Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 14/8/2020

11:27 14/08/2020

Trung tâm Báo chí tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TP. Hồ Chí Minh trên các báo ra ngày 14/8/2020:

Chuyến bay đầu tiên đưa hơn 300 du khách mắc kẹt ở Đà Nẵng về tới TP. Hồ Chí Minh

Báo Người Lao Động cho hay, 16 giờ chiều  13/8, chuyến bay VN7121 của Vietnam Airlines chở hơn 300 du khách mắc kẹt ở Đà Nẵng những ngày qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất, TP. Hồ Chí Minh. Đây là chuyến bay đầu tiên đưa hành khách mắc kẹt ở Đà Nẵng về Thành phố.

Theo Vietnam Airlines, hành khách trên chuyến bay này chủ yếu là du khách, gồm cả trẻ em. Chuyến bay được khai thác bằng Airbus A350 - một trong những máy bay thân rộng lớn nhất của hãng.

Hành khách, phi hành đoàn được trang bị bảo hộ y tế toàn thân. Nhân viên phục vụ mặt đất cho chuyến bay cũng được trang bị bảo hộ y tế kỹ lưỡng. Toàn bộ hành khách phải kiểm tra sức khỏe, khai báo y tế và đo thân nhiệt trước khi lên máy bay. Các dịch vụ được tối giản để hạn chế tiếp xúc nhiều lần, phòng tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Hành khách trên máy bay từ Đà Nẵng về TP HCM
Hành khách trên máy bay từ Đà Nẵng về TP HCM

Sau khi hạ cánh, các hành khách, phi hành đoàn được tổ chức đi cách ly theo quy định. Vietnam Airlines thực hiện vệ sinh, khử khuẩn máy bay, trang thiết bị phục vụ mặt đất ngay sau chuyến bay bằng hóa chất đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.

Thành phố điều chỉnh giá nước sinh hoạt

Văn phòng UBND TPHCM cho biết, Sở Xây dựng TP vừa trình dự thảo về việc ban hành quy định giá dịch vụ thoát nước trên địa bàn TPHCM, giai đoạn 2020-2024. Thông tin từ báo SGGP.

Nội dung tờ trình thể hiện, phạm vi điều chỉnh quy định giá dịch vụ thoát nước được áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình (gọi chung là hộ thoát nước) có hoạt động xả nước thải vào hệ thống thoát nước trên địa bàn thành phố và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan. Theo đó, hộ thoát nước đã thanh toán tiền dịch vụ thoát nước thì không phải trả phí bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải.

Về giá dịch vụ thoát nước trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020-2024, giá nước sạch bình quân (đồng/m3 nước sạch) theo từng năm từ 9.590 đồng/m3; 10.165 đồng/m3; 10.775 đồng/m3; 11.422 đồng/m3; 12.107 đồng/m3. Lộ trình tăng giá dịch vụ thoát nước bình quân theo từng năm từ 15%, 20%, 25%, 30%, 35%. Giá dịch vụ thoát nước bình quân (đồng/m3 nước sạch) từ 1.439 đồng/m3; 2.033 đồng/m3; 2.694 đồng/m3; 3.426 đồng/m3; 4.237 đồng/m3 (đơn giá nêu trên chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng).

Về phương thức thu và quản lý, sử dụng nguồn thu dịch vụ thoát nước và tổ chức thực hiện: Đối với các hộ thoát nước sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung của Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco) căn cứ khối lượng nước sạch tiêu thụ hàng tháng và mức giá dịch vụ thoát nước quy định tại Điều 2 Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn TNHH MTV tổ chức thu tiền dịch vụ thoát nước thông qua hóa đơn tiền nước.

Đối với các hộ thoát nước không sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung tiếp tục thu phí bảo vệ môi trường theo quy định. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức xây dựng phương án thu tiền dịch vụ cho các đối tượng này.

Trường mầm non tăng cường phòng chống dịch Covid-19

Một thông tin khác trên báo SGGP đưa, Sở GD-ĐT TPHCM đã có văn bản gửi trưởng phòng GD-ĐT 24 quận, huyện và hiệu trưởng các trường mầm non trực thuộc về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 tại các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn Thành phố.

Theo đó, Sở GD-ĐT TP yêu cầu các phòng GD-ĐT quận, huyện triển khai các văn bản chỉ đạo tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 đến từng cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn. Các trường tiếp tục thực hiện thống kê rà soát cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, cha mẹ trẻ, người chăm sóc trẻ và trẻ có đi qua vùng dịch hoặc có tiếp xúc với người thân, bạn bè từ vùng dịch trở về.

