Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 17/9/2020

10:00 17/09/2020

Trung tâm Báo chí tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TP. Hồ Chí Minh trên các báo ra ngày 17/9/2020

Sẽ trình Quốc hội bãi nhiệm tư cách đại biểu với ông Phạm Phú Quốc

Ngày 16/9, trả lời câu hỏi của phóng viên báo Tuổi Trẻ về chủ trương xử lý đối với đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc (thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM) sau khi đã xác minh ông này có quốc tịch nước ngoài, Trưởng Ban Công tác đại biểu (thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội) Trần Văn Túy cho biết "đang hoàn thiện hồ sơ để trình Quốc hội xem xét theo quy định tại khoản 2 điều 7 Hiến pháp và khoản 2 điều 40 Luật tổ chức Quốc hội".

Theo quy định tại khoản 2 điều 7 Hiến pháp, "đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân bị cử tri hoặc Quốc hội, Hội đồng nhân dân bãi nhiệm khi không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân".

Còn theo quy định tại khoản 2 điều 40 Luật tổ chức Quốc hội, "trong trường hợp Quốc hội bãi nhiệm đại biểu Quốc hội thì việc bãi nhiệm phải được ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành".

Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 17/9/2020 - Ảnh 1

Ông Túy giải thích rằng vì các hoạt động đại biểu và công tác của ông Phạm Phú Quốc gắn với địa bàn TP.HCM nên quá trình xem xét, xử lý cũng phải theo các trình tự từ địa phương lên.

Ông Quốc đã có đơn xin thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội và xin thôi nhiệm vụ tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC).

"Trên cơ sở các bước xử lý của địa phương, báo cáo của cá nhân ông Phạm Phú Quốc, báo cáo của các cơ quan có trách nhiệm, chúng tôi sẽ hoàn thiện hồ sơ, tham mưu để Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét", ông Túy nói thêm.

Như vậy, nếu bị bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội theo các điều, khoản nêu trên, ông Quốc không được "cho thôi nhiệm vụ" theo nguyện vọng, mà bị xử lý vì "không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân".

Quận Thủ Đức lấy ý kiến dân về việc thành lập TP Thủ Đức

Báo Pháp Luật TP đưa tin, chiều 16/9, UBND quận Thủ Đức đã tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch tổ chức lấy ý kiến cử tri và trình HĐND các cấp thông qua nội dung đề án, phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn TPHCM, giai đoạn 2020 - 2021.

Tại hội nghị, Phòng Nội vụ quận Thủ Đức đã thông qua kế hoạch tổ chức lấy ý kiến cử tri để thông qua phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã ở khu vực Thủ Đức, nhất là khi sắp tới Thành phố sẽ thực hiện đề án thành lập TP Thủ Đức.

Hội nghị có sự tham gia của trưởng khu phố các phường trên địa bàn quận Thủ Đức. Ảnh: THANH TUYỀN.
Hội nghị có sự tham gia của trưởng khu phố các phường trên địa bàn quận Thủ Đức. Ảnh: THANH TUYỀN.

Theo đó, quận sẽ tổ chức lấy ý kiến cử tri trên phạm vi 12 phường thuộc quận Thủ Đức, chịu ảnh hưởng trực tiếp của đề án. Việc tổ chức kế hoạch lấy ý kiến chỉ tập trung vào hai nội dung: việc sáp nhập quận 2, quận 9, quận Thủ Đức thành đơn vị hành chính mới và tên gọi của đơn vị hành chính mới - TP Thủ Đức.

Thời gian lấy ý kiến cử tri về nội dung này sẽ bắt đầu từ 7 giờ sáng đến 19 giờ ngày 3/10.

Đến 9/10, các phường sẽ tổ chức kỳ họp HĐND phường để thông qua nội dung đề án. Tiếp đó, ngày 10/10, HĐND quận sẽ tổ chức kỳ họp HĐND quận để thông qua nội dung đề án và trình hồ sơ, tham mưu UBND TP trình HĐND TP vào ngày 12/10.

Bí thư quận Thủ Đức cho rằng việc thành lập TP Thủ Đức là một dấu mốc quan trọng, không chỉ đối với sự phát triển của quận Thủ Đức, đó còn là sự phát triển của TP.HCM và cả nước. Chính vì vậy, việc lấy ý kiến người dân về việc thành lập một đơn vị hành chính mới là việc làm quan trọng, Ban Thường vụ quận cùng lãnh đạo UBND quận mong muốn được lắng nghe thêm ý kiến của cử tri.

