Xuất cấp hàng dự trữ quốc gia cho TPHCM thực hiện nhiệm vụ chống dịch
Theo Vietnamplus, ngày 12/8, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký Quyết định 1394/QĐ-TTg chỉ đạo Bộ Tài chính xuất cấp không thu tiền nhà bạt, máy phát điện từ nguồn dự trữ quốc gia cho UBND TPHCM để trang bị, cấp phát cho các lực lượng tham gia phòng, chống dịch COVID-19.
Số hàng cụ thể là: 410 bộ nhà bạt cứu sinh (gồm: 150 bộ loại 16,5 m2, 170 bộ loại 24,5 m2 và 90 bộ loại 24,75 m2); 14 bộ máy phát điện (gồm 11 bộ loại 30 KVA và 3 bộ loại 136-150 KVA).
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Tài chính, UBND TPHCM chịu trách nhiệm về thông tin và số liệu báo cáo.
UBND TPHCM tiếp nhận, phân bổ và hướng dẫn các đơn vị quản lý, sử dụng số hàng dự trữ quốc gia nêu trên theo đúng quy định.
Vận động F0 hết bệnh tham gia chống dịch COVID-19
Báo Người Lao Động cho hay, ngày 12/8, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP, vừa có công văn khẩn chỉ đạo tập trung đẩy mạnh một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch.
Trong đó, yêu cầu Giám đốc Sở Y tế tham mưu Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 việc vận động các bệnh nhân COVID-19 đã hoàn thành điều trị để tham gia tình nguyện phục vụ phòng, chống dịch. Lực lượng này tham gia các công tác hỗ trợ, hậu cần và có chế độ cụ thể.
Sở có trách nhiệm phối hợp với Bộ phận Thường trực của Bộ Y tế tiến hành khảo sát cơ sở tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID-19 để tham mưu việc điều phối lực lượng y tế tại các cơ sở tiếp nhận, điều trị; quy trình chuyển và điều trị bệnh nhân Covid-19; hướng dẫn thuốc điều trị tại các cơ sở tiếp nhận, điều trị trong tháp 5 tầng.
Đồng thời, tham mưu Ban chỉ đạo việc quản lý, cập nhật kịp thời, thường xuyên khả năng tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 của từng cơ sở tiếp nhận, điều trị để thực hiện tốt quy trình phân loại, điều chuyển và điều trị hiệu quả, đặc biệt là bệnh nhân COVID-19 nặng.
Trước đó, Tổ điều phối nguồn nhân lực tham gia phòng, chống dịch COVID-19 cho biết, TPHCM cần bổ sung 12.000 nhân viên y tế gồm 2.800 bác sĩ, 8.200 điều dưỡng, kỹ thuật viên và 1.000 giảng viên, sinh viên tham gia công tác phòng, chống dịch để phục vụ tại khu cách ly, điều trị F0 và khối cấp cứu.
Người dân ở ‘vùng xanh’ chỉ đi chợ 1 lần/tuần theo khung giờ
Theo báo Thanh Niên, trong văn bản hướng dẫn thiết lập và bảo vệ “vùng xanh” (vùng an toàn dịch bệnh Covid-19) do Phó chủ tịch UBND TP Ngô Minh Châu ký ngày 12/8, bên cạnh hướng dẫn nguyên tắc hoạt động, xác định vị trí, tổ chức lực lượng kiểm soát “vùng xanh” thì TP cũng đưa ra nhiều yêu cầu về công tác cung ứng thực phẩm cho người dân.
Theo đó, điểm cung ứng thực phẩm thuộc khu vực “vùng xanh” nào thì cung ứng cho cư dân, người dân ở khu vực đó. Các điểm cung ứng nằm bên trong khu vực thuộc “vùng xanh”, hạn chế tối đa việc bố trí ở các mặt tiền đường phố giáp ranh giữa các khu vực, để người dân không phải ra đường cũng như tránh việc người vãng lai ghé mua hàng làm tăng nguy cơ lây nhiễm.
Hằng tuần, chính quyền địa phương tổ chức phát thẻ, phiếu đi mua thực phẩm theo hộ gia đình (1 tuần/hộ gia đình sẽ có 1 thẻ, phiếu đi chợ) ghi rõ cụ thể: địa điểm cung ứng thực phẩm gần nhất, ngày giờ cụ thể được đi mua thực phẩm.
UBND phường, xã, thị trấn rà soát và đăng ký ít nhất 1 điểm cung ứng thực phẩm cho người dân tại các khu vực thuộc “vùng xanh”. Người dân ở khu vực có điểm cung ứng thực phẩm thì chỉ được đi đến điểm cung ứng đó để mua hàng.
Trong trường hợp trong khu vực thuộc “vùng xanh” không thể thiết lập điểm cung ứng thực phẩm hoặc điểm cung ứng nằm xa “vùng xanh”, không đảm bảo an toàn y tế thì thực hiện mô hình đi chợ thuê, phát phiếu đi chợ cho nhóm hộ gia đình, hoặc tổ chức phân phối thực phẩm đến tận tay người dân.