Đặc biệt, Thành phố yêu cầu các trường tiếp tục triển khai, kiểm tra thực hiện Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trường học trong phòng chống dịch bệnh Covid-19, khuyến khích đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên thực hiện khai báo y tế và cài đặt, sử dụng các ứng dụng Bluezone, Ncovi... trên điện thoại di động theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Y tế để được hỗ trợ, thông tin cảnh báo về dịch bệnh.

Song song đó, các trường mầm non cần chủ động phối hợp với trung tâm y tế quận, huyện để được tập huấn, hướng dẫn phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ tài liệu truyền thông, đồng thời chú ý các giải pháp phòng chống dịch bệnh bạch hầu, tay chân miệng, sốt xuất huyết, bệnh đường hô hấp...

Trẻ mầm non được hướng dẫn rửa tay với dung dịch sát khuẩn trước khi vào lớp
Trẻ mầm non được hướng dẫn rửa tay với dung dịch sát khuẩn trước khi vào lớp

Trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, cơ sở giáo dục mầm non thực hiện tốt lịch vệ sinh, khử khuẩn môi trường, khử khuẩn đồ dùng, đồ chơi hàng ngày, hàng tuần và hàng tháng. Giáo viên tổ chức các hoạt động vui chơi, học tập, chăm sóc vệ sinh cho trẻ theo từng nhóm nhỏ, đảm bảo tính luân phiên, lần lượt.

Trường học đẩy mạnh giáo dục trẻ thói quen, kỹ năng vệ sinh như rửa tay bằng xà bông và dung dịch sát khuẩn, lau mặt, đáng răng, súc miệng bằng nước muối..., cũng như mua sắm bổ sung các trang thiết bị, đồ dùng, dung dịch phòng chống dịch Covid-19, khuyến khích sử dụng thiết bị khử khuẩn tự động.

TP. Hồ Chí Minh cần khoảng 105.000 vị trí làm việc đến cuối năm

Người lao động tại một phiên giao dịch việc làm ở TP HCM
Người lao động tại một phiên giao dịch việc làm ở TP HCM

Báo Người Lao Động cho biết, theo khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM (Falmi), từ nay đến cuối năm 2020, nhu cầu nhân lực của Thành phố cần khoảng 105.000 chỗ làm việc, trong đó tập trung chủ yếu ở các nhóm nghề như: Kinh doanh - thương mại, dịch vụ - phục vụ, dệt may - giày da, chế biến lương thực - thực phẩm, tư vấn chăm sóc khách hàng, marketing, xây dựng, công nghệ thông tin, hành chính văn phòng, vận tải - kho bãi - dịch vụ cảng, kinh doanh bất động sản… Nhu cầu nhân lực đã qua đào tạo chiếm 84,5%, trong đó đại học chiếm 20%, cao đẳng chiếm 21%, trung cấp 30%, sơ cấp 13,5%.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động (NLĐ) và nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp trong thời điểm dịch bệnh, ngoài tăng cường hoạt động tư vấn giới thiệu nghề, đào tạo lại nghề, giải quyết việc làm cho NLĐ tại 6 chi nhánh, trung tâm sẽ duy trì tổ chức phiên giao dịch việc làm ở các điểm sàn giao dịch để NLĐ trực tiếp gặp gỡ doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng.

Hai trường ĐH tuyển sinh giáo dục sẻ chia, giúp sinh viên giảm chi phí

Báo Tuổi Trẻ đưa tin, sáng 13/8, trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh và Trường ĐH Kiên Giang đã ký kết thỏa thuận hợp tác phối hợp tuyển sinh, đào tạo đại học sẻ chia trình độ đại học chính quy chương trình chuyển tiếp 2 giai đoạn (chương trình 2+2).

Theo đó, thỏa thuận được áp dụng ngay từ kỳ tuyển sinh năm 2020. Chương trình phối hợp tuyển sinh, đào tạo chương trình 2+2 (2 năm học tại Trường ĐH Kiên Giang và 2 năm tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh) tuyển 200 chỉ tiêu mỗi năm, áp dụng cho trình độ đại học chính quy các ngành của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (đã được Bộ GD-ĐT cấp phép) bao gồm: quản lý công nghiệp, kỹ thuật y sinh (điện tử y sinh), năng lượng tái tạo, công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa.

Về học phí: giai đoạn 1, sinh viên đóng học phí theo quy định của Trường ĐH Kiên Giang; giai đoạn 2, sinh viên đóng học phí theo quy định của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh.