Bến xe Miền Đông mới chính thức hoạt động từ ngày 10/10

Theo báo Lao Động, Sở GTVT TP vừa thông báo kể từ ngày 10/10, bến xe Miền Đông mới (quận 9) sẽ đi vào hoạt động. Trong giai đoạn 1 có 71 tuyến xe ( có cự ly từ 1.100km trở lên, tính từ tỉnh Quảng Trị trở ra các tỉnh phía Bắc) hoạt động tại bến xe Miền Đông hiện hữu (quận Bình Thạnh) sẽ được dời về bến xe Miền Đông mới.

Tuy nhiên, để việc di dời mang lại hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị vận tải trong thời gian đầu và tạo điều kiện cho người dân đi lại được thuận lợi, Sở GTVT TP thống nhất đề xuất của các đơn vị vận tải.

Bến xe Miền Đông mới có quy mô lớn nhất nước với diện tích 16ha sắp đưa vào hoạt động. Ảnh: Minh Quân
Bến xe Miền Đông mới có quy mô lớn nhất nước với diện tích 16ha sắp đưa vào hoạt động. Ảnh: Minh Quân

Cụ thể, giai đoạn 1 tạm thời lưu đậu xe khách để đón trả khách tại bến xe Miền Đông hiện hữu trước khi bến xe Miền Đông mới hoàn tất các thủ tục xuất bến theo quy định (thời hạn tạm thời không quá ba tháng kể từ ngày 10/10).

Sở GTVT cũng khuyến khích các đơn vị vận tải đang khai thác các tuyến vận tải hành khách còn lại tại bến xe Miền Đông hiện hữu sử dụng bến xe Miền Đông mới làm điểm dừng đón trả khách.

Hiện, Sở GTVT TP đã lên phương án điều chỉnh một số tuyến xe buýt kết nối với bến xe mới, đặc biệt là từ bến xe Miền Đông hiện hữu nhằm tạo thuận lợi cho hành khách đi lại thời gian đầu. Theo đó, Sở GTVT giao Trung tâm Quản lý giao thông công cộng phối hợp với chủ đầu tư hoàn chỉnh bố trí hạ tầng phục vụ các tuyến xe buýt trợ giá số 55, 76, 67 vào hoạt động tại bến xe Miền Đông mới.

Ngoài ra, tuyến buýt trợ giá số 150 và các tuyến không trợ giá số 5, 601, 602, 603, 604 sẽ kết nối đến bến xe này. Sở GTVT TPHCM cũng yêu cầu các đơn vị liên quan nhanh chóng rà soát, hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối xung quanh bến xe Miền Đông mới, đảm bảo khi bến xe đi vào hoạt động được hiệu quả.

Sẽ cưỡng chế tháo dỡ 4 "chung cư mini"

Báo Người Lao Động đưa tin, ngày 16/9, ông Lê Hoà Bình, Giám đốc Sở Xây dựng TP, cho biết hiện nay quy định pháp luật không có khái niệm loại hình "chung cư mini". Tuy nhiên thời gian qua, một số cá nhân, hộ gia đình vẫn xây dựng và bán đại trà. Điều này làm vỡ quy họach, gia tăng áp lực dân số lên hệ thống hạ tầng kỹ thuật.

Qua rà soát Thanh tra Sở Xây dựng ghi nhận 4 công trình "chung cư mini" xây dựng tại quận Bình Tân và quận Thủ Đức.

Một chưng mini đã xây hoàn thành với 5 tầng, trong khi giấy phép xây dựng chỉ cho phép xây 3 tầng
Một chưng mini đã xây hoàn thành với 5 tầng, trong khi giấy phép xây dựng chỉ cho phép xây 3 tầng

Cụ thể, công trình nằm tại hẻm 33 đường Bến Lội, quận Bình Tân với quy mô 4 tầng và 1 hầm, chủ nhà đã tự ngăn chia thành 77 căn hộ; Công trình xây dựng do Công ty TNHH Gạch men Thanh Tùng làm chủ đầu tư tại khu đất quận Bình Tân với quy mô 4 tầng kèm hầm, chủ đầu tư đã cơi nới xây dựng thêm 24 phòng và nâng tổng số lên 72 phòng.

