Bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng tăng cao: Làm sao để ứng phó?
Trong tuần đầu tháng 7, số người đến khám và nhập viện vì bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng tăng so với cùng kỳ, dự đoán mùa cao điểm của hai bệnh này đang có dấu hiệu quay trở lại TP. Hồ Chí Minh. Thông tin được đăng tải trên báo Lao Động.
Bác sĩ Lê Hồng Nga - Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP thống kê, trong tuần đầu tháng 7, toàn thành phố tăng 59 ca sốt xuất huyết so với cùng kỳ. Các phân tích từ hệ thống giám sát dịch tễ cho thấy, trong tuần cuối tháng 6, số phường/xã có trường hợp bệnh sốt xuất huyết là 114 thì sang tuần đầu của tháng 7 con số này là 144. Số bệnh nhân trung bình trong tuần đầu tháng 7 là gần 2 trường hợp cho mỗi phường/ xã.
"So sánh với diễn tiến nhiều năm liền, sự gia tăng số lượng bệnh nhân trong tuần đầu tháng 7 hoàn toàn tương tự với những năm trước và có thể tiếp tục tăng trong những tuần sắp tới và có thể đạt đỉnh dịch vào khoảng tháng 10 - tháng 11 năm nay" - bác sĩ Nga cho biết.
Phân tích tương tự đối với bệnh tay chân miệng, trong tuần cuối tháng 6, số phường/xã có ca tay chân miệng là 72 thì sang tuần đầu của tháng 7 con số này là 97, tăng 25 phường/xã. Số bệnh nhân trung bình là khoảng 1,5 trường hợp ở mỗi phường/xã trong tuần đầu tháng 7. Theo diễn tiến hàng năm, bệnh tay chân miệng tăng nhẹ vào khoảng tháng 4 và tăng mạnh hơn trong tháng 8, tháng 9.
Theo bác sĩ Nga, năm 2020, do đại dịch Covid-19 trên toàn cầu, việc rửa tay cùng các biện pháp dự phòng không dùng thuốc đối với nhóm bệnh lây truyền trực tiếp như Covid-19, tay chân miệng, sởi, cúm, … đã góp phần làm giảm bệnh tay chân miệng trong tháng 3 năm nay. Nếu cộng đồng vẫn tiếp tục duy trì các biện pháp dự phòng không dùng thuốc, đặc biệt là “rửa tay thường xuyên bằng xà phòng” thì chúng ta vẫn có thể kiểm soát được bệnh, không để lây lan thành dịch".
Đối với bệnh sốt xuất huyết, bác sĩ Nga cho rằng, để kiểm soát tốt, TP vẫn áp dụng giải pháp Kiểm soát điểm nguy cơ gây dịch. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP đã hướng dẫn các Trung tâm Y tế và Trạm Y tế phân loại, quản lý các điểm nguy cơ. Thông qua ứng dụng thông minh, chỉ cần nhập dữ liệu của ca bệnh, điểm nguy cơ, ổ dịch lên phần mềm GIS thì tất cả các kế hoạch, biên bản xử lý ổ dịch, báo cáo thống kê được kết xuất từ phần mềm theo yêu cầu người sử dụng.
Ra quân đợt cao điểm trấn áp tội phạm
Báo Tuổi trẻ đưa tin, tối 15/7, Công an TP tổ chức lễ ra quân tấn công trấn áp tội phạm bảo vệ an toàn tuyệt đối Đại hội Đảng các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Theo đó, đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm được triển khai trong thời gian 2 tháng (từ ngày 15/7 đến hết ngày 14/9) với mục tiêu giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn TP; chủ động nắm chắc tình hình, đấu tranh ngăn chặn hoạt động phá hoại, khủng bố, bạo loạn; kiềm chế, kéo giảm tình hình phạm pháp hình sự; bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, địa bàn trọng điểm và Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng...
Phát biểu tại lễ ra quân, đại tá Lê Hồng Nam, giám đốc Công an TP, yêu cầu thủ trưởng các đơn vị triển khai nghiêm túc theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình; quán triệt sâu sắc đến từng cán bộ, chiến sĩ về ý nghĩa, mục tiêu, yêu cầu của đợt cao điểm để thực hiện có hiệu quả ngay từ khi ra quân.
Thí sinh thi tuyển lên lớp 10 bước vào môn thi đầu tiên
Thông tin từ báo Giáo dục TP, sáng 16/7, hơn 83 ngàn sĩ tử tại TP.Hồ Chí Minh chính thức bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2020-2021, với môn thi đầu tiên là Ngữ Văn.
Điểm mới của kỳ thi năm nay là trước đó (ngày 15/7), thí sinh đã có nguyên 1 buổi sáng để sinh hoạt về quy chế thi và kiểm tra thông tin cá nhân tại các điểm thi. Do đó, ở môn thi đầu tiên, thí sinh đều đến đúng giờ và có sự chuẩn bị kỹ về phiếu báo dự thi, thẻ học sinh…
Tại Điểm thi Trường THCS Trường Thọ (Q.Thủ Đức), từ rất sớm, phụ huynh và học sinh đã có mặt đông đủ. Không còn tình trạng sát giờ thi vẫn còn thí sinh đến hay tình trạng thí sinh quên phiếu báo dự thi, sai sót thông tin trước khi vào phòng thi như các năm trước.
