Tăng cường phòng chống dịch COVID-19 tại các chung cư
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng TP vừa có văn bản đề nghị UBND 24 quận, huyện tuyên truyền, chỉ đạo các tổ chức, cá nhân có liên quan trong nhà chung cư phải chủ động, bình tĩnh, xử lý kiên quyết, có phương án, kế hoạch cụ thể để kiểm soát tốt nhất dịch bệnh này không để lan rộng.
Đồng thời, các quận, huyện chỉ đạo cơ quan y tế của địa phương phối hợp với các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện tiêu độc, khử trùng phòng dịch cho các tòa nhà chung cư trên địa bàn; thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
Các chung cư hạn chế tổ chức các cuộc họp, hội nghị, tránh tập trung đông người tham gia, trừ trường hợp thực sự cần thiết và để phục vụ phòng, chống dịch.
Khuyến cáo người dân trong các khu nhà chung cư có ý thức đeo khẩu trang, hạn chế nói chuyện, ho, khạc nhổ trong thang máy, thường xuyên sử dụng nước rửa tay kháng khuẩn và sử dụng các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Trường hợp nghi ngờ có người nhiễm bệnh trong nhà chung cư thì phải khẩn trương thông báo ngay với cơ quan y tế địa phương để cách ly, theo dõi, điều trị kịp thời các trường hợp nhiễm bệnh; thực hiện việc khử trùng các điểm nghi ngờ dịch bệnh trong nhà chung cư theo quy định.
(Theo Vietnamplus)
Thu giữ hơn 100.000 khẩu trang chưa được kiểm định chất lượng
Báo Sài Gòn Giải Phóng đưa tin, ngày 16/2, Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (PC03) Công an TP cho biết các trinh sát của đơn vị vừa phối hợp với Cục Quản lý thị trường TP kiểm tra một điểm bán khẩu trang tại địa chỉ 115 Nguyễn Cửu Đàm, phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú.
Vào thời điểm kiểm tra (chiều 14/2), lực lượng chức năng phát hiện tại căn nhà này chứa 105.000 chiếc khẩu trang mang nhãn hiệu Khang Việt. Toàn bộ số khẩu trang này chưa được cơ quan chức năng cấp giấy kiểm định về chất lượng, theo quy định thì không được phép lưu hành trên thị trường. Trên hộp, nhà sản xuất ghi là khẩu trang 4 lớp, nhưng qua kiểm tra cho thấy các khẩu trang chỉ có 3 lớp. Một số khách hàng cho biết giá bán khẩu trang tại địa điểm này là 85.000 đồng/túi 10 chiếc, 450.000 đồng/hộp 50 chiếc.
Toát mồ hôi đi qua nút giao Cầu Lớn
Đó là nội dung được phản ánh trên chuyên mục Bạn đọc của báo Người Lao Động.
Với lưu lượng phương tiện dày đặc ngày đêm, nhiều năm nay nút giao thông Cầu Lớn (huyện Hóc Môn) là “điểm đen” phức tạp gây ám ảnh cho hàng ngàn người dân thường xuyên lưu thông qua khu vực này.
Nút giao Cầu Lớn nằm trên đường Nguyễn Văn Bứa, giáp ranh 2 xã Xuân Thới Sơn, Xuân Thới Thượng của huyện Hóc Môn và xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, quanh nút giao là 5 tuyến đường kết nối dẫn đến các khu dân cư chạy dọc kênh An Hạ. Do không có hệ thống đèn tín hiệu, lại là tuyến đường kết nối với các cụm công nghiệp, khu công nghiệp của huyện Hóc Môn, tỉnh Long An nên nhiều năm qua, tại nút giao này đã xảy ra hàng chục vụ tai nạn giao thông chết người.
Chưa kể, độ dốc của Cầu Lớn khá cao, đứng dưới chân cầu không thể nhìn thấy phương tiện từ bên kia cầu đi qua nên nhiều vụ tai nạn xảy ra do người qua đường bị khuất tầm nhìn.
Để hạn chế nguy cơ tai nạn tại nút giao này, Trung tâm Quản lý Hạ tầng giao thông đường bộ - Sở Giao thông vận tải TP cho biết đang triển khai công trình sửa chữa lớn Cầu Lớn, thời gian thi công từ 10/2 đến 9/7/2020.
Cho học sinh nghỉ học đến hết tháng 2: Quyết định nức lòng dân
Cũng trên báo Người Lao Động: UBND TP. Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành vừa quyết định tiếp tục cho học sinh nghỉ học đến hết tháng 2-2020, để phòng dịch bệnh Covid-19. Việc làm này đã được dư luận ủng hộ và cho rằng đây là “một quyết định sáng suốt”.