Công trình của ông Lưu Nguyên Quảng tại thửa đất 756, tờ bản đồ 49 thuộc phường Linh Đông, quận Thủ Đức đã xây dựng sai phép diện tích 1.426m2 và chia bên trong ra nhiều căn hộ.

Công trình đường 36, phường Linh Đông, quận Thủ Đức do ông Lê Thành Trí xây với diện tích sai phép 611m2. Biến căn nhà thành chung cư mini với nhiều căn hộ rao bán giá vài trăm triệu đồng/căn.

Sở Xây dựng TP cho biết sẽ phối hợp UBND quận Bình Tân và UBND quận Thủ Đức tiến hành cưỡng chế trong tháng 9/2020.

Triệt phá đường dây đánh bạc ở Củ Chi

Ngày 16/9, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP cho biết vừa triệt phá đường dây tổ chức đánh bạc do Nguyễn Thị Mỹ Loan (32 tuổi, ngụ xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi) cầm đầu. Báo Thanh Niên thông tin.

Theo đó, công an đã tạm giữ 30 người có liên quan trong đường dây này để điều tra về hành vi đánh bạc và tổ chức đánh bạc.

Trước đó, chiều 7/9, các trinh sát Đội 5 - PC02 ập vào căn nhà số 47C trên đường số 3 (ấp Xóm Mới, xã An Nhơn Tây) thì phát hiện nghi can Nguyễn Thị Mỹ Loan đang tổ chức đánh bài cào. Tại hiện trường, công an thu giữ 120 triệu đồng tiền mặt.

Tang vật công an thu giữ/ ẢNH: CÔNG AN CUNG CẤP
Tang vật công an thu giữ/ ẢNH: CÔNG AN CUNG CẤP

Theo PC02, từ tháng 8/2020, nghi can Loan đứng ra tổ chức sới bạc bằng hình thức đánh bài cào để thu tiền xâu. Chồng của Loan là nghi can Nguyễn Thanh Hòa (46 tuổi) cũng tham gia sát phạt với các con bạc. Hòa cũng có 4 tiền án về đánh bạc, tổ chức đánh bạc, hủy hoại tài sản.

Ngoài ra, trong đường dây này có 4 phụ nữ, một người đàn ông khác cũng có tiền án về đánh bạc và tổ chức đánh bạc, vận chuyển trái phép chất ma túy. Để đường dây này hoạt động, nghi can Loan thuê Nguyễn Hữu Hiệp (44 tuổi) và Nguyễn Văn Thọ (29 tuổi, cùng ngụ Củ Chi) giữ xe và canh cửa. Mỗi xe, Hiệp thu 5 ngàn đồng. Ngoài ra, Hòa còn cho thêm tiền công từ 200 đến 500 ngàn/ngày.

Hiện PC02 đang điều tra mở rộng đường dây đánh bạc này.

Chuẩn bị thi công nhiều dự án chống ngập khu Đông

Theo Báo Thanh Niên, ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM (Ban QLDA) đang trình phê duyệt chủ trương đầu tư một số dự án chống ngập cho khu vực phía Đông TP.

Cụ thể, trên địa bàn quận 2 có các dự án: cải tạo hệ thống thoát nước đường Thảo Điền - Quốc Hương - Xuân Thủy - Nguyễn Văn Hưởng (khu dân cư Thảo Điền); xây dựng hệ thống cống dọc gồm cống tròn có đường kính từ 800 mm đến 1500 mm và cống hộp từ 1,6mx1,6m đến 2,5mx1,6m đi dưới lòng đường; xây dựng hệ thống cống dọc đường kính 400 m, giếng tách dòng thu nước thải; xây dựng 4 trạm bơm (3 trạm công suất 3.500 m3/h, 1 trạm công suất 5.000 m3).

Bên cạnh đó, tái lập, hoàn thiện mặt đường, nâng cục bộ mặt đường tại các vị trí trũng thấp đến cao độ +1,70 m; xây dựng mới vỉa hè, bó vỉa và bó nền tại những vị trí nâng đường.

Tại quận 9, Ban QLDA sẽ thực hiện xây dựng hệ thống thoát nước đường Nguyễn Duy Trinh (đoạn từ đường 990 đến cầu Võ Khế) với tổng chiều dài 3,8 km; lắp đặt cống từ D800 - D1500 và tái lập phui đào, thảm nhựa mặt đường. Hệ thống thoát nước đường 8, phường Phước Bình cũng sẽ được cải tạo, nâng cấp, lắp đặt cống mới.

