Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 13/8/2020

11:08 13/08/2020

Trung tâm Báo chí tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TP. Hồ Chí Minh trên các báo ra ngày 13/8/2020

Hoạt động vận tải hành khách lại căng mình vì dịch

Theo báo SGGP, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành giao thông vận tải thành phố một lần nữa lại phải căng mình triển khai thực hiện nhiều biện pháp phòng chống dịch tại các nhà ga, bến xe, bến cảng nhằm đảm bảo sức khỏe cho hành khách và cộng đồng.

Kiểm tra thân nhiệt hành khách trước khi vào làm thủ tục lên máy bay tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: CAO THĂNG
Kiểm tra thân nhiệt hành khách trước khi vào làm thủ tục lên máy bay tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: CAO THĂNG

Sở GTVT TPHCM cho biết, hiện nay, tất cả các bến xe khách liên tỉnh, bến xe buýt, bến tàu thủy, ga đường sắt, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất… đều đã trang bị khẩu trang y tế, nước rửa tay sát khuẩn cho hành khách, người dân đến liên hệ công tác cũng như người lao động của đơn vị. Không những thế, các đầu mối giao thông vận tải trọng điểm này còn thực hiện thường xuyên hàng ngày việc vệ sinh sảnh chờ đón khách, phương tiện vận tải, phun xịt sát khuẩn, tiệt trùng tại các khu vực tiếp công dân, nơi tập trung đông người trong khuôn viên bến xe, bến cảng…

Chủ động, quyết liệt và có ý thức trách nhiệm cao trong phòng chống dịch Covid-19, nhưng các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách đang lo sẽ phải lại một lần nữa đối mặt với tình trạng sụt giảm hành khách nghiêm trọng, do ảnh hưởng của dịch như đã xảy ra trong thời gian giãn cách vào tháng 4 qua. Bởi, nếu hành khách sụt giảm sẽ dẫn đến doanh thu giảm, một điều dân trong nghề rất sợ.

Ngoài vấn đề sụt giảm hành khách, trong giai đoạn giãn cách đó, các đầu mối, đơn vị vận tải hành khách trên địa bàn thành phố còn gặp một số khó khăn khác. Chẳng hạn, do các đơn vị cung cấp không có đủ hàng và do khan hiếm trên thị trường nên các đầu mối, đơn vị vận tải đều gặp khó khăn trong việc mua và trang bị khẩu trang số lượng lớn, nước rửa tay sát khuẩn cung ứng cho hành khách.

Ngoài ra, do chưa có chế tài xử lý đối với các hành khách không đeo khẩu trang hoặc không tuân thủ các khuyến cáo phòng dịch tại nơi công cộng và trên các phương tiện vận chuyển, nên các đầu mối, đơn vị vận tải chỉ có một cách giải quyết là buộc lòng phải từ chối phục vụ hành khách không hợp tác trong công tác phòng chống dịch.

Quận Phú Nhuận: Phát triển các ngành dịch vụ cao cấp ​

Một thông tin khác trên báo SGGP cho biết, ngày 12/8, Đảng bộ quận Phú Nhuận đã tổ chức Đại hội Đại biểu lần thứ XII, nhiệm kỳ (2020-2025).

Báo cáo tại đại hội, ông Huỳnh Đăng Linh, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Phú Nhuận cho biết, trong nhiệm kỳ qua, quận quan tâm  phát triển nhóm ngành dịch vụ, trong đó, lĩnh vực du lịch được chú trọng. Hoạt động thương mại phát triển đa dạng, theo hướng hiện đại, bên cạnh các chợ truyền thống, quận có thêm nhiều loại hình thương mại điện tử và cửa hàng tiện lợi tại các khu dân cư.

Hoạt động ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo được chú trọng, nhiều phần mềm quản lý, hệ thống dây chuyền sản xuất tự động hóa, dịch vụ công trực tuyến và các công cụ thư điện tử, chữ ký số, tin nhắn, mạng xã hội… được sử dụng rộng rãi tại các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp. Phong trào phát huy sáng kiến được phát động rộng khắp, trong đó có những sáng kiến, giải pháp hiệu quả được thành phố công nhận.

Các đại biểu tham gia bầu cử tại đại hội
Các đại biểu tham gia bầu cử tại đại hội

Phát biểu trong Đại hội, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Tô Thị Bích Châu nhấn mạnh: “Để phù hợp với quận nội thành, quận Phú Nhuận cần tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển các ngành dịch vụ cao cấp có hàm lượng tri thức cao, ứng dụng công nghệ, giảm thiếu sử dụng sức lao động. Ngoài ra cấp ủy, chính quyền quận cần quan tâm giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ các doanh nghiệp ổn định, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh và phòng chống dịch Covid-19”.