Lập 5 trạm cấp cứu vệ tinh 115
Thông tin từ báo Tuổi Trẻ, Phó chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức vừa ký quyết định thành lập trạm cấp cứu vệ tinh dã chiến 115 phục vụ cấp cứu bệnh nhân, trực thuộc Trung tâm Cấp cứu 115 tại 5 khu vực thuộc quận 11, 12, Bình Tân, huyện Bình Chánh và TP Thủ Đức.
Theo đó, mỗi trạm vệ tinh được trang bị 20 xe cấp cứu với 280 nhân viên y tế và nhân viên chuyên môn khác. Nhiệm vụ của các trạm là cấp cứu người bệnh, đặc biệt là bệnh nhân COVID-19, và vận chuyển đến cơ sở điều trị phù hợp.
Các trạm cấp cứu vệ tinh dã chiến hoạt động trên cơ sở trưng dụng, chuyển đổi công năng một số xe vận chuyển hành khách thuộc Công ty cổ phần xe khách Phương Trang (Futa Bus Lines) và Tập đoàn Mai Linh.
Các trạm này chịu sự chỉ đạo, quản lý, điều hành trực tiếp của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM và Trung tâm Cấp cứu 115, cũng như hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của Sở Y tế.
Nhân sự, tổ chức quản lý sắp xếp của các vệ tinh phải đảm bảo nguyên tắc 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ). Các cơ sở y tế đóng trên địa bàn có trách nhiệm phân công, biệt phái nhân viên y tế của bệnh viện, bố trí thành lực lượng y tế theo xe cấp cứu của các trạm. Các trạm cấp cứu vệ tinh tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
TPHCM dự kiến khai giảng vào giữa tháng 9
Thông tin trên được ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc phụ trách Sở GD&ĐT TP cho biết tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai kế hoạch năm học 2021-2022 do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 12/8. Nội dung đăng tải trên báo Pháp Luật TP.
Cũng theo ông Hiếu, Sở đã có tờ trình về kế hoạch năm học 2021-2022 gửi UBND TP. Trong đó, dự kiến năm học mới sẽ được khai giảng vào giữa tháng 9, chậm hơn 2 tuần so với khung kế hoạch Bộ GD&ĐT ban hành. Bởi dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp.
Sở cũng đã xây dựng nhiều kịch bản, phương án về kế hoạch giảng dạy năm học mới, tùy theo từng khối lớp, bậc học và phù hợp với điều kiện dịch COVID-19.
Đối với bậc tiểu học, phương án dạy học trực tuyến sẽ tăng cường việc dạy học theo chủ đề, xây dựng những nội dung cốt lõi, cân nhắc giảm yêu cầu cần đạt phù hợp theo từng khối lớp.
Hiện ngành GD&ĐT đang phối hợp với ngành y tế rà soát, thống kê tình hình cũng như thời gian giao trả lại các trường học được trưng dụng làm nơi cách ly, điều trị COVID-19 theo quy định của TP, để tiến hành khử khuẩn trường học, chuẩn bị cho năm học mới.
TPHCM là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch COVID-19. Do dịch, nhiều kỳ thi phải hoãn và thay bằng phương án xét tuyển. Đến thời điểm này, việc xét tuyển vào lớp 10 đã hoàn thành. Dự kiến ngày 20/8, công bố điểm chuẩn vào lớp 10. Tuyển sinh đầu cấp tại các quận, huyện dự kiến hoàn tất trước 19/8.
Nhiều trường đại học công bố điểm sàn xét tuyển
Báo SGGP đưa tin, nhiều trường đại học (ĐH) vừa công bố điểm sàn xét tuyển (điểm sàn) với phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021.
Trong đó, Trường ĐH Nông lâm TPHCM điểm sàn dao động từ 16 - 21 điểm với cơ sở tại TPHCM. Những ngành có điểm sàn từ 20 - 21 điểm gồm Thú y, Công nghệ kỹ thuật ô tô, Kế toán. Những ngành còn lại có điểm sàn từ 16 - 18 điểm.
Riêng 10 ngành ở Phân hiệu Ninh Thuận và 8 ngành ở Phân hiệu Gia Lai có điểm sàn từ 15 - 16 điểm, ngành Sư phạm mầm non tại Phân hiệu Ninh Thuận có thêm phần thi năng khiếu.
Đối với ngành Sư phạm Kỹ thuật nông nghiệp điểm sàn được điều chỉnh theo quy định về ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của Bộ GD-ĐT. Các thí sinh đặc cách tốt nghiệp được xét tuyển bằng học bạ (bổ sung) và từ kết quả thi đánh giá năng lực (đợt 2) do ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức.
Trường ĐH Ngoại thương có điểm sàn là 23,8 điểm đối với cơ sở chính Hà Nội và cơ sở 2 tại TPHCM; trong khi cơ sở Quảng Ninh là 20 điểm.
Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM điểm sàn dao động 15 - 21 điểm tùy ngành.
Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng điểm sàn xét tuyển 15 cho tất cả các ngành.
Riêng nhóm ngành Sư phạm, Y Dược chờ điểm sàn của Bộ GD-ĐT.