Đồng thời, xây dựng hệ thống thoát nước tại các tuyến đường Nguyễn Văn Tăng (đoạn từ đường Lê Văn Việt đến đường Nguyễn Xiển). Xây dựng hệ thống cống dọc, cống hộp và kết nối vào hệ thống cống hiện hữu trên đường Lê Văn Việt và thoát ra 2 rạch hiện hữu trên đường Nguyễn Văn Tăng tại vị trí Km1+327 và Km2+214; đường Số 1 (từ đường Đỗ Xuân Hợp đến đường Số 21).

Ngập nước đường Tô Ngọc Vân, P.Linh Đông, Q.Thủ Đức
Ngập nước đường Tô Ngọc Vân, P.Linh Đông, Q.Thủ Đức

Trên địa bàn quận Thủ Đức, dự án cải tạo hệ thống thoát nước Quốc Lộ 1A (từ Ngã tư Bình Phước đến Khu vực Đại học quốc gia) sẽ tiến hành với chiều dài 6,5 km; Cải tạo hệ thống thoát nước 1,2 km đường Linh Trung (từ đường số 11 đến đường Song hành Xa lộ Hà Nội) và 1,250 km đường thoát nước khu vực chợ Thủ Đức (Dương Văn Cam, Đặng Thị Rành, Kha Vạn Cân, Hồ Văn Tư).

Phần lớn các dựa án đang được trình phê duyệt chủ trương, thiết kế bản vẽ thi công, dự kiến triển khai vào cuối năm 2020 và trong năm 2021.

Khu vực phía đông TP.HCM gồm quận Thủ Đức, một phần quận 9 và huyện Củ Chi là nơi cao nhất TP với độ cao từ 20 - 30 m (so với cao độ chuẩn quốc gia), gấp 6 - 10 lần độ cao khu vực nội thành nhưng vẫn thường xuyên xảy ra tình trạng ngập lụt nghiêm trọng. Một số tuyến đường vừa mới được mở rộng, nâng cấp, chỉnh trang như đường Phạm Văn Đồng, Lê Văn Việt đã nhanh chóng trở thành điểm đen ngập nước trong những ngày mưa.

Tất bật xuyên đêm đổ bêtông ga ngầm Nhà hát Thành phố

Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cho biết ga ngầm Nhà hát Thành phố thuộc tuyến đường sắt metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) cơ bản đã hoàn thành. Các đơn vị phấn đấu hoàn tất những công đoạn cuối cùng tại nhà ga này chuẩn bị chờ đón đoàn tàu metro vận hành giữa lòng TP.

21 giờ tối 16/9, PV báo Tuổi Trẻ có mặt ở ga ngầm Nhà hát TP ngay thời điểm chuẩn bị đổ bêtông mặt đường ray. Tại công trường lúc này có khoảng 58 kỹ sư, công nhân chia làm các tốp hỗ trợ lẫn nhau. Trong đó có một tốp đang hò nhau kéo ống, thông bêtông, một tốp khác thì sẵn sàng để san bêtông ra các rãnh đường ray…

21h tối, 58 kỹ sư, công nhân chia làm các tốp chuẩn bị sẵn sàng cho việc đổ bêtông sàn ray đêm 16-9 - Ảnh: VĂN BÌNH
21h tối, 58 kỹ sư, công nhân chia làm các tốp chuẩn bị sẵn sàng cho việc đổ bêtông sàn ray đêm 16-9 - Ảnh: VĂN BÌNH

Đồng hồ điểm 21 giờ 30, một công nhân ra hiệu ống bêtông đã thông, lập tức các nhóm công nhân vào vị trí. Ai nấy đều tập trung cao độ để việc đổ bêtông được đảm bảo nhanh chóng, chính xác. Ống bêtông dài mấy chục mét, nặng trĩu phải cả 7-8 công nhân điều khiển mới được. Bêtông tràn ra tới đâu, một số công nhân theo sát dùng dụng cụ chuyên dụng sục khí trong bêtông và các rãnh khung ra giúp bêtông đặc, không bị rỗ kết cấu bên trong. Phía bên trên sàn nhà ga, tư vấn giám sát, nhà thầu phụ, nhà thầu chính có mặt giám sát kỹ lưỡng.

