Mong báo chí cùng góp phần thực hiện các mục tiêu chung của TPHCM và cả nước
Nhân kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2020), tối 16/6, Thành ủy TP. Hồ Chí Minh và Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP tổ chức gặp gỡ lực lượng biên tập viên, phóng viên các cơ quan báo chí TP. Hồ Chí Minh thường trú tại Hà Nội và những phóng viên gắn bó với hoạt động của Đoàn ĐBQH TP. Báo Sài Gòn Giải Phóng đưa tin.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân trân trọng cảm ơn những đóng góp của lực lượng phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí TP. Hồ Chí Minh thường trú tại Hà Nội, chúc những người làm báo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là cầu nối thông tin giữa TP. Hồ Chí Minh với Trung ương, giữa Trung ương và TP. Hồ Chí Minh.
Thời gian tới, lãnh đạo TP mong muốn các cơ quan báo chí tuyên truyền nhiều hơn những thông tin tích cực; khẳng định truyền thống đoàn kết, sáng tạo, không khí phấn khởi của cán bộ, đảng viên và nhân dân TP trước sự đổi mới và ngày một phát triển của TP. Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung, những thành tựu đạt được sau một nhiệm kỳ đại hội.
Cùng đó là tăng cường các bài viết mang tinh thần hiến kế, nêu giải pháp để xử lý những vụ việc, vấn đề tồn tại mang tính phức tạp, nhạy cảm, lâu dài được dư luận quan tâm; nhìn thẳng những tồn tại, hạn chế, phản ánh những trăn trở, góp ý của nhân dân tham gia xây dựng và phát triển TP. Hồ Chí Minh.
Lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh kỳ vọng và tin tưởng các nhà báo, bằng ngòi bút sắc bén của mình, cùng góp phần vào thực hiện các mục tiêu chung của TP. Hồ Chí Minh và cả nước. Tất cả vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, vì lợi ích chính đáng của người dân. Ban Tuyên giáo Thành ủy TP, Trung tâm báo chí TP luôn đồng hành, sẵn sàng giải đáp các thắc mắc, phản ánh của báo chí, của người dân.
Lập đoàn kiểm tra, khảo sát về cải cách hành chính
Báo Sài Gòn Giải Phóng cho hay, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong vừa ký quyết định thành lập đoàn kiểm tra, khảo sát tình hình thực hiện công tác cải cách hành chính năm 2020, do đồng chí Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách hành chính TP, làm trưởng đoàn.
Đoàn sẽ kiểm tra, khảo sát vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác chỉ đạo, điều hành và triển khai thực hiện Kế hoạch công tác cải cách hành chính của TP tại cơ quan, đơn vị, địa phương; công tác phối hợp thực hiện 72 nhóm thủ tục hành chính liên thông giữa Văn phòng UBND TP với các sở ban ngành, UBND quận huyện.
Ngoài ra, đoàn cũng kiểm tra, khảo sát trách nhiệm của người đứng đầu trong các hoạt động công vụ liên quan đến lĩnh vực cấp giấy phép xây dựng tại UBND quận huyện, sở ban ngành có liên quan và một số nội dung khác theo chỉ đạo của UBND TP.
HĐND TP sẽ giám sát nhiều dự án quan trọng trong năm 2020
Theo báo Tuổi Trẻ, trong 6 tháng cuối năm 2020, các tổ đại biểu HĐND TP và HĐND 24 quận, huyện tổ chức giám sát tiến độ thực hiện một số dự án trọng điểm và các chương trình quan trọng trên địa bàn TP như tiến độ thực hiện dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, tiến độ các dự án metro số 1, số 2, các dự án chống ngập, công tác quản lý, sử dụng nhà, đất công...
Ngoài các dự án trọng điểm, tại buổi họp giao ban giữa Thường trực HĐND TP với các tổ đại biểu HĐND TP và Thường trực HĐND 24 quận, huyện ngày 16/6, bà Nguyễn Thị Lệ, chủ tịch HĐND TP còn yêu cầu các đơn vị giám sát việc thực hiện các chương trình lớn của thành phố như việc cải cách hành chính, thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế đặc thù để phát triển TP, giám sát các hoạt động gắn với chủ đề năm "Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị".
