Hội nghị bàn tròn TP. Hồ Chí Minh - Nhật Bản
Báo Sài Gòn Giải Phóng đưa tin: Ngày 17/12, tại khách sạn Rex đã diễn ra hội nghị bàn tròn giữa chính quyền TP. Hồ Chí Minh với cộng đồng doanh nghiệp (DN) Nhật Bản 2019, do Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP. Hồ Chí Minh phối hợp Hiệp hội DN Nhật Bản tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức.
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, nhấn mạnh Nhật Bản là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của TP trên nhiều lĩnh vực, là thị trường xuất nhập khẩu và là nhà đầu tư lớn tại TP. Chính quyền thành phố sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc, những ý kiến đóng góp của cộng đồng DN Nhật Bản vì lợi ích của các DN và sự phát triển chung, để TP. Hồ Chí Minh luôn là điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với DN Nhật Bản.
Cùng quan điểm trên, ông Kawaue Junichi, Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TP. Hồ Chí Minh, cũng đánh giá cao việc tổ chức hội nghị thường niên giữa lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh và DN Nhật Bản. Với hơn 1.000 DN Nhật Bản đang hoạt động và sinh sống tại TPHCM, hội nghị là nơi phản ánh những khó khăn trong hoạt động của cộng đồng DN, đề xuất các kiến nghị với chính quyền TP, từ đó tháo gỡ nhanh những vướng mắc cho DN, thúc đẩy kinh tế TP. Hồ Chí Minh phát triển.
Đây là hoạt động thường niên trong 18 năm qua nhằm hiện thực hóa chủ trương cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện môi trường đầu tư của thành phố, tạo thuận lợi cho hoạt động của các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Nhật Bản.
Lắp gần 22.000 “mắt thần” trị nạn xả rác
Ngày 17/12, TP. Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị sơ kết 01 năm thực hiện Chỉ thị số 19 ngày 19/10/2018 của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện cuộc vận động “Người dân Thành phố không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch và giảm ngập nước”.
Tại đây, khi bàn về giải pháp lắp camera giám sát, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho rằng chỗ nào cần giám sát thì phải lắp thêm camera. “Lần này lắp thêm được 21.900 camera giám sát toàn Thành phố, đáng trân trọng. Có nơi chúng ta tiếp nhận thêm tin nhắn điện thoại, tiếp nhận 12.000 tin và hơn 90% là xử lý tốt, đây là những giải pháp phù hợp. Thành phố cũng vận động được gần 90% tổ rác dân lập chuyển đổi hợp tác xã vào công ty” – Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nói.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Thành phố, cũng đánh giá rằng cuộc vận động đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng tích cực của người dân. Dù còn nhiều khó khăn nhưng bước đầu cuộc vận động đã tạo được sự chuyển biến tích cực về ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân Thành phố. Đó là hạn chế xả rác ra đường và kênh rạch, tích cực tham gia xử lý các điểm đen ô nhiễm môi trường.
(Theo báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh)
Kiểm tra 101 dự án ở 9 quận huyện sát sông Sài Gòn
Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh vừa có kế hoạch kiểm tra việc chấp hành quy định về quản lý, sử dụng hành lang sông Sài Gòn tại các dự án ở quận 1, 2, 4, 7, 12, Bình Thạnh, Thủ Đức và các huyện Củ Chi, Hóc Môn.
Theo kế hoạch, từ ngày 16/12 cho đến ngày 3/1/2020, các đoàn kiểm tra liên ngành sẽ rà soát lại việc sử dụng hành lang bờ sông, các loại giấy tờ pháp lý của 101 dự án đầu tư xây dựng (gồm 88 dự án đã được phê duyệt tiếp giáp bờ sông và 13 dự án đầu tư xây dựng nhà ở có hành lang bờ sông).
Sở Xây dựng TP yêu cầu các đoàn kiểm tra cần xử lý nghiêm các công trình, dự án vi phạm quy định về hành lang bờ sông, kênh rạch đã ban hành năm 2004 và chỉ thị số 09 (năm 2010) của UBND Thành phố để đề xuất chấn chỉnh, tăng cường và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với việc sử dụng hành lang sông Sài Gòn.
Trước đó, trao đổi với báo chí bên lề hội nghị Thành ủy sáng 29/11, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong cho rằng không thể để tồn tại tình trạng lấn chiếm sông, kênh rạch. Đề cập đến thông tin báo chí phản ánh về tình trạng lấn chiếm hành lang bảo vệ sông tại khu vực phường Thảo Điền, quận 2, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong khẳng định sẽ yêu cầu các cơ quan chức năng rà soát, kiểm tra báo cáo cụ thể từng trường hợp.