Bên cạnh đó, quận cần huy động các nguồn lực xã hội để đẩy nhanh việc xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị, trong đó quan tâm thực hiện các dự án về giao thông, chỉnh trang đô thị, vệ sinh môi trường. Trong đó, cần ưu tiên đất cho các công trình phúc lợi xã hội, công trình dân sinh nhằm thực hiện tốt yêu cầu xây dựng quận ngày càng văn minh, hiện đại, góp phần cho sự phát triển chung của thành phố.

ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh dời thi đánh giá năng lực đến ngày 30/8

Hội đồng thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TPHCM đã quyết định điều chỉnh ngày thi đánh giá năng lực năm 2020 sang ngày 30-8 tại một số địa phương không có giãn cách xã hội. Thông tin từ báo Tuổi Trẻ.

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực năm 2019 - Ảnh: TTO
Thí sinh dự thi đánh giá năng lực năm 2019 - Ảnh: TTO

TS Nguyễn Quốc Chính - Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo ĐH Quốc gia TPHCM, cho biết: "Trong tình hình dịch bệnh diễn biễn phức tạp, Ban giám đốc, Hội đồng thi đánh giá năng lực (gồm đại diện lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học có sử dụng kết quả thi đánh giá năng cho việc xét tuyển) đã thảo luận rất kỹ, căn cứ trên các phân tích khoa học về tình hình dịch bệnh để đưa ra quyết định điều chỉnh lịch thi".

Theo kế hoạch đã điều chỉnh, kỳ thi sẽ được tổ chức tại TPHCM, Bến Tre, An Giang và Nha Trang (Khánh Hoà) vào sáng Chủ nhật 30/8. Cụm thi tại Đà Nẵng sẽ được tổ chức khi tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, thời gian thi phù hợp với kế hoạch thi tốt nghiệp THPT đợt 2.

Cũng theo TS Nguyễn Quốc Chính, kỳ thi đánh giá năg lực phải đáp ứng 3 yêu cầu: nguyện vọng được tham dự thi của thí sinh đã đăng ký, mong muốn có thêm nguồn tuyển sinh tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học đã đăng ký sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực và đảm bảo tuyệt đối an toàn về sức khỏe cho thí sinh cùng thầy cô tham gia công tác thi.

Lịch thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM trước đó là ngày 16-8.

Trắng đêm xét nghiệm tìm COVID-19

Những ngày qua, số lượng người khai báo y tế về từ Đà Nẵng đến TP. Hồ Chí Minh từ ngày 1/7 ngày càng nhiều. Thống kê đến thời điểm hiện tại, có hơn 52.000 người trở về từ vùng dịch khai báo y tế, đồng nghĩa với lượng mẫu xét nghiệm khổng lồ cần phải lấy và trả kết quả.

Theo ghi nhận từ báo Pháp Luật TP, phòng xét nghiệm SARS-CoV-2 tại Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới TPHCM luôn sáng đèn cả ngày lẫn đêm. Các kỹ thuật viên đang miệt mài làm việc để trả kết quả nhanh nhất cho người dân.

“Các công đoạn thực hiện khá phức tạp và mất thời gian nhưng số lượng mẫu lại khá nhiều, các ngành chức năng đang đợi kết quả để có hướng xử lý, đồng thời có nhiều đơn vị cần kết quả khẩn nên chúng tôi phải cố gắng làm cho mau hết” - kỹ thuật viên Võ Trọng Vương chia sẻ áp lực khi bản thân mỗi ngày phải thao tác trên hơn 1.000 mẫu bệnh phẩm.

Kỹ thuật viên đang tách chiết mẫu bệnh phẩm để sau đó đưa vào hệ thống RT-PCR đọc kết quả. Ảnh: HL
Kỹ thuật viên đang tách chiết mẫu bệnh phẩm để sau đó đưa vào hệ thống RT-PCR đọc kết quả. Ảnh: HL

Thao tác trên tác nhân virus SARS-CoV-2 nguy hiểm, mỗi nhân viên đều tập trung cao độ để đảm bảo thao tác không lây nhiễm dịch bệnh cho chính bản thân, đồng nghiệp và cho ra kết quả một cách chuẩn xác nhất. Dù mặc đồ bảo hộ bít bùng gây bất tiện và ngồi cố định thời gian dài liên tục nhưng các kỹ thuật viên đều phải cố gắng khắc phục. Ngoài làm xét nghiệm, các kỹ thuật viên còn phải tỉ mỉ ở khâu nhập liệu để đảm bảo kết quả xét nghiệm và trả kết quả chính xác.

