu, dân mừng!
Một thời cái vòng luẩn quẩn: "nhà đòi hộ khẩu, hộ khẩu đòi nhà" đã buộc bao người đang tạm trú ở các TP lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh phải lao đao, dù cho đã có công việc ổn định, có thu nhập cao, đủ sức mua nhà. Nội dung phản ánh trên báo Người Lao Động.
Cũng ở TP. Hồ Chí Minh, nhiều khu phố "liều" dựng lên, nhà không số, phố không tên, người không hộ khẩu... một thời là nỗi lo về quản lý hành chính, trật tự xã hội. Qua thời gian, cư dân dần ổn định đời sống, nhà cửa khang trang, việc quản lý đi vào nền nếp rồi cư dân cũng được nhập hộ khẩu...
Phải mất nhiều năm sau và bằng một số cách thức, cộng thêm chủ trương cởi mở ở TP. Hồ Chí Minh nên nhiều người trong số họ đã mua được nhà, có hộ khẩu, trở thành công dân chính thức của TP.
Nhưng với những công nhân, lao động từ các tỉnh về TP. Hồ Chí Minh và các TP lớn khác tìm việc làm, xác định sinh sống lâu dài thì việc nhập hộ khẩu hiện tại vẫn không dễ dàng. Đa số họ vẫn ở nhà thuê hoặc chắt chiu dành dụm thì mua lại nhà đất không đầy đủ giấy tờ. Từ đó những hệ lụy khác của việc không có hộ khẩu thường trú cũng phát sinh, nhất là chuyện học hành cho con, bảo hiểm y tế... cùng những việc khác có liên quan đến những thủ tục hành chính rắc rối, phiền hà.
Theo dự án Luật Cư trú (sửa đổi), sẽ thay thế việc quản lý cư trú (thường trú, tạm trú) từ phương thức thủ công bằng sổ giấy sang áp dụng công nghệ thông tin. Cơ quan chức năng sử dụng mã số định danh cá nhân của người dân để truy cập, cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Cơ sở dữ liệu này chạy trên mạng internet và được chia sẻ, kết nối với các bộ, ngành, đơn vị liên quan.
Chủ tịch LĐLĐ TP. Hồ Chí Minh Trần Thị Diệu Thúy khẳng định rằng bãi bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại TP lớn chính là cơ hội công bằng cho người lao động.
Việc số hóa quản lý hộ khẩu, định danh cá nhân bằng công nghệ số là tất yếu. Không chỉ giúp cho quản lý xã hội hiệu quả hơn, tiết kiệm hơn cho ngân sách mà đời sống, sinh hoạt của công dân cũng nhẹ nhàng hơn, giảm chi phí, công sức của người dân.
Trường đại học gửi thông báo trúng tuyển cho thí sinh... chưa tốt nghiệp THPT
Một số thí sinh xét tuyển học bạ nhận được thông báo trúng tuyển (có điều kiện) của trường đại học dù chưa tốt nghiệp THPT. Đó là chuyện lạ có thật được nhiều báo số ra hôm nay đưa tin.
Theo thông báo trúng tuyển (có điều kiện) của Trường ĐH Công nghệ TP.Hồ Chí Minh gửi cho thí sinh, trường báo thí sinh đủ điều kiện về điểm để xét trúng tuyển và nhận giấy báo nhập học vào các ngành đăng ký sau khi tốt nghiệp THPT.
Nội dung thông báo cũng cho biết để nhận giấy báo nhập học, thí sinh phải nộp trực tiếp hoặc chuyển phát nhanh bản sao công chứng giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời về trường, hạn chót ngày 10/9.
Theo khoản 1 Điều 20 của Quy chế tuyển sinh 2020 quy định về việc Thông báo thí sinh trúng tuyển nhập học quy định "Hội đồng tuyển sinh trường gửi giấy thông báo thí sinh trúng tuyển nhập học khi thí sinh đã đáp ứng đủ các điều kiện trúng tuyển theo quy định của Quy chế này và quy định của trường trong đó ghi rõ những thủ tục cần thiết đối với thí sinh khi nhập học". Trong các hội nghị, tập huấn về tuyển sinh, Bộ GD-ĐT luôn nhắc các trường không công bố trúng tuyển trước khi thí sinh tốt nghiệp THPT.
Trả lời báo Tuổi Trẻ về việc xét tuyển học bạ, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - quyền vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT - cho biết các trường sử dụng hình thức xét tuyển thông qua kết quả học tập bậc THPT (học bạ) và kết quả điểm thi THPT không được công bố trúng tuyển trước khi thí sinh tốt nghiệp THPT. Đối với việc xét kết quả học tập (học bạ) của đối tượng là thí sinh đã tốt nghiệp THPT, các trường có thể thông báo trúng tuyển khi đủ điều kiện tuyển sinh vào vào trường.
Trong khi đó, giải thích về thông báo trúng tuyển này, ông Nguyễn Quốc Anh - phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM - cho biết đây là thông báo về việc đủ điều kiện xét trúng tuyển. Trong thông báo, trường ghi rõ là thí sinh "đủ điều kiện về điểm để xét trúng tuyển" và thí sinh cần phải "tốt nghiệp trung học phổ thông" và bổ sung "Giấy chứng nhận tốt nghiệp (hoặc tạm thời)" mới đủ điều kiện để được tiếp tục xét trúng tuyển.
"Thông báo này chỉ với mục đích thông báo cho thí sinh biết với "điểm của thí sinh đủ điều kiện hay không đủ điều kiện" và không mang ý của giấy báo trúng tuyển. Tuy nhiên, thông báo có thể gây hiểu nhầm trong dư luận nên trường đã điều chỉnh thông báo để tránh hiểu nhầm. Trường cũng đã họp rút kinh nghiệm với bên hội đồng tuyển sinh, cần hết sức cẩn trọng" - ông Quốc Anh nói thêm.
