Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 17/3/2020

10:42 17/03/2020

Trung tâm Báo chí tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TP. Hồ Chí Minh trên các báo ra ngày 17/3/2020:

Tuyển sinh lớp 10 ở TP. Hồ Chí Minh dời đến khi nào?

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Thành phố cho biết có thể kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm nay dự kiến diễn ra từ ngày 17/7 với cấu trúc đề thi không đổi so với năm 2019. Trao đổi với phóng viên báo Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD&ĐT, cho rằng học sinh (HS) không nên lo lắng quá bởi định hướng của Sở là học đến đâu thi đến đó. Chương trình học đến đâu thì nội dung trong đề thi sẽ hỏi đến đó, không nằm ngoài những kiến thức HS đã học.

Thí sinh dự thi vào lớp 10 năm 2019 tại TP.HCM - Ảnh: báo Thanh Niên
Thí sinh dự thi vào lớp 10 năm 2019 tại TP.HCM - Ảnh: báo Thanh Niên

Tiến độ học có chậm thì Sở sẽ tổ chức kiểm tra nội dung theo tiến độ dạy và học thực tế. HS cứ đảm bảo học chắc kiến thức trong chương trình và vận dụng kiến thức trong quá trình làm bài tập.

Thời gian thi sẽ tính toán theo các quyết định của Bộ GD&ĐT. Mọi năm, sau khi kết thúc năm học từ 1 - 2 ngày, Sở tổ chức tuyển sinh lớp 10, năm nay cũng vậy. Nếu kết thúc năm học là ngày 15/7 như khung kết thúc năm học mà Bộ GD&ĐT công bố trong tuần qua thì có thể kỳ thi lớp 10 năm nay sẽ diễn ra vào khoảng ngày 17/7.

Về cấu trúc và nội dung đề thi, ông Hiếu khẳng định: Dù thời gian học của HS bị gián đoạn dài do dịch Covid-19 nhưng kỳ thi tuyển sinh lớp 10 sẽ không bị tác động về mặt cấu trúc. Nội dung kiến thức vẫn có mức độ phân hóa.

Khởi động Giải thưởng Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp năm 2020

Cũng trên báo Tuổi Trẻ, Giải thưởng Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP. Hồ Chí Minh năm 2020 (I-Star 2020) chính thức nhận đơn dự thi đến 31/8, với giải thưởng lên đến 50 triệu đồng mỗi giải.

Trao giải thưởng Istar 2019 - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Trao giải thưởng Istar 2019 - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Đây là năm thứ ba I-Star được UBND TP. Hồ Chí Minh chủ trì tổ chức nhằm tôn vinh các tổ chức, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của TP.

Các nhóm tham dự gồm các doanh nghiệp khởi nghiệp; các giải pháp đổi mới sáng tạo; các tác phẩm báo chí truyền thông; các cá nhân tổ chức có đóng góp tích cực cho cộng đồng - góp phần tạo nên làn sóng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo sôi nổi của TP. Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung trong nhiều năm qua.

Khơi điểm nghẽn bồi thường, dự án sẽ nhanh

Theo kế hoạch giai đoạn 2016-2020, Thành phố (TP) dự kiến triển khai xây dựng 172 dự án giao thông với tổng mức đầu tư khoảng 320.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, khả năng hoàn thành chỉ tiêu trên là không cao. Đặc biệt, nhiều dự án trọng điểm của TP bị trễ tiến độ hoặc đội vốn.

Cụ thể, tuyến metro số 1 dự kiến sẽ hoàn thành, đưa vào vận hành vào năm 2020. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ hoàn thành hơn 80% khối lượng dự án. Tương tự, tuyến metro số 2 sau 10 năm triển khai, đến nay TP vẫn chưa có 100% mặt bằng để bàn giao cho nhà đầu tư. Lãnh đạo TP quyết tâm đến tháng 6/2020 sẽ hoàn thành giải phóng mặt bằng toàn bộ dự án.

