Quan tâm đến xây dựng văn hóa con người
Báo Sài Gòn Giải Phóng đưa tin, ngày 15/6, Thành ủy TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến văn nghệ sĩ TP góp ý dự thảo các Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng và dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh lần thứ XI.
Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Phan Nguyễn Như Khuê cho rằng, việc lấy ý kiến góp ý của các văn nghệ sĩ góp phần hoàn thiện dự thảo các Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng và dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ TP lần thứ XI. Qua đó, nêu ra những chương trình, mục tiêu, tạo xu thế phát triển, nhất là trong lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật (VHNT) của TP cũng như của đất nước, đề ra những giải pháp thiết thực, đáp ứng mong mỏi của các tầng lớp nhân dân trong lĩnh vực này.
Theo đó, nhiều đại biểu góp ý về phương hướng phát triển văn hóa con người, phát triển VHNT nước nhà. Cụ thể như: hệ thống thư viện cả nước đang xuống cấp, là một trong những nguyên nhân khiến văn hóa đọc xuống cấp, văn hóa con người cũng bị ảnh hưởng, cần kích hoạt lại hệ thống thư viện, đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc trong nhân dân; trong các văn kiện đại hội cần nhấn mạnh đến nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực làm công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế; đồng thời có chiến lược đưa văn hóa Việt Nam ra thế giới; xây dựng không gian sinh thái về VHNT; tạo môi trường để người dân TP rèn luyện ý thức, góp phần xây dựng đô thị thông minh.
Đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy sẽ tiếp thu, tổng hợp để có những đánh giá, nhận định rõ hơn, từ đó vạch ra những giải pháp căn cơ nhằm kiến nghị bổ sung cho nội dung dự thảo các Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII và dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội XI của Đảng bộ TP.
Sức bật khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Cũng trên báo Sài Gòn Giải Phóng, theo Sở KH-CN TP. Hồ Chí Minh, đến nay Thành phố có 3.142 doanh nghiệp (DN) được hỗ trợ đào tạo về công cụ quản trị năng suất chất lượng và đổi mới sáng tạo (ĐMST); tư vấn nâng cao năng suất chất lượng, quản trị tài sản trí tuệ cho 759 DN và hỗ trợ 81 dự án nghiên cứu phát triển, đổi mới công nghệ và sản phẩm; phối hợp thực hiện hỗ trợ đổi mới công nghệ cho 15 dự án thông qua chương trình kích cầu đầu tư…
Ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó Giám đốc Sở KH-CN TP, cho biết thời gian qua thành phố đã có nhiều chính sách thiết thực góp phần khuyến khích, thúc đẩy phát triển ý tưởng khởi nghiệp ĐMST. Đặc biệt, với việc thực hiện Quyết định 4181 của UBND TP, đã hình thành không gian hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp ĐMST (Saigon Innovation Hub - SIHUB). Đây cũng là sáng kiến triển khai mô hình Nhà nước hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST đầu tiên của Việt Nam dưới hình thức kết nối và chia sẻ nguồn lực, kết nối cộng đồng, nhờ đó hệ sinh thái phát triển mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, TP đã thành lập 5 không gian hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST và kết nối 24 cơ sở ươm tạo DN, thành lập 4 ban điều hành hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST cho 4 lĩnh vực trọng yếu của thành phố: công nghệ thông tin; cơ khí; chế biến lương thực - thực phẩm; nhựa - cao su - hóa chất.
Không chỉ phát triển ở trong nước, TP. Hồ Chí Minh đã chủ động phối hợp với nhiều quốc gia hợp tác để nâng cao chất lượng hoạt động khởi nghiệp ĐMST cho các DN.
TP. Hồ Chí Minh là địa phương có nhiều hoạt động triển khai hiệu quả Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025” của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời cũng là địa phương luôn tiên phong trong cả nước với việc ban hành nhiều chính sách đột phá và các hoạt động đa dạng trong hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST.
Từ những kết quả đạt được trong giai đoạn vừa qua, Sở KH-CN TP đang hoàn thiện Đề án hỗ trợ phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố giai đoạn 2021-2025.
Từ đó làm nền tảng hỗ trợ hoạt động ĐMST, nâng cao năng suất chất lượng, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (DN), phát triển sản phẩm chủ lực của thành phố, góp phần nâng cao tỷ trọng đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) hàng năm từ 40% trở lên.
Một tháng dừng xe không cần lỗi, CSGT TP phạt hơn 18 tỉ đồng
Thông tin từ báo Người Lao Động, sau 1 tháng thực hiện tổng kiểm soát các loại xe mà không cần lỗi ban đầu, CSGT TP. Hồ Chí Minh phát hiện gần 29.000 xe vi phạm, với số tiền xử phạt lên tới hơn 18 tỉ đồng.