Việc giám sát việc thực hiện các Chỉ thị 19 của Thành ủy về vận động người dân TP không xả rác ra đường và kênh rạch, Chỉ thị 23 về nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn TPHCM, thực hiện thí điểm cơ chế, quy trình đặc thù rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư... cũng sẽ được thực hiện thời gian tới.
TP. Hồ Chí Minh: Mưa ngập lớn nhất từ đầu mùa
Đó là nội dung được nhiều báo ra hôm nay phản ánh. Theo ghi nhận của báo Tuổi Trẻ, cơn mưa kéo dài hai giờ trải rộng trên khắp các quận, huyện ở TP chiều 16/6 đã khiến nhiều nơi rơi vào “điệp khúc” ngập, khiến việc sinh hoạt, đi lại của người dân bị đảo lộn.
Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, đây là trận mưa lớn nhất kể từ đầu mùa mưa, lượng mưa đo được tới 120mm (trạm Tân Sơn Hòa), tại Mạc Đĩnh Chi 61,5mm. Mưa to nên các tuyến đường khu vực quận Tân Phú như Tô Hiệu, Phan Anh, Nguyễn Văn Yến…vừa hết ngập trận mưa trước trở lại ngập sâu.
Khoảng 18 giờ, một số khu vực xuất hiện tình trạng ùn tắc giao thông như đường Điện Biên Phủ, Nguyễn Thị Minh Khai (khu vực gần cầu Thị Nghè), Ung Văn Khiêm, Nguyễn Văn Thương, Xô Viết Nghệ Tĩnh…
Ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý giao thông đường bộ
TP. Hồ Chí Minh dự kiến sẽ dành hơn 1,44 tỷ đồng để xây dựng Đề án thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ để xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ trên địa bàn thành phố. Nội dung trên báo điện tử Vietnamplus.
Sở Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh vừa có văn bản báo cáo UBND TP về tiến độ thực hiện Đề án thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ để xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ. Dự kiến hoàn thiện Đề án và trình Chính phủ phê duyệt trước 30/9/2020.
Đề án hướng tới nghiên cứu xây dựng phương án và quy trình tổ chức thực hiện thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ để xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, góp phần nâng cao hiệu quả đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố, giảm ùn tắc giao thông.
Đồng thời, Đề án từng bước làm thay đổi, chuyển biến nhận thức và ý thức người tham gia giao thông thông qua việc xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.
Sở Giao thông Vận tải TP cho biết, là một trong những hợp phần trọng yếu của Đề án Đô thị thông minh của Thành phố, phát triển hệ thống giao thông thông minh (ITS) được xem là một trong những giải pháp quan trọng trong việc giải quyết bài toán giao thông tại TP. Hồ Chí Minh, bên cạnh các giải pháp cơ sở hạ tầng tốn kém hơn như phát triển giao thông công cộng sức chở lớn, đầu tư phát triển mạng lưới đường bộ...
Hiện, Sở Giao thông Vận tải TP đang tiến hành các bước để thẩm định, phê duyệt Đề cương và dự toán xây dựng Đề án; tổ chức đấu thầu chọn tư vấn xây dựng Đề án.
Triển vọng cấp cứu bằng trực thăng
Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Bộ Quốc phòng vừa chấp thuận vị trí bãi cất, hạ cánh trực thăng trên mặt đất cho Bệnh viện Chợ Rẫy hữu nghị Việt – Nhật (huyện Bình Chánh) để phục vụ cấp cứu y tế.
Trước đó, cuối năm 2019, chiếc trực thăng cấp cứu của lực lượng không quân Việt Nam lần đầu tiên cũng đã đáp trên nóc của Viện chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện Quân y 175). Dù mới chỉ là chuyến bay thử nghiệm nhưng sự kiện này được xem là thời khắc đánh dấu một bước ngoặt mới trong vận chuyển cấp cứu bằng đường hàng không.
Khu vực bãi đáp cho trực thăng cứu hộ ra đời, được đặt tại Viện chấn thương chỉnh hình. Bãi đáp này được đầu tư một hệ thống đèn tín hiệu hiện đại giúp phi công nhận diện bãi đáp từ xa; khu vực điều phối; khu tiếp nhận bệnh nhân, chuyển bệnh bằng thang máy từ nóc tòa nhà xuống khu vực cấp cứu hoặc có thể chuyển đến bất cứ khoa phòng nào trong bệnh viện.
