Doanh nghiệp tăng lượng hàng bình ổn thị trường
Trên báo Người Lao Động có thông tin: Các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường lương thực, thực phẩm thiết yếu TP. Hồ Chí Minh đang đăng ký sản lượng hàng bình ổn năm 2020
Theo kế hoạch dự thảo, năm nay, các doanh nghiệp sẽ tham gia bình ổn giá 10 nhóm hàng gồm gạo, mì gói, bún khô...; đường RE, RS; dầu ăn; thịt gia súc; thịt gia cầm; trứng gia cầm; thực phẩm chế biến; rau củ quả; thủy hải sản, gia vị với sản lượng tăng khá so với năm 2019.
Dự kiến, trong các tháng thường, lượng hàng bình ổn thị trường chiếm 25%-30% nhu cầu thị trường. Chương trình bình ổn thị trường hàng năm bắt đầu từ ngày 1/4 năm trước đến hết 31/3 năm sau.
Từ sau Tết, trong vai trò phối hợp với chính quyền Thành phố để điều tiết thị trường, ổn định cung cầu nhằm ứng phó khẩn cấp với ảnh hưởng của dịch Covid-19, các doanh nghiệp bình ổn thị trường mặt hàng lương thực, thực phẩm đã chuẩn bị nguồn hàng và sẵn sàng cung ứng vượt 30%-40% so với cùng kỳ năm 2019. Cụ thể, mặt hàng lương thực chuẩn bị 3.319,9 tấn/tháng và 9.959,8 tấn/3 tháng; trứng gia cầm 62,4 triệu quả/tháng và 187,1 triệu quả/3 tháng; thực phẩm chế biến 631,7 tấn/tháng và 1.895,1 tấn/3 tháng...
Một ngày ở khu cách ly chung cư Hòa Bình
Đó là tiêu đề bài viết trên báo Tuổi Trẻ. Chung cư Hòa Bình gồm 9 tầng với trên 1.000 cư dân đang sinh sống là nơi được xác định có ca nhiễm COVID-19 thứ 48 vào ngày 13/3. Sau hai ngày kể từ khi đón nhận thông tin này, cuộc sống cư dân đang dần đi vào ổn định. Điều này chủ yếu nhờ người dân sống ở chung cư hợp tác tốt với cơ quan chức năng…
Khi mới nghe thông tin về ca nhiễm trong khu vực mình sinh sống, người dân có đôi chút lo lắng nhưng giờ mọi người đã dần quen. Ngoài sự trấn an của Ban quản lý, thì chính quyền địa phương phục vụ cư dân cũng rất tốt. Dù không được ra ngoài nhưng mọi nhu yếu phẩm sinh hoạt hằng ngày đều được lo đến nơi đến chốn.
Theo người dân, kể từ khi cách ly "nội bất xuất, ngoại bất nhập", các hộ chỉ việc ở yên trong nhà, cung cấp số lượng người trong gia đình để địa phương cung cấp ngày 3 bữa ăn sáng, trưa, chiều theo các giờ tương ứng 7h30, 11h, 17h.
Ngoài ra, để thay đổi khẩu phần ăn theo nhu cầu, sở thích của từng người, siêu thị Co.opmart cho người đi phát thực đơn để mỗi hộ gia đình có thể đăng ký mua thêm.
Chung cư có tất cả 4 lô gồm A1, A2, B1, B2. Người nhiễm COVID-19 ở lô A1, và nơi này kể từ lúc phát hiện luôn được cách ly đặc biệt. Riêng các lô còn lại cư dân có thể đi lại bình thường trong khuôn viên chung cư, nhưng không được ra ngoài.
Ngoài phục vụ cơm nước hằng ngày, ban quản lý chung cư còn phát khẩu trang, nước rửa tay, các cẩm nang khuyến cáo phòng dịch cho từng hộ gia đình.
Nhiều trường đại học công nhận dạy học trực tuyến
Báo Thanh Niên đưa tin: Việc dạy học trực tuyến đã được nhiều trường đại học triển khai như một hình thức bắt buộc trong thời gian sinh viên nghỉ học tập trung để phòng chống dịch bệnh Covid-19. Kết quả dạy học trực tuyến được các trường công nhận tương đương học tập trung tại trường.
Ngày 13/3, Bộ GD-ĐT có văn bản gửi các cơ sở đào tạo ĐH, trường CĐ và TC sư phạm triển khai công tác đào tạo từ xa ứng phó với dịch Covid-19. Để thống nhất thực hiện, Bộ yêu cầu các trường sử dụng phương thức đào tạo từ xa với một số học phần phù hợp, áp dụng cho các khóa đào tạo chính quy, vừa làm vừa học trong thời gian sinh viên (SV) không học tập trung do dịch Covid-19. Trong đó, khuyến khích sử dụng phương thức đào tạo trực tuyến qua mạng, đảm bảo chất lượng đào tạo, chuẩn đầu ra của từng học phần và chương trình.
Theo PGS-TS Vũ Đức Lung, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.Hồ Chí Minh, từ tuần này trường bắt buộc dạy và học trực tuyến với 100% môn học.
