Thành phố có bệnh viện đầu tiên chuyên điều trị người mắc Covid-19
Thông tin trên báo Sài Gòn Giải Phóng cho biết: Ngày 12/3, đoàn công tác của Sở Y tế đã đến làm việc với Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ và thống nhất kế hoạch chuyển đổi công năng của Bệnh viện (BV) huyện Cần Giờ (nay là Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ) trở thành bệnh viện chuyên điều trị bệnh Covid-19 với quy mô 300 giường.
Trước mắt, khu điều trị Covid-19 tại BV huyện Cần Giờ sẽ được cách ly hẳn khỏi khoa khám bệnh và khoa cấp cứu của BV nhằm không làm gián đoạn công tác điều trị và cấp cứu người dân trên địa bàn. Những trường hợp cần nhập viện điều trị sẽ tạm thời được chuyển về BV huyện Nhà Bè và các BV thành phố cho đến khi dịch bệnh chấm dứt.
Theo đó, hoạt động giảng dạy và học tập tiếp tục được tiếp tục được thực hiện trên hệ thống trực tuyến của trường trong thời gian này.
Nhiều trường ĐH đồng loạt cho sinh viên nghỉ thêm 1-3 tuần
Báo Pháp Luật TP thông tin, đến nay, phần lớn các trường ĐH-CĐ tại TP đã quyết định cho sinh viên nghỉ học thêm 1-3 tuần để phòng tránh dịch COVID-19.
Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh vừa thông báo tiếp tục cho toàn thể sinh viên kéo dài thời gian ngưng học tập trung tại trường để phòng tránh dịch COVID-19 đang ngày càng phức tạp. Từ ngày 31/3 trở đi, sinh viên các lớp phải chủ động theo dõi thông tin để học trực tuyến các học phần trong học kỳ 2 năm học 2019-2020 theo kế hoạch của Nhà trường. Nhà trường cũng lưu ý, thời gian học trực tuyến là thời lượng học chính thức, nhà trường sẽ không tổ chức học bù hoặc học lại cho thời gian đã tổ chức học bằng kho dữ liệu trực tuyến.
Tương tự, Trường ĐH Ngân Hàng TP. Hồ Chí Minh cũng thông báo cho sinh viên nghỉ học tại trường từ 16/3 đến 29/3. Theo đó, hoạt động giảng dạy và học tập tiếp tục được thực hiện trên hệ thống trực tuyến của trường trong thời gian này.
Trường ĐH Tôn Đức Thắng cũng quyết định cho sinh viên tiếp tục học trực tuyến đến ngày 29/3. Các học sinh, sinh viên đăng ký thi tốt nghiệp và kỹ năng thực hành chuyên môn sẽ chủ động ôn tập và theo dõi lịch thi dự kiến sẽ tổ chức vào tháng 4 tới.
Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cũng vừa thông báo cho sinh viên nghỉ học thêm một tuần đến 22/3.
Như vậy tính đến nay, phần lớn các trường ĐH-CĐ tại TP đã quyết định cho sinh viên nghỉ học thêm 1-3 tuần để phòng tránh dịch COVID-19.
Các đoàn thể cùng ký thi đua năm 2020
Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Ủy ban MTTQ VN Thành phố cùng Thành đoàn, Liên đoàn Lao động, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ TP đã cùng ký kết phối hợp hoạt động và giao ước thi đua năm 2020. Trong đó, trọng tâm là thực hiện chủ đề “Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị” TP đã xác định.
Nội dung hoạt động gắn với đặc thù từng đối tượng của các đoàn thể và phối hợp cùng chính quyền các cấp để vận động mọi người cùng hưởng ứng các phong trào thi đua. Cạnh đó, các hoạt động trong năm gắn với chào mừng những ngày lễ lớn của TP, đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, đại hội thi đua yêu nước TP và toàn quốc.
Các đoàn thể sẽ cùng thực hiện một số công trình an sinh xã hội, chăm lo cho gia đình chính sách, hộ nghèo tại huyện ngoại thành. Ngoài ra còn có các hoạt động như: xây dựng gia đình văn hóa, phối hợp hoạt động Tháng công nhân, vận động quỹ “Vì người nghèo”, quỹ “Vì biển đảo quê hương – vì tuyến đầu Tổ quốc...
TP. Hồ Chí Minh muốn chủ động hơn trong lĩnh vực xuất khẩu lao động
Ngày 12/3, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP đã tổ chức khảo sát tình hình thi hành Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn TP (giai đoạn 2015-2020).
Theo Sở LĐ-TB-XH, chủ trương đưa lao động ra nước ngoài làm việc nhằm mục tiêu giảm nghèo bền vững và từng bước nâng cao đời sống cho người lao động là chủ trương đúng đắn, kịp thời và đã phát huy hiệu quả.