Thầy Võ Thanh Toàn (Trưởng Điểm thi) cho hay, do đã có sự sinh hoạt kỹ lưỡng từ hôm trước nên trong buổi thi đầu tiên, 440 thí sinh đến từ hai trường là THCS Trường Thọ và THCS Lê Văn Việt đều không gặp “sự cố” nào về quy chế thi, thông tin cá nhân.
Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kỳ thi Tuyển sinh lớp 10 được tổ chức muộn hơn so với mọi năm. Theo khẳng định của Sở GD-ĐT TP, kiến thức trong kỳ thi sẽ ở mức học đến đâu, thi đến đó, nhất là nội dung thi sẽ không rơi vào những phần kiến thức đã tinh giản trong học kỳ 2 lớp 9. Tham dự kỳ thi, thí sinh sẽ trải qua 3 môn thi: Ngữ Văn, Toán và Tiếng Anh.
Trong đó, môn thi Ngữ Văn sáng nay sẽ diễn ra trong thời gian 120 phút.
Giãn lượt cất, hạ cánh tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất
Theo báo Tuổi trẻ, từ ngày 16/7, Cục Hàng không Việt Nam sẽ không xác nhận slot (lượt cất/hạ cánh) tập trung vào một thời điểm mà điều phối theo các khoảng thời gian 15 phút thay vì theo giờ như trước đó, nhằm đảm bảo không quá 8 chuyến đối với Tân Sơn Nhất và tối đa 6-7 chuyến đối với Nội Bài. Đồng thời điều phối đường bay Hà Nội – TP.Hồ Chí Minh và ngược lại theo nguyên tắc 1 chuyến trong 5 phút.
Đây là nội dung công văn vừa được Cục Hàng không Việt Nam gửi các hãng hàng không Việt Nam thông báo việc giãn slot tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất trong thời gian nâng cấp đường băng.
Theo đó, các hãng phải xếp lịch quay đầu máy bay tối thiểu 60 phút đối với máy bay thân rộng (Airbus A350, A350, Boeing B787…) và 50 phút đối với máy bay thân hẹp (Airbus A320 - A321, ATR72…).
Cục Hàng không Việt Nam cho biết sẽ hủy phép bay, thu hồi slot nếu phát hiện các hãng hàng không cố ý khai thác không đúng với slot được xác nhận, đồng thời yêu cầu các hãng trả lại tiền cho khách đã mua vé trên các chuyến bay phải hủy nếu mở bán nhưng chưa có xác nhận slot.
Chọn 58 người đào tạo lái tàu metro Bến Thành - Suối Tiên
Ban Quản lý đường sắt đô thị TP. Hồ Chí Minh, ngày 15/7, đã tổ chức khai giảng lớp đào tạo 58 lái tàu cho tuyến Metro số 1. Đây là những học viên đầu tiên đủ điều kiện tham gia khoá đào tạo, sau các vòng tuyển chọn, sàng lọc về trình độ chuyên môn, sức khoẻ và đảm bảo độ tuổi từ 21 đến 35. Nội dung được đăng trên báo Người Lao Động.
Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP, chương trình đào tạo lái tàu metro số 1 sẽ đồng bộ với tiến độ dự kiến hoàn thành dự án vào tháng 12/2021. Kế hoạch đào tạo chia làm 2 giai đoạn, đầu tiên tại Trường Cao đẳng Đường sắt, với các nội dung đào tạo lý thuyết, thực hành tổng quát, cấp chứng chỉ. Giai đoạn 2, học viên được đào tạo từ chuyên gia Nhật Bản tại TP. Hồ Chí Minh, chuyên sâu về lý thuyết, thực hành, cấp chứng nhận hoàn thành khóa học, tham gia sát hạch quốc gia và cuối cùng mới được cấp giấy phép lái tàu metro.
Ban Quản lý đường sắt đô thị cũng cho biết trong 58 học viên sẽ chọn 10 người xuất sắc tham gia khóa học (dự kiến 2 tuần) tại Nhật Bản để đào tạo sâu hơn và tìm hiểu cách vận hành của một công ty đường sắt đô thị cùng các lĩnh vực đường sắt.
Ông Masuzawa, đại diện Liên danh Tư vấn chung NJPT (tư vấn chung và phụ trách đào tạo lái tàu cho tuyến Metro số 1), cho biết đây là dự án đầu tiên sử dụng công nghệ Nhật Bản. Vì vậy đây cũng là lần đầu tiên các chuyên gia Nhật chuyển giao công nghệ trực tiếp, chia sẻ bí quyết kỹ thuật về công nghệ vận hành metro cho TP. Hồ Chí Minh.
Thời gian sinh hoạt hè kéo dài trong 4 tuần
Báo Sài Gòn Giải Phóng cho hay, ngày 15/7, Sở GD-ĐT TP đã thông qua Kế hoạch tổ chức hoạt động hè năm 2020. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên thời gian sinh hoạt hè được tính bắt đầu từ ngày 19/7 đến ngày 16/8/2020.