1.000-1.500 mẫu xét nghiệm mỗi ngày

Phòng thí nghiệm sinh học phân tử của BV chịu trách nhiệm xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh COVID-19 từ các BV trong TP. Bên cạnh đó, hỗ trợ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM xét nghiệm các ca tiếp xúc với ca bệnh, người dân từ Đà Nẵng, từ các trung tâm y tế và BV quận, huyện với tần suất 1.000-1.500 mẫu mỗi ngày.

Các mẫu bệnh phẩm sau khi đưa về sẽ được tách chiết bằng hóa chất, sau đó đưa vào hệ thống xét nghiệm RT-PCR để đọc kết quả. Trung bình mất khoảng 4 tiếng một mẫu bệnh phẩm sẽ có kết quả. Nếu mẫu bệnh phẩm dương tính thì cần thêm 1 tiếng đưa vào máy đọc khẳng định.

Với số lượng mẫu cần xét nghiệm lớn như hiện nay, tất cả bộ phận tiếp nhận, xét nghiệm đều phải làm bất kể giờ giấc. Ban đêm, chúng tôi bố trí người để thực hiện các mẫu cần xét nghiệm khẩn. Dù bận rộn và nặng nề hơn nhưng chúng tôi đều cố gắng, ý thức đây là công việc nhưng cũng là trách nhiệm của mỗi người dân, mong muốn góp phần cùng TP nhanh chóng đầy lùi dịch bệnh”.

ThS NGHIÊM MỸ NGỌC, Phó Khoa xét nghiệm BV Bệnh nhiệt đới

Thêm 120.000 lao động TP. Hồ Chí Minh sẽ mất việc vì COVID-19

Theo thông tin từ báo Tuổi Trẻ, ông Lê Minh Tấn, giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội TPHCM, cho biết dự báo tới tháng 9 sẽ có khoảng 120.000 lao động của khoảng 4.000 doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố tiếp tục bị cắt giảm do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Công nhân một công ty tại quận 12, TP.HCM chờ nhận lương khi công ty gặp khó khăn và trả lương trễ hạn cho người lao động - Ảnh: VŨ THỦY
Công nhân một công ty tại quận 12, TP.HCM chờ nhận lương khi công ty gặp khó khăn và trả lương trễ hạn cho người lao động - Ảnh: VŨ THỦY

Theo ông Tấn, đây chủ yếu là lao động thuộc các ngành du lịch, lưu trú, vận tải, ngành công nghiệp xây dựng, dệt may, da giày do các công ty rơi vào tình trạng thiếu đơn hàng, thiếu nguyên liệu sản xuất… Trước đó, trong tháng 6 và 7 đã có khoảng 54.000 lao động của gần 2.000 doanh nghiệp bị cắt giảm, tháng 3-5 có khoảng 327.000 người lao động bị cắt giảm.

Cùng thời điểm, ông Phạm Văn Tài - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Gò Vấp - cũng cho biết Công ty TNHH Huê Phong đóng trên địa bàn quận dự kiến sẽ cắt giảm thêm gần 1.600 lao động vào ngày 30-8. Trước đó công ty này đã trải qua hai đợt cắt giảm (đợt 1 là 2.222 người, đợt 2 là 224 người).

Ông Lê Minh Tấn cho biết hai tổ công tác đặc biệt do hai Phó Giám đốc Sở nắm trong thời gian qua đã liên tục theo dõi hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố

"Ưu tiên của sở là vận động, kêu gọi doanh nghiệp thực hiện các biện pháp giãn ca, giảm giờ làm để giữ việc làm cho người lao động. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng, tạo điều kiện để các doanh nghiệp vay vốn ưu đãi trả lương cho người lao động trong thời gian khó khăn, tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian dịch bệnh", ông Tấn nói thêm.

Đối với các trường hợp người lao động mất việc làm không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, sở cũng tăng cường để người lao động nhận được khoản hỗ trợ dành cho lao động mất việc làm do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 từ gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng của Chính phủ.

Khang Minh

Tin cùng chuyên mục