Theo Phòng CSGT Đường bộ - đường sắt (PC08) Công an TP, các lỗi vi phạm nhiều nhất được thống kê là đi sai làn đường, phần đường, với 3.734 trường hợp bị xử lý. Kế đến là vi phạm dừng, đỗ với 2.753 xe.
Đặc biệt, vi phạm nồng độ cồn cũng được thống kê lên tới 2.563 trường hợp sau 1 tháng qua. Ngoài ra còn có 25 tài xế bị phát hiện dương tính với ma túy.
Theo PC08 Công an TP, với tổng số các trường hợp vi phạm nêu trên, CSGT đã lập biên bản xử phạt hành chính số tiền hơn 18,5 tỉ đồng. Đồng thời có 3.451 tài xế bị tước bằng lái xe và gần 4.800 phương tiện bị tạm giữ.
Phòng PC08 Công an TP HCM cũng cho biết trong đợt ra quân tổng kiểm soát, lực lượng chức năng phát hiện và xử lý nhiều trường hợp các đối tượng phạm pháp hình sự lợi dụng phương tiện tham gia giao thông để phạm tội.
Công an TP. Hồ Chí Minh nói về các điểm đánh bạc trá hình
Mới đây, Công an TP. Hồ Chí Minh cho biết, đã có văn bản phản hồi với báo Pháp Luật TP về tình trạng kinh doanh game bắn cá trá hình cờ bạc.
Trong năm 2019, Công an TP đã kiểm tra các cơ sở kinh doanh trò chơi điện tử biến tướng tệ nạn cờ bạc trên địa bàn. Qua đó, phát hiện, xử lý 515 vụ vi phạm, khởi tố 14 vụ và xử phạt vi phạm hành chính 501 vụ.
Từ đầu năm 2020 đến tháng 3, Công an TP kiểm tra 529 lượt, phát hiện 91 cơ sở vi phạm và phạt tiền hơn 700 triệu đồng. Tại những nơi này, có 121 trường hợp không xuất trình được giấy tờ tùy thân, 92 trường hợp dương tính chất ma túy và 12 người có hành vi đánh bạc...
“Về cơ bản, trên địa bàn TP không còn cơ sở hoạt động trá hình cờ bạc. Trước đây, địa bàn có nhiều cơ sở nhất là quận Bình Tân với 84 cơ sở, quận Tân Bình với 52 cơ sở, quận 6 với 53 cơ sở và quận 7 với 59 cơ sở nhưng đến nay đã ngưng hoạt động” - Công an TP nhấn mạnh.
Công an TP cho biết đã giao trách nhiệm cho trưởng công an các quận, huyện chủ động tham mưu chính quyền địa phương chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể và các đơn vị chức năng làm tốt công tác phòng ngừa, tuyên truyền. Trong đó, vận động người cho thuê nhà, mặt bằng không tiếp xúc, cho thuê đối với các cơ sở vi phạm liên quan đến tệ nạn xã hội, đồng thời vận động người dân không tham gia đánh bạc trá hình cũng như tích cực phát hiện, tố giác, đấu tranh, ngăn chặn tệ nạn xã hội.
Công an quận, huyện cũng được giao phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý các cơ sở sản xuất, lắp ráp, vận chuyển máy đánh bạc; tổ chức sàng lọc, xác định những người có biểu hiện nghi vấn đánh bạc… Qua đó củng cố chứng cứ để lập hồ sơ xử lý hình sự về hành vi đánh bạc hoặc tổ chức đánh bạc và các loại vi phạm pháp luật về ma túy, hình sự khác. Việc kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ của tất cả loại máy game bắn cá, làm rõ hành vi trốn thuế, tạm giữ tang vật, đề xuất xử lý vi phạm… cũng được thực hiện nghiêm.
Tăng tốc xây hạ tầng, cách nào?
Nguồn vốn ngân sách hạn hẹp, vốn nhà đầu tư tham gia không nhiều, chậm trễ mặt bằng…là những nguyên nhân đang làm chậm tiến độ của nhiều dự án giao thông TP, nơi mỗi năm nạn kẹt xe tại TP này làm thiệt hại hàng tỉ USD.
Báo Tuổi Trẻ có bài viết nêu ý kiến của các sở, ngành TP cùng với các chuyên gia khi cùng mổ xẻ nguyên nhân, tìm ra giải pháp cho tình trạng trên.
Theo Sở GTVT, giai đoạn 2016 - 2020 nhu cầu vốn cho 172 công trình giao thông trọng điểm cần khoảng 373.000 tỉ đồng bao gồm vốn ngân sách và huy động bên ngoài. Kết quả: vốn ngân sách chỉ đáp ứng 27%, vốn huy động từ nhà đầu tư chỉ 13% so với chỉ tiêu đề ra.
