Tái thu phí cao tốc Trung Lương 1.000 đồng/km
Thông tin từ báo Pháp Luật TP.Hồ Chí Minh, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi kiểm tra dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Theo đó, Thủ tướng giao Bộ GTVT khẩn trương lập và triển khai phương án thu phí tuyến cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Trung Lương để khắc phục tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông.
Liên quan đến thu phí tuyến cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Trung Lương, Bộ GTVT đang lấy ý kiến dự thảo đề án thu phí tuyến đường này.
Theo đó, Bộ GTVT đề xuất mức thu phí cơ bản áp dụng trên tuyến cao tốc này là 1.000 đồng/km (bằng với mức thu trước ngày 31/12/2018). Nếu trừ chi phí thu, bảo dưỡng, dự kiến năm đầu tiên mức thu trên cao tốc này đạt khoảng 600 tỉ đồng. Toàn bộ số thu này sẽ được nộp ngân sách nhà nước để hoàn vốn đầu tư và phục vụ công tác bảo trì, sửa chữa các tuyến cao tốc.
Cũng theo Bộ GTVT, khó khăn hiện nay là Nhà nước đã thu phí sử dụng đường bộ theo đầu xe. Do đó, việc tổ chức thu phí thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc trên có thể dẫn đến phản ứng của một số người tham gia giao thông. Tuy nhiên, vấn đề trên có thể giải quyết bằng biện pháp tuyên truyền, đặc biệt người tham gia giao thông có quyền lựa chọn di chuyển trên tuyến quốc lộ 1 (không phải trả thêm phí) hoặc trả phí để sử dụng đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Trung Lương, đồng thời hưởng chất lượng dịch vụ và lợi ích cao hơn.
Đảm bảo bổ sung kiến thức cho học sinh do nghỉ học vì dịch bệnh
Theo báo Sài Gòn Giải Phóng, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Sở GD-ĐT TP vừa có văn bản hướng dẫn kế hoạch dạy học và hoạt động giáo dục đối với các trường THCS, THPT, trung tâm GDTX, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn TP.
Theo đó, các trường có trách nhiệm hướng dẫn giáo viên, học sinh tham khảo lịch phát sóng các bài học (do Bộ GD-ĐT phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam xây dựng) trên Kênh truyền hình giáo dục quốc gia (kênh VTV7 và một số kênh truyền hình trung ương khác) và các kênh truyền hình khác được công bố trên cổng thông tin của Bộ GD-ĐT (tại địa chỉ http://www.moet.gov.vn).
Riêng tại TP. Hồ Chí Minh, Sở GD-ĐT TP phối hợp với Đài truyền hình Thành phố tổ chức sản xuất và phát sóng các chủ đề kiến thức dành cho khối 9 và khối 12 trên sóng HTV với lịch phát sóng được thông báo trên cổng thông tin của Sở GD-ĐT TPHCM (http://www.hcm.edu.vn).
Sở GD-ĐT cũng chỉ đạo các cơ sở trường học chủ động, linh hoạt trong xây dựng kế hoạch thực hiện nội dung chương trình học kỳ 2 năm học 2019 - 2020 phù hợp với khung thời gian dạy học thực tế của TP trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh; khuyến khích giáo viên tăng cường các hình thức, phương pháp dạy học, hoạt động giáo dục tăng cường khả năng tự học, tự nghiên cứu của người học; xây dựng chủ đề dạy học trực tuyến qua mạng để hỗ trợ học sinh học tập tại nhà, các chủ đề cần được xây dựng và quản lý chặt chẽ theo đúng quy định và lợi ích chung của người học.
Khoanh vùng, cách ly khu vực có người nhiễm bệnh
Cũng trên báo Sài Gòn Giải Phóng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết, sau khi nhận được thông tin 3 ca tại TP. Hồ Chí Minh nhiễm Covid-19 (bệnh nhân thứ 64 - 65 - 66), đơn vị đã phối hợp các lực lượng chức năng trên địa bàn quận 7, 8 và Gò Vấp, dựng hàng rào cách ly, khử trùng y tế và hạn chế đi lại ở khu vực người mắc bệnh sinh sống...
Ông Nguyễn Nha Kha, Chánh Văn phòng UBND quận 8, cho biết đã triển khai cách ly, khử khuẩn nơi bệnh nhân thứ 64 N.H.C. lưu trú (số 119B/39A Nguyễn Thị Tần) và các hộ lân cận (khu vực 2 hẻm 119B và hẻm 47 Nguyễn Thị Tần, phường 2).