Tương tự, Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.Hồ Chí Minh cũng triển khai hình thức dạy học này từ tháng 2, nhưng thực hiện đồng loạt và bắt buộc với các môn học từ đầu tháng 3. Trước đó, Trường ĐH Ngân hàng TP.Hồ Chí Minh cũng triển khai cho SV toàn trường học tập trực tuyến trong thời gian nghỉ tránh dịch bệnh Covid-19.
Đại diện các trường ĐH thực hiện bắt buộc hình thức này đều khẳng định kết quả dạy học trực tuyến được công nhận tương đương với hình thức học tập trung trên lớp. Tuy nhiên, việc tổ chức thi cuối học phần các trường đều đợi để thi tập trung.
Thành phố vắng ánh đèn quán bar, rạp phim…
Cũng trên báo Tuổi Trẻ có nội dung liên quan quyết định tạm ngưng hoạt động các quán car, karaoke, rạp phim… của UBND Thành phố.
Ngay sau thông báo của UBND Thành phố, các rạp chiếu phim, quán bar, game online, karaoke, sân khấu… đã tạm đóng cửa đến hết 31/3 với nhiều tâm trạng khác nhau. Ánh đèn sân khấu tại Thành phố tạm thời “nghỉ” vì COVID-19.
Sau 2 tháng kinh doanh bết bát bởi ảnh hưởng của dịch bệnh, “lệnh” tạm đóng cửa này được nhiều doanh nghiệp đồng thuận chấp hành song vẫn không ít doanh nghiệp (DN) cảm thấy lo lắng bởi hệ lụy từ dịch đến tình hình tài chính của DN đang ngày càng khó kiểm soát.
Chiều 15/3, nhiều quán như Chill Sky bar, Carmen bar, car 5S Club hoặc karaoke Kingdom trên địa bàn quận 1 đã đóng cửa, không nhận khách. Với những quán có tiềm lực thì hỗ trợ 50% lương cho nhân viên. Còn lại hầu hết nhân viên phải chấp nhận nghỉ không lương.
Không chỉ riêng các dịch vụ nằm trong quy định tạm đóng cửa mà các dịch vụ ăn theo ở khu phố Tây cũng “chới với” như giữ xe, bán hàng rong, gánh hủ tiếu… Nhiều chủ quán bar ở khu vực này đang ráo riết liên hệ chủ mặt bằng để xin giảm tiền thuê mướn bởi đây là trường hợp bất khả kháng. Một số quán “rục rịch” đóng cửa. Tuy nhiên, hiện nhiều nơi đang xin tạm chuyển đổi hình thức kinh doanh từ quầy bar sang kinh doanh cà phê, dịch vụ ăn uống… để vẫn có thể duy trì hoạt động.
Tương tự, các rạp phim cũng đang chịu ảnh hưởng lớn vì dịch. Tổng số rạp CGV đang phải đóng cửa là 24, chiếm gần 30% tổng số rạp CGV trên cả nước, trong đó có 21 rạp ở TP. Hồ Chí Minh.
Doanh nghiệp nóng lòng chờ hỗ trợ
Đó là nội dung được phản ánh trên báo Người Lao Động.
Tại TP. Hồ Chí Minh, càng đến cuối tháng 3, việc duy trì tăng trưởng của các doanh nghiệp (DN) càng gặp nhiều thách thức do nguồn nguyên liệu sản xuất cạn kiệt, nguyên liệu thay thế hạn chế; cùng với đó là tình hình buôn bán ế ẩm cả trong nước lẫn xuất khẩu.
Trước khó khăn chồng chất do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, các DN mong nhà nước sớm có giải pháp hỗ trợ cụ thể.
Các DN dệt may đã kiến nghị Nhà nước có chính sách giảm 50% thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2020; chậm nộp thuế GTGT quý IV/2019 và thuế thu nhập DN của năm 2019 sang quý III hoặc quý IV/2020; miễn giảm thuế nhập khẩu nguyên phụ liệu đối với DN sản xuất nội địa; miễn tiền phạt chậm nộp thuế, khoanh nợ, giãn nợ, ân hạn nợ, giảm lãi suất, cơ cấu lại khoản vay đối với các ngành kinh tế bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, tạm dừng các cuộc thanh tra, kiểm tra thường niên trong năm để DN tập trung thời gian, nguồn lực cho sản xuất, kinh doanh; giãn thời gian quyết toán thuế đến ngày 30/6 thay vì ngày 31/3 như quy định…
Các DN thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên là nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DN vừa và nhỏ, DN ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh cũng kiến nghị đến chính quyền TP đề xuất Chính phủ cho giãn nợ. Lý do: lãi vay ngân hàng xoay quanh mức 6,5%/năm (vay ngắn hạn) và 9%/năm (vay trung hạn) là khá cao so với tỉ suất lợi nhuận của DN trong điều kiện hiện nay.