Chậm tiến độ so với kế hoạch ban đầu, TP.HCM quyết tâm hoàn thành tuyến metro số 1 vào cuối năm 2021. Trong ảnh: Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đoạn đi qua nút giao thông Cát Lái (quận 2). Ảnh: báo Pháp Luật TPHCM
Chậm tiến độ so với kế hoạch ban đầu, TP.HCM quyết tâm hoàn thành tuyến metro số 1 vào cuối năm 2021. Trong ảnh: Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đoạn đi qua nút giao thông Cát Lái (quận 2). Ảnh: báo Pháp Luật TPHCM

Hay như dự án đường vành đai 2 (có bốn đoạn), hiện ba đoạn TP đang trong quá trình hoàn thiện pháp lý để trình HĐND TP thông qua chủ trương đầu tư. Riêng đoạn số 3 từ đường Phạm Văn Đồng đến cầu Gò Dưa, quận Thủ Đức được khởi công vào tháng 12/2017 đến nay đã ba năm nhưng diện tích bàn giao mặt bằng để thi công mới đạt khoảng 54%.

Từ năm 2018, để tháo gỡ nút thắt về bồi thường, giải phóng mặt bằng đảm bảo tiến độ dự án, UBND TP đã kiến nghị Chính phủ cho phép thí điểm cơ chế rút ngắn quy trình bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thực hiện dự án.

Chấp thuận theo đề nghị của TP, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 27/2020 cho phép TP thí điểm cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án có thu hồi đất. Với hành lang pháp lý này, kỳ vọng sẽ giải phóng được điểm nghẽn lâu nay đối với các dự án đầu tư vì lợi ích công cộng.

Báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh dẫn lời Giám đốc Sở TN&MT TP Nguyễn Toàn Thắng cho biết: Sở này đang chuẩn bị dự thảo kế hoạch thực hiện Nghị quyết. Theo ông Thắng, so với quy trình trước đây, cơ chế, quy trình đặc thù sẽ rút ngắn được rất nhiều thời gian và chỉ còn một công đoạn phê duyệt giá đất cụ thể để tính bồi thường, hỗ trợ.

Đề nghị Bộ Quốc phòng cho phép sử dụng 3 địa điểm làm khu cách ly chống dịch Covid-19

Báo Sài Gòn Giải Phóng đưa tin: UBND TP. Hồ Chí Minh vừa có công văn khẩn gửi Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 về việc thành lập khu cách ly tập trung phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Hình ảnh tại một khu cách ly, kiểm soát, phòng chống dịch Covid-19 ở TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Hình ảnh tại một khu cách ly, kiểm soát, phòng chống dịch Covid-19 ở TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Theo đó, UBND TP đề nghị Bộ Quốc phòng cho phép TP được sử dụng 3 địa điểm bao gồm: Doanh trại Sư đoàn 317, Quân khu 7 (số 139 đường Lê Lợi, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn); Trường Quân sự Quân khu 7 (số 6 đường Tô Ký, phường Trung Mỹ Tây, quận 12); Khu điều trị của Bệnh viện Quân y 175 để thành lập cơ sở cách ly tập trung chống bệnh Covid-19, nhằm giảm tải cho các khu cách ly tập trung hiện nay của TP.

Đây là 03 đơn vị đã có sẵn cơ sở vật chất như nhà cửa, điện, nước và mặt bằng rộng rãi, thoáng mát.

Được biết, hiện Thành phố có 3 khu cách ly tập trung cấp thành phố tại quận 7, huyện Nhà Bè và huyện Củ Chi; 24/24 quận, huyện có khu cách ly tập trung cấp quận, huyện. 

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp; dân số TP hơn 10 triệu người cộng với số lượng lớn khách du lịch đến TP nên các khu cách ly của TP đã sắp sử dụng hết công suất.

Kiến nghị giãn, giảm thuế và giảm giá điện

Theo báo Người Lao Động, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP (Saigon Co.op) do ảnh hưởng tình hình dịch bệnh Covid-19.

UBND TP kiến nghị nhiều chính sách để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong mùa dịch bệnh Covid-19 (Ảnh: Giang Nam)
UBND TP kiến nghị nhiều chính sách để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong mùa dịch bệnh Covid-19 (Ảnh: Giang Nam)

Theo đó, UBND TP kiến nghị giãn thời gian thực hiện nghĩa vụ thuế, cho phép chậm nộp các loại thuế của các doanh nghiệp, đơn vị hoạt động trên các lĩnh vực nêu trên và đề xuất lùi thời gian nộp thuế sang quý 3 hoặc quý 4/2020.

Đồng thời, kiến nghị hỗ trợ miễn, giảm 50% thuế giá trị gia tăng; giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp; giảm 50% thuế nhập khẩu; giảm thuế thu nhập cá nhân cho người lao động trong lĩnh vực du lịch trên cơ sở đánh giá thiệt hại của dịch bệnh.