UBND phường 2 tổ chức phát khẩu trang, nước khử khuẩn; động viên bà con nơi cách ly và xung quanh không hoang mang. 17 hộ, 71 người dân khu vực được địa phương hỗ trợ thực phẩm, đảm bảo điều kiện sinh hoạt. Lực lượng chức năng xác định có 9 trường hợp F1 được chuyển đến khu cách ly tập trung ở Cần Giờ; 40 trường hợp F2 và 14 trường hợp F3 được hướng dẫn cách ly tại nhà.
Ông Nguyễn Chí Kiên, quyền Chủ tịch UBND phường 7, quận Gò Vấp, cho biết, lực lượng chức năng phường 7 phối hợp HCDC khử trùng, phong tỏa hẻm 248 Phạm Ngũ Lão, nơi ở của bệnh nhân thứ 65 N.T.M.P. và cách ly người trong 6 căn nhà gần nơi ở bệnh nhân. Hơn 30 người trong hẻm cũng được lấy mẫu xét nghiệm. Trong thời gian cách ly, phường 7 sẽ cung cấp cho bà con bị cách ly đầy đủ vật dụng, đồ ăn, nước uống...
Đến chiều 17/3, lô A, lô B chung cư Park View trên đường Nguyễn Đức Cảnh, quận 7, nơi cư trú của bệnh nhân thứ 66, đã được phong tỏa do cơ quan chức năng xác định nữ du học sinh 21 tuổi, vừa từ Mỹ về, dương tính Covid-19. Xung quanh khu vực chung cư đã dựng hàng rào chắn. Các cửa hàng ở tầng trệt đều đóng cửa.
Một số cư dân đặt mua thực phẩm, hàng hóa online được công an, bảo vệ nhận dùm rồi chuyển lên tận căn hộ. HCDC đã phun thuốc khử khuẩn, điều tra những người liên quan, lấy mẫu xét nghiệm. Quận 7 cũng thành lập 15 đoàn vào từng căn hộ để vận động người dân tự cách ly, chấp hành các quy định về phòng dịch...
Hỗ trợ dung dịch khử khuẩn cho chung cư Hòa Bình
Báo Tuổi Trẻ đưa tin: 253 bình dung dịch khử khuẩn Anolyte (5 lít/ bình) đã được Thành đoàn Thành phố (TP) chuyển đến tặng chung cư Hòa Bình (nơi bị cách ly do có người nhiễm COVID-19) tại phường 14, quận 10. Đây là số dung dịch được dùng để xịt khuẩn chung cư và tặng các hộ dân tại đây (5 lít/ hộ) dùng để sát khuẩn, phòng chống dịch COVID-19.
Phó Bí thư Thành đoàn TP Ngô Minh Hải cùng đại diện Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ đến tặng cho bà con tại chung cư. Các bạn trong đội hình tình nguyện đã hướng dẫn bà con cách pha dung dịch này với nước theo tỉ lệ khác nhau dùng cho các mục đích sử dụng khác nhau.
Dung dịch sát khuẩn Anolyte được chính các nhà khoa học trẻ trong chương trình Trí thức khoa học trẻ tình nguyện TP nghiên cứu và sản xuất. Tính đến nay, đã cung cấp hoàn toàn miễn phí trên 25.300 lít dung dịch cho 688 đơn vị (trường học, mái ấm, nhà mở, trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi khuyết tật…) trên toàn TP, mỗi đơn vị nhận tối đa 30 lít.
Người dân cần thêm thông tin để giám sát
Theo báo Thanh Niên, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc người dân tham gia giám sát công tác phòng chống, phát hiện ca nghi nhiễm hay người về từ vùng dịch là cần thiết. Tuy nhiên, để làm tốt công tác này, người dân cần thêm thông tin từ cơ quan chức năng.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng ban Quản trị chung cư Khang Gia Tân Hương (P.Tân Quý, Q.Tân Phú) - nơi mà ngày 10/3 người dân chung cư trình báo 1 cặp vợ chồng từ Italia về nhưng lọt kiểm dịch ở sân bay Tân Sơn Nhất, sau đó nhân viên y tế đưa vợ chồng người này đi cách ly tập trung - kể, việc phát hiện chỉ là “may mắn”, bởi hàng xóm của cặp vợ chồng trên biết được gia đình này có con ở Italia và trước khi xuất cảnh hai vợ chồng có khoe với mọi người.