Theo tìm hiểu của phóng viên, ngoài Bệnh viện Quân y 175, còn có hàng loạt bệnh viện đã và đang xây dựng sân bay trực thăng để “đón đầu” xu hướng cấp cứu người bệnh trong tương lai như Bệnh viện Nhân dân 115, Ung bướu cơ sở 2, Nhi đồng TP, Bệnh viện tim Tâm Đức, Bệnh viện Chợ Rẫy – Phnom Penh (Campuchia), Viện Huyết học – truyền máu trung ương, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), Đa khoa Đồng Nai, Đa khoa tỉnh Tiền Giang, Bệnh viện Bến Tre cơ sở 2, Bệnh viện quốc tế Trung ương Huế…
Không ít chuyên gia trong ngành y tế cũng như hàng không cho rằng, khi nền kinh tế phát triển, đời sống người dân nâng cao thì kéo theo đó, nhu cầu được hưởng một nền y tế “cao cấp, chất lượng” cũng tăng lên. Và ‘thời gian vàng’ cứu người bệnh là quan trọng nhất nên đã có không ít trường hợp bệnh nhân yêu cầu được cấp cứu bằng máy bay nhưng hiện tất cả bệnh viện tại Việt Nam chưa đáp ứng được.
Xâm hại cây rồi trồng lại theo … phong thủy
Dù không được phép nhưng một số người vẫn phá bỏ, đầu độc cây xanh được nhà nước trồng do nằm ở vị trí không “đẹp mắt” hoặc muốn trồng loại cây theo sở thích, phong thủy. Đó là nội dung bài viết được đăng tải trên báo Người Lao Động.
Theo Công ty TNHH Công viên Cây xanh TP, 4 năm qua, TP có trên 15 trường hợp cây cổ thụ nhóm 1 (cây có đường kính 0,5 mét trở lên) hàng chục năm tuổi bị bức hại với nguyên nhân cố ý hủy hoại do yếu tố con người.
Ngoài ra, mỗi năm có trên dưới 200 cây xanh bị xâm hại do thi công vỉa hè, thi công ngầm hóa lưới điện và các tuyến ống cấp nước, thoát nước…
Một kỹ sư thuộc Công ty TNHH Công viên Cây xanh TP cho biết khi được giao nhiệm vụ bảo dưỡng, chăm sóc cổ thụ, các công nhân đều quan tâm đặc biệt đối với những cây nằm giữa các lối ra vào nhà dân. Nguyên nhân là do đã từng xảy ra hàng loạt vụ chặt cây vì yếu tố phong thủy. Nhiều cây trong số đó có dấu hiệu bị đổ hóa chất, một số cây có dấu hiệu chịu tác động ngoại lực, như vạt vỏ.
Thực tế nhiều cây ở khu dân cư và một số tuyến đường cũng bị nhiều người phá hủy để trồng mới theo sở thích. Đơn cử, tại Khu dân cư Trung Sơn (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh) có khoảng 10 giống cây không được phép trồng trên hè phố. Đặc biệt ở đường số 6 (khu Trung Sơn) dài chưa đến 500 mét nhưng có 5 giống cây thuộc danh mục không được phép tồn tại trên vỉa hè. Ghi nhận cho thấy đa phần người dân tự ý trồng cây lộc vừng, sala, thông, sứ và dừa.
Theo đánh giá của Công ty TNHH Công viên Cây xanh TP, số lượng cây do người dân trồng tự phát thuộc danh mục cấm trồng và những cây không phù hợp với tiêu chí trồng trên đường phố vẫn còn rất lớn. Tuy nhiên, do nhiều tuyến đường có vỉa hè hẹp hay cao độ chưa ổn định, nếu thực hiện cải tạo thì sẽ không thể trồng lại nên tạm thời vẫn duy trì cây để tạo bóng mát cho người dân trong khu vực.
Thống kê chi tiết cho thấy đường phố đang có hơn 50 loài thuộc danh mục cấm trồng trên đường phố như: bàng, da, sung, bã đậu, trứng cá, hoa sữa, sọ khỉ, các loại cây ăn trái…