Nhiều bạn đọc đã đánh giá cao quyết định của UBND TP. Hồ Chí Minh và gửi những ý kiến "Tuyệt vời, một văn bản nức lòng người dân"; "Hoan hô TP. Hồ Chí Minh luôn là đầu tàu của cả nước"; "Quyết định này là sáng suốt, sức khỏe trước cái đã, học hành tính sau"; "Quá tốt, ủng hộ quyết định này thà phòng bệnh còn hơn đi…tránh bệnh".
Không ít bạn đọc cũng thẳng thắn đề xuất lãnh đạo TP cần sớm có thêm những quyết định về cơ chế làm việc "thoáng" cho các bậc phụ huynh trong thời gian này. Bởi lẽ con em thì được nghỉ học ở nhà, song bố mẹ vẫn phải đi làm. Mấy ngày qua việc "con phải theo bố, mẹ đến cơ quan; cháu phải theo bà đi chợ; theo anh chị đi chơi trong các khu vui chơi, siêu thị…" - mục tiêu nghỉ học để phòng lây lan dịch bệnh có nguy cơ rò rỉ từ đây. Bố mẹ phải đi làm, con thì nghỉ học ở nhà, ai sẽ quản lý lũ trẻ - bài toán này cũng cần sớm có lời giải.
Mặc dù vẫn còn chút vướng mắc như vừa nói trên, tuy vậy nhiều bạn đọc vẫn phấn khởi cho rằng quyết định của lãnh đạo TP là một minh chứng sống động, tích cực cho hình ảnh của một xã hội văn minh, biết lắng nghe ý kiến tâm tư của người dân.
Xếp hàng dài mua bánh mì thanh long giải cứu nông sản
Trưa ngày 16/2, dù TP. Hồ Chí Minh nắng gắt nhưng hàng trăm khách vẫn xếp hàng chờ 15-20 phút để mua bánh mì với nguyên liệu có thanh long, được mua theo dạng "giải cứu" nông sản. Đây là sản phẩm được thương hiệu bánh mì ABC Bakery mở bán tại chi nhánh trên đường Nguyễn Trãi (quận 5).
Sản phẩm được chia thành 2 loại, loại bánh mì thanh long giá 6.000 đồng/cái và khoai môn thanh long 18.000 đồng/cái.
Tuy nhiên, giới hạn mỗi người chỉ mua được 5 cái, (loại 6.000 đồng/cái), còn loại khoai môn thanh long giá bán cao nên mua bao nhiêu cũng có. Nhân viên cửa hàng ABC Bakery cho biết công đoạn chọn thanh long, tạo bột, nhào bột... phải làm bằng tay nên tốc độ để ra lò một mẻ bánh mì hơn 100 cái phải tốn 15-20 phút.
Từ Phú Nhuận qua đến quân 5, chị Nguyễn Dương Quỳnh Vy cho biết nghe thông tin bánh mì thanh long khá lạ lẫm, đồng thời sản phẩm bán ra mang ý nghĩa "giải cứu" nông sản nên phải tìm đến cửa hàng mua cho bằng được. Cầm trên tay bánh mì nóng hổi, chị Vy cho biết phải chờ đến 20-30 phút mới có hàng, thậm chí phải chen mới mua được. Nhiều người mua được và ăn liền tại chỗ và "chấm điểm" bánh mì thanh long nóng, giòn, thơm và có vị ngọt thanh.
Đại diện ABC Bakery cho biết ngày 8/2 là đợt thử nghiệm đầu tiên cho bánh mì thanh long, sản xuất tầm chỉ 300 ổ, và sau đó mỗi ngày sản xuất tầm 3.000 ổ, đến nay mỗi ngày đang sản xuất tầm 20.000 ổ.
Vị đại diện này cho biết thời gian đầu thử nghiệm, số lượng thanh long chỉ là 200-250kg thanh long ruột đỏ hằng ngày. Nhưng đến hôm nay ABC Bakery hiện đang sử dụng đến 1 tấn thanh long mỗi ngày sản xuất. Ngoài thanh long ruột đỏ, ABC Bakery hiện đang nghiên cứu thêm nông sản Việt là sầu riêng, dưa hấu, bơ...
(Theo báo Tuổi Trẻ).