Khi Ban quản trị chung cư tiếp nhận thông tin cũng phải rà soát, sàng lọc lại rồi mới báo cho phường, không phải nhận thông tin nào cũng báo ngay bởi nhiều trường hợp vì lo sợ mà người dân hoang tin. Từ thực tế trên, ông Hùng đề nghị cơ quan chức năng cần cung cấp thông tin cơ bản của người về từ vùng dịch, lịch trình di chuyển... để người dân giám sát. Bên cạnh đó, các nhân viên tại cửa khẩu phải kiểm tra kỹ hành khách từ vùng dịch về phải cách ly ngay, còn cư dân chỉ là chốt chặn thứ 2 khi người này về địa phương sinh sống.
Cùng với việc kêu gọi người dân giám sát, sự vào cuộc nhanh chóng của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và người dân cũng mang lại hiệu quả khá cao trong việc truy tìm hành khách, người tiếp xúc với ca bệnh Covid-19 vừa qua ở TP.
Theo một lãnh đạo UBND quận 7, danh sách hành khách trên các chuyến bay có người nhiễm Covid-19 TP gửi xuống thì quận triển khai cho phường, phường triển khai đến khu phố, không thông báo ra ngoài. Nếu không có địa chỉ cụ thể thì thông báo để nếu có hành khách nào ở địa phương thì tự giác khai báo. Đến nay quận truy tìm đạt hiệu quả trên 90% và giám sát tốt các trường hợp F1, F2.
Đề xuất gỡ khó cho doanh nghiệp bất động sản
Vietnamplus đưa tin: Chiều 17/3, Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bổ sung doanh nghiệp bất động sản là đối tượng được xem xét gia hạn 5 tháng đối với tiền thuế giá trị gia tăng của tháng 3-6/2020 vào dự thảo Nghị định của Chính phủ về gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Cùng đó, HoREA đề nghị Chính phủ xem xét chỉ đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho phép gia hạn 5 tháng đối với tiền nợ bảo hiểm xã hội đối với doanh nghiệp bất động sản.
HoREA cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét, chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho giãn tiến độ trả nợ vay tín dụng và không chuyển nhóm nợ (xấu hơn) đối với những khoản nợ đến hạn của doanh nghiệp; trong đó có doanh nghiệp bất động sản.
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA, giai đoạn thị trường trầm lắng và khó khăn hiện nay cũng chính là cơ hội để doanh nghiệp bất động sản tái cấu trúc theo hướng tinh gọn, hiệu quả; tái cơ cấu đầu tư, cơ cấu lại sản phẩm chủ lực, coi trọng phát triển sản phẩm nhà ở vừa túi tiền, nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu thực của đông đảo người tiêu dùng.
HoREA đề nghị các doanh nghiệp bất động sản tùy khả năng, tham gia đóng góp hưởng ứng “Lễ phát động toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19."
Chợ đầu mối Bình Điền đóng cửa trong mùa dịch COVID-19 là tin giả
Đó là nội dung được phản ánh trên báo Tuổi Trẻ. Theo đó, Chợ đầu mối Bình Điền (Q.8), một trong ba chợ đầu mối của TP.Hồ Chí Minh có quy mô lớn và là chợ duy nhất kinh doanh đa ngành hàng từ thủy hải sản đến thịt súc sản, rau củ, trái cây, hoa tươi... bị đồn sẽ đóng cửa trong những ngày qua.
Theo bà Trần Thúy Liên, Giám đốc Công ty quản lý và kinh doanh chợ Bình Điền, các tin đồn như chợ đóng cửa trong vài ngày, hàng hóa, xe, người từ vùng dịch sẽ không được vào chợ... đang gây hoang mang, ảnh hưởng đến tâm lý cũng như việc kinh doanh của bà con.
Tin đồn thất thiệt đóng cửa chợ Bình Điền trong thời điểm dịch COVID-19 cũng đã ảnh hưởng tâm lý đến bạn hàng của thương nhân ở các chợ lớn nhỏ khác trong TP, cũng như tại một số tỉnh, thành lân cận.
"Đến nay, công ty chưa hề nhận được chủ trương nào về việc tạm ngưng kinh doanh ở bất kỳ ô vựa nào trong chợ. Vì vậy, tin đồn trên là hoàn toàn bịa đặt", bà Trần Thúy Liên khẳng định.
Chợ vẫn sẽ hoạt động kinh doanh bình thường, trường hợp có thông tin mới sẽ báo trực tiếp cho bà con thương nhân.
Chàng trai “biến” rác thải nhựa thành tranh
Quyết định từ bỏ công việc của một kỹ sư hóa học để chuyển sang làm tranh từ rác thải nhựa, chàng trai Nguyễn Phú Quý Thành (sinh năm 1993, quận Tân Bình) đã sáng chế ra hàng trăm bức tranh độc đáo mang thông điệp về môi trường. Nội dung bài viết được báo Giáo Dục TP đăng tải.