Về chính sách tài chính, tín dụng, cho phép TP tham gia gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỉ đồng đã được Chính phủ phê duyệt và đang giao cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai. Giãn thời gian trả nợ đến hạn cho doanh nghiệp và không để doanh nghiệp rơi vào nhóm nợ xấu; thực hiện vay lãi xuất ưu đãi, giảm lãi suất vay đối với các doanh nghiệp hoạt động các lĩnh vực nêu trên.

Về chính sách BHXH, giãn thời gian nộp BHXH cho người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực đã nêu trên do các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về tài chính và tình hình biến động nhân sự; giảm 50% BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho các doanh nghiệp.

UBND TP cũng đề xuất xem xét, hỗ trợ giảm 50% tiền thuê đất phải nộp trong 2 năm 2020-2021; hoãn nộp tiền thuê đất (miễn lãi suất) sang đầu năm 2021. UBND TP còn kiến nghị Bộ Công Thương bãi bỏ quy định giờ cao điểm bán điện theo khung giờ (9 giờ 30 đến 11 giờ 30). Trước mắt, điều chỉnh giảm 50% giá điện giờ cao điếm trong các tháng 3, 4 và 5 năm 2020.                 

Ngồi nhà nộp lệ phí trước bạ ôtô, xe máy thế nào?

Không phải ôm tiền mặt đến kho bạc hay ngân hàng để nộp lệ phí trước bạ cho ôtô, xe máy như lâu nay, người dân tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có thể nộp online thông qua Cổng Dịch vụ công quốc gia, các ngân hàng và trung gian thanh toán. Đó là nội dung được đăng tải trên báo Tuổi Trẻ online.

Theo Tổng cục Thuế, từ nay, tại Hà Nội và TP HCM, người dân sẽ không làm đến trực tiếp nộp lệ phí trước bạ ôtô, xe máy nữa - Ảnh: NGỌC HIỂN
Theo Tổng cục Thuế, từ nay, tại Hà Nội và TP HCM, người dân sẽ không làm đến trực tiếp nộp lệ phí trước bạ ôtô, xe máy nữa - Ảnh: NGỌC HIỂN

Theo đó,  khi đăng ký ôtô, xe máy, người dân ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có thể nộp lệ phí trước bạ điện tử thông qua Cổng Dịch vụ công quốc gia, các kênh thanh toán trực tuyến của các ngân hàng (Vietcombank, Vietinbank, Agribank, VPBank, Mbbank, BIDV) và Tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (Napas, Momo) mà không cần sử dụng tiền mặt cũng như không cần đến trực tiếp ngân hàng hay Kho bạc để nộp lệ phí trước bạ như trước đây.

Để nộp lệ phí trước bạ điện tử qua Cổng Dịch vụ công quốc gia, theo Tổng cục Thuế, người dân phải có tài khoản của các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán đã liên kết với Cổng Dịch vụ công quốc gia, hiện mới có Vietcombank.

Còn nộp qua các ngân hàng thương mại thì người dân phải có tài khoản tại các ngân hàng đó và đã đăng ký dịch vụ thanh toán điện tử (Internet Banking) của các ngân hàng nêu trên.

Ngoài ra, lệ phí trước bạ điện tử cũng nộp qua tổ chức trung gian thanh toán khi người dân có sử dụng dịch vụ của các tổ chức trung gian thanh toán (Napas, Momo).

Thu giữ nhiều khẩu trang than hoạt tính giả

Báo Sài Gòn Giải Phóng cho hay, Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về Tham nhũng, Kinh tế, Buôn lậu (PC03) - Công an TP. Hồ Chí Minh vừa chuyển giao vụ việc thu giữ 650 khẩu trang than hoạt tính giả cho Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP xử lý theo thẩm quyền.

Số khẩu trang bị phát hiện có dấu hiệu làm giả
Số khẩu trang bị phát hiện có dấu hiệu làm giả

Trước đó, các trinh sát Đội 7 của Phòng PC03 - Công an TP phối hợp với Đội QLTT số 1 – Cục QLTT TP kiểm tra trụ sở Công ty TNHH Quyền Huy (tại địa chỉ 152 Bãi Sậy, phường 4, quận 6), phát hiện số lượng lớn khẩu trang than hoạt tính nhãn hiệu GP của Công ty TNHH Thiết bị Hoàng Thanh (địa chỉ tại quận Thủ Đức) có dấu hiệu bị làm giả.