Trường ĐH Hoa Sen điểm sàn 16 - 17 điểm. Trường ĐH Việt Đức điểm sàn 19 - 23 điểm.
Trường ĐH Tài chính - Marketing TPHCM điểm sàn là 19 điểm cho tất cả các ngành.
Sở GTVT phản hồi vụ xe cấp cứu giả chạy 4km 'chặt chém' 3,5 triệu
Tin khác từ báo Pháp Luật TP, Sở GTVT TP cho biết, vừa qua, trên một số trang báo chí có bài viết "Tài xế xe cứu thương bỏ túi 3,5 triệu cho đoạn đường 4km". Bài viết cũng cho biết một tài xế xe cứu thương giả ở TPHCM đã bị công an tạm giữ cả người lẫn xe do có hành vi chặt chém...
Qua tra cứu thông tin, ô tô biển kiểm soát 51B-321.49 do chủ phương tiện Trần Thanh Tòng đứng tên, tại địa chỉ số trên đường Âu Cơ, phường Tân Thành, quận Tân Phú, TPHCM.
Ngoài ra, Báo Thanh niên cũng có bài viết "Xe 0 đồng phục vụ bệnh nhân COVID-19 xuất viện", với nội dung phản ánh tại bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 12 vẫn còn tình trạng một số tài xế taxi chèo kéo, đeo bám khi bệnh nhân vừa xuất viện...
Về vấn đề trên, Sở GTVT đề nghị các cơ quan, đơn vị, các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đối với loại xe cứu thương “trá hình” theo quy định tại Nghị định số 100/2020 của Chính phủ.
Đồng thời xử lý nghiêm hành vi vi phạm “không chấp hành các biện pháp phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền”, theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định số 117/2020.
Sở GTVT cũng yêu cầu lãnh đạo các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi tổ chức kiểm tra rà soát, chấn chỉnh các nội dung phản ánh nêu trên đối với đội ngũ lái xe taxi thuộc quản lý của đơn vị mình nhằm góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ hành khách bệnh nhân, đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực các bệnh viện.
Hỗ trợ 1 triệu đồng/người cải thiện bữa ăn cho lực lượng y tế 19 tỉnh thành phía Nam
Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã quyết định hỗ trợ 1 triệu đồng/người cho đội ngũ y tế tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19 tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam để cải thiện bữa ăn, góp phần đảm bảo sức khỏe. Nội dung trên báo Tuổi Trẻ.
19 tỉnh, thành phố này đang thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, gồm: An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bến Tre, Bình Dương, Bình Phước, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tây Ninh, TP.HCM, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long.
Đối tượng thụ hưởng là đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng, cán bộ y tế, sinh viên, học viên các trường y đang làm nhiệm vụ hoặc được tăng cường năm 2021 để làm nhiệm vụ phòng, chống dịch tuyến đầu tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam đang thực hiện Chỉ thị 16.
Nguồn kinh phí thực hiện trích từ nguồn tài chính của Công đoàn Việt Nam, nguồn tài chính tích lũy của liên đoàn lao động tỉnh, thành phố nơi cử đi...
Một số tuyến đường xe cộ qua lại vẫn đông đúc
Ghi nhận của VOV.vn, chiều 12/8, tại một số tuyến đường như Phạm Văn Đồng, Quốc lộ 13 (TP. Thủ Đức), Lê Quang Định, Bạch Đằng (quận Bình Thạnh), nhiều người vẫn ra đường trong lúc dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Dù chưa phải là giờ cao điểm nhưng tại chốt kiểm soát trên các tuyến đường, lượng phương tiện cá nhân lưu thông ở cả 2 chiều khá đông so với những ngày trước đây.
Lực lượng chức năng túc trực tại các chốt liên tục kiểm tra giấy tờ của người đi đường để tránh xảy ra ùn ứ và tập trung đông người.
Thượng tá Nguyễn Văn Bình - Phó Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông đường bộ đường sắt (PC08) – Công an TP cho biết, qua thực tế kiểm soát tại các chốt trạm và hệ thống camera giám sát cho thấy vài ngày trở lại đây lượng người dân ra đường bắt đầu đông hơn.
Người dân ra đường có nhiều lý do khác nhau như: đi chợ, đi siêu thị, công chức viên chức đi làm, shipper, nhân viên siêu thị… Phần lớn người dân đều chuẩn bị các giấy tờ cần thiết, tuy nhiên vẫn có nhiều trường hợp lợi dụng giấy giới thiệu để ra đường.
“Một số doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ lợi đã dụng cấp giấy giới thiệu cho công nhân viên dù không có chức năng cấp giấy để đi đường. Một số khác có giấy đi đường nhưng sử dụng không đúng thời gian quy định trong giấy giới thiệu. Vừa rồi chúng tôi cũng phát hiện nhiều trường hợp sử dụng nhiều giấy tờ đóng nhiều loại dấu (mộc) không đúng quy định để đi đường”, Thượng tá Nguyễn Văn Bình nói.
TPHCM đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Việc thực hiện nghiêm Chỉ thỉ 16 là rất cần thiết để phòng chống dịch bệnh.
Vân Anh - Khang Minh - Huyền Mai (Tổng hợp)