Cơ duyên đến với anh trong một lần cùng nhóm bạn đi ăn tại một nhà hàng. “Lúc đó tôi vô tình nhìn thấy được nhiều bức tranh làm từ nhựa rất đẹp và ý nghĩa, nhưng khi tìm hiểu sâu hơn, tôi mới biết ở Việt Nam dòng tranh này chưa được phổ biến và cũng không có nơi đào tạo cho người học. Do đó tôi muốn làm điều gì đó đặc biệt, ít ai làm” - Thành chia sẻ.
Với mong muốn cổ vũ, động viên mọi người cùng nhau chống dịch Covid-19, mới đây, Thành đã nghiên cứu, sáng tạo ra 3 bức tranh vô cùng độc đáo. Trong đó, có bức tranh “Tay lồng tay”, bàn tay nhỏ được lồng trong bàn tay lớn như hai người đang bắt tay có ý nghĩa là cùng nhau loại bỏ dịch.
Thành cho biết, để làm được tranh này cần phải có sự kiên nhẫn, tỉ mỉ, óc sáng tạo và quan trọng nhất là phải thật sự yêu thích để hiểu được ý nghĩa nó mang lại. Và công đoạn khó nhất là phối màu sắc cũng như là phải nghiên cứu dán nút làm sao để mang lại thẩm mỹ đẹp nhất cho bức tranh, đó chính là sự sáng tạo mà không có cuốn sách nào hay một ai có thể chỉ dạy được.
May khẩu trang y tế phòng dịch
Những ngày này, tại Trung tâm y tế huyện Bình Chánh, 8 - 9 giờ tối vẫn còn nghe tiếng máy may hoạt động. Ở đấy, những đoàn viên của trung tâm này dành thời gian nghỉ ngơi sau một ngày làm việc để cùng nhau may khẩu trang. Đó là nội dung trên báo Thanh Niên.
Ngay từ đầu tháng 2, trước thực trạng khẩu trang y tế đang rất khan hiếm, Đặng Thị Thanh Ngân, Bí thư Đoàn của trung tâm, bắt đầu nghiên cứu để xem trong khẩu trang y tế gồm những thành phần gì và dựa trên cơ sở đó để thực hiện việc may khẩu trang.
Để làm được khẩu trang trong giai đoạn này, theo Ngân, công đoạn tìm kiếm nguyên vật liệu là vô cùng khó khăn. Chính vì thế, nhóm đã sáng tạo ra nhiều nguồn nguyên vật liệu thay thế.
Ban đầu, các đoàn viên tìm kiếm nguồn để mua lớp vải không dệt chống thấm nước làm lớp ngoài cho khẩu trang, nhưng để chống được dịch tiết tối đa nhất, các bạn quyết định làm 2 lớp vải không dệt. Lớp ở trong, do vải lọc thấm hút ẩm chuyên dụng và lớp vải lọc kháng khuẩn rất khó để mua nên nhóm đã dùng 2 phương án để thay thế là lớp bông gòn hoặc lớp vải màng lọc không thấm nước.
Để đẩy nhanh tiến độ, mỗi đoàn viên chia nhau một khâu. Người đo cắt, xếp vải, người đảm nhận nhiệm vụ may cố định nếp gấp, bạn thì may hoàn thiện, rồi một nhóm sẽ đóng gói, hấp tiệt trùng.
Cũng theo Ngân, trên địa bàn huyện hiện nay có 2 khu cách ly, vừa làm sao để cung cấp đủ khẩu trang cho người được theo dõi, vừa cung cấp khẩu trang cho nhân viên y tế nên các đoàn viên đang làm việc hết công suất, tranh thủ làm cả ban đêm.
Ngoài việc may khẩu trang, ngay từ đầu mùa dịch, các đoàn viên đã kết hợp với khoa dược của trung tâm để pha chế nước rửa tay khử khuẩn phát miễn phí cho các xã, trạm y tế, khu vực cách ly và các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn huyện. Đội còn đến từng nhà dân để tuyên truyền cách phòng chống dịch.
Đặc biệt hơn, đội hình áo xanh của trung tâm là lực lượng đi đầu trong việc theo dõi, đón hành khách ở sân bay về khu vực theo dõi cách ly, tham gia trực chiến 24/24, phục vụ từ khâu ăn uống, sinh hoạt, vệ sinh môi trường, khử khuẩn ở các khu cách ly.