Bộ GD-ĐT đề nghị Bộ Y tế có ý kiến về mức thu học phí Trường ĐH Y dược TP.HCM
Thông tin trên báo Tuổi Trẻ cho biết, ngay sau khi báo chí đưa tin về mức tăng học phí của Trường ĐH Y dược TP.Hồ Chí Minh , Bộ Y tế đã yêu cầu trường giải thích về mức tăng này. Mới đây Bộ GD-ĐT cũng đã gửi văn bản tới Bộ Y tế yêu cầu kiểm tra, xác minh thông tin báo chí về mức thu học phí của trường này.
Bộ GD-ĐT đề nghị Bộ Y tế theo chức năng quản lý nhà nước có văn bản đề nghị Trường ĐH Y dược TP.Hồ Chí Minh báo cáo, thuyết minh rõ căn cứ xác định mức thu học phí, lộ trình tăng học phí phù hợp và việc đáp ứng các điều kiện tự chủ của trường để được tự xác định mức thu học phí theo quy định... Đồng thời nhà trường thực hiện công khai mức thu học phí, lộ trình tăng học phí từng năm và cả khóa học theo quy định.
Trên cơ sở báo cáo của Trường ĐH Y dược TP.Hồ Chí Minh, Bộ GD-ĐT đề nghị Bộ Y tế có ý kiến đối với việc tính toán mức học phí, lộ trình tăng học phí; các điều kiện đảm bảo tự chủ để được tự xác định mức học phí của nhà trường; cung cấp thông tin, phối hợp với Bộ GD-ĐT để trả lời báo chí và công khai cho người học, xã hội đầy đủ theo quy định.
Theo đề án tuyển sinh đại học năm 2020 của Trường ĐH Y dược TP.Hồ Chí Minh, mức học phí mới dành cho sinh viên khóa 2020 như sau: ngành răng hàm mặt 70 triệu đồng, y khoa 68 triệu đồng, kỹ thuật phục hình răng 55 triệu đồng, dược học 50 triệu đồng…
Lãnh đạo Trường ĐH Y dược TP.Hồ Chí Minh giải thích, trong năm học tới trường sẽ thực hiện tự chủ tài chính, không còn được Nhà nước cấp ngân sách nên sẽ phải tăng học phí mới đủ chi phí đào tạo. Với riêng ngành răng hàm mặt có mức tăng học phí cao hơn hẳn các ngành khác vì các vật dụng, nguyên liệu thực hành của ngành này rất tốn kém.
Nhiều ưu đãi khi đầu tư điện mặt trời áp mái
Ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng giám đốc EVNHCMC cho biết, TP.Hồ Chí Minh là một trong những trung tâm đô thị phát triển với mật độ dân số và tốc độ tăng trưởng kinh tế rất cao. Đi kèm với sự phát triển đó là nhu cầu tiêu thụ điện của các nhóm hộ gia đình, thương mại và công nghiệp. Điều này ảnh hưởng đến chi phí của các hộ gia đình, doanh nghiệp (DN).
Trước thực trạng trên, EVNHCMC đã triển khai nhiều hoạt động nhằm tăng cường vận động hiệu quả hơn công tác lắp đặt ĐMTAM. Báo Pháp Luật TP đưa tin.
Cụ thể, đơn vị phối hợp với Ban quản lý Các khu chế xuất và công nghiệp TP.Hồ Chí Minh (Hepza) và Hiệp hội Các DN khu công nghiệp TP.Hồ Chí Minh (HBA) triển khai các hoạt động tuyên truyền điện mặt trời trong các khu chế xuất, khu công nghiệp.
Đồng thời, EVNHCMC cũng ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với các nhà cung cấp giải pháp điện mặt trời để triển khai các gói sản phẩm ưu đãi đến các DN, khách hàng sử dụng điện.
Trong nhiều giải pháp đầu tư hỗ trợ khách hàng, Công ty Năng lượng mặt trời Bách Khoa (SolarBK) đã đưa ra nhiều phương thức.
Theo đó, đối với khách hàng là DN có diện tích mái 1.000-3.000 m2, có thể lắp đặt được 100-300 kWp. Hình thức đầu tư này DN tự chủ toàn bộ hệ thống và DN đầu tư 100% giá trị hệ thống, chi phí đầu tư 17-20 triệu đồng/kWp.
Ngoài ra, SolarBK còn đưa ra phương thức đầu tư ESCO (SolarESCO), nghĩa là cùng đầu tư với DN, góp vốn 70%-100%.
Trong khi đó, Công ty CP VES lại đưa ra chính sách ưu đãi cho cán bộ, công nhân ngành điện, giảm 3%-5% giá trị trên hợp đồng đối với khách hàng và hỗ trợ vay vốn lên đến 70%.
Tương tự, Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) cũng đưa ra ba gói giải pháp cho khách hàng gồm: Khách hàng đầu tư 100% giá trị; TTC song hành hợp tác cùng khách hàng (TTC sẽ bán lại điện cho khách hàng với giá thấp hơn EVN và khách hàng sẽ sở hữu hệ thống ĐMTAM sau khi hết thời gian thuê); khách hàng cho TTC thuê lại cơ sở hạ tầng, sau đó khách hàng cũng được sở hữu hệ thống ĐMTAM sau khi hết thời gian cho thuê.
Một giải pháp khác khá tối ưu đối với khách hàng, đó là hợp tác cùng Công ty CP Tài chính Điện lực. Cụ thể, đơn vị này hỗ trợ khách hàng vay tới 70% tổng mức đầu tư hệ thống và không quá 12 triệu đồng/kWp, thời gian vay tối đa 07 năm.