Ngoài ra, Sở Công Thương TP cũng đã đề xuất UBND TP kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước có chính sách ưu đãi lãi suất đối với các hợp đồng tín dụng đã ký hoặc hợp đồng tín dụng mới; giãn nợ 3 tháng đối với hợp đồng tín dụng đến hạn từ tháng 3/2020 trở đi. Cùng với đó, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính giãn thời gian nộp thuế, giảm thuế trên một số lĩnh vực trong năm 2020; có chính sách hỗ trợ giảm 50% BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp.
Xử phạt xe chở chất thải rắn không đảm bảo vệ sinh
Thông tin trên báo Sài Gòn Giải Phóng, để đảm bảo vệ sinh trên đường dẫn vào Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước, huyện Bình Chánh và Khu liên hợp xử lý chất thải Tây Bắc, huyện Củ Chi, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan vừa có chỉ đạo giao Sở GTVT TP chịu trách nhiệm công tác quét dọn đường Tam Tân (đoạn từ tỉnh lộ 8 đến Khu Liên hợp xử lý chất thải Tây Bắc, huyện Củ Chi). UBND các huyện Bình Chánh, Củ Chi tăng tần suất quét dọn đối với các tuyến đường trên với tần suất 1 lần/ngày.
Huyện Bình Chánh, Củ Chi và các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử phạt các phương tiện vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, bùn đất không đảm bảo vệ sinh theo quy định trên các tuyến đường nêu trên.
Hạnh phúc sau 17 năm mới có giấy khai sinh
Cầm trên tay tờ giấy khai sinh sau 17 năm chờ đợi, em Nguyễn Thị Bích Tuyền (SN 2003) òa khóc vì quá vui mừng, rối rít cám ơn nữ cán bộ tư pháp hộ tịch xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh.
Trước đó, cuối năm 2019, trên báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh có bài viết ghi nhận một số trường hợp chưa có giấy khai sinh, đặc biệt là gia đình bà Dương Thị Út (59 tuổi), một gia đình có ba thế hệ gồm bà Út, ba người con và hai người cháu thuê nhà sống nhiều năm trên địa bàn xã Phạm Văn Hai. Tất cả họ đều chưa có giấy khai sinh nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn.
Trong một lần hỏa hoạn cách đây nhiều năm, toàn bộ giấy tờ tùy thân của gia đình bà Út bị thiêu rụi. Riêng các con, các cháu bà thì từ khi sinh ra chưa từng được cấp giấy khai sinh do vợ chồng bà Út và cha mẹ không có giấy tờ tùy thân. Việc không có giấy tờ khiến các con, cháu bà đi học không được, đi làm cũng chẳng xong. Nhiều năm liền bà Út đến UBND xã Phạm Văn Hai xin cấp lại giấy khai sinh nhưng hồ sơ bị trả do còn nhiều vướng mắc.
Sau khi báo phản ánh, UBND xã Phạm Văn Hai đã chỉ đạo cán bộ, công chức tư pháp hộ tịch phối hợp cùng công an xã tháo gỡ những vướng mắc trong thủ tục, xác nhận lại thông tin cần thiết. Mục đích là để làm lại giấy khai sinh cho những nhân khẩu trong gia đình bà Út.
Kết quả là sáng 11/3 vừa qua, tại trụ sở, đại diện UBND xã Phạm Văn Hai đã trao giấy khai sinh cho em Tuyền, con gái bà Út. Ngoài em Tuyền thì một người con gái khác của bà Út cũng được cấp giấy khai sinh mới.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Vân, cán bộ tư pháp hộ tịch UBND xã Phạm Văn Hai, về mặt chính quyền thì cũng gặp một số vướng mắc như phần lớn các trường hợp không có giấy khai sinh đều là người từ nơi khác đến thuê nhà và sinh sống lâu năm trên địa bàn. Họ đã mất hết giấy tờ tùy thân và thậm chí không nhớ nơi mình sinh ra.
Ngoài ra, Điều 4 Thông tư số 15 của Bộ Tư pháp (thi hành một số điều của Luật hộ tịch) nêu: Đối với việc đăng ký hộ tịch phải gửi văn bản đề nghị xác minh theo quy định của Luật Hộ tịch. Nếu quá thời hạn mà không nhận được văn bản trả lời kết quả xác minh thì cơ quan đăng ký hộ tịch cho phép người yêu cầu đăng ký hộ tịch lập văn bản cam đoan về nội dung cần xác minh.
Tuy nhiên, văn bản lại không nêu cụ thể thời hạn nhận trả lời kết quả xác minh là mấy ngày nên rất khó để cán bộ hộ tịch biết khi nào sẽ hướng dẫn người dân làm văn bản cam đoan.
Bà Vân cho biết thêm, sắp tới UBND xã Phạm Văn Hai sẽ tiếp tục có đợt rà soát lần hai đối với các trường hợp chưa có giấy khai sinh trên địa bàn xã. Cán bộ hộ tịch sẽ tích cực phối hợp thực hiện các thủ tục nhanh gọn nhất có thể để người dân sớm được cấp lại giấy khai sinh, được hưởng các quyền lợi đi kèm.