Có mặt tại công trường lúc này, anh Lê Thành Danh - kỹ sư hiện trường của nhà thầu chính Hitachi - cho biết do đặc trưng việc đổ bêtông trong hầm có nhiều hạn chế, chậm hơn đổ ở các phần hở, cho nên các đơn vị chỉ đổ bêtông trong hầm từ 21h đêm cho đến 5h sáng hôm sau. Bên cạnh đó, bêtông đổ cũng phải đảm bảo một số yêu cầu về kỹ thuật như phải dày, bệ bêtông luôn đảm bảo lớn hơn 150mm. Mọi thứ phải đảm bảo chính xác tuyệt đối để không ảnh hưởng đến vận hành tàu sau này.

Cũng theo anh Danh, cứ mỗi đêm thì sẽ đổ được khoảng 110m-120m bêtông đường ray, hiện nay các đơn vị đã hoàn thiện đoạn ray dài 400m/3km. Việc đổ bêtông ray trong hầm sẽ kết thúc vào tháng 11/2020.

Đường ống bêtông bắt đầu hoạt động, công nhân trên công trường ai về vị trí nấy để bắt đầu đổ mẻ bêtông đầu tiên - Ảnh: VĂN BÌNH
Đường ống bêtông bắt đầu hoạt động, công nhân trên công trường ai về vị trí nấy để bắt đầu đổ mẻ bêtông đầu tiên - Ảnh: VĂN BÌNH
Sau khi bêtông được đổ tràn ra sàn đường ray, sẽ có một tốp công nhân khác cân bằng bêtông, làm phẳng mặt sàn - Ảnh: VĂN BÌNH
Sau khi bêtông được đổ tràn ra sàn đường ray, sẽ có một tốp công nhân khác cân bằng bêtông, làm phẳng mặt sàn - Ảnh: VĂN BÌNH
Bữa ăn nhẹ bổ sung dinh dưỡng cho kỹ sư, công nhân phải làm việc trong hầm kín được nhà thầu chuẩn bị và trao tận tay công nhân - Ảnh: THU DUNG
Bữa ăn nhẹ bổ sung dinh dưỡng cho kỹ sư, công nhân phải làm việc trong hầm kín được nhà thầu chuẩn bị và trao tận tay công nhân - Ảnh: THU DUNG

Ca phẫu thuật tim kỹ thuật cao ở Bệnh viện quận Thủ Đức

Thông tin từ báo Người Lao Động, sáng 16/9, Bệnh viện quận Thủ Đức thực hiện thành công ca phẫu thuật bắt cầu mạch vành mà không sử dụng máy tim phổi nhân tạo.

Bệnh nhân là ông L.H.V (60 tuổi), bị đau thắt ngực do hẹp nặng 3 nhánh động mạch, chức năng co bóp tim kém, kèm theo những bệnh nền nguy hiểm gồm tăng huyết áp, đái tháo đường type 2, ung thư tụy đã phẫu thuật và hóa trị.

Sau khi hội chẩn, ê kíp bác sĩ quyết định tiến hành phẫu thuật bắt cầu động mạch chủ và động mạch vành. Đây là một trong những phẫu thuật kỹ thuật cao thường chỉ được thực hiện ở các trung tâm lớn về mổ tim của Việt Nam và trên thế giới. Suốt cuộc mổ, tim bệnh nhân vẫn hoạt động, không dùng máy tim phổi nhân tạo.

Các bác sỹ Bệnh viện Quận Thủ Đức phẫu thuật tim bắc cầu mạch vành không sử dụng máy tim phổi nhân tạo cho bệnh nhân. (Ảnh: TTXVN phát)
Các bác sỹ Bệnh viện Quận Thủ Đức phẫu thuật tim bắc cầu mạch vành không sử dụng máy tim phổi nhân tạo cho bệnh nhân. (Ảnh: TTXVN phát)

Theo PGS-BS Nguyễn Văn Phan, cố vấn chuyên môn Bệnh viện quận Thủ Đức, việc không sử dụng máy tim phổi nhân tạo sẽ rút ngắn thời gian mổ, hạn chế biến chứng với phẫu thuật tuần hoàn ngoài cơ thể nhiều. Sau mổ từ 5 đến 7 ngày, bệnh nhân có thể xuất viện.

Trước đây, các ca phẫu thuật mạch vành thường được sử dụng với sự hỗ trợ của máy tuần hoàn cơ thể và phải ngừng tim nên tỉ lệ biến chứng, tử vong sau khi mổ sẽ cao.

Vân Anh - Khang Minh - Huyền Mai

Tin cùng chuyên mục