(Theo báo Tuổi Trẻ).
Nhiều giải pháp “trị” vi phạm xây dựng
Tình hình xây dựng không phép, sai phép trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đang giảm mạnh sau một thời gian thực hiện Chỉ thị 23-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy TP. Hồ Chí Minh (Chỉ thị 23). Các quận huyện đã có nhiều biện pháp hiệu quả, quyết liệt kéo giảm vi phạm trật tự xây dựng.
Điển hình, tại quận Tân Bình, sau 4 tháng triển khai Chỉ thị 23, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn quận giảm 71% so với 6 tháng đầu năm 2019. Tại huyện Nhà Bè, số vụ vi phạm trật tự xây dựng 3 tháng qua đã giảm 44% so với cùng kỳ.
Một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến người dân vi phạm trật tự xây dựng là thủ tục hành chính ở lĩnh vực này còn phức tạp.
Ông Đỗ Anh Khang - Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp cho biết: Chỉ thị 23 đã tạo hiệu ứng sâu rộng trên địa bàn, tác động mạnh đến từng người dân. Tuy nhiên, số vụ vi phạm có giảm so với năm trước nhưng việc xử lý các quyết định tồn đọng thời gian dài chưa được xử lý dứt điểm, tỷ lệ thi hành xong chưa cao. Ông Khang cho rằng nguyên nhân là do một số quy định của pháp luật chưa đầy đủ, chưa được điều chỉnh đồng bộ, bổ sung kịp thời.
Trong khi đó, một số biện pháp có hiệu quả cao trong việc ngăn chặn hành vi vi phạm trật tự xây dựng như lập biên bản và tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong thi công xây dựng theo thủ tục đơn giản; ngừng cung cấp điện, nước... lại chưa được pháp luật quy định.
Để xử lý triệt để các công trình xây dựng vi phạm, trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp mong muốn các cơ quan có thẩm quyền sớm sửa đổi, bổ sung quy định còn thiếu và chưa phù hợp với thực trạng quản lý trật tự xây dựng.
(Theo báo Sài Gòn Giải Phóng).
Đường Chiến Lược xuất hiện nhiều khe nứt
Báo Pháp Luật Thành phố đưa tin, Đường Chiến Lược chạy song song với kênh Chiến Lược qua phường Bình Trị Đông A (quận Bình Tân) thời gian gần đây xuất hiện nhiều khe nứt dọc giữa đường và ngày càng lan rộng ra.
Mặt đường Chiến Lược làm bằng bê tông, tại nhiều vị trí vật liệu không còn bám dính với nhau mà bị tách rời nên các vết nứt kế tiếp trở thành dạng chân chim và có xu hướng lan rộng. Vị trí sát bờ kênh đã thấp hơn mặt đường còn lại và hàngrào chắn có dấu hiệu nghiêng, sụt lún xuống dòng kênh. Trên diện tích rạn nứt cómột vết nứt đặc biệt nghiêm trọng rộng khoảng 30 cm và sâu tới hơn 10 cm.
Theo chị Lê Lan (ngụ quận Bình Tân), chính quyền cần nhanh chóng sửa chữa tuyến đường này vì “Nếu cứ để vậy thì có ngày chỗ nứt này sụt xuống kênh mất”.
Ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, cho hay tuyến đường dọc kênh Chiến Lược trước đây đầu tư chủ yếu cho xe thô sơ lưu thông. Tuy nhiên, các xe tải vẫn cố ý thường xuyên lưu thông qua đây để tránh kẹt xe từ đường Mã Lò. Các xe tải lưu thông ngày một nhiều nên đã gây áp lực lớn lên tuyến đường, làm lún nứt, mất an toàn khi lưu thông. Mặc dù quận đã cấm xe dưới năm tấn lưu thông vào tuyến đường này nhưng các cơ sở sản xuất, kinh doanh nằm trong các tuyến hẻm vẫn dùng xe chở hàng ra vào hẻm. Khi lực lượng giao thông túc trực thì họ tạm ngưng không lưu thông vào nữa.
Ông Nhựt cho biết, để hạn chế mức hư hỏng, quận đang tiến đến việc ra quân cấm xe tải đi vào đường Chiến Lược.
Năm 2019, TP. Hồ Chí Minh vận động 270.082 lượt người hiến máu tình nguyện
Phát biểu tại Lễ phát động hưởng ứng chiến dịch vận động hiến máu tình nguyện dịp Tết và Lễ hội Xuân hồng năm 2020 được tổ chức vào ngày 17/12, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP Trần Trường Sơn cho biết: Qua 12 kỳ tổ chức, Lễ hội đã thu hút hàng ngàn người đến đăng ký hiến máu tại các ngày hội, góp phần vận động hiến máu trong giai đoạn từ năm 1994 đến nay hơn 2,5 triệu người tham gia, đạt trên 2,9 triệu đơn vị máu.