Tại thời điểm lực lượng chức năng kiểm tra, bà Thái Mỹ Hạnh, Giám đốc Công ty Quyền Huy, không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của lô hàng.

Xử lý hành vi giả mạo trong công chứng

Từ loạt bài "1.001 kiểu giả mạo trong công chứng", đăng 3 kỳ trên báo Tuổi Trẻ từ ngày 2 đến 4/3, Phó chủ tịch UBND TP Ngô Minh Châu vừa chỉ đạo Sở Tư pháp phối hợp với công an có biện pháp kiểm tra, phát hiện và xử lý theo pháp luật hành vi giả mạo trong công chứng.

Các giấy tờ giả bị công chứng viên phát hiện - Ảnh: D.N.HÀ
Các giấy tờ giả bị công chứng viên phát hiện - Ảnh: D.N.HÀ

Cụ thể là những người đi công chứng sử dụng các loại giấy tờ giả từ bằng cấp, giấy chủ quyền nhà, đất, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân, sổ hộ khẩu, giấy ủy quyền, hợp đồng mua bán nhà… để yêu cầu công chứng. 

Bên cạnh đó, các công chứng viên còn phát hiện cả việc giả người (thuê người khác đóng vai, làm giả giấy chứng minh nhân dân) để công chứng những hợp đồng có giá trị lớn.

Việc làm giả này có nhiều mục đích như kiện buộc đơn vị công chứng bồi thường, vay ngân hàng, hoặc chiếm đoạt tài sản của người khác…

Trong khi đó, quy định hiện hành không cho phép các công chứng viên đi xác minh, kiểm chứng các loại giấy tờ mà khách hàng đem đến yêu cầu công chứng.

Thẩm mỹ viện đặt tên lập lờ “đánh lận con đen”

Thông tin trên báo Thanh Niên, Thanh tra Sở Y tế TP vừa phối hợp Phòng Y tế quận Tân Bình kiểm tra đột xuất “Viện thẩm mỹ Chợ Rẫy” tại địa chỉ 792 Trường Chinh, phường 15, quận Tân Bình.

Viện thẩm mỹ Chợ Rẫy trên đường Trường Chinh, Q.Tân Bình, TP.HCM - Ảnh: báo Thanh Niên
Viện thẩm mỹ Chợ Rẫy trên đường Trường Chinh, Q.Tân Bình, TP.HCM - Ảnh: báo Thanh Niên

Theo Thanh tra Sở Y tế Thành phố,  Viện thẩm mỹ Chợ Rẫy chưa được cấp giấy phép hoạt động trong lĩnh vực thẩm mỹ, tức chưa được thực hiện các dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ như: cắt mí mắt, nâng mũi, thu nhỏ cánh mũi, căng da mặt nội soi, cấy mỡ nhân tạo, cấy mỡ tự thân, nâng gò má, nâng cung mày, cắt mỡ da thừa... Thanh tra Sở Y tế, Phòng Y tế quận Tân Bình tiếp tục giám sát hoạt động tại cơ sở này.

Trước đó, trên Facebook (hiện đã đóng) được cho là của Viện thẩm mỹ Chợ Rẫy quảng cáo có nhiều giáo sư đến từ Hàn Quốc, các tiến sĩ, bác sĩ ở Việt Nam công tác tại đây. Nơi đây còn quảng cáo các dịch vụ kỹ thuật thẩm mỹ xâm lấn, như: hút mỡ, cắt mí… Nhiều người đi qua khu vực này thấy treo biển Viện thẩm mỹ Chợ Rẫy cứ ngỡ đây là cơ sở của Bệnh viện Chợ Rẫy.

Trước hành vi lấy tên “Chợ Rẫy” gắn vào thẩm mỹ viện, từ tháng 11/2019, Giám đốc BV Chợ Rẫy đã có công văn gửi Sở Y tế và Phòng Y tế quận Tân Bình phản ánh việc cơ sở y tế tư nhân lợi dụng tên riêng của BV Chợ Rẫy để hoạt động, gây thắc mắc trong nhân dân.

Đối với vụ việc này, luật sư Trần Minh Cường (Đoàn Luật sư TP) phân tích việc đặt tên của một số cơ sở y tế lấy tên của một số BV lớn có thể nhằm lợi dụng uy tín, thương hiệu của các BV này, nhằm lôi kéo khách hàng để sử dụng dịch vụ của mình, là hành vi vi phạm pháp luật về đăng ký doanh nghiệp.

Vân Anh - Thanh Hà

Tin cùng chuyên mục