Nhiều cây xanh lặng lẽ “lìa đời”
Báo Người Lao Động phản ánh: Mấy ngày gần đây, cây dầu khoảng 100 năm tuổi gần quán ốc trước nhà 345 Trần Phú (phường 8, quận 5) có dấu hiệu suy kiệt. Suốt 2 tháng nay, thân cây này đang "gánh" khá nhiều dây điện quảng cáo. "Đó không phải là trường hợp duy nhất. Dịp Tết vừa qua, các quán ăn, cửa hàng quần áo trên đường Nguyễn Trãi (quận 5) cũng đóng đinh, treo bảng hiệu, quấn đèn, rào khung, đổ chất thải xuống gốc cây… khiến chúng nứt nẻ, có dấu hiệu chết dần. Rất xót xa!" - một nhân viên chăm sóc cây xanh của Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh Thành phố phản ánh. Qua công tác kiểm tra sơ bộ, đánh giá có ít nhất 19 cây tại khu vực này đang suy kiệt.
Quá trình đô thị hóa, nhiều công trình trên đường Trần Phú (quận 5) xây lấn ra khiến vỉa hè không còn, nhiều cây xanh trên 100 năm tuổi nằm gọn trong nhà dân. Điển hình là một cây dầu khoảng 80 năm tuổi nằm bên trong, mắc kẹt giữa 2 căn nhà 15C và 15D Trần Phú (đoạn từ đường Lê Hồng Phong đến đường Nguyễn Văn Cừ). Mỗi lần nhân viên chăm sóc muốn tưới cây, bón gốc phải bấm chuông xin phép chủ nhà.
Chưa kể nhiều cây xanh bị chết khô, khi đốn hạ phát hiện mùi hóa chất nằm trong đất nhưng tất cả các vụ đều không thể tìm ra thủ phạm.
Tiếc nuối nhất có lẽ là hàng chục cây cổ thụ tại Công viên Văn Lang (quận 5) đã chết hoặc suy kiệt sau khi toàn bộ mặt bằng công viên được nâng nền và bê-tông hóa. Mặc dù các kỹ sư và chuyên gia chăm sóc cây xanh đến chăm sóc nhưng hiện nhiều cổ thụ đã lặng lẽ ra đi, cây mới trồng thì vàng lá và trơ trụi cành.
UBND Thành phố cho biết hiện trạng vỉa hè trên địa bàn hẹp, trong khi hệ thống hạ tầng kỹ thuật (thoát nước, cấp nước, cáp viễn thông, điện lực) dưới vỉa hè ảnh hưởng rất lớn đến không gian phát triển của hệ rễ cây xanh. Bên cạnh đó, nhà cao tầng ngày càng nhiều nên thiếu không gian phát triển cho cây xanh. Tình trạng xâm hại cây xanh diễn biến phức tạp dưới nhiều hình thức, từ chủ động phá hoại đến sự thiếu ý thức trong quá trình thi công các công trình khiến hệ thống cây xanh luôn phải đối mặt với những rủi ro bất ngờ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Giá thực phẩm, rau củ đã giảm
Không còn “ế đồng đắt chợ”, nhiều mặt hàng thiết yếu như thịt heo, rau củ, tôm... tại Thành phố đang có xu hướng giảm. Đặc biệt với những mặt hàng xuất khẩu đi Trung Quốc không được, mức giảm còn mạnh hơn vì cung tăng mạnh trong thị trường nội địa.
Khảo sát tại hệ thống siêu thị Co.op Mart ngày 16/2, giá thịt heo giảm từ 20.000 - 40.000 đồng/kg tùy loại. Chẳng hạn thịt heo xay từ 159.000 đồng/kg xuống 143.100 đồng/kg, nạc dăm từ 161.000 đồng/kg xuống 144.900 đồng/kg, sườn non từ 280.000 đồng/kg xuống còn 238.000 đồng/kg... Một số sản phẩm thịt heo bình ổn giá ở mức thấp như nạc đùi heo 161.000 đồng/kg, thịt cốt lết 138.000 đồng/kg, ba rọi heo 145.000 đồng/kg...
Riêng thịt heo tại nhiều cửa hàng ghi nhận vẫn cao hơn từ 50.000 - 100.000 đồng/kg. Một cửa hàng bán thịt tươi trên đường Cách Mạng Tháng 8, quận 10 rao bán thịt heo sạch nuôi rau, mới mổ với giá thịt heo ba rọi 250.000 đồng/kg, sườn non 240.000 đồng/kg, nạc đầu rồng 210.000 đồng/kg, thịt đùi, nạc xay 210.000 đồng/kg, chân giò 170.000 đồng/kg...
Ngoài mặt hàng thịt heo, giá nhiều loại rau củ tại Co.op Mart cũng giảm hơn so với tuần trước từ 500 - 5.000 đồng/kg. Đơn cử cải coron còn 21.500 đồng/kg, bầu còn 16.500 - 18.900 đồng/kg, khoai lang còn 21.500 đồng/kg, khoai sọ còn 29.500 đồng/kg, bí đỏ tròn còn 12.900 đồng/kg, bắp cải trắng còn 11.200 đồng/kg, bắp cải thảo còn 16.500 đồng/kg, mồng tơi còn 8.200 đồng/kg, rau dền còn 8.500 đồng/kg... Có thể nhận thấy rất rõ, số lượng hàng hóa giảm giá trên các quầy kệ tuần này nhiều hơn so với tuần trước, lượt khách đi siêu thị cũng tăng hơn.