Trong những năm qua, TP đã triển khai nhiều giải pháp để đưa lao động ra nhiều thị trường làm việc nhưng kết quả chưa như mong đợi; việc Bộ LĐ-TB-XH tự tìm kiếm thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ), ngành nghề đi lao động rồi giao chỉ tiêu xuống cho từng tỉnh, thành như hiện nay là không phù hợp với thế mạnh, đặc điểm của từng địa phương, nhất là TP. Hồ Chí Minh. Do đó, Sở LĐ-TB-XH đề xuất Bộ LĐ-TB-XH cần xem xét trao quyền này cho địa phương chủ động tự tìm kiếm thị trường và ngành nghề lao động; bộ ủy quyền cho địa phương trong việc thẩm định và cấp phép, cấp đổi giấy phép cho các doanh nghiệp (DN) XKLĐ để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các DN.
(Theo báo Người Lao Động).
Nhiều xe bất chấp camera hiên ngang đậu trên đường cấm
Sau ba ngày triển khai phạt nguội qua camera về việc dừng, đỗ sai quy định tại 14 tuyến đường ở Thành phố (TP), Thanh tra giao thông (TTGT) - Sở GTVT phát hiện hàng trăm trường hợp vi phạm. Hiện lực lượng TTGT đang ghi nhận, xác nhận hành vi vi phạm, sau đó gửi thông báo đến người vi phạm.
Ghi nhận của báo Pháp Luật TP ngày 12/3, trên khắp các tuyến đường được tổ chức ghi hình để phạt nguội thuộc địa bàn quận 1, quận Tân Bình và quận Bình Thạnh, nhiều ô tô vẫn đậu tràn lan. Đặc biệt, việc lắp đặt camera xử phạt nguội đã triển khai ba ngày nhưng nhiều tài xế vẫn tỏ ra không biết và bất ngờ với hình thức này.
Riêng tại tuyến đường Lê Duẩn, ô tô đậu san sát nhau dọc tòa nhà Central Plaza và cả chiều ngược lại. Đang đậu xe trên đường Lê Duẩn, anh Phạm Minh Hùng (tài xế ở tỉnh Bình Dương) cho biết anh không hề biết hình thức phạt nguội qua camera này, vì lâu lâu anh mới chạy xe từ Bình Dương lên TP để đi công việc.
Tuy nhiên, tại các tuyến đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Pasteur, Nguyễn Thị Minh Khai ghi nhận không còn cảnh xe xếp hàng dừng, đỗ nhiều như những ngày trước. Anh Võ Phát Thịnh (tài xế taxi Vinasun) bày tỏ: “Tôi biết tuyến đường này có gắn camera xử phạt nguội nên không dừng, đỗ. Tuy vậy, cái khó là nếu muốn chạy vòng vòng để đón khách thì hao xăng quá”.
Tại Trung tâm Quản lý điều hành giao thông (đặt tại Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn), các nhân viên kỹ thuật luôn theo sát camera. Tại đây, bốn nhân viên chia nhau bám 14 tuyến đường phạt nguội, công việc luôn căng thẳng vì theo sát các trường hợp vi phạm. Một nhân viên kỹ thuật cho biết tình trạng ô tô, xe tải dừng, đỗ trong ba ngày đầu vẫn diễn ra thường xuyên, nhất là vào cao điểm sáng, tối. Theo nhật ký ghi nhận của các nhân viên kỹ thuật, chỉ trong 1 giờ đồng hồ thì có khoảng 40 trường hợp dừng, đỗ tại 14 tuyến đường có theo dõi camera.
Làm việc tại nhà thời Covid-19
Thay vì phải có mặt nơi công sở, nhiều doanh nghiệp (DN) tại TP chọn giải pháp cho nhân viên làm việc tại nhà, làm việc qua mạng phòng ngừa lây nhiễm dịch bệnh. Nội dung được đăng tải trên báo Tiền Phong.
9 giờ sáng 9/3, chị T (quản lý cấp cao một công ty của Mỹ tại TP) ngồi tại nhà, bật máy tính trao đổi công việc với các cộng sự. Chị T cho biết: Do công ty của Mỹ, các khâu kỹ thuật, công nghệ đều hiện đại và thông tin bảo mật nên dù ngồi ở nhà, lãnh đạo doanh nghiệp vẫn có thể truy nhập vào dữ liệu công ty do đã được cài đặt phần mềm vào máy tính. Điện thoại bàn cũng được cài đặt vào máy tính nên gần như không có khó khăn gì trong quá trình làm việc tại nhà. Kể cả họp hành, phê duyệt một số văn bản, giấy tờ…
Công ty TNHH Thiên Thanh (Quận 12) hoạt động trong lĩnh vực kiến trúc và tư vấn kỹ thuật có liên quan, từ ngày có dịch Covid-19 đã thay đổi lịch làm việc so với ngày thường. Những chuyến công tác đến vùng dịch đã lên lịch trước đều bị hủy, hạn chế gặp đối tác nơi công cộng…
Anh Cao Phong, chủ một công ty chuyên về phần mềm tại Quận Tân Bình cho biết, do đặc thù công việc nên từ ngày 9/3, công ty đã cho toàn bộ nhân viên làm việc online.