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT, cho hay so với các địa phương khác, vốn đầu tư dành cho giao thông tại TP vẫn còn hạn chế. Cụ thể như Hải Phòng có số chiều dài đường bằng 1/10 của TP.HCM, dân số chỉ hơn 2 triệu người nhưng năm 2019, TP này đầu tư hơn 10.000 tỉ đồng cho giao thông. Trong khi TPHCM, vốn dành cho giao thông cả giai đoạn 2015 – 2020 chỉ khoảng 50.000 tỉ đồng, trong đó tiền bồi thường giải phóng mặt bằng đã chiếm hơn một nửa.
Báo cáo HĐND TP về tình hình và tiến độ các dự án giao thông trọng điểm, Sở Tài chính TP cho hay nhu cầu vốn của TP cao, tuy nhiên khả năng cân đối vốn ngân sách cho các chủ đầu tư dự án còn hạn chế. Từ đó xảy ra việc các dự án đã thông qua chủ trương đầu tư nhưng bố trí không đủ vốn để thực hiện. Về giải pháp, Sở Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện đề án tỉ lệ điều tiết các khoản phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách TP. Từ đó, TP sẽ báo cáo và kiến nghị trung ương chấp thuận nhằm tăng nguồn thu hằng năm cho TP để chi cho đầu tư phát triển hạ tầng đường bộ.
Trong báo cáo UBND TP mới đây, Sở GTVT cho rằng, để có nguồn vốn hoàn thiện hạ tầng kết nối cảng biển, giảm bớt ùn tắc tai nạn trong điều kiện nguồn ngân sách hạn hẹp, thì việc thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển phù hợp về mặt địa lý và cơ sở pháp lý, sử dụng phương pháp so sánh mức phí các địa phương có điều kiện tương tự…để lựa chọn mức phí phù hợp. Dự kiến, tháng 8/2020, Sở GTVT sẽ hoàn thiện trình đề án này cho UBND TP.
Thí sinh đăng ký thi đánh giá năng lực tăng cao
Tối 15/6, ĐH Quốc gia TP.Hồ Chí Minh chính thức chốt đăng ký thi đánh giá năng lực (ĐGNL) năm 2020.
Là năm thứ ba tổ chức với chỉ một đợt thi, kỳ thi đã trở thành tâm điểm thu hút lượng lớn thí sinh (TS) cả nước tham dự thi. Số trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả này cũng tăng cao gấp hơn hai lần so với năm 2019.
Trao đổi với PV Pháp Luật TP, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết sau hơn 05 tháng mở cổng đăng ký thi, tính đến 16 giờ ngày 15/6, đã có 63.077 TS đăng ký dự thi. Trong đó, hơn 57.000 TS đã hoàn tất thủ tục xác nhận thi, số còn lại sẽ có thời hạn năm ngày để hoàn tất đăng ký, tức đến ngày 20/6.
Bên cạnh đó, TS cần theo dõi thông tin qua tài khoản đã được cấp khi đăng ký thi để nắm bắt thông tin. “Trước ngày thi khoảng một tuần, ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ gửi thông tin chi tiết về thời gian thi, số báo danh, điểm thi, phòng thi... TS chỉ cần in ra và mang theo các giấy tờ tùy thân để đi thi” - Tiến sĩ Chính lưu ý.
Số TS năm nay tăng hơn nhiều so với cả tổng hai đợt thi của năm 2019 ( gần 50.000 TS). Trong khi đó, năm 2018 cũng chỉ có khoảng 5.000 TS dự thi.
26.144 người được giới thiệu việc làm
Báo Người Lao Động cho hay, trong 6 tháng đầu năm, TP đã giải quyết việc làm cho 26.144 lượt người và 11.973 chỗ việc làm mới được tạo ra, nâng tổng số người có việc làm đến nay là 145.878 lượt (đạt 48,6% kế hoạch năm) và 66.519 chỗ việc làm mới (đạt 49,27% kế hoạch năm).
Người lao động TP HCM tại một ngày hội việc làm
So với cùng kỳ năm 2019, số lao động được giải quyết việc làm giảm 14.970 lượt (tỉ lệ giải quyết việc làm giảm 4,99%); số chỗ việc làm mới giảm 5,93%.
Nhằm giải quyết việc làm cho người lao động bị thất nghiệp, trong 6 tháng đầu năm, TP đã tổ chức 38 phiên giao dịch, ngày hội việc làm. Trong đó, 271.080 người được tư vấn việc làm, 83.886 người được giới thiệu việc làm và 47.015 người được nhận việc làm.