Khi tốt nghiệp, sinh viên sẽ được nhận bằng do Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh cấp. Người học được tạo điều kiện thuận lợi để chuyển sang học theo các chương trình đào tạo của Trường ĐH Kiên Giang nếu có nguyện vọng.

Chia sẻ thông tin tuyển sinh cho học sinh trong chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp. Ảnh: Tuổi Trẻ
Chia sẻ thông tin tuyển sinh cho học sinh trong chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp. Ảnh: Tuổi Trẻ

Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, giáo dục sẻ chia giúp giảm chi phí đào tạo, tiến tới giảm học phí, giúp sinh viên tiết kiệm đáng kể chi phí và thời gian đi lại, dành thời gian trải nghiệm thực tế, đi làm thêm trang trải cuộc sống…

Hơn nữa, việc "sẻ chia" các nguồn lực trong giáo dục giúp các trường tăng tính cạnh tranh trong bối cảnh tự chủ theo luật giáo dục ĐH mới sửa đổi, công nghệ thông tin tiên tiến cũng cho phép các trường chuyển đổi và công nhận tín chỉ mà sinh viên tích lũy một cách dễ dàng.

PSG.TS Đỗ Văn Dũng cho biết, với chương trình giáo dục đại học sẻ chia, người học đăng ký xét tuyển theo 2 phương thức: xét tuyển bằng điểm học bạ (theo đề án tuyển sinh đại học chính quy năm 2020 của Trường ĐH Kiên Giang) hoặc xét tuyển bằng điểm tốt nghiệp THPT. Chương trình trên điểm chuẩn sẽ thấp hơn, tạo cơ hội cho học sinh tỉnh Kiên Giang yêu thích kỹ thuật được theo học nhóm ngành này.

Giải quyết vướng mắc ở dự án Công viên Lịch sử văn hóa dân tộc 

Theo báo Vietnamplus, liên quan đến việc xử lý dứt vi phạm trong quản lý, sử dụng và lấn chiếm đất tại dự án Công viên Lịch sử Văn hóa dân tộc (Q.9), Thanh tra TP. Hồ Chí Minh vừa kiến nghị UBND thành phố giao UBND Q.9 và Ban Quản lý Công viên lịch sử Văn hóa dân tộc (chủ đầu tư dự án) khẩn trương thực hiện dứt điểm các nội dung trong Kết luận thanh tra số 15/KL-TTTP-P5 ngày 17/7/2018 của Thanh tra thành phố về thanh tra công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và quản lý, sử dụng đất thuộc dự án nói trên đã được Chủ tịch UBND thành phố thông qua và có chỉ đạo thực hiện.

Thanh tra Thành phố cũng kiến nghị UBND thành phố giao UBND Q.9 tổ chức cưỡng chế thu hồi đất đối với 279 hộ và 1 tổ chức chưa bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án; phối hợp với Ban Quản lý Công viên lịch sử Văn hóa dân tộc có biện pháp xử lý dứt điểm các trường hợp lấn chiếm, sử dụng đất trái phép trong khu vực dự án, không để phát sinh trường hợp lấn chiếm mới.

Toàn cảnh Công viên Văn hóa Lịch sử dân tộc TP. Hồ Chí Minh. (Ảnh: wikipedia.org)
Toàn cảnh Công viên Văn hóa Lịch sử dân tộc TP. Hồ Chí Minh. (Ảnh: wikipedia.org)

Theo Thanh tra thành phố, hiện nay vẫn còn 19 hợp đồng cho thuê mặt bằng tại khu đất dự án, trong đó có 1 hợp đồng đã thanh lý, bàn giao toàn bộ mặt bằng, 3 hợp đồng đã thanh lý bàn giao một phần mặt bằng, 5 hợp đồng đã thanh lý hoặc hết hạn hợp đồng nhưng không ban giao mặt bằng và 1 đơn vị không đồng ý thanh ký hợp đồng, bàn giao mặt bằng do chưa hết thời hạn hợp đồng.

Theo bản Kết luận thanh tra số 15/KL-TTTP-P5 ngày 17/7/2018 của Thanh tra TP Hồ Chí Minh, quy mô Công viên lịch sử Văn hóa dân tộc sau điều chỉnh có diện tích hơn 402ha, trải rộng trên địa bàn phường Long Bình, Q.9 và phường Bình Thắng, tỉnh Bình Dương khiến 1.626 hộ dân bị ảnh hưởng.