Vừa trao đổi công việc với lãnh đạo vừa trông con nhỏ, chị Hà Thị Trang (34 tuổi, nhân viên marketing Công ty N.H.K (Quận 1) chia sẻ: “Làm việc online tại nhà là một trong những cách giúp người lao động yên tâm, DN cũng bớt thiệt hại mà lại an toàn cho cộng đồng. Mới đầu làm việc online còn nhiều lúng túng, nhưng tôi nghĩ qua vài ngày sẽ ổn thôi”.
Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm an ninh mạng Athena cho biết, do đặc thù công việc nên gần 100% nhân viên công ty đều làm việc qua mạng. Thực tế, đơn vị này đã ứng dụng làm việc, họp hành, trực tuyến… từ lâu chứ không phải khi có dịch Covid-19 này mới triển khai.
Ông Thắng nhìn nhận: “Làm việc online sẽ giúp giảm chi phí đi lại, giảm tải nguy cơ lây nhiễm bệnh tại văn phòng. Có thể nếu nhiều đơn vị cùng triển khai làm việc online cùng một lúc thì dễ xảy ra tình trạng nghẽn mạng cục bộ, gián đoạn trong giờ cao điểm”.
Vượt qua sự căng thẳng trong dịch Covid-19
Trong tình hình Việt Nam có thêm các ca bệnh Covid-19 mới, nhiều người dân có tâm lý hoang mang, đổ xô đi mua sắm, dự trữ thực phẩm, nhu yếu phẩm... Báo Thanh Niên đã phỏng vấn ý kiến của các bác sĩ, chuyên gia. Theo đó, các chuyên gia khuyên mọi người cần bình tĩnh để cùng nhau vượt qua sự căng thẳng trong mùa dịch.
Tiến sĩ - bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), phân tích: Khi đối mặt với bệnh tật thì mọi người thường lo sợ vì 3 vấn đề: nguy cơ tử vong; chi phí điều trị và thời gian điều trị lâu dài; bị cách ly, kỳ thị, xa lánh. Với Covid-19, hiện nay nguy cơ tử vong được các tổ chức y tế ghi nhận chỉ tập trung ở những đối tượng lớn tuổi có nhiều bệnh nền và được can thiệp y tế trễ. Hiện nay, tại Việt Nam, bệnh nhân Covid-19 được điều trị miễn phí. Thời gian nằm viện cũng khá ngắn so với nhiều bệnh tật khác. Nhiều bệnh nhân đã khỏi bệnh và xuất viện sau 5 - 7 ngày điều trị.
Một số người sợ bị nhiễm bệnh trong khu cách ly y tế. Tuy nhiên, bác sĩ Hùng khẳng định: “Mọi người yên tâm, với chuyên môn y tế, dịch tễ, các chuyên gia, bác sĩ, nhân viên y tế biết cách và triệt để thực hiện việc phòng ngừa lây nhiễm giữa những người đang được cách ly”.
Theo bác sĩ Đỗ Cao Vân Anh, Phó trưởng bộ môn nhiễm, Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM), dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam không nằm ngoài diễn tiến thông thường của dịch. Trong bối cảnh bệnh lan rộng ra nhiều quốc gia, tất yếu số bệnh nhân sẽ gia tăng trong thời gian tới. Hệ thống y tế Việt Nam vẫn đang kiểm soát được diễn biến của dịch bệnh. Chúng ta không nên hoảng loạn mà chỉ cần điều chỉnh cuộc sống phù hợp với tình hình.
“Mỗi người chỉ cần làm tốt việc của mình. Ai đi làm vẫn đi làm, ai đi học cứ đi học, ai phải cách ly thì tuân thủ các quy định cách ly. Đừng cố khuân cả một cái siêu thị về nhà hay “sơ tán”, “tháo chạy”. Chỉ cần mỗi người nhận thức đúng, có ý thức vì cộng đồng thì sẽ vượt qua thử thách lần này”, bác sĩ Vân Anh chia sẻ.
Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Trần Nam, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, nhận định: Người dân càng hoang mang, lo lắng mà đổ xô đi mua sắm tích trữ thì càng làm tăng nguy cơ lây bệnh vì đã vô tình tạo ra đám đông, tập trung đông người. Mặt khác, việc “tháo chạy” để né dịch cũng càng làm cho nguy cơ lây nhiễm tăng, khiến việc phòng chống dịch khó khăn hơn.
Bên cạnh đó, bác sĩ Nam lưu ý, với trẻ em, nghỉ học ở nhà thời gian dài, trẻ sẽ thấy buồn chán. Phụ huynh nên tìm cho trẻ những trò chơi, hoạt động ở nhà, học online. Đây là lúc phụ huynh có thể tranh thủ dành thêm thời gian với trẻ, nói chuyện, chia sẻ với trẻ. Trẻ nhỏ cần được trông coi cẩn thận để tránh những tai nạn sinh hoạt đáng tiếc. Với trẻ lớn hơn, đây là lúc phụ huynh dạy trẻ về ý thức và các biện pháp vệ sinh, phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe.