Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 15/5/2020

11:09 15/05/2020

Trung tâm Báo chí tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TP. Hồ Chí Minh trên các báo ra ngày 15/5/2020:

Học Bác Hồ cách đến với dân

“Làm công tác mặt trận cần gần dân, có được tình cảm của dân thì tự nhiên mọi khó khăn trở nên dễ dàng” - Đó là chia sẻ của những cán bộ mặt trận vừa được Ủy ban MTTQ Thành phố (TP) tuyên dương tấm gương học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2019-2020.

Bà Ngô Thị Thu Anh (62 tuổi) được bà Lê Thị Lan Hương (phải), Trưởng ban Công tác mặt trận khu phố 3, phường Tăng Nhơn Phú B,  quận 9, TP.HCM, hỗ trợ vươn lên thoát nghèo. Ảnh: LÊ THOA
Bà Ngô Thị Thu Anh (62 tuổi) được bà Lê Thị Lan Hương (phải), Trưởng ban Công tác mặt trận khu phố 3, phường Tăng Nhơn Phú B,  quận 9, TP.HCM, hỗ trợ vươn lên thoát nghèo. Ảnh: LÊ THOA

Chia sẻ với phóng viên báo Pháp Luật TP về công tác ở khu phố mà bản thân tâm đắc nhất, bà Lê Thị Lan Hương, Trưởng ban Công tác mặt trận khu phố 3, phường Tăng Nhơn Phú B, quận 9 cho biết đó là công tác dân vận. Với phương châm “lấy sức dân để chăm lo cho dân”, bà đã vận động những người khá hơn chăm lo cho những người khó khăn hơn.

Trước đây, mỗi khi trời mưa lớn là các con đường ở khu phố đều ngập, có tuyến đường ngập đến ngang bụng, người dân bì bõm rất cực. Bà Hương đã tìm nhiều cách như vận động mạnh thường quân, xin kinh phí của quận, kêu gọi đảng viên, cán bộ khu phố đứng ra góp thêm... Người dân thấy thế nên thương mà người này, người kia góp thêm cho đủ kinh phí, làm nên những con đường bê tông cao ráo.

Còn bà Nguyễn Huỳnh Hoài Thương, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Phước Long A, quận 9 chia sẻ: Người ta hay nói công tác mặt trận là trận nào cũng có mặt. Nhưng bà tâm đắc nhất với công tác an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo, người cận nghèo trên địa bàn phường.

Ngay từ đầu năm, bà Thương cho cán bộ khảo sát nhu cầu của các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn phường, ai khó chỗ nào bà giúp chỗ đó như hỗ trợ tìm việc, tặng sinh kế làm ăn hay xây nhà tình thương... Nhờ vậy mà 15 hộ dân ở phường đã được thoát nghèo. Hay nhiều phụ nữ được vận động vào tổ đan móc len, tạo ra những sản phẩm bằng len như túi xách, đế ly, túi đựng bình nước, mũ, nón… Số tiền bán được, ngoài trả cho người làm ra sẽ trích 20% đưa vào quỹ “Vì người nghèo”.

Người dân đối diện với đợt nắng nóng gay gắt trên diện rộng

Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, nắng nóng trên diện rộng là hình thái thời tiết chung tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh khu vực phía Nam những ngày qua. Nhiệt độ ban ngày trung bình trên toàn khu vực là 37 độ C, một số nơi lên đến 38-39 độ C vào buổi trưa. Thông tin đăng tải trên báo điện tử Vietnamplus.

Người dân ra đường ngoài đeo khẩu trang còn che ô để tránh nắng và tia UV gây hại. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)
Người dân ra đường ngoài đeo khẩu trang còn che ô để tránh nắng và tia UV gây hại. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Bà Lê Thị Xuân Lan, nguyên Phó Trưởng Phòng Dự báo - Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, cho biết từ 9 giờ sáng, tia UV đã ở mức 10 -11. Đây là mức rất cao, rất nguy hiểm, có nguy cơ làm tổn thương da, mắt nếu tiếp xúc ánh nắng mặt trời trong khoảng 15 phút mà không được bảo vệ. Tuy nhiên, vì cuộc sống mưu sinh nên nhiều người dân vẫn phải ra đường vào giữa trưa nắng gắt.

Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo người dân tránh ra đường vào lúc nắng gắt nhất (khoảng từ 10 giờ đến 16 giờ) khi không cần thiết; mặc trang phục kín để che chắn cho da càng nhiều càng tốt, dùng nón che phủ vùng đầu mặt; sử dụng kính mát có khả năng chặn tia cực tím, sử dụng các sản phẩm chống nắng như kem chống nắng dạng bôi, dạng xịt... để bảo vệ các vùng cơ thể không được quần áo che phủ như mặt, môi, cánh tay, bàn tay...

Bên cạnh đó, người dân cũng cần bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, khoáng chất để nâng cao sức khỏe, thường xuyên uống đủ nước là yếu tố rất quan trọng trong những ngày nắng nóng. Ngoài ra có thể bổ sung các loại trái cây có chứa nhiều nước như cam, bưởi, dưa hấu...

Hướng dẫn thu học phí sau khi học sinh trở lại trường

Báo Sài Gòn Giải Phóng đưa tin: Chiều 14/5, Sở GD-ĐT TP. Hồ Chí Minh đã có văn bản hướng dẫn về việc thu học phí năm học 2019-2020, khi học sinh đi học trở lại vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 tại các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập.

Theo đó, đối với các cơ sở giáo dục công lập, trường mầm non, trung tâm giáo dục thường xuyên thu học phí theo số tháng thực học nhưng không quá 8 tháng. Các trường phổ thông công lập (THCS, THPT) được thu học phí 8 tháng. Với các khoản thu theo thỏa thuận như tiền tổ chức học buổi 2 và các khoản thu khác, nhà trường công lập không được thu quá 8 tháng.

Học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3) trong một giờ thực hành trước khi xảy ra dịch Covid-19
Học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3) trong một giờ thực hành trước khi xảy ra dịch Covid-19

Đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập, Sở GD-ĐT TP đề nghị các đơn vị nghiêm túc thực hiện các nội dung như: tổ chức gặp gỡ, trao đổi và giải thích với phụ huynh học sinh về các khoản thu phát sinh phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo tính công khai và tạo được sự đồng thuận.

Nếu tổ chức học trực tuyến thì mức thu học trực tuyến cần căn cứ vào tình hình thực tế triển khai, các khoản chi phí phát sinh để thực hiện dạy trực tuyến, thời gian thực tế học trực tuyến, tỷ lệ hoàn thành chương trình học...

Văn bản cũng lưu ý các trường ngoài công lập nếu không tổ chức dạy trực tuyến sẽ không được thu học phí và các khoản thu hộ, chi hộ. Trong trường hợp các trường đã tổ chức thu học phí trước khi dịch bệnh xảy ra thì sẽ thực hiện thanh toán bù trừ khi học sinh đi học trở lại, và thanh quyết toán vào cuối năm học với phụ huynh, có chính sách giảm trừ mức học phí phù hợp với thời gian kết thúc năm học.

Cảnh giác bẫy lừa việc làm: UBND TP. Hồ Chí Minh yêu cầu xử lý nghiêm

Văn phòng UBND TP có công văn khẩn gửi Giám đốc Công an TP truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND TP Ngô Minh Châu về việc xác minh các công ty môi giới lừa gạt người lao động mà báo Thanh Niên phản ánh qua loạt bài Cảnh giác bẫy lừa việc làm. Nội dung trên báo Thanh Niên.

Nhiều người lao động đến Công ty Thống Nhất đòi lại tiền nhưng không được
Nhiều người lao động đến Công ty Thống Nhất đòi lại tiền nhưng không được

Theo đó, Phó chủ tịch UBND TP giao Công an TP chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan khẩn trương xác minh làm rõ, phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm minh mọi vi phạm pháp luật; báo cáo kết quả cho UBND TP trước ngày 31/5/2020.

Cũng theo nội dung phản ánh trên báo Thanh Niên, ông Đỗ Đình Thiện, Phó chủ tịch UBND Q.Bình Tân, cho biết đã chỉ đạo Công an Q.Bình Tân vào cuộc xác minh Công ty TNHH phát triển quốc tế Sài Gòn Group (gọi tắt Công ty Sài Gòn Group, trụ sở đặt tại 105 đường số 53, P.Tân Tạo, Q.Bình Tân) có dấu hiệu lừa người lao động. Đến nay, Công an P.Tân Tạo tiếp nhận nhiều trường hợp người lao động tới trình báo về việc Công ty Sài Gòn Group thu tiền nhưng không giải quyết việc làm, không trả lại tiền.

Trong khi đó, theo ghi nhận, các Công ty Sài Gòn Group, Công ty TNHH DV phát triển quốc tế Hưng Thịnh (Công ty Hưng Thịnh, số 250 Tạ Quang Bửu, P.4, Q.8) và Công ty dịch vụ đầu tư Thống Nhất (Công ty Thống Nhất, số 22 đường số 13, khu dân cư Phong Phú, xã Phong Phú, H.Bình Chánh) đã đồng loạt đóng cửa.

Người dân khó chuyển mục đích sử dụng đất

Gia đình bà H.T.B.T. (ngụ Q.5) có khu đất rộng khoảng 9.400m2 trồng cây lâu năm tại xã An Phú Tây (huyện Bình Chánh), đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tháng 10/2019, bà T. nộp hồ sơ tại UBND huyện Bình Chánh xin chuyển mục đích sử dụng sang đất ở nhưng không được duyệt.

Theo giải thích của Phòng TN-MT huyện Bình Chánh, vị trí chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở của bà T. thuộc quy hoạch là đất nhóm nhà ở xây dựng mới thấp tầng và một phần đường giao thông, không phù hợp quy hoạch làm nhà ở riêng lẻ. Do đó, Phòng TN-MT chưa có đủ cơ sở để đề xuất UBND H.Bình Chánh chấp thuận cho bà được chuyển mục đích sử dụng đất làm nhà ở. 

Công trình đường Ba Đỗ, ấp 2, xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh, TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Công trình đường Ba Đỗ, ấp 2, xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh, TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Không chỉ riêng trường hợp bà T., nhiều người dân có đất trong khu quy hoạch dân cư xây dựng mới ở một số quận, huyện tại TP.Hồ Chí Minh cũng bị "treo", không được chuyển mục đích sang đất ở.

Để giải quyết những vướng mắc cho người dân, ngày 1/8/2019, Văn phòng UBND TP có văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Thường trực UBND TP chấp thuận chủ trương cho người dân sử dụng đất nông nghiệp hợp pháp có nhu cầu làm nhà ở được chuyển mục đích sang đất ở và được xem xét cấp giấy phép xây dựng. Điều kiện là khu đất đó nằm trong các khu quy hoạch đất ở nhưng chưa có quyết định thu hồi và chưa có kế hoạch sử dụng đất để Nhà nước thu hồi đất.

Sở TN-MT sau đó cũng có văn bản hướng dẫn cho người dân có quyền sử dụng đất nông nghiệp hợp pháp được chuyển mục đích như chỉ đạo của Thường trực Ủy ban. Thế nhưng UBND huyện Bình Chánh cho rằng công văn của Sở TN-MT không hướng dẫn rõ việc cho người dân sử dụng đất nông nghiệp hợp pháp trong khu quy hoạch dân cư xây dựng mới như chủ trương của Thường trực UBND TP, nên huyện không có cơ sở giải quyết. 

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch - kiến trúc TP, cho biết trong đồ án quy hoạch khu dân cư xây dựng mới, tùy từng vị trí sẽ có các chỉ tiêu đất ở, đất cây xanh, đất công trình công cộng... khác nhau. 

Trách nhiệm của quận, huyện phải lập phương án tổng mặt bằng hoặc quy hoạch chi tiết 1/500 để phân khu quy hoạch đó ra từng khu vực đất ở, đất công viên cây xanh, đất giao thông nhằm quản lý. Nếu đất người dân thuộc khu vực đất ở thì cho chuyển mục đích.

Thi trực tuyến "Tự hào công nhân thành phố Bác"

Báo Người Lao Động cho hay, ngày 14/5, tại Trường THCS Thạnh Mỹ Lợi, Liên đoàn Lao động quận 2 đã khai mạc hội thi trực tuyến với chủ đề "Tự hào công nhân thành phố Bác".

Hơn 50 đoàn viên các Công đoàn cơ sở quận 2 tại buổi lễ khai mạc cuộc thi
Hơn 50 đoàn viên các Công đoàn cơ sở quận 2 tại buổi lễ khai mạc cuộc thi

Hội thi diễn ra trong 3 tuần, từ ngày 15/5 đến 4/6 với 3 chủ đề chính: “Chủ tịch Hồ Chí Minh - Cuộc đời và sự nghiệp"; "Tự hào công nhân thành phố mang tên Bác"; "Công đoàn viên quận 2 hướng đến chào mừng Đại hội Đảng bộ quận 2".

Các thí sinh tham dự được chia làm 6 bảng gồm: Khối doanh nghiệp, khối THCS, khối tiểu học, khối mầm non, khối hành chính sự nghiệp và khối phường. Mỗi chủ đề sẽ có hai khối tham gia thi, thí sinh được tham gia thi 1 lần trên mạng internet trả lời 50 câu hỏi trắc nghiệm trong thời gian 20 phút.

Cơ cấu giải thưởng gồm: 6 giải nhất (1 triệu đồng/giải), 6 giải nhì (800.000 đồng/giải), 12 giải ba (600.000 đồng/giải) và hàng chục giải khuyến khích, phong trào khác.

Cuộc thi Dự án Đổi mới sáng tạo ứng dụng Trí tuệ nhân tạo

Theo báo Sài Gòn Giải Phóng, Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) TP. Hồ Chí Minh phối hợp cùng Sở Thông tin và Truyền thông, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh và Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH-CN (Bộ KH-CN) đã chính thức khởi động cuộc thi “Dự án Đổi mới sáng tạo ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) của TPHCM năm 2020” (HAI-2020).

Đại diện Ban Tổ chức tặng hoa cho các đơn vị tài trợ cuộc thi. Ảnh: Thanhuytphcm
Đại diện Ban Tổ chức tặng hoa cho các đơn vị tài trợ cuộc thi. Ảnh: Thanhuytphcm

Đối tượng dự thi là các cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức có dự án đổi mới sáng tạo ứng dụng AI trong sản xuất, kinh doanh, giao thông, tài chính, y tế, giáo dục, nông nghiệp… và phục vụ cộng đồng xã hội. 

Tổng giá trị các giải thưởng lên tới 550 triệu đồng, bao gồm 3 giải xuất sắc trị giá 100 triệu đồng/giải và 5 giải khuyến khích trị giá 50 triệu đồng/giải. Đồng thời, các đối tượng tham dự cuộc thi sẽ có cơ hội tham gia các hoạt động hỗ trợ huấn luyện, cố vấn và chương trình ươm tạo với kinh phí hỗ trợ ươm tạo lên tới 200 triệu đồng/dự án trong thời gian tối đa 3 tháng.

Vân Anh - Thanh Hà

Tin cùng chuyên mục