Riêng năm 2019 (tính từ ngày 1/1 đến ngày 30/11/2019), thực hiện chỉ tiêu Ban Chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện giao, TP đã vận động được 270.082 lượt người hiến máu, đạt 337. 598 đơn vị máu.
Với thông điệp “Hiến giọt máu đào – Trao đời sự sống”, “Hiến máu đầu xuân – Nhân đôi hạnh phúc”, dự kiến Lễ phát động hưởng ứng chiến dịch vận động hiến máu tình nguyện dịp Tết và Lễ hội Xuân hồng năm 2020 diễn ra từ ngày 20/12 đến 1/3/2020, Ban chỉ đạo phấn đấu thực hiện 56.000 túi máu.
(Theo Trang tin điện tử Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh)
Đảm bảo nguồn hàng phục vụ Tết
Nhiều mặt hàng phục vụ cho thị trường Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đã được các hệ thống phân phối, chợ truyền thống bày bán đa dạng. Sức mua của người tiêu dùng cũng tăng nhẹ so với ngày thường dù còn hơn một tháng nữa mới đến Tết. Tại hệ thống siêu thị Co.opmart, Satra, Big C, cửa hàng tiện lợi, các mặt hàng bánh kẹo, mứt, trà, trái cây sấy khô, thạch, nước giải khát, bia… được doanh nghiệp bày bán đa dạng các loại cho đến xuất xứ, mẫu mã.
Để tăng sức mua, nhiều mặt hàng kèm theo quà tặng hoặc giảm giá sâu thực hiện từ nay đến hết 1/2020 như: hạt điều rang muối từ 210 ngàn đồng/hộp 440g giảm còn 188 ngàn đồng, hạnh nhân rang muối 217 ngàn đồng/hộp 440g giảm còn 184 ngàn đồng, dừa sấy giòn 44,5 ngàn đồng/hộp 120g giảm còn 38 ngàn đồng…
So với hệ thống siêu thị, nguồn hàng phục vụ Tết tại các chợ truyền thống cũng hết sức đa dạng, người mua có phần tấp nập hơn. Tại một số chợ Vườn Chuối (Q.3), Thị Nghè (Q.Bình Thạnh), An Đông (Q.5), Bình Tây (Q.6)… các loại hạt, bánh kẹo, thực phẩm khô được bày bán phong phú.
Theo kế hoạch của Sở Công thương Thành phố, các doanh nghiệp đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng cung ứng Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 rất tốt nhằm đảm bảo cung ứng đủ hàng cho người tiêu dùng trên địa bàn. Theo đó, dự trữ cung ứng cho 2 tháng Tết là 19.027,3 tỷ đồng, tăng 602,5 tỷ đồng (3,27%) so với năm 2019. Trong đó giá trị hàng hóa bình ổn thị trường là 7.244,9 tỷ đồng. Lượng hàng chuẩn bị tăng 14,6-17,3% so với năm 2019.
(Theo báo Giáo Dục TP. Hồ Chí Minh)
TP. Hồ Chí Minh: Thưởng Tết bình quân từ 1-2,2 tháng lương
Theo thông tin trên báo Lao Động, hiện nay Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố đang thống kê tình hình thưởng Tết nên chưa có số liệu cụ thể. Tuy nhiên, qua khảo sát thì năm nay, nhiều doanh nghiệp thưởng tết cho người lao động bình quân từ 1 đến 2,2 tháng lương.
Mức thưởng cao nhất tại Công ty TNHH PouYuen Việt Nam là 95 triệu đồng, ngoài ra đơn vị này sẽ tặng 3.000 vé xe cho công nhân về quê ăn Tết theo phương thức công ty trả 50% tiền vé, công đoàn trả 20% và người lao động trả 30%. Công ty Samho Việt Nam (huyện Củ Chi) cho biết mức thưởng bình quân là 1 tháng lương, thấp nhất là hơn 4,7 triệu đồng, mức cao nhất là 50 triệu đồng, đơn vị này cũng tặng 100 vé xe nghĩa tình cho các công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Tương tự, công ty Hansae Việt Nam có khoảng 7.500 người lao động được thưởng Tết một tháng lương, mức bình quân là 8 triệu đồng cho công nhân và 12 triệu đồng cho khối văn phòng. Một số công ty, như Công ty Nidec Việt Nam, ngoài thưởng 110% lương cơ bản cho người lao động, thì còn thưởng thêm phần chuyên cần ngày Tết dành cho những người đi làm đủ 1 tuần trước và sau Tết.