(Nội dung trên báo Thanh Niên).
Lập hồ sơ xếp hạng di tích cầu Bình Lợi
Cũng theo thông tin trên báo Thanh Niên: Phó chủ tịch UBND Thành phố Võ Văn Hoan vừa giao Sở Văn hóa – Thể thao phối hợp Sở Giao thông vận tải Thành phố cùng các đơn vị liên quan xem xét, lập hồ sơ đề xuất xếp hạng đối với các hạng mục bảo tồn cầu đường sắt Bình Lợi cũ.
Đồng thời, căn cứ quy mô bảo tồn và các quy định liên quan để phân cấp cho đơn vị chức năng trực thuộc quản lý, lưu giữ, bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, khoa học của những hạng mục này. UBND Thành phố sẽ bố trí kinh phí để thực hiện công tác bảo tồn theo quy định.
Bên cạnh đó, Sở GTVT và Sở VH-TT phối hợp cơ quan chức năng thuộc Bộ GTVT thực hiện bàn giao tài sản cho đơn vị được phân cấp quản lý bảo tồn theo đúng trình tự, thủ tục.
Cầu đường sắt Bình Lợi dài 275 mét, gồm 6 nhịp với kết cấu vòm thép được đưa vào sử dụng từ tháng 2/1902, là cây cầu đầu tiên vượt sông Sài Gòn nối quận Thủ Đức với quận Bình Thạnh. Theo phương án ban đầu, cây cầu này sẽ bị tháo dỡ khi dự án cầu sắt Bình Lợi mới hoàn thành nhưng sau đó gặp phải nhiều ý kiến phản đối của chuyên gia đô thị, nhà nghiên cứu di sản. Một số chuyên gia đánh giá cầu đường sắt Bình Lợi cũ có giá trị lịch sử, văn hóa gắn với quá trình hình thành, phát triển Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh và ngành đường sắt Việt Nam nên đề xuất Thành phố có phương án bảo tồn, nghiên cứu.
Đưa vào hoạt động máy PET/CT trong chẩn đoán điều trị ung thư
Ngày 16/2, Bệnh viện Ung Bướu TP. Hồ Chí Minh thông tin vừa đưa vào sử dụng hệ thống máy PET/CT hiệu Discovery MI DR cao cấp với sự linh hoạt của CT chẩn đoán độc lập giúp chẩn đoán và điều trị ung thư.
Đây là một trong những thế hệ máy hiện đại nhất tại Việt Nam hiện nay. Với những đặc tính ưu việt như: giúp giảm liều thuốc phóng xạ, ghi hình ít hơn và thời gian ghi hình ngắn hơn. Vì vậy, số lượng bệnh nhân được sử dụng kỹ thuật tiên tiến này trong ngày sẽ nhiều hơn. Công suất máy tối đa có thể ghi hình đến 30 ca/ngày.
Khi máy đi vào hoạt động, ghi hình PET/CT cung cấp thông tin cả cấu trúc giải phẫu và mức độ chuyển hóa của khối bướu nên nó hữu ích trong việc giúp các bác sĩ chuyên ngành ung thư như: phân lập chính xác giai đoạn của hầu hết các loại ung thư như ưng thư vú, ung thư gan, ung thư phổi, ung thư đại tràng, ung thư giáp, ung thư tử cung... để đưa ra phác đồ điều trị thích hợp cho từng giai đoạn; đánh giá sớm hiệu quả đáp ứng điều trị; theo dõi và phát hiện ung thư tái phát; giúp mô phỏng lập kế hoạch xạ trị;...
Ngoài ra, PET/CT còn được ứng dụng lĩnh vực tim mạch và thần kinh như đánh giá sự sống còn của cơ tim, chẩn đoán các bệnh sa sút trí tuệ như Alzheimer và phát hiện ổ động kinh.
Theo Bệnh viện Ung bướu TP, chi phí cho 1 ca ghi hình PET/CT của BV Ung bướu TP hiện nay dự kiến là 25,3 triệu đồng cho ghi hình chẩn đoán (chưa bao gồm BHYT) và 25,8 triệu đồng cho việc ghi hình mô phỏng lập kế hoạch xạ trị (chưa bao gồm BHYT).
(Theo báo Sài Gòn Giải Phóng)