Dự án Công viên lịch sử Văn hóa dân tộc có 27 dự án thành phần trong đó có 9 dự án đã triển khai, 1 dự án đang triển khai theo hình thức PPP (đối tác công tư). Tổng cộng có 2 dự án đã hoàn thành, đưa vào sử dụng là dự án đường vành đai Nam, Đền thờ Lễ Thánh Hầu Nguyễn Hữu Cảnh.

Đáng chú ý từ năm 2003, Ban Quản lý Công viên lịch sử Văn hóa dân tộc bắt đầu cho các đơn vị thuê mặt bằng để có thêm nguồn kinh phí hoạt động. Tính đến ngày 31/12/2017, tại khu đất dự án có 19 hợp đồng cho 15 đơn vị thuê mặt bằng, thời hạn thuê từ 1 - 5 năm. Về vấn đề này, theo Thanh tra thành phố, việc Ban Quản lý Công viên lịch sử Văn hóa dân tộc cho thuê đất kéo dài là không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, mục đích sử dụng đất và không báo cáo xin ý kiến của UBND thành phố.

Bến xe Miền Đông mới tiếp tục hoãn thời gian hoạt động

Bến xe Miền Đông mới. Ảnh: PLO
Bến xe Miền Đông mới. Ảnh: PLO

Theo báo Pháp luật TP, Tổng công ty cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn TNHH MTV (Samco), đơn vị chủ đầu tư Bến xe Miền Đồng (BXMĐ) mới có văn bản báo cáo đến UBND TPHCM về việc hoạt động của BXMĐ mới.

Cụ thể, Samco báo cáo UBND TP tạm hoãn đưa BXMĐ mới vào hoạt động giai đoạn 1 (theo kế hoạch là ngày 15-8) cho đến khi Thủ tướng Chính phủ và UBND TP có chỉ đạo mới sau khi tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam được kiểm soát và không còn ca lây nhiễm tại cộng đồng.

Trong thời gian này, Samco sẽ tiếp tục thực hiện các thủ tục ký hợp đồng thuê đất với Sở TN&MT đối với phần đất tại dự án BXMĐ mới. Đồng thời, phối hợp với Sở GTVT trong việc tổ chức sắp xếp, điều chuyển (giai đoạn 1) các tuyến vận tải hành khách cố định tại BXMĐ hiện hữu sang bến xe mới.

Tại văn bản báo cáo, Samco cho biết, với mong muốn chung tay góp sức vào việc chống ùn tắc giao thông của Thành phố, Samco xin ý kiến đưa BXMĐ mới vào hoạt động giai đoạn 1 vào ngày 15-8. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các tuyến vận tải hành khách có hành trình từ BXMĐ hiện hữu đến các tỉnh phía Bắc (là các tuyến hoạt động chính sẽ di dời phục vụ tại BXMĐ mới vào giai đoạn 1) chỉ còn hoạt động đạt công suất 30% so với ngày bình thường do hành khách có tâm lý sợ đi tàu xe đông người. Đồng thời, các địa phương có phát hiện trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng cũng cắt giảm số chuyến vận tải hành khách liên tỉnh. 

Điều chỉnh giao thông trên đường Cách Mạng Tháng Tám

Đường Cách Mạng Tháng Tám. Ảnh: PLO
Đường Cách Mạng Tháng Tám. Ảnh: PLO

Một thông tin khác trên báo Pháp Luật TP cho biết, Sở GTVT TPHCM đã điều chỉnh quy định lưu thông cho xe ô tô tải trên đường Cách Mạng Tháng Tám thuộc quận 3, quận 10 và Tân Bình.

Nhằm tạo thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng trên đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 3, 10, Tân Bình), phục vụ triển khai dự án xây dựng tuyến metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương), Sở GTVT cơ bản thống nhất phương án điều chỉnh giao thông trên tuyến đường này theo đề xuất của Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ.

Phương án cụ thể: Tạm thời thu hồi biển báo cấm ô tô tải trên đường Cách Mạng Tháng Tám (đoạn từ đường Rạch Bùng Binh đến ngã tư Bảy Hiền) hướng lưu thông từ đường Rạch Bùng Binh đến ngã tư Bảy Hiền. Thời gian bắt đầu thực hiện từ ngày 12-8.

Sở GTVT yêu cầu Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện theo phương án nêu trên. Các đơn vị thường xuyên kiểm tra, theo dõi tình hình giao thông, kịp thời đề xuất phương án phù hợp nếu xảy ra tình trạng mất an toàn giao thông tại khu vực.

Khang Minh - Huyền Mai

Tin cùng chuyên mục