Theo đó, chủ đề sinh hoạt của mùa hè năm nay là "Hè vui, khỏe, bổ ích, an toàn". Đối tượng tham gia gồm học sinh các trường tiểu học, THCS, THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và các đơn vị trực thuộc trên địa bàn.
Dự toán kinh phí sinh hoạt hè đối với 19 quận là 40.000 đồng/học sinh và 47.000 đồng/học sinh đối với 5 huyện ngoại thành. Phòng GD-ĐT phối hợp với quận, huyện Đoàn tổng hợp số lượng học sinh trong đối tượng tham gia sinh hoạt hè năm 2020, đồng thời xây dựng chương trình hoạt động, lập dự trù kinh phí hoạt động.
Riêng đối với các trường THPT công lập, trung tâm giáo dục thường xuyên, trường cao đẳng và trung cấp trực thuộc sẽ dự trù kinh phí sinh hoạt hè năm 2020, nguồn chi từ ngân sách năm 2020 đã được giao cho các đơn vị, đồng thời vận động các nguồn lực xã hội hóa.
Nội dung sinh hoạt hè năm nay tập trung vào giáo dục đạo đức, lối sống, truyền thống lịch sử và văn hóa dân tộc, phổ biến giáo dục pháp luật, kết hợp với các hoạt động vui chơi, giải trí, rèn luyện kỹ năng, nâng cao sức khỏe, thể chất cho học sinh, sinh viên, tuyên truyền về an toàn giao thông, thực hiện nếp sống văn minh đô thị, góp phần xây dựng thành phố văn minh, sạch đẹp, an toàn.
Ngoài ra, cũng trong hè này, TP tăng cường tổ chức các hoạt động chăm lo, hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh nghèo hiếu học.
Đổi mới họp phụ huynh cuối năm
Thời điểm này, cùng với học sinh cả nước, học sinh tại TP. Hồ Chí Minh đã chính thức bước vào kỳ nghỉ hè. Như thường lệ những buổi họp phụ huynh cuối năm đã được tổ chức.
Khảo sát mức độ hài lòng của cha mẹ học sinh về chất lượng hiệu quả trong công tác giáo dục; đưa công nghệ vào trong buổi họp phụ huynh; để học sinh điều hành buổi họp… là những điểm mới nổi bật trong buổi họp phụ huynh cuối năm tại một số đơn vị nhà trường. Những điểm mới này đã từng bước làm thay đổi góc nhìn của phụ huynh về… họp phụ huynh, thay đổi quan điểm giáo dục trẻ của phụ huynh theo hướng tích cực, và đặc biệt là một trong những phương pháp giáo dục hiện đại để các đơn vị tiệm cận với Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Đó là bài viết trên mục Nhịp sống học đường của báo Giáo dục TP.
Buổi họp phụ huynh cuối năm của gần 2.000 học sinh Trường TH Trần Hưng Đạo (Quận 1) đã khiến rất nhiều phụ huynh bất ngờ. Bởi đây là lần đầu tiên toàn thể phụ huynh được nói lên mức độ hài lòng của mình đối với nhà trường một cách đầy đủ, bao quát nhất thông qua phiếu khảo sát trực tuyến mức độ hài lòng về chất lượng giáo dục, đào tạo, chăm sóc trẻ…
Phiếu khảo sát đề cập đến 20 tiêu chí, chi tiết ở rất nhiều nội dung xung quanh môi trường học tập, rèn luyện, vui chơi của học sinh. Mỗi tiêu chí sẽ có 3 mức độ để phụ huynh lựa chọn từ rất hài lòng, hài lòng và chưa hài lòng.
Việc khảo sát hoàn toàn được thực hiện một cách công khai, minh bạch. Phụ huynh chỉ có thời gian 2 tiếng để hoàn thành bài khảo sát, sau khoảng thời gian này đường link sẽ được khóa lại và không thể can thiệp.
Với mong muốn phụ huynh được nhìn nhận và đánh giá tích cực thành quả một năm học của con em mình, buổi họp phụ huynh lớp 2/6, Trường TH Cửu Long (Q.Bình Thạnh) được cô Phạm Thị Cẩm Tứ (GVCN) tổ chức một cách rất đặc biệt. 37 học sinh trong lớp được tham gia trực tiếp vào buổi họp cùng với phụ huynh.
Theo cô Tứ, phụ huynh thường rất kỳ vọng vào kết quả học tập của con em mình. Vì vậy, đôi khi có sự nhìn nhận chưa đủ đầy, chưa tích cực trước kết quả của các em nếu chưa được như kỳ vọng. Điều quan trọng là làm sao để phụ huynh tiếp nhận nhẹ nhàng kết quả học tập của các em trong một năm học, không có sự phân biệt so sánh với con người khác. Và nhất là phải làm sao để phụ huynh tin vào năng lực, giá trị của con, nhận ra vai trò của mình trong chuỗi hoạt động giáo dục trẻ.